Link Video: https://youtu.be/-1u6eq1m37E
Phiên tòa sơ thẩm xử hai nhà hoạt động Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm diễn ra vỏn vẹn trong vòng 4 giờ đồng hồ vào sáng ngày 15 tháng 12 năm 2021 với 16 năm tù được tuyên.
Đây là hai nhà hoạt động vì quyền đất đai lên tiếng mạnh mẽ trong vụ Đồng Tâm và cùng bị cáo buộc tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật hình sự.
Ông Trịnh Bá Phương bị tuyên 10 năm tù giam cùng 5 năm quản chế, còn bà Nguyễn Thị Tâm thì chịu mức án 6 năm tù và 3 năm quản chế.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, luật sư Nguyễn Văn Miếng nhận xét:
“Bản án này đối với ông Phương là quá nặng, còn bà Tâm là tùy theo nhận định thôi. Đối với những người này thì ra tòa họ không có nhận tội thì một ngày tù cũng là nặng.
Tòa xử án 6 năm thì người ta cũng có thể chấp nhận, nhưng riêng bản án của Phương đến 10 năm là mang tính chất trả thù Phương vì ông này như cái gai trong mắt của họ.”
Còn về tinh thần của hai nhà hoạt động trong phiên xét xử, luật sư Miếng cho biết:
“Riêng Phương ra tòa thì rất là kiên cường, Phương ra tòa giống như một nhà hùng biện, thể hiện khí phách nhưng không phải theo kiểu chửi bới. Bà Tâm thì điềm đạm theo kiểu nông dân và không có gì xúc phạm Hội đồng xét xử.”
Luật sư Lê Văn Luân tường thuật lại phiên tòa, cho hay ông Phương nói rõ quan điểm chính trị của mình rằng cần phải đa nguyên chính trị, phản đối sự bất công của luật pháp và Điều 4 Hiến pháp.
“Hai nông dân với những góc nhìn khác nhau, tại phiên toà cho thấy họ đã mang tinh thần và phong thái trang trọng hơn rất nhiều, với những câu trả lời không chỉ thấm đẫm lương tâm mà còn sự thấu biết khá lớn về nhiều vấn đề.” Luật sư Lê Văn Luân viết trên Facebook.
Mặc dù bị tòa ngắt lời nhiều lần nhưng lời nói sau cùng của ông Trịnh Bá Phương trong phiên tòa được bà Trịnh Thị Thảo, em gái ông Phương ghi lại trên FB cá nhân như sau:
“Tôi đấu tranh với mong muốn đất nước tôi không còn tình trạng hàng trăm người bị đánh chết trong đồn công an.
Tôi đấu tranh với mong muốn không còn tình trạng người Việt phải rời bỏ quê hương đi làm thuê ở xứ người qua những tổ chức buôn người với vỏ bọc xuất khẩu lao động.
Tôi đấu tranh với mong muốn không còn tình trạng ruộng đất với bờ xôi, ruộng mật là sinh kế của người nông dân bị Đảng Cộng Sản cướp đoạt.
Tôi đấu tranh với mong muốn không còn tình trạng Đảng cử, dân bầu và người dân phải được bầu cử tự do và tôi đấu tranh để người dân chúng tôi không còn bị cai trị bởi Đảng Cộng Sản Việt Nam, một tổ chức hèn với giặc, ác với dân.
Tôi đấu tranh với mong muốn không còn tình trạng áp bức bóc lột và tôi chống Đảng Cộng Sản Việt Nam là việc làm chính nghĩa.
Tôi không có tội với dân với nước. Chính Đảng Cộng Sản Việt Nam mới là tổ chức phản bội, bán nước, hại dân.
Nhân dân và lịch sử sẽ phán xét tội ác của Đảng Cộng Sản đã gây ra với dân tộc Việt Nam.”
Cũng trong phiên tòa ông Trịnh Bá Phương tố cáo đã bị đánh đập, ép cung, nhưng không được tòa xem xét.
Ông Trịnh Bá Phương nói: “trong quá trình điều tra, tôi bị tra tấn đánh đập, ép cung. Có 4 người thay nhau đánh đập, đánh vào bộ phận sinh dục của tôi. Ngoài ra, họ có hành vi tra tấn, đe dọa và gây áp lực tinh thần đối với tôi: đó là vào các ngày 24/6/2020; ngày 25/8/2020; ngày 9/9/2020; ngày 27/10/2020; ngày 10/11/2020. Và các điều tra viên liên tục thực hiện đe doạ tinh thần tôi sẽ đưa vào bệnh viện tâm thần: “mày không khai báo thì mày sẽ phải ở với những thằng điên”.
Ngày 25/12/2020, bên an ninh điều tra đã dẫn một người đến, giới thiệu là cán bộ Bộ công an. Họ đã liên tục đe dọa và áp lực tinh thần đối với tôi.
Những gì tôi nói là hoàn toàn đúng sự thật. Hôm tôi bị đưa xuống bệnh viện tâm thần, có ông Hoàng Hà là Kiểm sát viên.”
