Ngày 3/2, RFA dẫn lời Luật sư Lê Văn Luân cho biết, Công an thành phố Hà Nội thông báo kết thúc giai đoạn điều tra đối với blogger Nguyễn Lân Thắng, đồng thời chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát thành phố truy tố ông với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
“Thông tin mà chúng tôi tiếp nhận gần nhất là việc kết thúc điều tra diễn ra vào ngày 17/1 theo thông báo mà chúng tôi nhận được. Chúng tôi vừa đăng ký thủ tục luật sư từ giai đoạn này để tham gia vào quá trình tiếp xúc bị can và hồ sơ tài liệu,” ông Luân nói với RFA.
Ông Lê Văn Luân, một trong hai luật sư được gia đình ông Thắng thuê để bào chữa cho ông, luật sư còn lại là ông Đặng Đình Mạnh.
RFA cho biết, theo thông tin từ bà Lê Bích Vượng, vợ của ông Thắng, thì gia đình không được gặp hoặc nói chuyện bằng bất kỳ hình thức gì với ông Thắng kể từ khi bị bắt, đồng thời cả hai luật sư đều chưa được gặp thân chủ, dù có đơn đề nghị gửi tới cơ quan công an ngay sau ngày ông Thắng bị tạm giam.
Bà Vượng cho biết thêm, gia đình được phép gửi thức ăn và đồ dùng mua từ căng-tin của Trại tạm giam số 1 (Từ Liêm, Hà Nội) để gửi vào cho chồng hàng tuần.
Bà nói rất lo lắng cho tình hình sức khỏe của ông Thắng, người có tiền sử bệnh hen nhưng cán bộ trại tạm giam không cho phép gia đình gửi thuốc vào. Điều tra viên còn cho gia đình biết ông Thắng kêu đau xương và bị mờ mắt.
Sau khi qua thời hạn bốn tháng điều tra vào đầu tháng 11 năm ngoái, công an Hà Nội gia hạn thời gian tạm giam tới 30/1/2023 nhưng không thông báo cho gia đình.
Trao đổi với RFA qua tin nhắn, ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho rằng quyết định truy tố ông Nguyễn Lân Thắng cho thấy chiến dịch của Việt Nam nhằm trấn áp các quan điểm phê phán và đưa các nhà hoạt động vào sau song sắt không hề chậm lại một chút nào bất chấp tình trạng bất ổn chính trị và các vụ từ chức chính thức của những người đứng đầu chính phủ.
“Nguyễn Lân Thắng đối mặt với án tù dài hạn chỉ vì bày tỏ quan điểm trên Facebook mà nhà cầm quyền Cộng sản không thích.
Bắt giữ người dân với những cáo buộc lố bịch như ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ không phải là một dấu hiệu của sức mạnh mà là một dấu hiệu của sự yếu kém, và chỉ cho thấy chế độ độc tài cầm quyền của Việt Nam thực sự hoang tưởng về mặt chính trị như thế nào khi dân chúng chỉ ra lỗi lầm của chế độ.” Ông Phil Robertson viết.
Nguyễn Lân Thắng sinh năm 1975, là một nhà hoạt động nhân quyền, ông tham gia phong trào biểu tình chống Trung Quốc từ năm 2011 và có nhiều đóng góp cho cuộc đấu tranh chống bất công ở Việt Nam. Ông đã bị cơ quan An ninh Điều tra Công an thành phố Hà Nội khởi tố và bắt bắt tạm giam vào ngày 5/7/2022.
Theo RFA, dù ông Thắng bị bắt, nhưng cho đến nay, Facebook Nguyen Lan Thang (Nguyễn Lân Ké) của ông có gần 160.000 người theo dõi, vẫn hoạt động bình thường với các bài đăng, chia sẻ… Ông Thắng còn có một blog trên RFA từ năm 2013.
Việc bắt giam và khởi tố ông Nguyễn Lân Thắng là hành động trả thù của chính quyền đối với các hoạt động bảo vệ nhân quyền của ông Thắng. Đồng thời cũng là lời đe dọa của chính quyền nhắm đến những nhà hoạt động khác, cũng như những người có tư tưởng, quan điểm khác với Đảng và chính quyền.
Điều 117 Bộ luật Hình sự là một trong 3 điều luật vô lý và mơ hồ mà chính quyền Cộng sản Việt Nam sử dụng để trấn áp giới bất đồng chính kiến. Dù gặp rất nhiều phản đối từ trong nước đến các tổ chức quốc tế, nhưng nhà nước Cộng sản vẫn bất chấp và duy trì điều luật này.
Hoàng Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)