Ông Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư – phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, rằng, “Cần xác định trách nhiệm của quan chức trong đại án kinh tế” và chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Hội nghị này diễn ra ngày 10/1/2023 tại Hà Nội.
Cụ thể hơn, ông Thưởng đề nghị Ủy ban Kiểm tra các cấp tập trung, kiểm tra, làm rõ sai phạm của các tổ chức Đảng, đảng viên có liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại FLC, Vạn Thịnh Phát, AIC… Hiện nay, các đại án này chưa thấy quan chức nào bị quy trách nhiệm.
“Xã hội băn khoăn, lo lắng là có tham nhũng chính sách hay không? Có phối hợp với nhau để làm chính sách lỏng lẻo để lợi ích nhóm dựa vào đó mà thao túng, hưởng lợi hay không? Những việc này cần phải được tính toán để hạn chế tối đa”, ông Thưởng nói thêm.
Ông Thưởng cũng yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương ‘trong năm nay phải kiểm tra, làm rõ một số vụ việc như vậy để xem có tiêu cực không hay chỉ là do năng lực kém, hay do cán bộ chủ động nhưng không ngờ hậu quả xảy ra đối với kinh tế-xã hội quá lớn?’
Báo chí dẫn lời ông Trần Văn Rón, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, báo cáo với ông Thưởng rằng, trong năm 2023, cơ quan này sẽ “tập trung chỉ đạo, tiến hành kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi”, trong đó có các vụ án của AIC, Vạn Thịnh Phát và Tập đoàn FLC.
Trong năm 2022, đã có tới 10 ủy viên Trung ương Đảng bị thi hành kỷ luật, bị cho thôi chức hoặc thậm chí bị bắt giữ để điều tra, trong đó có cả một ủy viên Bộ Chính trị là Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, khi mà nhiệm kỳ Đại hội 13 chưa đi được nửa chặng đường.
Trước đó, tại buổi họp Tổng kết công tác cuối năm của Ban Nội chính Trung ương, ngày 4/1/2023, ông Thưởng cũng đã chỉ đạo cơ quan này phải đẩy nhanh tiến độ điều tra, để xử lý dứt điểm các trọng án tham nhũng như vụ công ty Việt Á, vụ chuyến bay giải cứu ở Bộ Ngoại giao cũng như các vụ việc của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, FLC, AIC… báo chí trong nước cho hay.
Tại Hội nghị này, ông Thưởng phát biểu chỉ đạo: “Tập trung làm rõ sai phạm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, ngân hàng, tài chính, chứng khoán, trái phiếu, tài sản công, định giá…”.
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, phải tập trung kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, việc chấp hành quy định về những điều đảng viên không được làm, thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu tổ chức Đảng, cán bộ chủ chốt để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Theo quan điểm hiện thời của Đảng, suy thoái về đạo đức, lối sống không phải là chuyện tham nhũng nghìn tỷ, hay lối sống bê tha, ăn chơi sa đọa của quan chức, mà chính là việc thay đổi nhận thức, thay đổi quan điểm chính trị, từ ủng hộ độc tài Cộng sản sang tư tưởng dân chủ tự do. Đây là “tội” nặng nhất đối với Đảng.
Chuyện chống tham nhũng, chống tiêu cực, chẳng qua chỉ là phải “sờ” tới, khi các đồng chí vì quá xui mà “bị lộ”, hoặc là cái cớ để loại bỏ những người cùng Đảng nhưng không cùng phe cánh. Một khi đã là chuyện đấu đá thanh trừng nội bộ, các đồng chí luôn sẵn sàng thịt nhau đến nơi đến chốn. Khi cần, vì lợi ích, các đồng chí sẵn sàng tung ra những đòn hiểm nhất.
Việc chịu trách nhiệm về quản lý và trách nhiệm về điều hành của người lãnh đạo là chuyện đương nhiên ở các nước phát triển. Nhưng ở Việt Nam thì chỉ là trò đùa, là “nói cho vui” của các quan mà thôi.
Với những phát biểu của ông Thưởng, có thể thời gian tới sẽ có những trận “gió tanh mưa máu” giữa những người đồng chí cùng Đảng chăng?
Hoặc giả, ông Thưởng đang cố “làm màu” để lấy điểm trong mắt Tổng Trọng hay chăng.
Xuân Hưng – thoibao.de (Tổng hợp)