Cũng trong phiên tòa ông Trịnh Bá Phương tố cáo đã nhiều lần bị chính quyền áp bức trước khi bị bắt giam: “Trên 20 lần tôi bị bắt trái phép, bị lực lượng công an đánh đập. Ngày 09/01/2020, tôi bị bắt, đánh đập, bắt đưa lên xe.” Ông Phương nói, tuy nhiên tòa không tỏ ý quan tâm những chi tiết này.
Trong phiên xét xử, không người nhà nào của các bị cáo được tham dự, phía chính quyền thậm chí còn bắt và câu lưu toàn bộ người thân và người ủng hộ của hai nhà hoạt động khi họ đến Tòa án nhân dân Hà Nội.
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội quy kết, hai ông/bà Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm đã thực hiện việc phát trực tiếp các video, đăng tải các bài viết, trạng thái, chia sẻ trên tài khoản Facebook cá nhân các nội dung liên quan đến sự việc ở xã Đồng Tâm.
Những thông tin và nội dung này bị cho là đã “xuyên tạc, bịa đặt tình hình diễn ra tại Đồng Tâm, phỉ báng chính quyền nhân dân, kích động nhân dân chống đối chính quyền, thóa mạ, hạ uy tín lực lượng chức năng, xúc phạm uy tín danh dự của người khác, gây hoang mang trong nhân dân, nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Mạng báo Công an nhân dân thì dẫn lời Hội đồng xét xử nhận định, “hành vi của các bị cáo gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; đe dọa phá vỡ sự vững mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; gây ảnh hưởng đến uy tín và sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và cá nhân; gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội, chính trị của Nhà nước và từng địa phương.”
Cả ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm đều bị bắt vào ngày 24 tháng 6 năm 2020, ngoài ra, mẹ và em trai của ông Phương và bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Tư cũng bị bắt cùng ngày.
Trước phiên xử, tổ chức Theo dõi Nhân quyền ra thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ cáo buộc mang động cơ chính trị đối với hai nhà hoạt động ở phường Dương Nội.
Trên FB cá nhân Luật sư Trịnh Văn Miếng tóm tắt lại phiên xét xử như sau:
– Về Ông Trịnh Bá Phương:
– Ngày 9/1/2020, ông Phương đã đăng 2 Livestream vào lúc 6:38 và 23:40 về việc “Công an TP. Hà Nội thực hiện công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.”
– Facebook của ông có đăng và chia sẻ 43 bài.
– Ngoài ra ông còn tàng trữ một quyển “Cẩm nang nuôi tù” của tác giả Phạm Đoan Trang. (Nhưng tác giả lại không bị xử lý).
Trong quá trình điều tra, ông giữ quyền im lặng, nên bị cơ quan điều tra cho đi… “nhà thương điên” một tháng để giám định tâm thần.
– Về Bà Nguyễn Thị Tâm:
Đăng trên Facebook 6 Video Clip và 114 bài viết và chia sẻ. Trong số đó, các ngày 9, 10, 11/01/2020, bà liên tục đăng tải các bài viết, trạng thái, chia sẻ về sự kiện Đồng Tâm.
Họ là hình mẫu chung cho người nông dân bị mất đất tại Dương Nội, khi thấy đồng bào Đồng Tâm lâm vào hoàn cảnh tương tự đã chia sẻ, kêu cứu giúp như truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng.”
Không phải như Kết luận điều tra đã viết: Họ “không có quyền, lợi ích gì liên quan tại xã Đồng Tâm”.
Một Văn phòng luật sư tại Hà Nội đã tư vấn cho bà con Dương Nội khiếu nại đất đai theo quy định của pháp luật, hiện còn hai vụ khởi kiện hành chính dang dở, luật sư đã bị triệu tập làm việc.
Trong phiên toà luật sư bào chữa đã có kiến nghị những bất cập về Giám định tư tưởng, Điều 117 BLHS và Luật Đất Đai “sở hữu toàn dân” đã đẩy 2 nông dân “phản động yêu nước” ra trước vành móng ngựa.
Bên ngoài toà, cách vài trăm mét, mãi tít ngoài đường Phạm Văn Bạch, thân nhân hai bị cáo không được tham dự phiên toà đã bị hốt về đồn cùng với bà con Dương Nội.
Một phiên toà xét xử vội vã, liên tục, không nghỉ trưa, hạn chế phần tranh luận, không trình chiếu chứng cứ, không triệu tập người làm chứng và giám định viên tư tưởng, nghị án trong 10 phút và tuyên một bản án 16 năm tù cho hai nông dân như chạy đua với thời gian.
Ông Phương và bà Tâm bình thản lắng nghe toà tuyên án và nói với các luật sư: chúng tôi sẽ kháng cáo.”
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Vụ nhà báo Phạm Đoan Trang bị kết án: Bộ Ngoại giao Mỹ và quốc tế phản đối
>>> Hiệp hội Nhà xuất bản Quốc tế: ‘Kính phục Đoan Trang, lên án chính phủ Việt Nam’
>>> Dốt nát cộng với độc đoán sẽ thành giết người
Mỗi bản án chính trị là điểm nối tan vỡ của chế độ
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT