Độc đảng là một bộ hình mà trong đó chỉ một nhóm người được quyền cai trị đất nước. Tình trạng này tương tự như phong kiến chứ chẳng khác gì mấy. Để lên được chức Chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng được bậc cha chú dọn sẵn, rồi đặt ông ta lên. Suốt đời làm chính trị không có tư tưởng gì mới, vẫn nhai lại những thứ mà thế giới đã vứt vào sọt rác từ 37 năm qua. Về khả năng quản trị không thể hiện được gì, trong khi đó, ngoài xã hội rất nhiều nhà quản trị tốt không được làm một chức vụ gì trong bộ máy nhà nước.
Ông Võ Văn Thưởng được ví như “công tử bột”, vì ông ta có số hưởng, vì ông ta bất tài vô dụng. Thậm chí, khả năng xây dựng nên một trụ trong chính trường, ông ta cũng không đủ khả năng. Ông ta bám thật sát vào ông Nguyễn Phú Trọng và mọi sự nhờ “đồng chí Tổng Bí thư” dọn cỗ.
Cũng có một thời Phạm Minh Chính nép mình sống dĩ hòa vi quý trong Ban Bí thư, với chức vụ Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nhưng rồi khi có cơ hội, Phạm Minh Chính bung khỏi ngôi nhà Ban Bí thư, nhảy ngang qua Chính phủ chiếm ghế Thủ tướng, đẩy Vương Đình Huệ ra rìa. So với Võ Văn Thưởng thì Phạm Minh Chính bản lĩnh hơn, mặc dù giờ đây, ông Chính đang “tứ bề thọ địch”, nhưng ông dám đương đầu, dù rằng không biết số phận chính trị ông Chính có kéo dài đến hết nhiệm kỳ hay không.
Một cây bút có tiếng tại Việt Nam nhận xét với Thoibao.de rằng, ông Võ Văn Thưởng chỉ xứng với vai trò làm “sinh vật kiểng”, để cho Đảng Cộng sản trang trí. Ông Võ Văn Thưởng không đủ khả năng dám đương đầu với sóng gió như ông Phạm Minh Chính, hay như người tiền nhiệm của ông, ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Nếu đặt ông Võ Văn Thưởng vào vị trí “đứng mũi chịu sào” như chức Thủ tướng, thì e ông Thưởng sẽ bị những kẻ khác hạ bệ dễ dàng.
Vị trí Chủ tịch nước là vị trí hữu danh vô thực, chức thì cao mà thực quyền thì không có. Vị trí này được xem như vị trí dễ bị tấn công và rất khó phòng thủ. Nếu ai có nhiều kẻ thù mà ngồi vào chiếc ghế này thì rất nguy hiểm, đó là thực thế chứ không phải vì “cái huông” như nhiều người đồn đại theo hướng ma mị.
Ông Tô Lâm có rất nhiều kẻ thù, nếu ông ngồi lên ghế Chủ tịch nước thì phúc ít họa nhiều là điều ai cũng có thể nhìn thấy, nên ông không thể không thấy. Trường hợp ông Trần Đại Quang là một sự cảnh báo rõ ràng cho ông Tô Lâm. Vì thế, ông Tô Lâm chối bỏ là hợp lý.
Theo đánh giá của cây viết trên, thì ông Võ Văn Thưởng ngồi vào ghế Chủ tịch nước là thích hợp nhất, bởi Võ Văn Thưởng hiền lành không gây thù chuốc oán với ai. Ông Thưởng ít kẻ thù nên ngồi vào ghế dễ bị tấn công khó phòng thủ này thì có thể ngồi được lâu. Từ khi ông Trần Đại Quang ngồi vào, thì sau đó, hầu hết không ai ngồi đủ nhiệm kỳ, vì bản chất là như vậy.
Không khó để nhận ra là cái lò ông Trọng dạo gần đây đốt dữ dội hơn trước. Sức nóng của cái lò này cho thấy, mức độ mâu thuẫn giữa các đồng chí với nhau căng thẳng như thế nào. Tưởng đâu thời ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nguyễn Phú Trọng đối đầu, các đồng chí mới có thể thuốc nhau. Tuy nhiên, khi ông Nguyễn Tấn Dũng về vườn thì hiện tượng các đồng chí thuốc nhau vẫn không hề thiên giảm, mà có phần còn khốc liệt hơn. Trường hợp ông Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đang chữa bệnh tại Nhật Bản là ví dụ rõ nét cho sự khốc liệt đó.
Hiện nay ông Võ Văn Thưởng ít kẻ thù và là người đứng dưới trướng thế lực mạnh nhất, xem ra, ông Thưởng là người ít gặp nguy hiểm nhất so với người khác, khi ngồi vào ghế Chủ tịch nước. Tuy nhiên, vì sức bảo vệ của ghế này quá mỏng manh, nên e rằng, ông Võ Văn Thưởng ngoài việc không động đến ai thì còn phải cầu trời nữa. Bởi ghế của ông Thưởng, cho dù có nhiều người chê, nhưng cũng lắm kẻ thèm.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp )