Những bình luận xung quanh vụ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức

Việc ông Nguyễn Xuân Phúc bị buộc phải rời chức vụ giữa nhiệm kỳ đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Trang RFA đã có bài phỏng vấn nhiều nhà quan sát chính trị Việt Nam, đăng ngày 18/1/2023.

Theo RFA, một số nhà quan sát cho rằng, Đảng Cộng sản không minh bạch trong việc cho thôi giữ nhiệm vụ với các quan chức cấp cao, đặc biệt đối với chức danh Chủ tịch nước.

Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang trả lời phóng viên RFA rằng:

Truyền thống của ĐCSVN là bưng bít rất kín chuyện nội bộ, đặc biệt là hành vi sai trái tiêu cực của các đảng viên cấp cao, cỡ như là uỷ viên Trung ương Đảng, uỷ viên Bộ Chính trị, và tứ trụ.”

Bình luận về việc ông Phúc phải rời bỏ chính trường Việt Nam, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, Đảng né tránh vấn đề, trong khi thực chất ông Phúc bị kỷ luật vì bảo kê cho doanh nghiệp sân sau, để cho người thân là vợ, con và người bà con lũng đoạn.

RFA dẫn lời nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AFP:

Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức có thể coi là một động thái chưa có tiền lệ trong lịch sử, cả về Đảng và chính quyền…

Việc thay đổi liên quan đến nhân sự cấp cao như thế này tạo ra sự bất ổn nhất định về mặt nhân sự. Đặc biệt chúng ta nhìn về thế hệ nhân sự kế cận những vị trí vừa mới bỏ trống thì không có nhiều ứng cử viên tiềm năng.”

Ông Nguyễn Xuân Phúc

Nhà báo Quang Hữu Minh từ Sài Gòn nói với RFA rằng, ông Phúc bị kỷ luật vì các hoạt động bảo kê sân sau và cả tranh chấp chính trị.

Nhiều cán bộ có sân sau, tuy nhiên ông Nguyễn Xuân Phúc có nhiều sân sau hơn cả. Tôi cho rằng ông ấy bị kỷ luật vì các hoạt động sân sau. Thời gian qua dư luận cho là liên quan đến vụ Kit test xét nghiệm Việt Á.”

Ông Quang Hữu Minh nhận định, việc ông Phúc bị ngã ngựa là do đấu đá quyền lực trong nội bộ Đảng mà mục tiêu là chức vụ Tổng Bí thư Đảng trong Đại hội lần thứ 14 vào năm 2026, khi ông Nguyễn Phú Trọng phải rời bỏ do tuổi cao, sau ba khoá liên tiếp giữ cương vị này.

Nhà báo Võ Văn Tạo tiên liệu ông Phúc không bị truy tố, nhưng không chắc chắn lắm về người thân của ông.

Ông Quang Hữu Minh thì đi xa hơn, cho rằng, ông Phúc và người thân sẽ bị truy tố, và thậm chí bị thu hồi tài sản.

Một nhà quan sát thời cuộc ở thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA trong điều kiện giấu tên:

“… dựa trên những gì mà báo Nhân Dân mô tả, một ít thông tin cho thấy là ông Phúc ý thức về trách nhiệm của mình đối với những sai phạm của cấp dưới trong 2 năm qua, nên xin từ chức.

Vậy câu hỏi còn lại là ý thức về trách nhiệm của ông Phạm Minh Chính và Nguyễn Phú Trọng đến đâu, khi tất cả những người sai phạm cũng đều là cấp dưới của mình?”

RFA trích dẫn lời của phóng viên Jonathan Head của BBC rằng, vụ này được gọi dưới cái tên chống tham nhũng nhưng thực chất là cuộc chiến quyền lực ở cấp cao nhất trong ĐCSVN… Với việc có nhiều quan chức cao cấp nhất của Đảng xuất thân từ công an sẽ là tin xấu cho nhân quyền và những người phê bình chế độ. Thủ tướng Phạm Minh Chính hiện nay xuất thân từ ngành tình báo, trở thành Thứ trưởng Bộ Công an, sau đó tham gia vào hệ thống chính quyền. Trong khi đó, một trong số các ứng viên nổi bật có thể thay ông Phúc là Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Nhà báo người David Hutt coi ông Phúc là một trong số nhà kỹ trị hàng đầu của Việt Nam, có quan hệ chặt chẽ với phương Tây trong thời gian làm Thủ tướng, RFA trích dẫn từ hãng truyền thông công cộng quốc tế Đức – DW.

David Hutt cho rằng, việc thay đổi ban lãnh đạo hiện này sẽ củng cố quyền lực của lực lượng công an ở Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở ở Singapore nói với AFP, được RFA dẫn lại rằng, vụ việc của ông Phúc liên quan đến điều tra tham nhũng nhưng không loại trừ khả năng ông bị các đối thủ chính trị loại bỏ vì lý do chính trị.

Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp, một thành viên cao cấp cùng tổ chức trên, cho biết việc ra đi của ông Phúc có thể khiến các nhà đầu tư lo lắng. Ông nói trong cuộc phỏng vấn của Reuters:

Điều này có thể dẫn Việt Nam đến một thời kỳ bất ổn khiến bạn bè và nhà đầu tư nước ngoài lo lắng.”

 

Thu Phương – thoibao.de (Tổng hợp)