Link Video: https://youtu.be/x5LHAU9zcSI
Bộ trưởng Y tế Việt Nam bày tỏ lo ngại nguy cơ bùng phát dịch rất lớn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thanh Long đưa ra cảnh báo trong bối cảnh nhà chức trách đánh giá 10 ngày thực hiện một nghị quyết được mô tả là “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
“Về cơ bản hiện nay chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch tại các địa bàn trọng điểm như TP HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và một số địa phương khác.
“Tuy nhiên sau khi nới lỏng giãn cách, lượng người đi lại từ vùng có dịch về các địa phương rất nhiều và đã xuất hiện các ổ dịch mà nguồn lây chủ yếu từ những người trở về từ các vùng dịch.
“Do đó đề nghị các địa phương phải rà soát lại, kiểm soát người về từ 4 địa bàn TP HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai để phát hiện kịp thời và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
“Người đi từ vùng dịch về đã đủ điều kiện theo dõi sức khoẻ tại nhà, nhưng không có nghĩa là “thả lỏng” mà phải dựa vào tổ COVID cộng đồng thường xuyên kiểm tra, giám sát“.
“Chúng tôi bày tỏ lo ngại nguy cơ bùng phát dịch rất lớn trong thời gian tới. Do đó, các địa phương phải nâng cao hơn mức độ cảnh giác với dịch,” Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói vào ngày 24/10.
Người đứng đầu ngành y tế Việt Nam cũng cho biết các tỉnh như Phú Thọ, Thanh Hoá, Nam Định và một số địa phương ở khu vực Tây Nam Bộ đã ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan đến người trở về từ vùng dịch.
Tin cho hay các tỉnh An Giang, Đắk Lắk, Bến Tre vẫn xuất hiện các ổ dịch lây nhiễm trong cộng đồng. Đặc biệt, hôm nay tại huyện Quốc Oai, TP Hà Nội ghi nhận 7 ca lây nhiễm trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây.
Được biết hiện có một số địa phương có độ phủ vaccine cao nhưng vẫn còn có địa phương chưa đạt được tốc độ tiêm còn thấp.
Bộ trưởng Bộ Y Việt Nam cũng nhắc lại chủ trương các địa phương cần phong tỏa và cách ly “nhỏ nhất có thể“.
Trung bình số ca nhiễm Covid mới trong nước trong 7 ngày qua là 3.544 ca/ngày và số tử vong ghi nhận là 68 ca/ngày.
Tổng số tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.673 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
Tháng 11, bao phủ vắc xin đến 80% người từ 50 tuổi
Theo người đứng đầu ngành y tế, một trong những tiêu chí phân loại cấp độ dịch là độ bao phủ vắc xin. Hướng dẫn của Bộ Y tế đã chỉ rõ cố gắng bao phủ mũi 1 theo đúng đối tượng. Trong tháng 10 đạt bao phủ mũi 2 cho người trên 65 tuổi ở mức tối thiểu 80%; trong tháng 11 đạt mức bao phủ tương tự đối với người trên 50 tuổi. Vừa qua, có những địa phương làm tốt nhưng có những địa phương chưa đạt được tốc độ tiêm như mong muốn.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương đã được phân bổ vắc xin phải tăng tốc tiêm chủng. Đồng thời, khi triển khai tiêm chủng phải tuân thủ việc cập nhật dữ liệu thông tin người tiêm lên nền tảng tiêm chủng theo đúng hướng dẫn.
Ngoài ra, tiêu chí quan trọng khác là các địa phương phải chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống điều trị, phải đảm bảo giường bệnh cho tình huống có nhiều ca mắc, có máy thở, có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu, có ô xy… để khi dịch xảy ra thì kiểm soát được và giảm tối đa số ca tử vong.
Liên quan đến triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ Y tế cũng lưu ý, qua 10 ngày triển khai, các địa phương cơ bản đáp ứng và linh hoạt triển khai theo tinh thần thực tế của địa phương. Tuy nhiên vẫn còn một vài nơi áp dụng cứng nhắc.
Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh “Trong Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 đã nêu việc tiến hành đánh giá cấp độ dịch theo quy mô xã/phường để giảm thiểu ảnh hưởng của dịch đến sự phát triển kinh tế xã hội. Do đó, các địa phương cần thực hiện theo hướng dẫn. Khoanh vùng nhỏ nhất để dập dịch và không ảnh hưởng đến đời sống, phát triển kinh tế – xã hội“.
Hơn 2,6 triệu liều vaccine Pfizer về Việt Nam
Hơn 1,3 liều vaccine Pfizer về Hà Nội tối 24/10 và hơn 1,3 triệu liều đến TP HCM sáng 25/10, do Mỹ hỗ trợ Việt Nam thông qua Covax.
Thông tin từ Đại sứ quán Mỹ sáng 25/10, đây là lần thứ sáu Mỹ hỗ trợ vaccine Covid-19 cho Việt Nam, đến nay tổng cộng 12,1 triệu liều.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Covid-19 Toàn cầu hôm 22/9, Mỹ công bố cam kết cung cấp thêm 500 triệu liều Pfizer cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới.
Mỹ hiện là nước viện trợ vaccine Covid-19 lớn nhất toàn cầu, nhiều hơn các nền kinh tế hàng đầu khác như Trung Quốc, Nhật, Anh.
Dữ liệu được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổng hợp cho thấy tính đến 9/9, Mỹ đã tài trợ và phân phối hơn 114 triệu liều vaccine Covid-19 cho khoảng 80 quốc gia đang phát triển trên khắp châu Á, châu Phi và Mỹ Latin.
Tính đến 24/10, Việt Nam đã tiêm chủng hơn 72,9 triệu liều, trong đó hơn 51,8 triệu mũi một, hơn 21 triệu mũi hai.
WHO: Đại dịch còn lâu mới chấm dứt
Tổng giám đốc WHO Tedros nhận định với gần 50.000 người chết mỗi tuần vì Covid-19 trên thế giới, đại dịch “còn lâu mới kết thúc“.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một hội nghị ở Berlin cuối tuần qua rằng đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt “khi thế giới chọn kết thúc nó“.
“Điều đó nằm trong tay chúng ta. Chúng ta có tất cả các công cụ chúng ta cần, nhưng thế giới đã không sử dụng tốt những công cụ đó“, Tedros nói, nhận định đại dịch còn lâu mới chấm dứt khi ca tử vong vì Covid-19 vẫn gia tăng khoảng 50.000 người mỗi tuần.
Thế giới đã ghi nhận 244.404.428 ca nhiễm nCoV và 4.963.318 ca tử vong, tăng lần lượt 313.434 và 4.487, trong khi 221.414.176 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Châu Âu hiện được xem như điểm nóng Covid-19, khi nhiều nước trong khu vực ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh gần đây.
Theo thống kê của Reuters hôm 24/10, số ca nhiễm ở Đông Âu đã vượt 20 triệu, trong bối cảnh khu vực này phải vật lộn với đợt bùng dịch tồi tệ và nỗ lực tiêm chủng đang chậm lại.
Phân tích của Reuters cũng chỉ ra rằng dù chỉ chiếm 4% dân số thế giới, Đông Âu ghi nhận khoảng 20% tổng ca nhiễm toàn cầu. Ba trong số 5 nước ghi nhận ca tử vong vì Covid-19 cao nhất ở Đông Âu là Nga, Ukraine và Romania.
Theo dữ liệu tính tới ngày 22/10, số ca nhiễm mới trong khu vực này tăng đều đặn với trung bình hơn 83.7000 ca nhiễm mới mỗi ngày, mức cao nhất tính từ tháng 11 năm ngoái.
Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho biết việc người dân tụ tập trong nhà nhiều hơn sau khi dỡ chính phủ các nước dỡ biện pháp hạn chế đang khiến ca nhiễm nCoV gia tăng ở nhiều quốc gia châu Âu.
Tại châu Á, tình hình dịch dường như được cải thiện khi số ca nhiễm mới giảm, trong khi tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng.
Giới chức y tế Hàn Quốc đang quan ngại trước nguy cơ bùng dịch sau lễ Halloween vào ngày 31/10, sự kiện dự kiến thu hút nhiều người đổ ra đường. Nhằm tránh nguy cơ làm dịch lây lan, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc, chính quyền các địa phương và cảnh sát sẽ phối hợp kiểm tra các quán bar, quán rượu và những địa điểm giải trí khác từ ngày 27/10 đến 2/11.
Hàn Quốc hôm 23/10 tuyên bố đạt mục tiêu tiêm vaccine Covid-19 cho 70% dân số. Nước này hiện ghi nhận 351.899 ca nhiễm và 2.766 ca tử vong do nCoV.
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> NỀN TƯ PHÁP HOANG DẠI Ở VIỆT NAM CÒN TỒN TẠI ĐẾN BAO GIỜ ?
>>> Cảnh sát Đức: Người Việt Nam nhận làm cha giả, hôn thú giả phổ biến tại Berlin
>>> Ý kiến trái chiều xung quanh đám tang của Đức pháp chủ Phật giáo Việt nam
“Hậu quả lớn nhất của dự án Cát Linh-Hà Đông là mất niềm tin của dân”
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT