“Ngoạm” cả nhà vệ sinh và câu chuyện quan tham ăn bẩn

Chúng tôi tham khảo giá trung bình để xây dựng một nhà vệ sinh công cộng, thì được một nhà thầu xây dựng tại Việt Nam liệt kê như sau: Với nhà vệ sinh công cộng, thời gian thi công sẽ kéo dài từ 5-7 ngày và chi phí nhân công cũng sẽ rơi vào tầm 5-7 triệu đồng. Chi phí mua gạch ốp tường sẽ giao động từ 1-3 triệu đồng. Chi phí xây bể phốt khoảng 2-3 triệu đồng. Bồn cầu giá khoảng 2,5 triệu đồng. Lavabo khoảng 1 triệu đồng. Tổng hợp tất cả các khoản chi phí, xây một nhà vệ sinh dao động từ khoảng 10,5-25 triệu. Nếu nhận thầu một nhà vệ sinh công cộng là 50 triệu đồng thì đấy đã là một hợp đồng béo bở.

Ở cơ sở, ngoạm cả nhà vệ sinh

Đấy là nhận xét của một nhà thầu tư nhân. Để khách quan, chúng tôi khảo sát những nhà thầu nhỏ, thường xây những căn nhà phố nhỏ lẻ, chứ không khảo sát giá của những nhà thầu chuyên nhận công trình nhà nước. Bởi chúng tôi biết, những nhà thầu nhận công trình nhà nước, đặc biệt là dạng được chỉ định thầu, thì thường được nhận giá rất cao. Trong giá cao đấy, họ không ăn một mình, mà họ phải lại quả cho người đã chỉ định thầu cho họ. Đó là trò bắt tay rút ruột công trình.

Khi được chúng tôi hỏi về trường hợp Ủy ban Nhân dân xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, xây 8 nhà vệ sinh cấp 4, với giá 200 triệu đồng/căn, thì nhà thầu này nói, trong vụ này, có thể quan chức đã được lại quả khoảng 1,2 tỷ đồng, trong tổng số 1,6 tỷ được duyệt. Người này giải thích thêm, quan chức họ giỏi lắm, họ biết giá thật của công trình bao nhiêu. Với hợp đồng này, giá chỉ tầm 25 triệu/căn là có nhà thầu nhận. Vậy nên, cùng lắm thì nhà thầu cũng chỉ nhận được 50 triệu/căn. Trong đó, 25 triệu là chi phí xây dựng, và 25 triệu kia xem như là phí “bịt miệng”. Đó là những gói thầu béo bở, không phải ai cũng chen chân vào nhận được.

Năm 2016, Hà Nội cũng vẽ dự án cắt cỏ hàng trăm tỷ

Ăn lại quả từ 75 đến 80% giá trị hợp đồng là con số kinh khủng. Con số này không cường điệu chút nào, mà thực tế đang diễn ra như thế. Còn nhớ, năm 2016, cộng đồng mạng đã phản ứng mạnh mẽ về kinh phí mà Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội duyệt để cắt cỏ, lên đến hơn 800 tỷ đồng. Sau đó, thấy không thể qua mặt được người dân, nên chính quyền thành phố giảm xuống còn 178 tỉ đồng, mà khối lượng công việc không giảm. Tức là, trong dự án này, quan chức có thể nhận lại quả đến 78% tổng giá trị hợp đồng. Những chuyện như thế này cứ hằng ngày diễn ra, và rất ít vụ trong số đó bị phát hiện.

Các đây 10 năm, bà Nguyễn Thị Doan, lúc đó là Phó Chủ tịch nước, đã phải thốt lên rằng, “Tiền của các cháu dân tộc thiểu số còn bị biển thủ đến gần 3 tỷ đồng, liều vacxin tiêm cho một cháu, lại san ra tiêm cho hai cháu… Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”. Đó là lời nhận xét của một quan chức Cộng sản, một Phó Chủ tịch nước, chứ chẳng phải “phản động vu khống”. Bản chất của chế độ này là vậy, là ăn của dân không chừa một thứ gì.

Mơi đây, chính quyền thành phố Hà Nội lập dự án làm lại Hệ thống thủy văn thời An Dương Vương và Điện Kính Thiên thời nhà Hậu Lê (đã bị nhà Nguyễn phá bỏ). Dự án này có tổng kinh phí lên đến 3.280 tỷ đồng. Điều đáng nói ở đây là, những đồ giả chẳng để làm gì, mà lại tốn cả núi tiền. Tuy nhiên, theo một số người thạo tin cho biết, đây là dự án vẽ, họ vẽ ra để kiếm tiền lại quả bỏ túi. Còn sau đó, dự án này có bỏ hoang thì họ cũng không quan tâm.

Một Viện bảo tàng trị giá 2.300 tỷ đồng với hình dáng kim tự tháp cắm đầu xuống đất, với dân là công trình vô dụng. Nhưng với quan chức hiện nay, họ lại thấy, quan chức tiền nhiệm của họ hưởng quá nhiều ở công trình này. Nay họ không vẽ ra công trình nào đó để kiếm chác, thì xem ra, họ thua tiền nhiệm. Và đó là lý do mà những công trình vô bổ cứ mọc lên.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://noithatrakhoi.com/xay-nha-ve-sinh-het-bao-nhieu-tien.html