Link Video: https://youtu.be/iNhRv5rERjM
Trung Quốc gia tăng đe doạ trên biển Đông
Trong lúc Việt Nam đang căng mình chống dịch, quân đội đã được triển khai tại khi vực phía nam, đặc biệt là Sài Gòn, thì Trung Quốc lại gây biến ở Biển Đông.
Ngày 22/8 một học giả Việt Nam đã đưa thông tin là có ít nhất bốn tàu thăm dò Trung Quốc đang hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của ba quốc gia là Việt Nam, Malaysia và Philippines. (1)
Còn theo thông tin từ Energyvoice (2) mới đây, một tàu Hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập và đe doạ hoạt động khoan thăm dò của công ty dầu khí Harbour Energy tại Lô Tuna nằm ở Biển Natuna (tên được Indonesia đặt cho một phần Biển Đông) của Indonesia. Đáng chú ý, hoạt động khoan thẩm định này do tập đoàn nhà nước Zarubezhneft của Nga hậu thuẫn và vụ việc nhấn mạnh một thực tế rằng lợi ích năng lượng của Moscow tại Biển Đông ngày càng bị Trung Quốc đe dọa.
Theo đó, trong báo cáo mới nhất, Tập đoàn tư vấn năng lượng Westwood Global Energy cho hay một thời gian ngắn sau khi hoạt động khoan nói trên bắt đầu, tàu Hải Dương 5202 của Hải cảnh Trung Quốc đã xuất hiện trong vùng biển lân cận địa điểm khoan của Harbour Energy thuộc hợp đồng chia sẻ sản lượng (PSC) Lô Tuna ở Biển Natuna. Cũng theo Westwood, “Hải Dương 5202 được cho là cách vị trí khoan khoảng ba dặm. Giới chức Indonesia đã phản ứng bằng cách triển khai tàu hộ tống hải quân KRI John Lie (385) đến nơi diễn ra hành động khiêu khích”.
Các hành động này của Trung Quốc diễn ra ngay trong giai đoạn các giới chức Mỹ đang tích cực thực hiện các cuộc viếng thăm Đông Nam Á, trong đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mới có chuyến thăm ba quốc gia Đông Nam Á tháng trước, và nay, Phó Tổng thống Mỹ đang thực hiện chuyến thăm Singapore và Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Việt Nam, Philippines và Malaysia đều chịu áp lực phải dừng các dự án phát triển chung với các công ty năng lượng nước ngoài hoạt động trong các khu vực thuộc Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Trong suốt các năm 2019, 2020, các tàu của Trung Quốc luôn bám sát khu vực Lô 06.1 của Việt Nam. Từ năm 2019 cho đến đầu năm nay, các tàu chiến và máy bay của Trung Quốc cũng liên tục uy hiếp các tàu thăm dò của Malaysia tại khu vực bãi Luconia. Đầu năm 2020, Indonesia đã phải huy động sức mạnh của Hải quân để đối phó với các tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Bắc Natuna. Phát biểu với Energyvoice, Ian Storey – nghiên cứu viên cao cấp và là chuyên gia an ninh châu Á thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak tại Singapore – nói: “Bắc Kinh ngày càng sử dụng các tàu Hải cảnh để quấy rối các tàu khảo sát và các giàn khoan dầu hoạt động trong các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia ven biển nhằm gây áp lực buộc các chính phủ Đông Nam Á đàm phán các thỏa thuận gác tranh chấp cùng khai thác với các công ty năng lượng Trung Quốc”.
Chiến thuật “Vùng xám” được tái diễn
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã liên tục gia tăng các hoạt động đe doạ “dưới ngưỡng chiến tranh” của họ mà các nhà nghiên cứu đường Tây gọi là “chiến thuật vùng xám.”
Biển Đông là nơi điển hình diễn ra các hoạt động “vùng xám” của Trung Quốc. Năm 2013, Chuẩn Đô đốc Trung Quốc Zhang Zhaozhong đã giải thích cách của Trung Quốc, theo một trình tự thời gian tỉ mỉ, đầu tiên đưa tàu cá vào lãnh thổ tranh chấp, sau đó là tàu tuần tra ngư nghiệp, tiếp theo là tàu hải cảnh và cuối cùng là tàu chiến của Hải quân Trung Quốc. Trung Quốc gọi đây là “chiến lược bắp cải“, trong đó các đảo bị bao vây bởi nhiều lớp nhằm ngăn cản tàu của các quốc gia khác tiếp cận. Ngày nay, chiến lược này được bổ sung thêm lực lượng dân quân biển có vũ trang, máy bay quân sự, tàu khảo sát của chính phủ và cả các dàn khoan dầu, tất cả đều hoạt động có sự phối hợp với các chiến dịch truyền thông xã hội, chiến tranh mạng và hành động can thiệp vào hệ thống định vị toàn cầu (GPS). Chiến lược này cũng có thể được mở rộng để phù hợp với hoàn cảnh, ví dụ như trong vụ việc xảy ra ở Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) hồi tháng 3/2021, hơn 200 tàu cá của Trung Quốc đã được huy động.
Trên thực tế, Trung Quốc đã áp dụng các chiến thuật “vùng xám” một cách đa dạng, với mục đích nhằm tìm kiếm một lợi thế chiến lược lâu dài so với các nước khác tại khu vực biển Đông này.
Các hành động “vùng xám” không phải diễn ra một cách lộn xộn. Trung Quốc đã thực hiện một chiến dịch được dàn dựng hoàn hảo do chính các cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) phê duyệt và kiểm soát. Các hành động “vùng xám” không phải là hành động tự do của các chỉ huy chiến thuật. Chúng được lên kế hoạch một cách có chủ đích để phòng ngừa leo thang quân sự và là chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” được lên kịch bản cẩn thận.
Đây là cách mà Bắc Kinh cố tình thực hiện sự hiện diện như vậy của các tàu Hải cảnh Trung Quốc, điều này sẽ gây thêm áp lực buộc chính phủ các nước ASEAN ở biển Đông phải dừng các dự án đó, bằng cách ngầm đe dọa sẽ tiến hành cản trở các hoạt động đó khi cần thiết. Ngay cả khi không nhằm vào các chính phủ, Bắc Kinh mong muốn rằng sự hiện diện liên tục như vậy sẽ khiến các công ty dầu khí liên quan lo lắng, buộc họ phải rút lui khỏi các dự án.
Indonesia phản ứng cứng rắn
Năm 2020, trong “cuộc chiến công hàm”, Jakarta đã khẳng định không có tranh chấp biển nào với Bắc Kinh ở Biển Đông hết. Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế La Hay hồi năm 2016 cũng khẳng định rằng phần lớn các yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở hoặc giá trị pháp lý, từ đó củng cố thêm cho lập trường của Indonesia.
Trả lời Energyvoice, ông Storey – một chuyên gia an ninh của Singapore cho hay: “Trong nhiều năm qua, Indonesia đã đẩy lui các hoạt động đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình bằng cách công khai bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh trong ‘đường 9 đoạn’ và tăng cường hiện diện quân sự xung quanh quần đảo Natuna. Nếu lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc bắt đầu can thiệp vào hoạt động khoan ở Lô Tuna, Jakarta sẽ có nhiều lựa chọn, từ phản đối ngoại giao đến triển khai các tàu thực thi pháp luật trên biển và tàu chiến để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình. Tôi nghĩ rằng chúng ta có khả năng sẽ chứng kiến Indonesia phản ứng cứng rắn hơn Malaysia trong các tranh chấp hàng hải với Trung Quốc”.
Cách phản ứng của Indonesia sẽ là một bài học kinh nghiệm đáng kể để các quốc gia khác như Việt Nam, Malaysia và Philippines cần học tập.
Sự hăm dọa của Trung Quốc mạnh đến mức không một quốc gia nhỏ nào ở châu Á có khả năng thách thức sức mạnh của nước này. Tuy nhiên, càng áp dụng các hành động hung hăng trên biển Đông, Bắc Kinh càng khiến các quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển này và các quốc gia khác xa lánh. Điều đó mở đường cho Mỹ tăng cường sự hiện diện trong khu vực. Đây chính là điều mà Bắc Kinh cần phải suy nghĩ lại.
Bài bình luận của Đông Hải