Thể chế thối từ gốc nhưng ông Trọng vẫn chỉ chặt củi đốt lò

Tham nhũng ở Việt Nam hiện nay đang ở mức độ nghiêm trọng, rất cấp bách với hậu quả có thể đe dọa sự tồn vong của chế độ Cộng sản. Đa số người dân đã và đang nhận ra, họ phải chịu đựng rất nhiều tiêu cực mà tham nhũng đang là quốc nạn lớn nhất, khiến nhiều người mất lòng tin vào Đảng Cộng sản. Mặc dù chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên bề mặt cho thấy sự quyết liệt và “không vùng cấm”, nhưng câu hỏi đặt ra là, tại sao công cuộc này vẫn không thể ngừng nghỉ và càng ngày lại càng phát hiện nhiều “củi to”.

Mối liên quan giữa thể chế hiện tại mà Việt Nam đang xây dựng và nạn tham nhũng tràn lan cần phải được phân tích và tìm ra giải pháp, nếu muốn công cuộc diệt trừ vấn nạn này đạt được hiệu quả thật sự và lâu dài.

Trước hết, trở ngại lớn nhất đối với việc phòng, chống tham nhũng là do Việt Nam có hệ thống Đảng và Nhà nước song hành, nhưng Đảng Cộng sản lãnh đạo luôn nắm mọi quyền hành và không có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực.

Wikipedia trong chủ đề “Chính trị Việt Nam”, đã trích dẫn phát biểu của Nguyên Chủ tịch Quốc hội khoá X, Nguyễn Văn An cho biết, mặc dù: “Hiến pháp và Pháp luật đã ghi rất rõ: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật là tối thượng. Song trong thực tiễn thì không ít trường hợp chỉ thị, nghị quyết của Đảng mới là tối thượng. Thực chất chúng ta có hai hệ thống quyền lực song song, đó là hệ thống của Đảng và hệ thống Nhà nước đi kèm theo là hai hệ thống tòa nhà của hai cơ quan đảng và nhà nước cồng kềnh chưa từng có… Quốc hội là nhánh lập pháp có quyền lực cao nhất, song cũng còn nhiều hình thức, thực chất là Trung ương, Bộ Chính trị quyết… Chính phủ là nhánh hành pháp song cũng rất yếu, chủ yếu là chấp hành chỉ thị nghị quyết của Đảng.”

Quyền lực nhà nước ở Việt Nam cũng được phân ra làm ba nhánh, nhưng quy tụ lại dưới sự thống nhất chỉ đạo của Đảng. Mặc dù trên lý thuyết, Nhà nước Việt Nam là “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”, nhưng sự kiểm soát và quyết định hoàn toàn không nằm trong tay người dân.

Tại một số quốc gia dân chủ, tam quyền phân lập được xem là thước đo mức độ tập trung quyền lực, nhằm kiểm soát và kiềm chế quyền lực. Quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp được giao cho các cơ quan khác nhau trong nhà nước. Quyền lập pháp giao cho nghị viện hay quốc hội, quyền hành pháp giao cho chính phủ, quyền tư pháp giao cho tòa án.

Tuy nhiên, khái niệm này lại tuyệt nhiên bị Đảng Cộng sản Việt Nam phủ nhận, cho đây là chiêu bài cổ xuý xung đột quyền lực. Như vậy, một khi công cuộc chống tham nhũng như kiểu “ta đánh ta” thì kết quả cũng chỉ là “bắt cóc bỏ dĩa” hoặc là công cụ để thanh trừng phe đối lập trong Đảng, như dư luận vẫn nhận định về chiến dịch “đốt lò” của ông Trọng.

Các “Nhóm lợi ích” và phe cánh cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến chiếc lò của Tổng Bí thư vẫn không thể nào “đốt” hết cán bộ tham nhũng.

Bài báo đăng trên trang RFA vào ngày 16/9/2019 với tựa đề ““Nhóm lợi ích” sẽ làm lung lay thể chế của Đảng Cộng sản Việt Nam?” dẫn lời ông Nguyễn Khắc Mai – nguyên Trưởng Ban nghiên cứu Ban Dân vận Trung ương, cho rằng, một thực tế rõ ràng Đảng Cộng sản Việt Nam đang rất lúng túng trước tình hình “nhóm lợi ích” là “sân sau” của giới chức cán bộ, lãnh đạo nhà nước để tham nhũng từ địa phương cho đến Trung ương.”

Bài viết “Nhóm lợi ích” sẽ làm lung lay thể chế của Đảng Cộng sản Việt Nam? trên báo RFA

Cũng theo bài báo này, trong một cuộc phỏng vấn với RFA hồi cuối tháng 7, Nhà báo Trần Quang Thành, một nạn nhân bị tạt acid vì các bài viết chống tiêu cực và phơi bày tham nhũng tại Việt Nam, khẳng định rằng, chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam thực chất là để thanh trừng lẫn nhau.

“Một số nhà quan sát tình hình Việt Nam như ông Nguyễn Khắc Mai, Nhà báo Trần Quang Thành đều có cùng nhận định rằng, thể chế chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã, đang và sẽ dung dưỡng cũng như tạo lợi thế cho các “nhóm lợi ích” phát triển. Theo vậy, công cuộc chống tham nhũng càng khiến cho nạn tham nhũng ở Việt Nam trở nên càng tinh vi hơn.” Đài Á Châu Tự do cho biết thêm.

 

Quanh Minh – Thoibao.de (Tổng hợp)