Thông tấn xã Việt Nam hôm 14/12/2022 có bài “Đại hội Đoàn toàn quốc XII: Đề xuất giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”. Bài báo đề cập: “Việt Nam đã đưa hàng triệu lao động đi xuất khẩu lao động và mỗi năm lực lượng này gửi về nước khoảng 10 tỷ USD. Điều đó cho thấy, xuất khẩu lao động giúp thanh niên có thu nhập cao, thoát được nghèo và quan trọng hơn là học hỏi được nhiều kỹ năng, ý thức kỷ luật và nâng cao tay nghề so với làm việc trong nước.”
Có thể thấy rằng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xem việc thúc đẩy xuất khẩu lao động là một động lực và giải pháp, nhằm giải quyết những bất cập trong việc hỗ trợ cho lực lượng thanh niên trong độ tuổi lao động. Nhưng, thực tế, việc đặt chỉ tiêu và thúc đẩy xuất khẩu lao động thể hiện nhiều mặt hạn chế trong việc điều hành nền kinh tế của Chính phủ. Nền kinh tế Việt Nam không tạo được công ăn việc làm ở trong nước, không giúp cho người lao động có thu nhập tốt và ổn định, để phát triển gia đình và xã hội.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, khi đặt ra chỉ tiêu hỗ trợ thanh niên về nghề nghiệp, việc làm, thì coi việc “giới thiệu 500.000 thanh niên đi xuất khẩu lao động” nhằm “mang ngoại tệ về cho đất nước”. Họ không mấy quan tâm đến số phận người đi lao động xuất khẩu.
Luật sư Đặng Trọng Dũng, từng làm việc tại Sở Lao động – Thương binh – Xã hội TP.HCM trong buổi trao đổi với RFA sáng 19/12/2022, nêu nhận định:
“quốc sách đưa lao động xuất khẩu, nó là nhục quốc thể. Nhưng nếu nó là quốc sách thì quận, tỉnh nào cũng xin chỉ tiêu đi xuất khẩu lao động, điều này tạo ra cảnh XIN-CHO chỉ tiêu và sẽ gây ra tham nhũng và phí lao động sẽ cao.
…Chắc Chủ tịch nước và Thủ tướng dạo này bay qua nhiều nước nhằm xin họ nhận lao động Việt Nam. Vấn đề là khi trở thành quốc sách thì phí xuất khẩu lao động là bao nhiêu?”
Việc để một lượng lớn lao động đi xuất khẩu lao động cũng đi kèm với nhiều hạn chế và hệ quả xấu, chưa kể đến những tiêu cực, lừa đảo được dịp nở rộ, ăn theo chính sách “xuất khẩu lao động”.
Vào đầu năm 2022, một vụ việc thương tâm, đồng thời cũng là điển hình cho những mặt trái của xuất khẩu lao động, là trường hợp của một nữ thực tập sinh người Việt bị tòa án Nhật Bản kết án ba tháng tù treo và thử thách trong hai năm, vì cáo buộc vứt xác hai đứa con sinh đôi vừa mới chào đời.
Tình cảnh của cô gái L.T.T.L là một mặt tối của hiện trạng lao động người Việt tại Nhật. L.T.T.L chỉ mới 18 tuổi, rời xa gia đình để đến nước Nhật xa xôi làm việc. Cô phải gánh khoản nợ 14.000 USD trả cho công ty môi giới để được sang Nhật với diện thực tập sinh, một cách gọi khác của xuất khẩu lao động tay nghề thấp. Vì phải gửi tiền về cho gia đình trả nợ, cô đã phải sống tằn tiện đến mức không thể tiết kiệm hơn, với mức chi tiêu chỉ bằng hơn 1/3 so với mức chi tiêu tối thiểu ở Nhật, còn ít hơn cả mức chi tiêu ở Việt Nam.
Cô đơn, hoang mang và quẫn bách trên đất Nhật khi biết mình mang thai, cô đã đi đến quyết định sai lầm khi che dấu việc mang thai và cố gắng phá thai dẫn đến cái chết của hai bé sơ sinh. Cô bị kết án vì bị cho rằng cố ý vứt bỏ thi thể hai đứa bé để che dấu việc mang thai.
Còn rất nhiều trường hợp bi đát khác của những người xuất khẩu lao động Việt, phần lớn do họ không hiểu ngôn ngữ, không hiểu luật pháp của nước sở tại.
Việc thúc đẩy xuất khẩu lao động cho thấy sự bất tài, vô dụng của chính quyền, của Đoàn Thanh Niên và Đảng Cộng sản, trong khi họ luôn ru ngủ người dân rằng, đang tiến lên thiên đường Xã hội Chủ nghĩa.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)