Tăng số lượng tướng công an để bảo vệ ai?

Cuối tháng 1/2023, báo chí nhà nước đưa tin về việc Bộ Công an soạn thảo và lấy ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Theo đó, Bộ Công an cho rằng, quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân là chưa phù hợp với thực tiễn. Tuy nói là “lấy ý kiến rộng rãi”, nhưng báo chí quốc doanh không nói rõ là lấy ý kiến chỉ trong ngành công an, hay lấy ý kiến toàn dân.

“Bộ Công an đề xuất sửa nhiều quy định liên quan đến cấp Tướng”

Tờ Dân Trí cho biết, hiện nay, Luật Công an nhân dân quy định 199 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng. Hầu hết thủ trưởng các đơn vị cấp Cục và tương đương cấp Cục trực thuộc Bộ có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng.

Tuy nhiên, Bộ Công an cho biết, vẫn còn thủ trưởng của một số đơn vị tương đương cấp Cục chưa được quy định có trần cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng tạo ra sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong quy định về cấp bậc hàm đối với các chức vụ, chức danh tương đương. Dân Trí cho hay.

Như vậy, theo Dự luật sửa đổi thì ngành công an cần tăng thêm tướng. Theo đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an có quyền có 2 trợ lý. Trợ lý của Bộ trưởng có cấp hàm tương đương Tổng Cục trưởng, như vậy, vị trí này phải được mang hàm cấp tướng. Hiện giờ, ông Tô Lâm đã có hai trợ lý, nhưng chỉ có một người mang hàm Trung tướng là ông Tô Ân Xô, người còn lại mới chỉ là Thượng tá, ông Trần Đăng Quỳnh. Nếu Dự luật này được thông qua thì ông Trần Đăng Quỳnh sẽ được thăng tướng.

Thủ trưởng của một số đơn vị tương đương cấp Cục, ví dụ Hiệu trưởng Đại học Cảnh sát nhân dân, Hiệu trưởng Đại học An ninh cũng cần được thăng cấp, theo Tờ trình về Dự luật sửa Luật Công an nhân dân.

Hiện nay, dù đã có đến 199 ông tướng, nhưng rõ ràng công an Việt Nam vẫn chưa đủ nhân lực để bảo vệ và thực thi pháp luật, vì người dân vẫn đang hàng ngày bị nhũng nhiễu, bị tống tiền, tấn công đủ kiểu.

“Bây giờ lực lượng công an quá đông”

Điển hình như vụ du khách người Singapore, ông Kugan Pillai tố cáo cán bộ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh làm tiền ông, khi ông làm thủ tục xuất cảnh ra khỏi Việt Nam. Tuy Cục quản lý Xuất nhập cảnh nói rằng, đã đình chỉ công tác cán bộ này, nhưng không hề nêu thông tin cá nhân người này, vậy có trời mới biết thực chất người này có bị kỷ luật hay không.

Hay như những vụ công an thản nhiên “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với dân, ở cả trong và ngoài đồn, như vụ mới đây xảy ra ở xã Thành Triệu, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Chưa kể đến những vụ công an bắt bớ đánh đập dã man những người dân tham gia biểu tình chống Trung Quốc, biểu tình bảo vệ biển đảo, bảo vệ môi trường, hoặc bảo vệ đất đai…

Như vậy, yêu cầu tăng thêm tướng, có thực chất để đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hay không?

Không có quốc gia nào mà lực lượng công an lại đông và có nhiều tướng như Việt Nam. Theo Wikipedia, Sở Cảnh sát Los Angeles có chưa tới 10.000 nhân viên và quản lý một khu vực có hơn 3,8 triệu dân, nghĩa là tỷ lệ cảnh sát so với dân cư vào khoảng 0,26%. Ở Mỹ không có tướng cảnh sát nào.

“Lực lượng an ninh, trật tự cơ sở khoảng 1,5 triệu người”

Trong khi đó, ở Việt Nam, theo con số chính thức công bố trên báo chí, chỉ riêng lực lượng an ninh, trật tự cơ sở đã vào khoảng 1,5 triệu người, nghĩa là chiếm tỷ lệ 15% dân số. Cần nhấn mạnh rằng, đây chỉ là lực lượng cơ sở, nghĩa là ở cấp phường, xã… Còn lực lượng chính quy thì chưa bao giờ Việt Nam công bố con số chính xác, nhưng theo Thiếu tướng Sùng Thìn Cò phát biểu tại Quốc hội ngày 17/11/202, thì con số công an chính quy là “quá đông”, chỉ riêng cấp tỉnh, mỗi tỉnh trung bình 3.000 – 4.000 người, chưa kể lực lượng thuộc biên chế cấp bộ.

Công an đông như vậy, nhưng ngành y tế vẫn phải xin sử dụng “khiên” và “áo giáp” để tự vệ. Giáo viên vẫn bị tấn công mà không ai can thiệp.

Vậy, lực lượng công an đông, tướng công an nhiều để bảo vệ ai?

 

Ý Nhi – Thoibao.de (Tổng hợp)