Trên Twitter ngày 01/01/2023, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) đã đăng tải quốc kỳ Việt Nam cùng với 46 nước thành viên khác, đánh dấu sự kiện lần thứ hai Việt Nam đắc cử Hội đồng này. Với tư cách thành viên Hội đồng Liên Hợp Quốc, tổ chức này nhấn mạnh rằng, Việt Nam và các quốc gia cần phải “có trách nhiệm duy trì các tiêu chuẩn cao về nhân quyền”.
Chính quyền Việt Nam cũng khẳng định rằng, “Vấn đề đảm bảo và bảo vệ quyền con người là trọng tâm tại Việt Nam”.
Ngày 02/01, Thông tấn xã Việt Nam đăng bài xã luận ca ngợi thành tích cải thiện nhân quyền trong nước. Bài xã luận này khoe khoang về “những nỗ lực của Việt Nam nhằm bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trong thời gian vừa qua, đã được cộng đồng quốc tế “ghi nhận””.
Việt Nam đã được chấp thuận tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho nhiệm kỳ 2023-2025, tại cuộc bỏ phiếu vào tháng 10/2022. Cộng đồng quốc tế kỳ vọng, với lần thứ hai tham gia Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ thúc đẩy nỗ lực bảo vệ quyền con người và đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, các tổ chức nhân quyền quốc tế, trong đó có Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Article 19 và International Commission of Jurists, đã lưu ý Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc về tình hình nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam, và mong muốn Việt Nam cải thiện tình trạng này, nếu muốn quay trở lại là thành viên của Hội đồng Nhân quyền.
Với bề dày vi phạm nhân quyền của Việt Nam, những quan ngại của các tổ chức nhân quyền là hoàn toàn xác đáng. Trong năm 2021, theo ghi nhận của các cơ quan truyền thông, các tổ chức theo dõi, bảo vệ nhân quyền quốc tế, thì nhà cầm quyền Cộng sản đã gia tăng việc bắt giữ, cầm tù những người bất đồng chính kiến.
Theo thống kê của Người Bảo vệ Nhân quyền và Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, tính đến hết tháng 5 năm 2021, đã có 288 tù nhân chính trị bị giam giữ trong các điều kiện khắc nghiệt ở Việt Nam.
Trong năm 2022, theo thống kê của Đài Á châu Tự do, tính đến ngày 09/12/2022, đã có ít nhất 22 người bị bắt theo Điều 117 Bộ luật hình sự (BLHS) – “Làm, tàng trữ phát tán tài liệu thông tin, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”, và Điều 331 BLHS – “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Vụ án nổi bật là vợ chồng ông Nguyễn Thái Hưng và bà Vũ Thị Kim Hoàng ở Đồng Nai bị bắt vào tháng một, sau một loạt livestream trên YouTube về các vấn đề xã hội dưới chế độ Cộng sản.
Hay vụ ông Bùi Tuấn Lâm, còn có biệt hiệu là “Thánh rắc hành”, bị bắt vào ngày 07/09/2022 theo điều 117 BLHS với tội danh “sử dụng mạng xã hội để đăng tải nhiều bài viết, video, livestream có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; cổ súy các hoạt động chống Đảng, Nhà nước”.
Một số cá nhân khác như ông Võ Thanh Thời, Nguyễn Sơn Tùng, Đặng Đăng Phước,… cũng đều bị bắt theo điều 117 với cáo buộc sử dụng mạng xã hội để đăng tải các bài viết, video chống phá Nhà nước.
Vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam cũng vô cùng đáng lo ngại, khi mà theo Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế Việt Nam 2021 của Hoa Kỳ, nhà cầm quyền Hà Nội đã liên tục sách nhiễu, đánh, bắt người, theo dõi, truy tố, từ chối hoặc không trả lời yêu cầu đăng ký và các yêu cầu xin phép khác của các tổ chức tôn giáo độc lập. Vụ việc nổi bật nhất trong năm 2022, là vụ bắt giữ và xét xử các thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai – một tổ chức tôn giáo độc lập ở Long An.
Sau khi tiếp nhận nhiều hồ sơ và báo cáo, giải trình của các cá nhân, tổ chức tôn giáo độc lập, với các hành vi vi phạm nghiêm trọng, Hoa Kỳ đã chính thức đưa Việt Nam vào “Danh sách Theo dõi Đặt biệt” về quyền tự do tôn giáo, theo như một thông cáo được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra vào ngày 02/12/2022.
Xuân Hưng – Thoibao.de (Tổng hợp)