Link Video: https://youtu.be/qA51fXO81NM
Học viện Y-Dược học Cổ truyền Việt Nam, cơ quan mẹ của bệnh viện Tuệ Tĩnh, vừa nhắc lại lời đề nghị Bộ Y tế xem xét tạm ứng gấp 10,2 tỉ đồng cho bệnh viện Tuệ Tĩnh để họ có kinh phí kịp thời thực hiện chi trả phần tiền lương, phụ cấp còn nợ nhân viên từ tháng 5/2021 đến nay, báo chí trong nước đưa tin hôm 14/1.
Như VOA đã tường thuật, 40 nhân viên của bệnh viện Tuệ Tĩnh, chiếm 1/4 tổng số người làm việc trong bệnh viện, đã xuống đường biểu tình ở Hà Nội trong các hôm từ 11 đến 13/1 để phản đối việc bệnh viện chậm trả lương hơn nửa năm.
Những người biểu tình nói họ “bị bỏ đói” trong khi lãnh đạo được “lương thưởng đầy đủ”.
Báo chí Việt Nam dẫn lại thông tin từ Học viện Y-Dược học Cổ truyền cho hay từ tháng 1/2019, bệnh viện Tuệ Tĩnh trở thành đơn vị “tự bảo đảm chi hoạt động thường xuyên”.
Điều này đồng nghĩa là bệnh viện “được tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng nguồn tài chính để thực hiện nhiệm vụ”.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của bệnh viện này. Theo báo chí trong nước, trong nhiều tháng, bệnh viện Tuệ Tĩnh gần như không có bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh trong quý I năm 2021 đạt 15%, quý II năm 2021 đạt 51,19% và quý III năm 2021 đạt 12,1%.
Chính vì vậy, nguồn thu của bệnh viện không đủ để trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, chỉ ưu tiên trả lương và các khoản trích nộp theo lương, một bản tin của Lao Động cho biết.
Từ tháng 5/2021 đến nay, bệnh viện chỉ tạm chi 50% tiền lương dẫn đến đời sống của viên chức, người lao động gặp rất nhiều khó khăn.
Lao Động, VietnamNet và một số báo khác cho biết phần lớn nhân viên bệnh viện Tuệ Tĩnh có mức lương “rất thấp”, chỉ 6-7 triệu đồng/tháng.
Hơn 8 tháng qua, họ chỉ nhận được một nửa, hơn 3 triệu đồng/tháng, do đó không đủ chi trả cho cuộc sống hàng ngày.
Báo chí trong nước nói rằng nhiều nhân viên của bệnh viện này đã phải làm những công việc tạm thời trong hơn nửa năm để có tiền trang trải cuộc sống, bao gồm cả đi giao hàng, lái xe ôm hay bán rau.
Nói với VietnamNet, bà Lê Thanh Bình, Tổ trưởng Tổ công đoàn bệnh viện Tuệ Tĩnh, cho hay rằng lời đề nghị Bộ Y tế tạm ứng hơn 10 tỉ đồng không phải là đề xuất mới được đưa ra, mà ban giám đốc bệnh viện đã gửi kiến nghị này đến bộ cách đây gần 2 tháng, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
“Lãnh đạo yêu cầu họp nhưng mang tính chất động viên, còn lương và chế độ vẫn bảo chờ, không có lịch cụ thể khi nào trả. Chúng tôi không còn cách nào phải “xuống đường” để nhờ đến sự lên tiếng của cộng đồng“, bà Bình nói với báo Tuổi trẻ.
Cụ thể từ tháng 5 đến tháng 11-2021, cán bộ y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ được nhận 50% lương. Đến tháng 12 không đồng lương nào và tháng 1 dự báo không có lương vì không có nguồn thu vào để chi được lương.
“Tình trạng này chưa bao giờ xảy ra tại đơn vị cho đến năm 2019 khi có quyết định tự chủ, cán bộ Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị cắt hết thưởng chỉ còn lương, năm 2021 vừa rồi, lương cũng không được đảm bảo nữa.
