Link Video: https://youtu.be/tYGwEAgJxWE
Ngày 6/4, Toàn quyền Australia David Hurley và phu nhân đã kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 3 đến ngày 6/4. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ nước ngoài tới Việt Nam trong năm 2023, và đây cũng là quốc khách đầu tiên mà Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đón tiếp trên cương vị mới. Chuyến thăm còn mang nhiều ý nghĩa biểu tượng với kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973 – 2023).
RFA Tiếng Việt ngày 10/3 đã có bài bình luận về những sai sót trong nghi lễ ngoại giao của ông Thưởng khi đón tiếp ông Hurley.
Theo đó, bài bình luận đã nêu ra hai lỗi lớn của Bộ Ngoại giao trong việc chuẩn bị nội dung cho ông Thưởng khi đón vợ chồng Toàn quyền Australia.
Lỗi đầu tiên là trong tờ trình lên Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Ngoại giao đã không loại bỏ ý tưởng của tân Chủ tịch Võ Văn Thưởng (nếu có), khi yêu cầu Toàn quyền David Hurley xử lý “những người chống phá” Việt Nam từ nước ngoài.
Lỗi thứ hai là, nếu không có ý tưởng này trong tờ trình, thì Bộ Ngoại giao phải đánh tiếng cho Ban Tuyên giáo chỉ đạo cho các tờ báo, phải ngay lập tức phản bác và “giải cứu” tân Chủ tịch nước.
Ông David Hurley đã thăm các địa điểm quan trọng tại Việt Nam như Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ, vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Theo tin của RFA, tân Chủ tịch Võ Văn Thưởng đã đề nghị Australia xử lý “những người chống phá” Việt Nam từ nước ngoài. Bài viết đặt câu hỏi: “Tại sao không có tờ báo nào trong nước công khai cho dư luận bên trong và bên ngoài Việt Nam biết được lập trường của chính quyền Hà Nội, về việc không cho phép bất kỳ ai trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài đóng góp ý kiến hay phản biện đối với các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước?”
“Chúng ta không biết tân Chủ tịch Thưởng đã đưa ra yêu cầu như thế nào. Báo chí cần làm rõ được tư tưởng chủ đạo của ông, rằng dù ông là Chủ tịch mới, nhưng không thể ngây ngô với luật pháp quốc tế. Tân Chủ tịch không thể đòi các chính phủ dân chủ phải “trục xuất” hoặc bắt đem giao nộp những người đấu tranh vì tự do và nhân quyền cho những chính phủ như Chính phủ Hà Nội, vốn đã khét tiếng về các thành tích đàn áp các nhà hoạt động xã hội.”
Ngay trong ngày đầu trong chuyến công du Hà Nội của Toàn quyền David Hurley, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) tại Australia đã ra thông cáo, kêu gọi Toàn quyền Hurley phải nêu ra với giới lãnh đạo Việt Nam các quan ngại về những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, cả công khai lẫn trong các cuộc gặp riêng.
Theo bà Daniela Gavshon, Giám đốc HRW, việc thảo luận về tình trạng của hơn 160 người bị bỏ tù, chỉ vì ôn hòa thực thi các quyền con người, là thật thiết yếu. Toàn quyền Hurley cần phải thúc giục Chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù chính trị.
Khi được báo chí Canberra quan tâm đến phóng sự nói về yêu cầu của ông Thưởng đối với ngài Hurley, người phát ngôn của Văn phòng Chính phủ Australia đã không trực tiếp trả lời câu hỏi, liệu ông Hurley có nêu ra trường hợp của ông Châu Văn Khảm để đáp lại hay không.
Sau chuyến công du Việt Nam của Toàn quyền Hurley, vòng “Đối thoại Nhân quyền Việt – Australia” lần thứ 18 sẽ được tiến hành ở Hà Nội vào cuối tháng tư này.
Bài bình luận cũng nêu thêm về các sự kiện nhân quyền liên quan, trong thời gian gần đây.
Theo đó, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã nêu vụ việc của ông Châu Văn Khảm lên các cấp cao nhất của Chính phủ Việt Nam. Phái đoàn Dân biểu Quốc hội Châu Âu thuộc Phân ban Nhân quyền cũng viếng thăm Việt Nam và kêu gọi Việt Nam trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm, kể cả lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ (NGO), nhà báo và nhà hoạt động bảo vệ môi sinh.
Lưỡng viện Hoa Kỳ cũng sẽ thăm Việt Nam vào cuối tuần này và tuần sau, với mục đích thúc đẩy quan hệ song phương và quan hệ đa phương với các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó sẽ nêu vấn đề nhân quyền và sự gây hấn của Trung Quốc. Các nhà lập pháp sẽ tham dự hơn 35 cuộc họp với các quan chức Chính phủ Việt Nam và các nhà lãnh đạo ASEAN, cùng với đại diện của các tổ chức xã hội dân sự và giám đốc điều hành doanh nghiệp.
Quang Minh – Thoibao.de
>>> Luật pháp Trung Quốc nương tay với những kẻ buôn người khiến dân chúng phẫn nộ
>>> Đảng phải đi một đường ngoằn nghèo về ngoại giao trong cục diện phân cực mới của thế giới
>>> Cơ quan giám sát cho thuê hàng không đưa ra cảnh báo về Việt Nam sau tranh chấp máy bay
>>> Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ảm đạm, liệu chính quyền có thể tìm ra giải pháp để vực dậy?
Trung Quốc gây sức ép, Nga có nhượng bộ trên Biển Đông?