Thủ tướng Phạm Minh Chính khánh thành cái Lờ “siêu to khổng lồ” chứa ngàn người ở Nha Trang

Mấy ngày nay, cả báo chí và mạng xã hội rùm beng cái nhà hát ở Nha Trang mới khánh thành, có tên là ĐÓ.

Cái đó là một ngư cụ, có nơi gọi nó là cái lờ, có nơi gọi là cái đó, và có nơi gọi là dẹp. Dụng cụ này rất quen thuộc với nông dân mùa nước nổi. Họ mang nó ra đồng, đặt vào đường đi của cá, thế là cá chui vào mà không thể thoát ra được. Dụng cụ này thường ngày nay không còn mấy ai sử dụng, vì nó không thể sánh bằng các dụng cụ đánh bắt hiện đại mang tính tàn sát.

Được biết, Nhà hát Đó ở TP. Nha Trang có tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng, được kỳ vọng là biểu tượng mới trong lĩnh vực văn hóa, du lịch của tỉnh Khánh Hòa.  Ngày 1/4, ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Việt Nam đến tham dự lễ khánh thành nhà hát này.

Có nơi gọi dụng cụ này là cái lờ, có nơi gọi là cái đó

Nhà hát Đó được xây dựng ở khu vực Bãi Tiên, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang, lấy cảm hứng từ cái lờ – dụng cụ đánh bắt cá dân gian của người Việt theo phương thức truyền thống nông nghiệp lúa nước. Công trình được xây dựng bởi hệ thống cơ khí, kỹ thuật sân khấu, âm thanh ánh sáng nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu, đáp ứng tiêu chuẩn về trình diễn nghệ thuật đẳng cấp quốc tế.

Đây là công trình lắm kẻ khen nhiều kẻ chê, chê hay khen tùy vào quan điểm của từng người. Tuy nhiên, có vẻ như, người ta tránh từ Lờ dễ gây nhiều hiểu lầm, nên họ dùng từ Đó. Công trình này được làm thêm một cái khung khổng lồ có hình cái lờ, có vẻ như họ cố tạo ra một vẻ bề ngoài mang tính gần gũi với ngư cụ của văn hóa lúa nước.

Việc xây dựng các nhà hát ở Việt Nam đã là đề tài làm dậy sóng mạng xã hội nhiều năm nay. Trước đây, chính quyền TP. HCM đã có ý định xây dựng Nhà hát Thủ Thiêm với kinh phí 1.500 tỷ đồng, trên vùng đất mà chính quyền đã cướp của người dân nghèo Thủ Thiêm.

Về dự án xây Nhà hát Thủ Thiêm, có ý kiến cho rằng, hầu hết nhân dân ta chưa đủ khả năng thưởng thức và cảm nhận dòng âm nhạc bác học, nên sẽ rất lãng phí. Trong khi đó, nhiều nơi của thành phố ngập úng, nhiều nơi kẹt xe. Hạ tầng thành phố xuống cấp không lo, đi lo xây nhà hát. Việc xây nhà hát rõ ràng là chỉ bỏ phí, vì dân đâu cần những món ăn tinh thần cao cấp mà giới ca sĩ nhạc sĩ phổ thông chưa chắc gì đã đủ khả năng thưởng thức. Vậy thì xây để làm gì?

Thực ra, thành phần đưa ra chủ trương, họ cũng chẳng có trình độ mà thưởng thức nhạc bác học, nhưng họ vẽ dự án là để làm giàu. Có dự án thì mới hút được nguồn vốn ngân sách, khi nguồn vốn chi ra để xây dựng, thì họ nhận lại quả. Sau khi bỏ túi khoản lại quả kha khá thì xây xong bỏ hoang họ cũng chẳng quan tâm.

Hồi tháng 8 năm ngoái, chính quyền Hà Nội dự trù cho xây dựng Nhà hát Opera, dự định xây tại khu vực Đầm Trị nằm sát Hồ Tây, thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ. Nhà hát Opera Hà Nội dự kiến có quy mô 1.800 chỗ ngồi, gấp ba Nhà hát Lớn Hà Nội, xấp xỉ nhà hát Esplanade ở Singapore.

Ông Phạm Minh Chính khánh thành nhà hát Đó ở Nha Trang

Tuy nhiên, dự án này cũng bị nhân dân phản đối mạnh mẽ, vì lẽ nó không đem lại lợi ích. Thành phố Hà Nội có Nhà Hát Lớn đã là quá đủ, dân có nhu cầu thưởng thức thứ nghệ thuật cấp cao đâu mà phải xây dựng tốn kém, lại phá vỡ cảnh quan.

Chính quyền Cộng sản thường hay bày vẽ để có dự án mà “xơ múi”, chứ họ không bao giờ vì dân mà cân nhắc xem dự án nào có lợi cho dân và dự án nào vô dụng. Ở các nước phương Tây, đó là nơi sinh ra loại hình nhạc bác học, dân họ có truyền thống và có trình độ để thưởng thức. Còn dân ta, lo hạ tầng cơ sở, lo hạ tầng xã hội cho tốt đi đã, rồi mới tính tới thức ăn tinh thần cao cấp cho người dân. Công trình nhà hát, có rất nhiều tranh cãi về tính hữu dụng của nó.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://vnexpress.net/khanh-thanh-nha-hat-400-ty-dong-o-khanh-hoa-4588259.html