Nhưng chỉ 160 cán bộ công nhân viên (nhân viên không giữ chức vụ quyền hành, đang làm việc tại khối bệnh viện) thôi chứ không có lãnh đạo bị như vậy, các khối khác thuộc học viện vẫn được đảm bảo lương thưởng, các khoản phúc lợi đầy đủ.
“1 cơ quan nhưng 2 chế độ“, chúng tôi cùng ký hợp đồng như các bạn với giám đốc học viện, chỉ khác vị trí việc làm mà chúng tôi bị đối xử như thế suốt 3 năm qua“, bà Bình bức xúc nói.
Cũng như nhiều cán bộ y bác sĩ tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh, điều dưỡng Kim Thoa cũng “khổ sở” với thu nhập mà hiện tại không được chi trả.
“Sống ở thủ đô mà mỗi tháng nhận 2.700.000 đồng và hai tháng nay không nhận được đồng nào thì sống sao được. Tôi phải dựa vào thu nhập của chồng, gia đình hai bên để nuôi hai con nhỏ.
Nhiều cán bộ y bác sĩ phải đi bán rau, làm shiper… có gì bán đấy để trang trải cuộc sống“, chị Thoa bức xúc nói.
Cũng theo chị Thoa, bệnh viện đã tổ chức nhiều cuộc họp nhưng không đưa ra được phương hướng giải quyết.
“Tôi làm tại bệnh viện từ 2005, đã cống hiến gần 20 năm, rất muốn gắn bó. Tôi chỉ mong muốn là rõ ràng việc tự chủ của bệnh viện.
Bệnh viện không phải là bệnh viện làm kinh tế. Hiện học viện có 3 đơn vị là Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Viện nghiên cứu và trung tâm xã hội theo yêu cầu nhưng chỉ có Bệnh viện Tuệ Tĩnh là tự chủ.
Trong đó chỉ có dược sĩ, điều dưỡng và một số bác sĩ là thuộc bệnh viện. Các trưởng phó khoa lại kiêm nhiệm bên học viện, lương thưởng vẫn đầy đủ. Còn các nhân viên y tế, các bộ phận khác thuộc bệnh viện thì không có lương.
Khi tôi thi viên chức, ký hợp đồng là ký hợp đồng với học viện, bởi vậy tôi muốn học viện làm rõ việc này. Khi bệnh viện tự chủ, tôi cũng không biết, chỉ khi có quyết định mới thông báo đến nhân viên y tế“, chị Thoa nói.
Theo bà Bình, tình trạng trong bệnh viện được coi là chưa có tiền lệ khi các y bác sĩ phải làm đủ nghề để trang trải cuộc sống.
“Tranh thủ 11h30 được nghỉ trưa đến 12h30 chúng tôi làm đủ thứ việc. Bán hàng online, bán khẩu trang… đủ cả. Việc cấp thiết nhất bây giờ là yêu cầu trả lương từ tháng 5 của chúng tôi, đây là mồ hôi công sức của cán bộ y bác sĩ. Để chúng tôi còn trang trải, Tết đến gần lắm rồi“, bà Bình chia sẻ.
Dược sĩ Nguyễn Thị Tuyết, khoa dược, làm việc tại bệnh viện từ 2009, đến nay đã hơn 10 năm. Từ tháng 5-2021, chị nhận được 50% lương, hai tháng gần đây không nhận được lương.
“Hiện mức lương của tôi là 5.400.000 đồng. Tháng 5, tôi nhận được thông báo từ trưởng khoa phòng sẽ nhận được 50% lương do thu nhập của bệnh viện không có.
Trong đợt dịch vừa qua, chúng tôi vừa làm việc ở viện, vừa hỗ trợ vận chuyển vắc xin. Sáng đến Viện dịch tễ, Bệnh viện Việt – Đức để lấy vắc xin về. Hôm nào tổ chức tiêm thì mang vắc xin xuống điểm tiêm, khi kết thúc lại mang về kho lưu trữ. Nhiều ngày công việc đến 18h – 19h mới xong. Những việc này cũng không có trợ cấp, không có ngoài giờ. Chúng tôi vẫn đảm bảo công việc“, chị Tuyết chia sẻ.
Gia đình chị Tuyết có hai con nhỏ, với mức thu nhập như vậy đã rất khó khăn. Chị phải nhờ đến sự hỗ trợ của gia đình, ông bà ở quê gửi thực phẩm lên. Chi tiêu cũng chắt bóp lại.
Tình trạng đã kéo dài 8 tháng, nhưng đến thời điểm này các y bác sĩ phải “xuống đường” nhờ đến sự trợ giúp của cộng đồng.
“Thật sự chúng tôi không còn cách nào khác. Xin nghỉ phép ban giám đốc cũng không cho, xin nghỉ không lương cũng không đồng ý. Với 50% lương là 2.700.000 đồng/tháng và đến giờ là không nhận được lương nữa chúng tôi đã kiệt sức rồi. Tết đến nơi rồi, chúng tôi phải làm vậy thôi“, chị Tuyết nói.
“Dù chịu cảnh nợ lương nhưng các nhân viên, điều dưỡng tại bệnh viện vẫn đang cố bám trụ vì còn rất nhiều bệnh nhân phải chăm sóc, chúng tôi không có quyền từ chối bệnh nhân.
Những ngày qua, chờ đến lúc hết giờ làm việc, y bác sĩ mang băng-rôn ra trước cổng bệnh viện “cầu cứu”, các cơ quan chức năng lên tiếng bảo vệ các y bác sĩ, vì chúng tôi đã hết kiên nhẫn với “những lời hứa suông”. Đến nay, vấn đề vẫn chưa thể giải quyết và đến bước đường cùng chúng tôi phải làm như vậy để dư luận có thể thấy rõ thực tế tình trạng trong bệnh viện như thế nào” – điều dưỡng H. nói.
Hô to cầu cứu người đi đường: “Xin mọi người hãy cứu lấy chúng tôi!”, chị Đỗ Thị Duyên (điều dưỡng khoa Tâm thần kinh) bức xúc vì 8 tháng qua, mỗi tháng chị chỉ nhận được hơn 3 triệu đồng. Trong khi đó chị phải nuôi 3 con nhỏ đang tuổi ăn học, tiền sinh hoạt phải dựa vào chồng và 2 bên gia đình nội ngoại.
“Hàng ngày tôi vượt 30km từ Hưng Yên sang đây để làm việc, mỗi ngày tốn 50 nghìn tiền xăng, 20 nghìn đò qua sông. Số tiền ít ỏi kia chỉ đủ cho tôi đi đường, nếu xe trục trặc giữa đường không biết lấy tiền đâu để sửa“, chị Duyên tâm sự.
Được biết, chị Duyên đã làm việc tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh hơn 14 năm nay. Làm nghề đã lâu nên chị muốn cống hiến và vì yêu nghề nên chị mới gắn bó lâu với bệnh viện như vậy. Hơn nữa, nếu nghỉ việc chị cũng không biết mình sẽ làm gì. Nhà xa, sáng đi rất sớm và tối về rất muộn nên chị không thể làm thêm công việc nào khác để kiếm thu nhập. Tình trạng nợ lương kéo dài hơn 8 tháng qua khiến chị và nhiều người vô cùng khổ sở.
Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Đầu sỏ vụ test kit Việt Á vẫn còn ‘lẩn tránh’
>>> Báo Nhà nước có bịa tin về VinFast để lừa người Việt?
>>> HRW: Việt Nam trừng phạt có hệ thống, bắt giữ và xét xử nhiều nhà hoạt động trong năm 2021
Hai scandal liên tiếp: Cổ phiếu FLC của Trịnh Văn Quyết và Tân Hoàng Minh ‘bỏ cọc’
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT