Link Video: https://youtu.be/e5FBdGMaIFw
Đổ tội cho khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” đã khiến cho con người trở tuân phục một chiều, thụ động và thiếu tính sách tạo, kiến nghị của GS Trần Ngọc Thêm rằng cần bỏ đi khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” đang khiến bùng nổ một cuộc tranh luận trên báo chí và mạng xã hội.
Các ý kiến phản biện cho rằng chính thể độc tài đơn nguyên mới là căn nguyên dẫn đến những căn bệnh như: “bệnh” thành tích, “bệnh” phong trào, “bệnh” đối phó trong giáo dục và bệnh nịnh hót giả dối trong quan hệ công sở chính quyền.
Trả lời báo chí, GS Trần Ngọc Thêm cho rằng “Tiên học lễ” đề cao sự phục tùng, trong khi đó để có tính sáng tạo thì cần đề cao tính dân chủ. Ông nói:“Tiên học lễ” rồi thì con người sẽ trở nên thụ động, sẽ không còn tư duy phản biện nữa. “Tiên học lễ” đòi hỏi quan hệ một chiều, người dưới tôn trọng người trên. Còn sức sáng tạo và sự phản biện tồn tại trong quan hệ hai chiều, người dưới và người trên cần có sự tôn trọng lẫn nhau.”
Lý do ông muốn bỏ chữ lễ là vì “Chừng nào còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển”…và ”Cần chống việc nhồi nhét kiến thức, chống cách học thuộc lòng; chấm dứt cách học theo bài mẫu” – Ông giải thích.
Tuy nhiên một số người phản biện lại cho rằng bản thân “tiên học lễ” không có lỗi gì mà vấn đề thiếu dân chủ nằm ở cách phản ứng của nhà cầm quyền trói buộc tự do tư tưởng, tự do ngôn luận.
“Khi không có tự do báo chí thì rõ ràng không có tự do ngôn luận. Khi luật pháp có thể bỏ tù người dân vì ý nghĩ trong đầu của họ thì rõ ràng không có tự do tư tưởng.”
Đó mới chính là căn nguyên dẫn đến sự quy phục một chiều, bệnh hình thức, bệnh phong trào và nịnh nọt giả dối phát sinh không những trong giáo dục mà trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Nét đẹp của chữ Lễ hay văn hóa ứng xử được các nhà phản biện kể lại trong nhiều câu chuyện rất ấn tượng cho thấy “Tiên học lễ” là đều rất đáng trân quý. Ngoài ra, chữ Lễ có nghĩa cách hài hòa ứng xử hai chiều, bày tỏ và lắng nghe một cách chân thành của cả hai phía chứ không phải là sự phục tùng khép nép, kiềm chế và câm nín của người dưới.
Ông Lê Học Lãnh Vân – người được hệ thống giáo dục của Việt Nam Cộng hòa dạy dỗ – kể rằng, thời đó, khi đề cập về “Tiên học lễ, hậu học văn” thầy của ông giải thích rằng:
Lễ là những phép tắc giao tiếp với người khác tỏ lòng kính trọng.
Lòng kính trọng luôn luôn có hai chiều, có lễ của thần tử đối với quân vương, mà cũng có lễ của quân vương đối với thần tử. Xã hội đã thay đổi nhưng thời đại dân chủ cũng không thể không có “lễ”, đó là là “lễ” giữa những người bình đẳng, tự do…
Ông Vân kể thêm, bởi thấm nhuần điều đã được các thầy của ông căn dặn: Lấy “lễ” đãi nhau, không gì bằng lời nói thật.
Nên trong giao tiếp và lúc cần thảo luận, nếu khác ý kiến, ông Vân không ngâm giữ trong lòng mà phải nói ra thật ý.
Đó cũng là lý do ông Vân tự thấy, chữ “lễ” không những không ngược với tư duy phản biện mà còn thúc giục người ta nói lời phải, nói lời phản biện thật lòng!
Ông Vân cho rằng “tư duy phản biện bị trói buộc bởi cách tổ chức xã hội trong đó cả ngôn luận lẫn tư tưởng không được tự do. Không có tự do báo chí thì rõ ràng không có tự do ngôn luận. Khi người dân bị tù vì ý nghĩ trong đầu của họ thì rõ ràng không có tự do tư tưởng rồi.”
Trói buộc tư duy phản biện ở mức thấp, trong trường học, thể hiện qua cách giáo viên có thể theo dõi hay can thiệp vào các trao đổi trên mạng của học sinh, nhà trường cũng có thể làm vậy đối với giáo viên. Ở thượng tầng là việc quá nhiều thông tin được đánh dấu mật dù không liên quan tới an ninh quốc gia như nhiều thông tin về những sự việc ai cũng biết đã xảy ra mà không tờ báo chính thống nào đăng tải!
Thông tin một chiều, hạn chế thông tin và môi trường thiếu tự do tư tưởng trói buộc tư duy phản biện.
Ông Vân đặt câu hỏi với GS Trần Ngọc Thêm rằng:
“Anh có nghĩ rằng xã hội đơn nguyên và chuyên chính là nguyên nhân của các nguyên nhân kể trên, do đó là tác nhân quan trọng trói buộc tư duy phản biện không và do đó, có phải đó là tác nhân đào tạo nên những con người thụ động, không chủ động, không sáng tạo như lo lắng của anh không?
