Cảnh sát Đức: Người Việt Nam nhận làm cha giả, hôn thú giả phổ biến tại Berlin

Link Video: https://youtu.be/9ywodoFSuAM

Hôm 14/9 tại Berlin, hơn 120 cảnh sát đã bố ráp băng nhóm chuyên làm dịch vụ “cha giả nhận con” để phụ nữ Việt được cấp giấy định cư.

Một tuần sau, ngày 21 tháng 9, Cảnh sát thực hiện đợt nhì bố ráp 12 căn nhà, phát hiện được ít nhất 80 trường hợp người Việt bị buôn lậu vào nước Đức.

Trong dịp thực hiện phóng sự đặc biệt về nạn buôn người Việt Nam sang Châu Âu, RFA đã có một cuộc trò chuyện với Trưởng phòng đơn vị số 42 của Cảnh sát Hình sự Tiểu bang Berlin, bà Silke van Offern.

Đây là đơn vị chuyên chống tội phạm bạo lực có tổ chức, băng đảng và tội đưa người cũng như buôn người tại thủ đô nước Cộng Hòa Liên Bang Đức.

Bà Sylke van Offern chia sẻ với phóng viên Giang Nguyễn vì sao Berlin là điểm đến của nhiều người Việt Nam, nhập cư bất hợp pháp và trong số họ có những nạn nhân của nạn buôn người.

Pv Giang Nguyễn đặt câu hỏi:

Về những hôn thú giả và những trường hợp cha giả nhận con, như hôm 14 tháng 9. Chắc hẳn đây không phải là những hành vi người Việt giúp đỡ nhau, không liên quan gì đến tội phạm hình sự? Nhờ bà giải thích giùm về lập luận này?

Bà Sylke van Offern:

Tôi không thể đi vào chi tiết của cuộc điều tra vụ bố ráp hôm 14/9 và hôm 21/9, vì nó còn đang tiến hành.

Nói chung đây là vấn đề làm hôn thú hoặc thừa nhận quan hệ cha con giả với mục tiêu được nhập cư của đối tượng.

Đây là những trường hợp được xem là lạm dụng quyền lợi, và vì vậy là tội phạm hình sự chiếu theo Đạo luật Cư trú.

Điều phạm tội không xuất phát từ việc người cha nhận con không phải là cha ruột hay không, mà nó xuất phát từ việc người cha này không thật sự có ý định hình thành quan hệ hỗ trợ và chăm sóc đứa con.

Trường hợp này là trách nhiệm hình sự chứ nó không đến từ việc người cha có phải là cha ruột hay không.

Vì sao tại Đức một người đàn ông có thể thừa nhận quan hệ cha con mặc dù họ không phải là cha ruột? Nó đến từ quy định trong Điều 6 của Hiến Pháp về bảo vệ Gia đình.

Ví dụ như trong những gia đình chắp nối (từ hai vợ chồng đã có con riêng trước), và có một người cha không phải là cha ruột.

Người cha đó có cơ hội để nhận đứa con của vợ như là con của mình, với những quyền lợi và nghĩa vụ của một người cha.

Ảnh: Doanh nhân Việt nam tại Đức trong buổi gặp mặt phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Đại sứ quán Vn tại Berlin

Ở Đức này chúng tôi muốn bảo vệ điều đó. Và nếu điều đó bị lạm dụng, chúng tôi cố gắng ngăn chặn và xử lý nó vì nó gây thiệt hại lớn về mặt xã hội và tài chính.

Ngoài ra, chúng tôi luôn gặp phải những trường hợp mà một người cha có quốc tịch Đức nhận con của một người mẹ Việt Nam để đứa trẻ trở thành người Đức, và với sự thừa nhận quan hệ cha con này, người mẹ Việt Nam sau đó sẽ xuất trình với Phòng quản lý Người Nước Ngoài để được cấp giấy cư trú hoặc ngược lại, là một người đàn ông Việt Nam thừa nhận quan hệ cha con của một người mẹ Đức.

Nếu cả hai bên khai báo gian dối trước Phòng quản lý Người Nước Ngoài, cả hai đều có thể bị xử phạt lên đến ba năm hoặc bị phạt tiền.

Giang Nguyễn: Theo bà biết thì những trường hợp này là do cá nhân sắp xếp với nhau hay là một sự tổ chức có hệ thống?

Sylke van Offern:

Đây là câu hỏi rất hay. Tôi xin trả lời là 50-50. Tất nhiên tôi không có thể trả lời chính xác về những chi tiết trong quá trình điều tra.

Có những trường hợp, chúng tôi nghi ngờ, có khi có cả bằng chứng rằng đằng sau các hôn nhân giả, nhận cha/mẹ giả, có một người hoặc một tổ chức đứng ra môi giới.

Giang Nguyễn: Hoạt động buôn người của sắc dân Việt có thay đổi trong thời gian qua, trong thời kỳ đại dịch không?

Sylke van Offern: Hiện tại, tôi không thể đưa ra bất kỳ tuyên bố có cơ sở nào về những tác động từ đại dịch, cũng vì hiện chúng tôi vẫn đang ở trong mùa dịch. Các số liệu của năm 2021 hiện chưa có.

Số liệu năm 2020 cho thấy các vi phạm theo Đạo luật Cư trú và Đạo luật Tị nạn đã gia tăng. Đó là điều đáng ngạc nhiên vì đây là thời điểm mà các cửa biên giới đã bị đóng, và do đó việc nhập cảnh trở nên khó khăn hơn rất nhiều đối với mọi người dân và tất nhiên đối với cả việc nhập cảnh trái phép của công dân Việt Nam.

Giang Nguyễn: Người Việt được đưa lậu sang Berlin, hoặc nước Đức qua những con đường nào?

Sylke van Offern: Theo thông tin có được, đại đa số người Việt Nam sang Đức bằng đường bộ. Nghĩa là tuyến đường chủ yếu đi qua Nga và Ba Lan.

Trong một số rất ít trường hợp, chúng tôi có thể xác định họ nhập cảnh bằng máy bay. Đa số là những trường hợp buôn lậu người qua thùng. Nghĩa là họ lên container của xe cộ, xe tải, xe thùng kín để được đưa đi.

Giang Nguyễn: Cảnh sát Berlin có được đào tạo để đặc biệt truy lùng băng nhóm buôn người Việt Nam? Và các nạn nhân của tội phạm này có được công nhận là nạn nhân của nạn buôn người hay không?

Sylke van Offern: Berlin rõ ràng có một vấn đề lớn liên quan đến việc cư trú bất hợp pháp, buôn người, và đưa người nhập cư lậu, vì đơn giản là chúng tôi có một cộng đồng người Việt Nam vô cùng lớn ở Berlin. Đó là một điều tốt, người dân Berlin cũng hoan nghênh điều đó.

Cộng đồng Việt Nam tại Đức cũng đã phát triển kỷ lục. Nhìn chung, điều này cũng được hoan nghênh. Điều tất nhiên không được hoan nghênh là sự gia tăng của tội phạm.

Nếu người Việt Nam bị đưa nhập cư lậu, và bị bóc lột, dù là về sức lao động hay về tình dục, thì họ được coi là nạn nhân.

Nhưng nếu như họ chỉ được đưa nhập cư lậu, ví dụ qua cửa khẩu ở Berlin, thì lúc đó đầu tiên họ là thủ phạm vì chiếu theo Luật cư trú họ không có quyền nhập cảnh hoặc cư trú.

Ảnh: chợ Đồng Xuân của người Việt ở quận Lichtenberg, Berlin được xem là một địa điểm nằm trong vùng xám giữa hợp pháp và bất hợp pháp.

Giang Nguyễn: Nhưng thông thường buôn người tự dưng nó đã kéo theo hoạt động bất hợp pháp như làm việc lậu, cư trú bất hợp pháp, nhập cư lậu. Vậy thì việc thừa nhận họ là nạn nhân chỉ xảy ra sau khi họ đã bị tổn thương hay tử vong à?

Sylke van Offern: Không có mối liên hệ tự động nào giữa việc đưa người nhập cư lậu và nạn buôn người. Tuy nhiên nếu mức lương, điều kiện làm việc của họ được xác định có dấu hiệu bị bóc lột thì lúc đó họ mới được xác định là nạn nhân của nạn buôn người. Tương tự, nếu một phụ nữ Việt Nam bị ép làm gái mại dâm để trả nợ, thì lúc đó cô ấy cũng sẽ trở thành nạn nhân của nạn buôn người.

Hoặc có những trường hợp khác như khi một người bị cưỡng ép vào hành vi tội phạm như buôn bán ma túy, buôn bán thuốc lá, thì lúc đó họ đã trở thành nạn nhân. Nhưng mấu chốt của vấn đề là nạn nhân ấy vẫn lại phải chịu trách nhiệm nếu chính người đó có hành vi tội phạm.

Giang Nguyễn: Thế thì trong rất nhiều trường hợp, nạn nhân đồng thời cũng có thể được xem là thủ phạm?

Sylke van Offern: Vâng vì vậy có thể xảy ra trường hợp vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm. Ít nhất họ là thủ phạm của việc nhập cư hoặc cư trú bất hợp pháp, và những tội phạm này ít nghiêm trọng hơn tội buôn người.

Đồng thời, họ là nạn nhân của nạn buôn người, và nếu là nạn nhân của nạn buôn người, thì họ được quyền cư trú tạm thời dựa trên thời hạn gọi là để suy nghĩ và ổn định mà chính phú Đức dành cho nạn nhân.

Thời gian đó họ được bảo vệ để cho họ có thể suy nghĩ họ muốn tiến hành như thế nào, tìm hiểu quyền lợi của họ là gì, họ có thời gian tìm chỗ tạm trú, và liệu họ có muốn trình trước các cơ quan thực thi pháp luật hay không để khai báo. Khi đó việc trục xuất của họ có thể được hoãn lại.

Ảnh: vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin được Cảnh sát Đức kết luận là có sự tiếp tay của Đại sứ quán Việt nam tại Đức

Giang Nguyễn: Vậy có biện pháp bảo vệ cho nạn nhân khi họ khai báo?

Sylke van Offern: Vâng, họ có thời hạn để được suy nghĩ và ổn định, trong thời gian đó có thể lên đến sáu tháng, họ không bị trục xuất. Thời gian này có thể được gia hạn thêm. Ngoài ra chúng tôi cũng làm việc với các tổ chức phi chính phủ để giúp họ tìm nơi tạm trú, hỗ trợ tài chính, nếu họ là nạn nhân buôn người.

Nhân tiện đây, nếu như cô có thông tin về bất kỳ một sự tham gia do nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, hoặc bất kỳ ai khác trong các tội phạm đã đề cập, chúng tôi sẽ rất hoan nghênh được chia sẻ.

Hoặc nếu cô có thể nói với các nạn nhân, nếu như họ cảm thấy họ đã bị lừa, rằng nếu họ không khai báo thì chúng tôi khó có thể hành động.

Cộng đồng người Việt ở đây rất cô lập, và thực sự không được tự do bày tỏ về hoàn cảnh của họ. Nhưng nếu chúng tôi không được thông tin thì chúng tôi không thể thay đổi bất cứ điều gì. Chúng tôi cũng thừa nhận rằng tình huống thực sự đáng tiếc cho những người bị ảnh hưởng.

Giang Nguyễn:  Nghĩa là nếu như có dấu hiệu về tội phạm từ phía nhân viên Đại sứ Quán, thì Cảnh sát Berlin sẽ điều tra?

Sylke van Offern: Vâng tất nhiên, nếu có dấu hiệu về tội phạm, chúng tôi có nhiệm vụ phải điều tra. Bộ phận nào thì tùy theo, có thể là Cảnh sát Liên Bang, hoặc Cảnh sát Tiểu bang. Nhưng chúng tôi phải điều tra đến cùng và chúng tôi thực sự muốn làm điều đó.

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Khó khăn chồng chất sau thời giãn cách

>>> Những món nợ Trung Quốc tiềm ẩn và rủi ro chính trị cho Việt Nam

>>> ‘Không gian sinh tồn của Việt Nam’ không thể là vấn đề nội bộ của Trung Quốc!

NỀN TƯ PHÁP HOANG DẠI Ở VIỆT NAM CÒN TỒN TẠI ĐẾN BAO GIỜ ?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT