Link Video: https://youtu.be/1HodmHX82Tk
Đội quân giao hàng chuyên nghiệp đã được phép tái xuất để giải bài toán cung cấp thực phẩm, hàng hóa cho người dân TP HCM, sau khi quân đội và các lực lượng của chính quyền không cáng đáng nổi.
Việc triển khai quân đội, công an đi chợ hộ và phát túi an sinh tới từng nhà tại TP HCM đã không đáp ứng được nhu cầu của hàng triệu người dân.
Trong bối cảnh đó, thành phố lớn nhất nước đã cho phép hoạt động trở lại đội ngũ giao hàng chuyên nghiệp của các công ty nhưng vẫn kèm theo nhiều quy định ngặt nghèo.
Quân đội vào, dạt dào cảm xúc
Sau hơn một tháng giãn cách ban ngày và giới nghiêm ban đêm, TP HCM đã nâng cấp độ hạn chế từ ngày 23/8. Theo đó, ngoại trừ lực lượng chức năng thì mọi người dân đều không được phép ra khỏi nhà, trừ một số nhóm vận tải, các trường hợp có giấy phép, đi tiêm chủng hoặc cấp cứu.
Hầu hết các nhóm thiện nguyện dân sự đều bị cấm hoạt động. Lực lượng giao hàng chuyên nghiệp (shipper) của các công ty cũng bị hạn chế tới mức chưa từng có.
Cùng với đó, quân đội và công an đã được triển khai.
Chính quyền kỳ vọng lực lượng quân đội hùng hậu có thể kết hợp với các tổ chức chính quyền hoặc cánh tay nối dài của chính quyền, như công an, cán bộ phường, ban quản lý tổ dân phố, khu phố, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… lấp được chỗ trống của các đội giao hàng dân sự vốn có kinh nghiệm nhiều năm mua sắm và phân phối hàng hóa tới từng góc phố, con hẻm của Sài Gòn.
Trong những ngày đầu, hình ảnh một vài nhóm quân đội đi giao hàng được đăng tải lên mạng xã hội đã đem lại nhiều cảm xúc cho người dân, nào là bộ đội đi lựa rau, chở gạo và đi mua băng vệ sinh.
Trên các trang báo chính thống và mạng xã hội, người ta bắt gặp nhiều bài viết dạt dào cảm xúc:
“Họ sẽ đứng gác 24/24 không ngồi duỗi chân tay hay bỏ gác. Họ sẽ đếm từng củ khoai, cân chính xác từng lạng gạo trong các khẩu phần cứu trợ. Và họ sẽ đến từng nhà, hai tay, cúi đầu, lễ phép chào hỏi đưa từng túi đồ ấy cho nhân dân, như thể đó là ông bà, cha mẹ, anh chị của họ. Đó là tác phong quân kỷ của quân đội nhân dân Việt Nam,” tác giả Phạm Gia Hiền viết trên báo Ngày Nay.
Nhà báo Hà Quang Minh viết trên Facebook cá nhân rằng “đã là lính thì không phải tính“.
“Nhu yếu phẩm mua hộ đồng bào, tức tiền đồng bào đã bỏ ra, thì hàng hóa đồng bào nhận được không thể bị ướt dù bất kỳ hoàn cảnh nào. Do đó, lính không dùng áo mưa che thân mà, thay vào đó, để che hàng hóa,” ông viết.
Nhưng những dòng chữ giàu cảm xúc, đậm chất thơ này ngay lập tức vấp phải thực tế: nhu cầu của người dân quá lớn, quá đa dạng, mà thế mạnh của quân đội vốn không phải là đi mua hàng ở siêu thị rồi giao tới nhà người dân trong các mạng lưới hẻm nhỏ như ma trận của Sài Gòn.
Về mặt này, lực lượng giao hàng chuyên nghiệp của các công ty vốn được quản lý bằng ứng dụng điện thoại, thông thuộc địa bàn, có khả năng tùy cơ ứng biến, tỏ ra có ưu thế vượt trội so với bộ đội chính quy, công an hay lực lượng chính quyền.
Băn khoăn về tính hiệu quả
Hình ảnh quân đội đị siêu thị, giao hàng, phát đồ cứu trợ… được đăng tải trên mạng tạo ra ấn tượng rằng lực lượng này đã “phủ sóng” cả Sài Gòn. Tuy nhiên, trên thực tế, số nơi mà bộ đội có mặt không nhiều. Đa phần thì việc “đi chợ hộ” vẫn do lực lượng cấp phường, khu phố, tổ dân phố thực hiện và thực tế cho thấy họ cũng đang quá tải.
“Có thể chính quyền triển khai quân đội nhằm vào mục đích chính là phòng ngừa bất ổn, vì trong khủng hoảng, nguy cơ người dân nổi dậy do thiếu ăn, do việc phát tiền cứu trợ không công bằng, do thất vọng vì không được cứu chữa là rất lớn,” người dùng facebook tên Lê Minh Tâm viết.
“Tuy nhiên, cho quân đội, công an hay thậm chí tổ dân phố làm thay công việc của shipper là đang phân công việc làm theo sở đoản, chứ không phải sở trường. Bộ đội nên được giao các nhiệm vụ như gác chốt, vận tải hàng hóa, ví dụ chở rau từ Đà Lạt xuống, chở thịt heo từ Đồng Nai lên Sài Gòn. Tôi thấy có nhiều anh bộ đội chưa hề biết siêu thị là gì, mà giờ đi mua hàng thì đó không phải là sự tổ chức công việc lấy hiệu quả làm đầu.”
“Mình không có nhu cầu được hộ, được cứu và được chào. Cho tôi mua đúng, mua đủ và giao đúng lúc là được. Shipper có ở truồng tới giao mình vẫn lấy, shipper có vừa đưa vừa chửi tôi cũng nhận, shipper vừa nằm vừa đưa tôi vẫn tiếp. Ai làm đúng việc của người đó, là đủ,” một người dùng facebook tên Đinh Hồng Hạnh viết về sự bất cập này.
“Mình không có ác cảm gì với lực lượng quân đội đang hỗ trợ chống dịch hết. Nhưng có những cái quân đội không làm hộ được như kiểu hộ đê hay hộ be bờ ruộng, cần đắp đúng 1 tấn xi măng hay tát 10 khối bùn là xong. Có cái đê nào nửa đêm hư dây sạc laptop hay tới kỳ kinh sớm trước một tuần không? Ai cũng cần truyền thông về việc tốt mình đang làm, nhưng báo chí làm như thế này mãi là phản tác dụng,” bà Hạnh viết tiếp.
Và bà cho rằng: “Ngoài những nhóm thật sự đang cần cứu trợ khẩn cấp những nhu cầu cơ bản nhất, còn có một nhóm lớn khác là trung lưu thành thị bị triệt tiêu khả năng tiêu thụ và giải phóng hàng hóa nội địa, bị cấm cản sử dụng công nghệ thông tin và bị quy chung về một vùng cần cứu trợ cơ bản. Phân tầng các nhóm trong một đô thị 14 triệu dân là rất lớn, không thể cùng mặc chung một áo.”
Việc hạn chế lực lượng giao hàng là một trong những nguyên nhân khiến đơn hàng của người dân gửi đi rồi không có ai xử lý rất nhiều. Hệ thống Bách Hóa Xanh trong ngày 25/8 báo cáo nhận tổng cộng 40.000 đơn hàng nhưng chỉ xử lý được 2.000 đơn. Nhiều người dân phản ánh họ gửi yêu cầu mua chợ hộ ba ngày mới nhận được hàng.
“Chống dịch không phải là một cuộc trình diễn. Vài hình ảnh anh bộ đội đi siêu thị mua băng vệ sinh, những người lính cởi trần cơ bắp cuồn cuộn đầy chất dàn dựng, được cố ý tung lên… có thể mang lại cảm xúc nhất thời cho người dân, cũng như tạo nên hình ảnh đẹp về người lính. Tuy nhiên, điều đó không thay thế được thực tế là hiệu quả của sự phân công công việc này rất thấp,” một người tên Trần Thành viết trên trang cá nhân.
Một người tên Giang Đông viết: “Người lính xuất hiện bên cạnh những người dân đang đói khổ là một hình ảnh rất tốt để truyền thông. Nhưng việc giao hàng thực sự thì vẫn nên giao cho những người rành việc thực hiện.”
Trước tình hình đó, từ ngày 30/8, TP HCM đã cho phép các shipper chuyên nghiệp hoạt động trở lại tại các vùng đỏ. Tuy nhiên, quy định đối với lực lượng này vẫn rất ngặt nghèo, mà nhiều người gọi là “làm khó“, chẳng hạn giới hạn địa bàn hoạt động, phải xét nghiệm nhanh mỗi ngày.
Trong đợt bùng phát dịch thứ tư, việc lưu thông hàng hóa tại tâm dịch TP HCM luôn trục trặc, phơi bày nhiều bất cập và lúng túng của chính quyền.