Anh nghĩ sao về nhận xét, trong xã hội khi mà cá nhân quá nhỏ nhoi trước cơ quan, cấp trên có quá nhiều quyền lực với cấp dưới, thiếu vắng sự bình đẳng thì chữ “lễ” được hiểu theo nghĩa của ngàn năm phong kiến xưa?
Trái lại, trong xã hội mà sự bình đẳng hiện diện rộng rãi, tự do của con người được tôn trọng và bảo vệ thì chữ “lễ” được hiểu một cách phóng khoáng, do đó không còn trói buộc sự chủ động, tính phản biện của cá nhân, chữ “lễ” đó có tác dụng nào tích cực không anh?”
Ở một góc nhìn khác, Facebooker Thuc Pham Awake đề nghị:
“Nếu có thể làm được, thì hãy bỏ tất cả các khẩu hiệu, chứ ko phải chỉ một khẩu hiệu.
Đất nước gì mà nhiều khẩu hiệu quá, tràn ngập khắp mọi nơi, nào là treo ngang qua đường, dọc thân cây, cột điện, trên cầu, trong trường học, bệnh viện, đôi khi cả trong nghĩa trang, trại tâm thần, trại cai nghiện, WC công cộng… nhưng chủ yếu là vô tác dụng. Đi sang Lào, CPC thôi đã thấy họ ko cuồng khẩu hiệu như ta.
Nếu thực tâm muốn các con các cháu tiên học lễ, hậu học văn, không cần phải hô, không cần phải treo khẩu hiệu mà phải có chương trình dạy học cụ thể, thầy cô, bố mẹ, người lớn làm gương, hàng ngày hàng giờ uốn nắn các con các cháu. Chứ kể cả trưng cái khẩu hiệu lên nhưng chẳng ai tôn trọng và làm theo cũng vô ích. Bên cạnh đó, thử hỏi ở Trung quốc có chế độ phong kiến lâu đời hơn, quê hương của Nho giáo, người ta có treo câu khẩu hiệu đó trong tất cả các trường không?
Nếu có thể được, mỗi trường nên có quyền tự đặt ra khẩu hiệu riêng toát lên tôn chỉ, mục đích của mình. Ở những đất nước tự do, dân chủ điều này là bình thường.
Đất nước có phát triển, văn minh, hiện đại ko, thì tùy thuộc vào thể chế có sự phân chia và cân bằng quyền lực, nền giáo dục tạo ra con người có tư duy phản biện và sáng tạo, luật pháp công minh, ko ai đứng trên pháp luật, và người dân sử dụng các điều đó để phát triển đến mức cao nhất các tiềm năng của mình, ko lười biếng, ỉ lại; chứ sự hưng thịnh của đất nước ko bao giờ phụ thuộc vào một, một ngàn hay một triệu câu khẩu hiệu.”
Trên FB cá nhân, nhà báo Nguyễn Tiến Tường cho rằng:
“Anh nào dám bỏ 5 điều bác Hồ dạy mới thật là khí phách. Trẻ em đầu tiên phải yêu cha mẹ anh em bạn bè, rồi mới lan toả ra thành yêu tổ quốc đồng bào. Học tập tốt thì được nhưng lao động tốt là không được. Bác dạy thế là sai về phương pháp luận!
Rồi như “mười năm trồng cây trăm năm trồng người” là của Quản Trọng đời nhà Tề. Không nên copy không để bản quyền như rứa!”
Ý của nhà báo Nguyễn Tiến Tường cho rằng câu nói của Quản Trọng đời nhà Tề nhưng bấy lâu nay các nhà báo cứ trích dẫn rằng câu nói của Hồ Chí Minh là không ổn.
“Đi học chưa tìm thấy được cái tôi mà đã phải làm điều vĩ đại thì cái lễ không giả tạo sao được? Rồi thì lại tầm chương trích cú, khẩu hiệu rỗng tuếch, học tập làm theo tùm lum tà la.
Nay nghĩ giáo dục vận hành theo barem, học sinh luỵ giáo viên, giáo viên luỵ hiểu trưởng, hiệu trưởng luỵ trưởng phòng, trưởng phòng luỵ trưởng ty… một cái vòng xoáy không ai tìm thấy mình. Cái lễ ấy cũng là xanh vỏ đỏ lòng mà thôi, hoặc nói dân gian là “dạ trước mặt, trỏ… sau lưng”.
Nghĩa là chúng ta vừa đánh mất cái cũ, lại không xây được cái mới, không nền tảng cũng chẳng kế thừa mà cái mới cũng chẳng hiểu là cái chi.” Nhà báo Nguyễn Tiến Tường nêu quan điểm.
Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Người Việt sang Anh: Ra đi bằng mọi ngả, ở lại bằng mọi giá
>>> Bỏ “Tiên học lễ, hậu học văn”, rồi làm gì?!
>>> Bí thư huyện bị tố hiếp dâm ở Quảng Ninh có nguy cơ bị khai trừ
BẤT NGỜ ÍT AI BIẾT ĐẰNG SAU DỰ ÁN Ô TÔ VINFAST CỦA ANH VƯỢNG
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT