Siêu dự án của Nguyễn Thanh Nghị chưa hình thành, tiêu cực đã nhú lên

Dự án một triệu căn nhà giá rẻ cho người có thu nhập thấp của ông Nguyễn Thanh Nghị, có thể được gọi là “siêu dự án”. Thực ra, nếu dự án này ở trong tay một nhà làm chính sách tại các nước dân chủ, thì chẳng phải khó khăn gì, nhưng mà ở Việt Nam có thể được gọi là “siêu dự án”, vì nó vượt tầm của cả bộ máy chính quyền Cộng sản. Bộ máy biến mọi chính sách dù tốt đẹp đến đâu cũng trở thành thảm họa.

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Mới đây, trang Batdongsan.com.vn thực hiện một cuộc khảo sát về giá nhà đất, thì thấy, giá rao bán trung bình các loại hình nhà ở Hà Nội hiện nay là 22,8 tỷ đồng/căn với nhà mặt phố; 17,8 tỷ đồng/căn với biệt thự; 6,3 tỷ đồng/căn với nhà riêng; và 3,1 tỷ đồng/căn đối với căn hộ chung cư. Trang này tính toán ra, với mức thu nhập ước tính hiện nay, và nếu để dành toàn bộ thu nhập để mua nhà, thì người dân tại Hà Nội và TP. HCM phải mất 169 năm để mua được một căn nhà mặt phố, mất hơn 20 năm để mua một căn hộ chung cư.

Vấn đề là cách quản lý, điều hành kinh tế xã hội của Đảng Cộng sản quá yếu kém, để xảy ra hiện tượng đất đai bị thổi giá cao ngất trời, vượt xa tầm với của người có thu nhập trung bình, chứ đừng nói gì đến người có thu nhập thấp. Hiện nay, loại nhà dưới 2 tỷ đồng/căn gần như đã tuyệt chủng, trong khi đó, nhà được gọi là dành cho người có thu nhập thấp, phải dưới 1 tỷ đồng/căn.

Như vậy, dự án xây dựng nhà ở xã hội có khả năng bất khả thi, vì liệu các đại gia bất động sản có dám hy sinh lợi nhuận, để cố nặn cho ra nhà dưới 1 tỷ đồng/căn hay không?

Nhà ở xã hội được xem như là loại nhà mà nhà nước trợ giá cho người nghèo. Tuy nhiên, việc gì liên quan đến trợ giá, thì ở Việt Nam sẽ xảy ra tiêu cực ngay. Những xuất ưu đãi đấy sẽ bị các chức sắc chính quyền giữ lại, không trao cho người nghèo thực sự, mà trao cho bà con dòng họ của họ, những người có dư tài sản, nhưng vẫn muốn chiếm suất của người nghèo, và đẩy người nghèo ra rìa.

Bản chất của chế độ này là tham lam, ở địa phương chỉ có điều kiện tiếp xúc với những lợi ích nhỏ, thì họ ăn nhỏ, ở Trung ương có điều kiện tiếp xúc với lợi ích lớn, thì họ ăn lớn. Đây không hẳn là căn bệnh, mà là cơ chế tự nuôi sống cho Đảng. Bởi với đồng lương chết đói, nếu không có những khoản trục lợi thì không ai trung thành với Đảng và nhà nước.

Dự án 1 triệu căn nhà ở xã hội do ông Nguyễn Thanh Nghị đề xướng hiện đang xúc tiến. Để có doanh nghiệp tham gia, ông Nguyễn Thanh Nghị đã từng họp với VinGroup, Novaland, Sun Group vv… Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp này tự lo sống sót còn không xong, thì làm sao họ hỗ trợ Chính phủ phát triển dự án? Ngoài ra, để có vốn cho người nghèo mua nhà, ông Phạm Minh Chính dự trù gói 120 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ mới là dự trù trên giấy chứ chưa thực hiện.

Người nghèo hết cửa chen chân vào mua nhà ở xã hội

Có thể nói, dự án 1 triệu căn nhà ở xã hội của ông Nguyễn Thanh Nghị cho đến nay vẫn chưa tượng hình, nhưng ở dưới hạ tầng xã hội đã xảy ra hiện tượng mua bán suất đặt mua nhà ở xã hội. Theo báo Vnexpress, để “giành suất” mua nhà, hiện nay người dân phải mất phí tới hàng trăm triệu đồng, không thể tìm được thông tin dự án, giá nhà vẫn “ngoài tầm với”, là những nguyên nhân khiến chỉ 2% người có nhu cầu vay được vốn mua nhà ở xã hội.

Chỉ riêng việc phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng, để mua được suất mua nhà ưu đãi, thì làm sao người nghèo có cơ hội? Mỗi tháng, người nghèo thu nhập chưa tới 10 triệu đồng, trong khi đó, chi tiêu đủ thứ cho một gia đình thì mỗi tháng dư tầm 2 triệu đã là chuyện khó. Người dân nghèo phải mất cả trăm tháng mới để dành được số tiền mua suất đặt chỗ, như vậy, liệu người nghèo có chen chân vào được hay không?

Ý tưởng của ông Nguyễn Thanh Nghị là đúng, nếu ông làm được và giao nhà vào tay người nghèo. Đằng này, dự án chưa rõ mặt, mà đã không có chỗ cho người nghèo, thì xem như chính sách này thất bại ngay từ đầu.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://thanhnien.vn/lay-tien-va-dat-o-dau-de-lam-1-trieu-can-nha-o-xa-hoi-1851422167.htm

https://vnexpress.net/lao-dong-ngheo-kho-gianh-duoc-suat-mua-nha-o-xa-hoi-4585611.html