Link Video: https://youtu.be/8XdI_s5O4eQ
Nghị quyết 128 của Chính phủ ra đời trong bối cảnh số ca Covid-19 ở Việt Nam tiếp tục giảm, tuy nhiên các địa phương trở thành các tiểu bang hoặc các khu tự trị, bất tuân lệnh Thủ tướng yêu cầu mở cửa về giao thông và mở cửa quyền đi lại cho người dân giữa các tỉnh thành.
Hầu hết các báo đều ghi nhận tình trạng “loạn sứ quân” và “mỗi nơi một kiểu”, cơ bản là không có địa phương nào chấp hành theo lệnh của Thủ tướng với nghị quyết 128 đã ban hành được rất nhiều người ghi nhận là tiến bộ và thông thoáng.
Nghị quyết 128, Quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký thay Thủ tướng, có hiệu lực từ ngày ký ban hành 11/10.
Theo Nghị quyết, các địa bàn chia thành 4 cấp độ dịch bệnh, gồm: Cấp 1 (nguy cơ thấp – bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.
Người dân được đi lại từ cả 4 cấp độ nguy cơ; với người đến từ địa bàn cấp 3 kèm theo điều kiện về tiêm vaccine, xét nghiệm; người đến từ địa bàn cấp 4 hạn chế đi lại.
Nghị quyết 128 nói các tỉnh, thành có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân
Tuy vậy, ngay chính báo chí nhà nước cũng phê phán rằng những ngày qua, việc đi lại vẫn chưa được tiến hành giống Nghị quyết 128.
Theo báo Tuổi Trẻ ngày 16/10, “trên thực tế mấy ngày qua việc đi lại của người dân ở nhiều địa phương vẫn chưa được tháo gỡ“.
Báo này cho hay An Giang vẫn yêu cầu người dân ra khỏi tỉnh phải xin phép.
Tại Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cho biết hiện nay các quy định cũ vẫn thực hiện, dự kiến tuần sau mới triển khai theo tinh thần nghị quyết 128.
Đến hết 31/10. Vĩnh Long vẫn duy trì các biện pháp giống như khi áp dụng chỉ thị 19 của Chính phủ với các chốt kiểm soát ra vào tỉnh, cách ly người ra vào địa phương.
Báo Tuổi Trẻ nói: “Tại Hải Phòng, ngày 15/10 nhiều người dân đến từ Hà Nội phản ánh tại chốt kiểm soát lối ra đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dù tiêm đủ liều vắc xin vẫn bị yêu cầu quay lại nếu không muốn thực hiện biện pháp cách ly tại nơi lưu trú.”
Còn tờ Thanh Niên ghi nhận ở Thái Bình, đến chiều tối 15/10, vẫn chưa triển khai thực hiện Nghị quyết 128, người đi vào địa phương này vẫn phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam chưa áp dụng theo Nghị quyết 128, lý do đang nghiên cứu, chờ tham mưu, hướng dẫn…
Báo Người Lao Động ngày 16/10 tường thuật:
“TP HCM vẫn đang thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TP HCM ngoài một số hoạt động giao thông, đi lại liên tỉnh. Đề cập Nghị quyết 128, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang nghiên cứu để cụ thể hóa nghị quyết này. Thành phố đã lập một tổ công tác để rà soát, đánh giá lại cấp độ dịch của thành phố dựa trên Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế. Trên cơ sở đó, TP HCM có thể thay đổi một số biện pháp.”
Ngay cả trang web Đảng Cộng sản ngày 15/10 cũng viết rằng “vẫn còn nhiều địa phương vẫn yêu cầu phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 khi qua chốt kiểm soát“.
Đến chiều thứ Bảy 16/10, trang VOV ghi nhận “nhiều địa phương khu vực Đông Nam Bộ vẫn chưa ban hành kế hoạch thực hiện một cách cụ thể, khiến một số hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại vẫn còn khó khăn“.
Theo Nghị quyết 128, Việt Nam sẽ tạm thời không áp dụng các quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 6.8.2021, Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 2686 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Nghị quyết 128 có đoạn: “Trường hợp các quy định, hướng dẫn của Trung ương không phù hợp, khả thi thì kịp thời báo cáo cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn.”
Sau khi tự “đẻ” thêm màu xanh biển, xanh lá, màu trắng, Hải Phòng lại hoả tốc bỏ yêu cầu trình kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng vẫn lòng vòng bắt cách ly. Còn Đà Lạt, trước ngày 15.10 vẫn bắt cách ly tập trung tất, kể cả người tiêm 2 mũi vaccine.
Buổi trưa 14.10, thành phố Cảng đưa ra một quy định với một bảng màu kỳ lạ. Theo đó, ngoài 4 màu đỏ, cam, vàng, xanh tương đương với 4 vùng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Hải Phòng còn đẻ thêm màu xanh lá, xanh biển, thậm chí cả màu trắng.
Và tương ứng với các màu được “đẻ” thêm này là một yêu cầu cách ly khác nhau.
Đến tối 14.10, thành phố Cảng bỏ yêu cầu người vào địa bàn phải trình giấy xét nghiệm nhưng lại tiếp tục “đẻ” thêm các quy định yêu cầu cách ly.
Chẳng hạn, người đến từ vùng xanh (cấp độ 1) kể cả đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn phải “tự theo dõi sức khỏe 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm vào ngày đầu tiên khi đến Hải Phòng”.
Người chưa tiêm đủ liều hoặc đã tiêm đủ nhưng mũi tiêm cuối cùng chưa đủ 14 ngày thì phải cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 1, thứ 7.
Ngoáy mũi. Bỏ yêu cầu ngoáy mũi nhưng vẫn phải ngoáy mũi. Rất lòng vòng. Và khẳng định, nó trái với các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trong khi đó, không cần lòng vòng, Đà Lạt yêu cầu cách ly tập trung với người ngoài tỉnh tới Đà Lạt, kể cả đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Đà Lạt, chỉ là một thành phố cấp huyện. Văn bản bắt cách ly tập trung này do cơ quan cấp phòng (Phòng y tế TP Đà Lạt) ban hành.
Phải đến ngày hôm nay (15.10), Đà Lạt mới ra văn bản mới nhưng vẫn yêu cầu người đến Đà Lạt từ vùng cấp độ 1,2 thực hiện 5K còn người từ vùng cấp độ 3,4 mặc dù đã tiêm vaccine vẫn phải vẫn phải xét nghiệm và cách ly tại nhà 7 ngày.
Câu chuyên ở Hải Phòng, một ngày 2 văn bản, cái nào cũng trái nghị quyết 128, trái hướng dẫn của Bộ Y tế, hay Đà Lạt…đang chỉ cho thấy sự tuỳ tiện ở các địa phương.
Một trong những mục tiêu của Nghị quyết 128 chính là để chấm dứt sự tuỳ tiện, cát cứ, chấm dứt tình trạng mỗi nơi một kiểu nhân danh chống dịch.
Nhưng rồi, đấy: Đà Lạt, với một văn bản cấp phòng “tống trại” cách ly tập trung vô pháp vô thiên. Hải Phòng trưa một đằng, tối một nẻo cái nào cũng trái với quy định chung. Và Hà Nội, kể cả khi 128 tạm dừng thực hiện các chỉ thị 15,16… vẫn khư khư giữ chốt, khư khư yêu cầu kết quả xét nghiệm.
Tàu xe “đói khách” vì quy định cách ly
Nghị quyết 128 của Chính phủ hướng tới việc giúp người dân trở lại với điều kiện bình thường mới trong đi lại, liên thông giữa các tỉnh.
Theo thống kê của Vụ Vận tải (Bộ GTVT), dù máy bay, xe khách liên tỉnh đã khai thác thí điểm trở lại nhưng do vắng khách, mỗi ngày có cả chục chuyến bay phải hủy, có gần 50 tuyến xe khách liên tỉnh chạy từ 1 đến 6 xe nhưng không có khách nào.
Vụ Vận tải cho biết hiện nay nhiều tỉnh đang vướng mắc trong việc rà soát về tiêm phòng cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách theo quy định của quyết định số 4800/QĐ-BYT để bố trí, sắp xếp lái và bán vé cho hành khách.
Ngoài ra, theo thống kê, ngày 14.10 các hãng hàng không đã khai thác 12 chuyến bay khứ hồi với 1.843 khách giữa các địa phương.
Tuy nhiên, từ ngày 10 đến 14.10, sau 4 ngày khai thác trở lại các đường bay nội địa, vẫn xảy ra tình trạng mỗi ngày có đến chục chuyến bay phải hủy vì không có khách, nhu cầu ít. Cụ thể, ngày 14.10, các chuyến bay từ Đà Nẵng đi Cần Thơ, Đắk Lắk; từ TP.HCM đi Cà Mau, Rạch Giá; từ Thanh Hóa đi Lâm Đồng không khai thác do khách ít.
Với đường sắt, sau vài ngày đầu đông khách đã bắt đầu giảm dần. Theo đó, từ ngày 13 đến 20.10, tàu SE8 chạy chiều TP.HCM – Hà Nội đã bán 1.728 vé. Tuy nhiên, khách chỉ mua vé nhiều trong các ngày từ 13 đến 16 – 10 với số lượng từ 400 giảm dần xuống 300 và 200 vé; từ ngày 17 đến 20 – 10 khách mua từ 136 và giảm đến 70 vé/ngày…
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Việt Nam: Xung quanh chuyện tố cáo ‘chiếm dụng tiền từ thiện’
>>> ‘Thảm sát’ chó ở Cà Mau: Người chủ muốn tìm luật sư ‘để đòi lại công bằng cho đàn con’
>>> Nhà văn Vũ Thư Hiên: Vụ Xét lại chống Đảng và vai trò Lê Đức Thọ
Chính phủ có chịu trách nhiệm khi hàng chục ngàn người chết do COVID-19?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT