Cho lãnh đạo “thôi chức” là “ý Đảng”, vậy còn “lòng dân” ở đâu?

Những sự kiện thay đổi trong “công tác nhân sự” chấn động vừa diễn ra qua hai phiên họp bất thường của Ban Chấp hành Trung ương, như cho thôi chức hai Phó Thủ tướng và Chủ tịch nước cho thấy, nhiều điều không bình thường đang diễn ra trong nội bộ Đảng Cộng sản.

Nhiều người quan sát đặt câu hỏi, tại sao Tổng Bí thư lại gấp rút tiến hành việc thanh trừng các “đồng chí” của mình trước Tết Nguyên đán, trong khi chưa thể tìm được nhân sự thay thế cho vị trí quan trọng như chiếc ghế nguyên thủ quốc gia, người thay mặt cho đất nước về đối nội và đối ngoại, và sẽ đọc thư chúc Tết toàn dân vào ngày đầu năm mới.

Trong toàn văn thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, như bài đăng trên vietnamnet vào ngày 17/1/2023, từ “nhân dân” dùng để chỉ những chủ nhân của đất nước, chỉ xuất hiện vỏn vẹn một lần duy nhất. Những lãnh đạo phạm tội nghiệm trọng trong 2 vụ đại án kit test Việt Á và chuyến bay giải cứu, có liên quan đến hàng vạn mạng người, nhưng đối với nhân dân, hoàn toàn không hề có một lời xin lỗi, nhận trách nhiệm.

Toàn văn thông cáo phiên họp bất thường của Trung ương về công tác nhân sự trên báo Vietnamnet

Hơn thế nữa, trong thông cáo về hội nghị bất thường lần thứ ba này, có thể thấy, nguyện vọng và vai trò của người dân trong các lần kỷ luật cán bộ lãnh đạo chưa hề được quan tâm, chú trọng. Toàn bộ hệ thống chính trị chỉ nghe theo sự sắp đặt của Đảng, mà cụ thể là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Họ răm rắp làm theo những gì đã được chỉ đạo sẵn.

“Khuyết điểm” và “vi phạm” của “hai đồng chí Phó Thủ tướng, ba bộ trưởng” được đề cập là “gây hậu quả rất nghiêm trọng”. Nhưng nhân dân là đối tượng đã và đang trực tiếp gánh chịu các “hậu quả rất nghiêm trọng” đó, lại không hề được đếm xỉa đến. Tổng Bí thư và các thành viên trong Ban Chấp hành Trung ương vẫn bình chân như vại, vì đã có một loạt những “đồng chí” không may làm con tốt chết thay, ra đứng mũi chịu sào theo “nguyện vọng cá nhân”.

Tất cả hành động nhận lỗi của ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ được tường thuật vỏn vẹn là “nhận thức rõ trách nhiệm” và có “đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công”. Nhà nước do dân, của dân và vì dân hoàn toàn không có ý nghĩa gì trong toàn bộ quá trình họp, cũng như xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Không biết trong nhận thức của ông Phúc, liệu rằng trách nhiệm với nhân dân có quan trọng hơn trách nhiệm với Đảng của ông ta không?

Ông Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Trách nhiệm của người đứng đầu nhà nước là thế, còn trách nhiệm của vị Tổng Bí thư Đảng luôn huyên thuyên cho rằng, “Đảng lãnh đạo” thì như thế nào? Tổng Bí thư và các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 chỉ việc tham gia “chứng thực”, rằng, “đồng chí” Nguyễn Xuân Phúc tự xin… thôi chức, và “nhất trí” để ông Nguyễn Xuân Phúc được thực hiện nguyện vọng.

Vì sao Đảng được toàn quyền đưa các “đồng chí” như Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long,… lên các chức vụ cao nhất. Nhưng đến lúc xảy ra những tiêu cực, thì không hề có sự kiểm tra, giám sát, để dẫn đến những thảm kịch đối với nhân mạng, tài sản và tinh thần của người dân. Nhưng tuyệt nhiên, họ không hề nhận trách nhiệm khi lựa sai, chọn lầm, giám sát lỏng lẻo, không ngăn chặn kịp thời, để rồi đến khi “hậu quả rất nghiêm trọng” xảy ra, thì mới trảm tướng để xoa dịu lòng dân?

Trong lịch sử, chỉ có ở những triều đại phong kiến mới có kiểu làm độc đoán, không hề nhận sai khi phong chức cho quan lại và sau đó để mặc họ gây ra những lỗi lầm tai hại. Tuy nhiên, ở những triều đại đó, nhân dân được xem là con dân và phải nghe lời người được trời chọn lựa. Trớ trêu thay, Đảng Cộng sản luôn tự nhận mình là đầy tớ, thì lại trơ trẽn quyết định hết, từ bổ nhiệm đến kỷ luật nhân sự và trịch thượng ra lệnh: “Giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định”.

Có lẽ, trong mắt Tổng Bí thư và các thành viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân không có giá trị. Vì nếu như toàn Đảng có làm sai, thì họ cũng chỉ nhận trách nhiệm đối với Đảng của họ. Trong một cơ chế độc quyền toàn trị thì làm gì có một tổ chức khác có năng lực, có chủ trương, đường lối tốt và quản lý hiệu quả hơn để thay thế. Nếu có thì đã bị họ diệt từ trong trứng nước rồi. Vì vậy, họ mới tự cho mình có quyền rẻ rúng và thản nhiên thể hiện sự xem thường “lòng dân” đến mức như vậy.

 

Minh Vũ – thoibao.de (tổng hợp)