Thể chế cản trở chống tham nhũng: ‘nhắc đi, nhắc lại’ sao vẫn bế tắc?

Link Video: https://youtu.be/SXrV4vPWsNQ

Tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hôm 20/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại chỉ đạo, cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế để ‘không thể tham nhũng’.

Ông Trọng cho rằng phải hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập; khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý đất đai, tài sản công… sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai…

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam khi trả lời RFA cho rằng để ngăn chặn nạn tham nhũng, Đảng và Chính phủ Hà Nội đưa ra rất nhiều biện pháp, nhưng ở Việt Nam biện pháp và pháp luật vẫn chưa được thực thi triệt để:

So với Bộ Luật Hình sự của nhiều nước trên thế giới thì Bộ Luật Hình sự Việt Nam có mức phạt cao hơn nhiều, nhất là nhóm tội tham nhũng thì phạt rất nặng.

Nhưng vấn đề là có chứng minh được tham nhũng không, thường tội gây thất thoát tài sản người ta nói do thiếu trách nhiệm, do cơ chế, thể chế, có chiếm đoạt hay không chiếm đoạt.

Có chiếm đoạt thì mới dẫn đến những tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ thì lúc đó hình phạt mới nặng, có thể lên đến mức tử hình.”

Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, việc phá được một vụ án tham nhũng không phải là chuyện đơn giản.

Những vụ tham nhũng lớn dây chuyền, ‘dây mơ rễ má’ ăn chia với nhau nên việc bóc gỡ để xử lý phải có nhiều thời gian, công phu.

Vì vậy ông Thuận cho rằng cần phải có cơ chế, thể chế thích hợp để người dân tham gia thì may ra mới làm tốt được.

Vấn đề này được lãnh đạo Việt Nam ‘nhắc đi, nhắc lại’ nhưng vì sao nạn tham nhũng không những không bị triệt mà vẫn tiếp diễn?

Ảnh: TBT Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp

Từ Hà Nội hôm 21/1, nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản lại cho rằng:

Về thể chế chống tham nhũng thì qua kinh nghiệm lịch sử của tất cả các nước thì nó là hệ thống dân chủ. Tức là báo chí tự do, đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập…

Như vậy mới chống được tham nhũng tận gốc, các ổng cũng biết là như vậy, nhưng cứ nói là thay đổi thể chế theo ý của các ổng là cộng sản, mà vẫn chống được tham nhũng.

Thành ra các ổng chỉ nói vậy để bào chữa cho việc chống tham nhũng thiếu hiệu quả, hoặc không triệt để xóa bỏ tham nhũng.”

Theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, vấn đề tham nhũng ở Việt Nam là do cơ chế toàn trị cộng sản, tức độc tài đảng trị. Chính cơ chế đó sinh ra tham nhũng và mức độ tham nhũng ghê gớm như vậy.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong năm 2021, Việt Nam đã khởi tố, điều tra 390 vụ án/1.011 bị can về các tội tham nhũng.

Trong đó, có nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, xử lý vụ án đưa, nhận hối lộ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; một số vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế, lợi dụng phòng, chống dịch COVID-19 để trục lợi như vụ công ty Việt Á…

Nhưng dư luận cho rằng kết quả đó chỉ là bề nổi… vì hiện nay tham nhũng hầu như xảy ra ở khắp nơi tại Việt Nam.

Vậy với yêu cầu cần hoàn thiện thể chế để ‘không thể tham nhũng’ của ông Nguyễn Phú Trọng, liệu có khả thi khi với Việt Nam hiện nay?

Ảnh: Việt Á được cấp 19 tỷ đồng để nghiên cứu khoa học do Bộ KHCN duyệt khi ông Chu Ngọc Anh còn làm Bộ trưởng. Nay phát hiệt ra Việt á nhập khẩu kít test từ Trung quốc. Vậy 19 tỷ đồng nghiên cứu đã đi đâu? Báo Lao động đặt câu hỏi.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nguyên Chủ nhiệm Khoa, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, một đảng viên đã từ bỏ Đảng, khi trả lời RFA cho rằng:

Thể chế VN hiện nay tốt đến đâu? Đảng CS đứng trên thì họ vẫn tự hào thể chế của họ rất tốt, rất vững.

Nhưng những nhà phản biện vẫn nghĩ thể chế ấy là không tốt. Nó độc đảng, độc đoán toàn trị theo con đường vô sản chuyên chính.

Thể chế ấy dựa vào liên minh công nông và trí thức, nhưng liên quan tới người tài thì một là nó tìm cách loại bỏ tin hoa của dân tộc. Vì những người giỏi thường tìm cách trung thực, nên người ta không tán thành chủ nghĩa Mác Lenin.

Mà không trung thành chủ nghĩa Mác Lenin thì Đảng CS sẽ tìm cách loại bỏ. ”

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, Nhà nước Việt Nam, nếu không thay đổi đường lối cán bộ, không cải cách thể chế bằng việc bỏ hình thức độc quyền đảng trị thì không thể nào tìm được người tài giỏi thật sự để làm lãnh đạo và quản trị đất nước, không thể bảo đảm chỗ đứng bền vững cho người tài.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp phân tích với RFA về những bất cập của thể chế hiện nay:

Cái nền quản trị Nhà nước này nó không minh định rõ cái gì ra cái gì. Nó không nói rõ làm thế nào thì tốt hay không tốt; làm thế nào thì hợp pháp hay phạm pháp…

Người ta không có nền tảng pháp lý cụ thể để người ta yên tâm nên tốt nhất là người ta sẽ không làm.

Đấy là do thể chế, do hệ thống. Do đó phải làm lại hệ thống và thể chế.”

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện cả ba nhánh quyền lực tại Việt Nam đều chịu sự lãnh đạo của một đảng, nên không phân định được rõ trách nhiệm giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Nếu cả ba nhánh quyền lực mà không hoạt động độc lập hơn và có kiểm soát lẫn nhau, giám sát lẫn nhau thì sẽ có rất nhiều trở ngại trong việc chống tham nhũng.

Ảnh: Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội nhà báo độc lập đang chịu án tù, nguyên là một cán bộ đảng viên trong bộ máy nhà nước của chính quyền cộng sản

Vẽ ra những công trình vô bổ để tham nhũng!

Cục Quản lý đường bộ 3 thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang hoàn thiện thủ tục cưỡng chế tháo dỡ năm công trình cổng chào tại thành phố Kon Tum trị giá tám tỷ đồng.

Nguyên nhân được cho biết là những cổng chào này được UBND TP. Kon Tum xây dựng dù chưa được Tổng cục Đường bộ chấp thuận vì lý do mất an toàn giao thông.

Tại buổi họp báo hôm 14 tháng 1 năm 2022, ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND TP. Kon Tum lý giải rằng, những công trình này được khởi công vì mục đích lên đô thị loại II.

Việc xin giấy phép xây dựng cổng chào rất phức tạp, trong khi tỉnh yêu cầu hoàn thành các cổng chào trước năm 2021 nên thành phố triển khai cho kịp tiến độ.

Dư luận cho rằng, đây lại là một hình thức tham nhũng vì ‘có xây mới có ăn’ của các cấp lãnh đạo có thẩm quyền.

Anh Quang, một kỹ sư xây dựng khu vực miền Trung nêu quan điểm của ông về vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng:

Tham nhũng không những không bớt mà còn diễn ra một cách tinh vi hơn trước, nhất là trong lĩnh vực xây dựng. Tinh vi hơn là bởi người ta đã thấy được những lỗ hổng trong cơ chế, trong luật pháp đối với lĩnh vực xây dựng. Trong luật xây dựng người ta cũng đã điều chỉnh, bổ sung một số điều luật nhằm hạn chế mức thấp nhất tình trạng tham nhũng trong xây dựng.

Tuy nhiên, khi người ta càng đưa ra những cơ chế, chính sách, điều luật trong luật xây dựng và một số nghị định liên quan, ví dụ như Quy chế quản lý đầu tư xây dựng hay Quy hoạch xây dựng…thì thành phần tham nhũng đã có cách đối phó trong đó.”

Ản: tượng đài 1.500 tỷ bỏ hoang ở Ninh Bình

Theo anh Quang, rất nhiều loại cổng chào quy mô khác nhau, từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Ai cũng làm cổng chào. Nó không có ý nghĩa gì ngoài tư tưởng cát cứ, tư tưởng tiểu nông cho nên lãng phí rất lớn.

Đặc biệt là lãng phí ngân sách bởi vì không ai bỏ tiền túi ra xây cổng chào hết. Anh giải thích thêm về hai loại tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng:

Cổng chào và tượng đài là những dự án được đẻ ra và gây thất thoát nhiều nhất trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.

Mà trong lĩnh vực này thì thất thoát trong chi phí đầu tư ít nhất là 20% đến 30%, từ đó chi phí tăng lên. Đó là thất thoát trực tiếp.

Còn thất thoát gián tiếp là từ chính sách. Nơi làm ra chính sách, cụ thể là Bộ xây dựng có những sân sau, muốn có lợi thì phải đưa ra những chính sách có lợi cho sân sau, tức có lợi cho cá nhân họ.”

Câu chuyện xây cổng chào không phải mới xuất hiện ở Việt Nam mà từ năm 2010, chính quyền tỉnh Bình Dương đã tổ chức khánh thành cổng chào trị giá 40 tỷ đồng.

Đến năm 2012, chính quyền tỉnh Bình Dương tổ chức tháo dỡ một phần công trình trong cổng chào để thay bằng một quả cầu, trị giá một tỷ đồng.

Còn tại thành phố Hải Phòng, sau khi tốn 24 tỷ đồng để dựng một cổng chào nghệ thuật hồi 2015, năm 2017 đã phải dỡ bỏ do hư hỏng nặng.

Mới năm ngoái, cổng chào sáu tỷ ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cũng rơi vào tình trạng có thể bị tháo dỡ bất kỳ lúc nào do cổng được xây dựng trên tuyến đường giao thương chính của các tỉnh đồng bằng ven biển nên thiếu tính bền vững.

Ảnh: Hai cổng chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Bà Rịa lần thứ VI, nằm cách nhau hơn 200 m trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP Bà Rịa đã cùng lúc bị quật đổ sau cơn mưa vào trưa 2/8/2020

Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Chỉ thị chống dịch chồng chéo: dân phải tự lo phòng thân!

>>> Việt Á nhập kit thử COVID từ Trung Quốc giá 21.560 đồng bán „cắt cổ“ người dân 400.000 Đồng

>>> Bị giam ở Việt Nam, từ khoẻ mạnh bỗng thành suy sụp

Một năm sau Đại hội 13, “rối loạn chức năng toàn trị” thêm trầm trọng


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT