Phiên toà xét xử phúc thẩm vụ đụng độ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm đã kết thúc sớm hơn dự định khi một toà án cấp cao ở Hà Nội giữ nguyên mức án sơ thẩm, trong đó có 2 bản án tử hình cho các con trai của cụ Lê Đình Kình, người bị công an bắn chết trong vụ đột kích đầu năm ngoái.
Hai trong số 14 luật sư bào chữa cho 6 bị cáo trong phiên toà dự kiến diễn ra trong 3 ngày từ 8/3, LS Nguyễn Văn Miếng và LS Đặng Đình Mạnh, cho VOA biết như vậy ngay sau khi phiên toà kết thúc tối hôm 9/3.
Sáu người bị tuyên y án nằm trong số 29 người dân Đồng Tâm bị Toà án Nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt trong vụ xử sơ thẩm hồi tháng 9 năm ngoái về tội “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” liên quan đến vụ đột kích trong đó 3 nhân viên công an tử vong.
“Toà đã tuyên y án cho 6 bị cáo kháng cáo trong đó có hai án tử hình, một án chung thân, một án 16 năm, một án 13 năm và một án 6 năm,” LS Miếng nói với VOA sau khi toà đưa ra quyết định y án vào lúc 7 giờ tối hôm 9/3.
Hai bản án tử hình được tuyên cho hai người con trai của cụ Kình, Lê Đình Công và Lê Đình Chức với cáo buộc “chủ mưu, cầm đầu vụ giết người“. Trong khi đó một người cháu của cụ Kình, Lê Đình Doanh, bị tuyên y án chung thân cùng tội danh trên.
Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tuyến, những người bị cáo buộc là cùng với các bị cáo trên “chủ mưu cầm đầu, vừa chỉ đạo vừa trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội” bị y án lần lượt 16 năm và 13 năm tù. Toà cũng y án đối với bà Bùi Thị Nối, người bị tuyên 6 năm tù về tội “chống người thi hành công vụ”, mức án cao nhất trong số 23 người bị kết án về tội danh này.
Trước đó hôm 8/3 khi toà phúc thẩm khai xử, chị Lê Thị Duyên, một người nhà của cụ Kình, nói với VOA về sự trông đợi của gia đình đối với một phiên toà phúc thẩm trong đó các “bản án sẽ thay đổi vì có nhiều tình tiết không thể chấp nhận được, rất trắng trợn với người dân của chúng tôi và đều chưa được chứng minh một cách rõ ràng.”
Vụ án Đồng Tâm xảy ra rạng sáng ngày 9/1/2020 khi lực lượng công an gồm hàng nghìn người tấn công vào thôn Hoành thuộc huyện Mỹ Đức của Hà Nội, nơi có tranh chấp đất đai giữa chính quyền với người dân.
Cụ Kình, thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm, bị bắn chết trong khi phía công an có 3 người thiệt mạng trong vụ tấn công mà phía chính quyền nói là để “bảo đảm an ninh, trật tự” cho công trình thi công tường rào sân bay Miếu Môn.
Trong khi đó, những người dân bị đưa ra xét xử nói họ chỉ “bảo vệ đất đai” và “phòng vệ” trong tình huống chính bản thân và người nhà gặp nguy hiểm khi xảy ra vụ đột kích.
LS Hà Huy Sơn, cũng là một người bào chữa cho các bị cáo, bày tỏ sự thất vọng về phiên toà phúc thẩm vụ Đồng Tâm trên trang Facebook cá nhân khi cho biết ông “không còn gì muốn nói” về kết quả y án sơ thẩm.
Trước đó trong ngày 9/3, Viện Kiểm sát đề nghị toà tuyên y án với 6 người kháng cáo vì cho rằng các bản án sơ thẩm vụ án Đồng Tâm “đã tuyên đúng pháp luật, nghiêm minh với những người chủ mưu và khoan hồng cho những người bị lôi kéo,” theo Tuổi Trẻ.
Theo LS Miếng cho biết 14 luật sư bào chữa đã làm hết sức mình để giúp các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng đã không thành công.
“Tại phiên toà (các bị cáo) khai lại rằng tất cả những việc (kháng cự) không phải chủ đích là để giết người và các luật sư cũng đưa ra các chứng cứ nói rằng 3 chiến sỹ công an tự rơi xuống (hố) chứ không phải do tác động của ai,” LS Miếng nói và cho rằng vụ án có “điểm mờ” khi kế hoạch 419A không được công bố để xem nó có “chính danh hay không.”
Theo vị luật sư này, toà án cũng như viện kiểm sát đều nói rằng “đây là văn bản mật, kế hoạch mật nên không thể công bố được.”
“Chính vì là ‘mật’ nên chúng tôi không thể biết được là tính công vụ và tính chính danh của kế hoạch 419A đó có đúng hay không hay đây là một kế hoạch tấn công nhà người dân với mục đích là giết cụ Kình?” LS Miếng nói và cũng cho biết những yêu cầu khác của các luật sư bào chữa cũng không được đáp ứng tại phiên toà như việc lập lại hiện trường nơi 3 công an bị cho là “bị giết hại.”
Theo luật tố tụng của Việt Nam, các bản án có hiệu lực ngay sau phiên toà phúc thẩm, trừ trường hợp có các tình tiết mới được đưa ra xét xử tại toà Giám đốc thẩm.
Các bị cáo bị tuyên tử hình có 7 ngày để xin ân xá từ Chủ tịch nước và theo LS Miếng, ông Chức quyết định sẽ không xin ân xá.
Trong khi đó, cũng theo LS Miếng, ông Công có thể sẽ làm đơn xin ân xá nhưng không hy vọng vì ông cho rằng cáo trạng “dối trá và khốn nạn.”
Các bản án tử hình sẽ được thi hành ngay nếu Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá của các bị cáo.
Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và các chính phủ, trong đó có Mỹ, đã lên tiếng phản đối bản án đối với những người dân làng Đồng Tâm và kêu gọi chính phủ Việt Nam minh bạch về những gì xảy ra trong vụ đột kích chết người đó.
Một tuần lễ trước phiên Toà Phúc thẩm vụ án Đồng Tâm, 14 luật sư bào chữa cho sáu người có kháng án đã gởi Đơn kiến nghị dài 31 trang đến các cơ quan hữu trách yêu cầu làm rõ nhiều điểm sai sót, vi phạm thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả bản án.
Vụ án này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của đất nước, thể chế chính trị Việt Nam đối với bạn bè Quốc tế và sự bang giao với các nước lớn trên thế giới.
Do đó, các luật sư đã nêu ra, phân tích 8 nội dung chính và yêu cầu, kiến nghị HĐXX phúc thẩm đặc biệt lưu tâm làm rõ ở phiên phúc thẩm.
Vụ Đồng Tâm liên quan đến tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền xảy ra khi chính quyền Hà Nội huy động hàng ngàn công an tấn công vào Đồng Tâm, giết chết một người dân là cụ Lê Đình Kình. 3 công an tham gia vụ tấn công cũng thiệt mạng.
Theo luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho hai trong số sáu bị cáo kháng án cho biết cần thiết nhất là phải cho tổ chức thực nghiệm lại hiện trường để xác định nguyên nhân cái chết của ba cán bộ công an. Từ đó mới biết các bị cáo có phạm tội giết người hay không:
“Tôi quan tâm nhất việc trả lại hồ sơ để tổ chức thực nghiệm việc ba công an bị chết như thế nào.
Theo như hồ sơ và kết luận điều tra thì vô lý là ba người công an rơi xuống hố mà lại chết cháy hoá than với lượng xăng và mô tả như vậy là bất hợp lý. Tôi cho rằng mấu chốt là ở chỗ này và cần phải được làm rõ.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết tất cả các điểm được liệt kê trong đơn đều cần được làm sáng tỏ để đảm bảo có được bản án công bằng:
“Chúng tôi đưa những điều đó đều rất cần thiết. Chúng tôi mong muốn được giải quyết hết cả 8 điểm, không loại trừ một điểm nào cả.”
“Điều lý tưởng nhất mà chúng tôi mong muốn là toà phúc thẩm sẽ huỷ bản án sơ thẩm và trả hồ sơ điều tra lại từ đầu, trong đó bổ sung các nội dung mà các luật sư nêu ra.
Tôi cũng không quá hy vọng vào điều đó, nhưng trong phạm vi chúng tôi có thể yêu cầu và tin rằng nó đúng và có cơ sở pháp luật thì chúng tôi phải đẩy sự việc cho đến cùng.”
Ông Hà Huy Sơn nói hai bị cáo do mình bào chữa nên được giảm án. Đặc biệt là ông Bùi Viết Hiểu không phạm tội giết người vì ông này không có mặt tại nơi ba công an tử vong:
“Tôi bảo vệ cho ông Bùi Viết Hiểu và Bùi Thị Nối. Tôi hy vọng bị cáo Nối sẽ được trả tự do, hưởng án treo.
Còn đối với bị cáo Hiểu sẽ không bị kết tội giết người. Vì bị cáo không biết sự việc ba công an chết như thế nào. Lúc đấy bị cáo đang ở cùng nhà ông Kình nên không biết diễn biến ở nhà bên cạnh, nơi ba công an bị chết. Nên tôi cho rằng bị cáo Hiểu không liên quan đến tội giết người.”
Các luật sư chỉ ra rằng trong suốt quá trình điều tra, khởi tố và xét xử vụ án Đồng Tâm, có nhiều dấu hiệu cho thấy các bị cáo bị đánh đập, ép cung, mớm cung…
Bà Bùi Thị Nối và ông Lê Đình Công đều nói trước toà rằng trong quá trình bị tạm giam, họ bị đánh “10 ngày như một” để ép cung.
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Lại thêm trường hợp ‘hạt giống đỏ’ thăng quan thần tốc
>>> Ẩn mình chờ thời, Phạm Bình Minh “tung đòn hiểm” loại Trương Hòa Bình?
>>> Phúc thẩm vụ Đồng Tâm: 14 luật sư yêu cầu làm rõ những tình tiết mâu thuẫn trong vụ án
Ép “chết” Hồ Duy Hải, Nguyễn Hòa Bình được thưởng chức phó thủ tướng?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT