Nguyễn Phú Trọng nhiệm kỳ 3 – Việt Nam sẽ đi về đâu?

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=_pt1et5NVX0

Việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm tổng bí thư thêm 5 năm nữa đã chính thức phá vỡ các quy tắc của Đảng Cộng sản Việt Nam về tuổi tác và nhiệm kỳ. Sự vượt rào ngoạn mục, một sự kiện chưa từng thấy trong lịch sử 90 năm của Đảng Cộng sản sẽ đưa Việt Nam đi đến đâu là câu hỏi mà dư luận đặt ra những ngày qua.

Giáo sư Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu khoa học xã hội nổi tiếng các vấn đề an ninh Đông Nam Á, trong cuộc trả lời phỏng vấn với BBC mới đây, đã đưa ra một dự đoán không mấy lạc quan về các hồ sơ nổi cộm của Việt Nam trong nhiệm kỳ thứ 3 của Tổng bí thư Nguyễn Phú trong như hồ sơ Biển Đông; mối quan hệ với Trung Quốc, với Mỹ; hay hồ sơ nhân quyền…

Ông phân tích: Trong giai đoạn cầm quyền của ông Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã lùi bước ba lần khi đối mặt với các mối đe dọa và áp lực của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông.

Vào tháng 07/2017 và tháng 03/2018, Việt Nam đã ngừng dự án thăm dò dầu khí Repsol của Tây Ban Nha tại khu vực Bãi Tư Chính.

Vào năm 2019, sau cuộc đối đầu kéo dài 4 tháng tại cùng khu vực cũng như tại Lô phong lan đỏ do Tập đoàn dầu khí của Nga Rosneft điều hành, Việt Nam đã hủy hợp đồng với Tập đoàn Noble về dịch vụ của một tàu khảo sát. Tiền lệ này khiến Việt Nam rất khó tiếp tục thăm dò dầu khí ở khu vực này.

“Thỏa hiệp lớn” giữa hai phe cánh cạnh tranh với nhau tại Việt Nam là phe đảng (tức là các quan chức cấp cao của đảng có sự nghiệp lâu dài trong bộ máy đảng) và phe chính phủ (gồm các quan chức cấp cao của đảng có sự nghiệp trong chính phủ hoặc bộ máy hành chính nhà nước) đã thiết lập ảnh hưởng của cánh đảng.

Họ tìm cách bảo tồn chế độ độc đảng và định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ hạn chế các lĩnh vực sẵn sàng hợp tác với chính quyền Biden nếu chính quyền này nhắc lại mối quan tâm của Hoa Kỳ về nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Điều này cũng không có lợi cho những người bất đồng chính kiến trực tuyến cũng như các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ khác.

Ảnh: Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại họp báo bế mạc Đại hội 13 tại Trung tâm Báo chí sáng 01/02/2021

Nhà báo, học giả Bill Hayton cựu phóng viên BBC thường trú ở Hà Nội, nay là học giả thuộc Viện Chatham House, London khi dự đoán về quan hệ Anh – Việt trong những năm tới cũng bày tỏ sự quan ngại với chính quyền cộng sản Việt Nam.

Ông cho rằng quan hệ của Anh với Việt Nam sẽ luôn có sự hạn chế do sự trấn áp đa nguyên chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông khẳng định hiện không có đảng ‘chính thống’ nào ở EU muốn làm việc trực tiếp với Đảng Cộng sản Việt Nam. Có một niềm tin cốt lõi trong văn hóa chính trị châu Âu rằng các đảng phái phải được tự do tổ chức và tham gia vào các kỳ bầu cử và điều đó là không thể ở Việt Nam. Do đó, tất cả các đảng ‘có uy tín’ sẽ tránh có quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các chính phủ châu Âu sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ Việt Nam về những vấn đề cụ thể và sẽ có cơ hội hợp tác với các tổ chức Việt Nam. Tuy nhiên, các chính phủ Châu Âu đã thất vọng khi thấy rằng tất cả các nổ lực để khuyến khích đa nguyên chính trị ở Việt Nam trong 30 năm qua đã có rất ít tác động. Giờ đây họ chán nản hơn nhiều với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Học giả người Anh còn nhận định Việt Nam dường như đang trở thành một quốc gia được thống trị bởi những tập đoàn tài phiệt. Có một số người cực kỳ giàu có, có mối quan hệ thân mật với đảng cầm quyền và có thể tác động đến chính trị và kinh tế có lợi cho họ.

Và Đảng có vẻ cũng nhận thấy họ đạt được một số lợi thế khi có thể sử dụng các tập đoàn tư nhân lớn làm công cụ cho chính sách kinh tế của mình.

Vì vậy, Vingroup, chẳng hạn, có thể đi tiên phong trong chính sách phát triển ngành sản xuất của nhà nước và đổi lại, họ được hỗ trợ rất nhiều qua những thay đổi về luật pháp, trợ cấp kinh tế – và thậm chí cả gián điệp công nghiệp. Vì vậy, có một mối quan hệ cộng sinh giữa giới tài phiệt và Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, quan hệ đó không phải lúc nào cũng là một quan hệ dễ dàng. Đôi khi quyền lực của giới tài phiệt trở nên quá lớn và phải bị lấy bớt đi.

Ảnh: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Dominic Raab trao “Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Vương quốc Anh: Định hướng phát triển trong 10 năm tới” hôm 30/09/2020

Bill Hayton gọi đây có vẻ là một tiến trình mà nhiều nước đang phát triển đã đi qua nhưng tại Việt Nam thì nó diễn biến theo một kiểu khác.

‘Chủ nghĩa tư bản thân hữu’ là một đặc điểm của nhiều nền kinh tế như các quốc gia được mệnh danh là Con hổ Châu Á trong thập niên 1990 chẳng hạn. Mối quan hệ thân mật giữa các doanh nghiệp và chính trị gia là một trong những nguyên nhân của cuộc Khủng hoảng Tài chính Châu Á năm 1997.

Chúng cũng là một đặc điểm của giai đoạn phát triển kinh tế trước đó ở nhiều nước giàu. Cái gọi là ‘Thời đại vàng son’ ở Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19 có các nhà tư bản độc quyền sử dụng đủ loại chiến thuật – hợp pháp và bất hợp pháp – để tiếp tục kiếm tiền.

Tuy nhiên, sự tồn tại của một nền dân chủ, một nền báo chí tự do và các tổ chức công đoàn độc lập cuối cùng đã dẫn đến sự kiểm soát cái gọi là ‘tập đoàn tài phiệt’ và sự chia sẻ của cải giữa những bộ phận xã hội rộng lớn hơn.

Nhưng tại Việt Nam vốn thiếu dân chủ, báo chí tự do và các tổ chức công đoàn độc lập, vì vậy câu hỏi đặt ra là liệu nước này có đủ năng lực để kiểm soát giới tài phiệt và chia sẻ của cải rộng rãi hơn trong xã hội hay không?

Từ năm 2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam bị liệt vào danh sách 35 nhân vật bị tố cáo là kẻ thù của tự do báo chí trên thế giới.

Danh sách này do tổ chức Phóng viên Không Biên Giới (RSF) đưa ra hôm 02/11/2016, nhân ngày Quốc tế Chấm dứt Tội ác Chống lại Báo giới.

Từ đó đến nay, nhất là khi ngài Tổng bí thư vĩ đại giành luôn được cả chức Chủ tịch nước thì tình hình tự do báo chí của Việt Nam càng trở nên tồi tệ.

Phúc trình của tổ chức phi lợi nhuận Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo (CBJ) công bố hôm 11/12/2019 cho thấy, hiện Việt Nam có 12 nhà báo đang bị cầm tù vì công việc của họ, đứng thứ 2 châu Á chỉ sau Trung Quốc.

Trước thềm Đại hội 13, Việt Nam càng gia tăng bắt bớ những tiếng nói ủng hộ cho dân chủ, nhân quyền, tự do…

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch hôm 22/01/2021 ra thông cáo báo chí về tình hình đàn áp nhân quyền của chính phủ Việt Nam trước Đại hội đảng 13 nêu rõ: “Đại hội Đảng lần thứ 13 sẽ quyết định các vị trí lãnh đạo mới của quốc gia với hơn 96 triệu dân. Đại hội không dân chủ, cũng không công khai minh bạch.

Công dân Việt Nam bị cấm thảo luận về các ứng viên của bốn vị trí cao nhất là tổng bí thư đảng, thủ tướng, chủ tịch nước, và chủ tịch Quốc hội, cả bốn vị trí đều được xếp hạng “tuyệt mật” theo một quyết định do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành trong tháng 12.”

Ông John Sifton, Giám đốc Vận động châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định:

Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho các màn trình diễn trong đại hội, đồng thời bắt bớ người dân vì đã đăng tải ý kiến và quan điểm của mình trên Facebook, như hàng triệu người trên thế giới vẫn làm hàng ngày…

Dù cố tuyên truyền rùm beng về ‘một thời kỳ độc lập, tự do và hạnh phúc,’ thực chất chính quyền Việt Nam chỉ quan tâm tìm cách buộc dân chúng im lặng và khuất phục

Đồng thời ông kêu gọi: “Các chính phủ hữu quan cần lên tiếng ủng hộ các nhà bất đồng chính kiến can đảm của Việt Nam và gia tăng kêu gọi cải cách dân chủ,” đồng thời khẳng định: “Những người phê phán chế độ độc đảng ở Việt Nam sẽ không rời bỏ vị trí.”

Ảnh: Khẩu hiệu Đại hội 13: Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển

Dư luận trong nước những ngày qua càng không lạc quan về tương lai đất nước khi nhìn lại ‘di sản’ 10 năm của ông Trọng trong cương vị tối cao của Đảng.

Facebooker Trang Nguyễn tóm lược những thất bại của ông Trọng như sau:

Nguyễn Phú Trọng là Tiến sĩ xây dựng đảng, nhưng cái đảng của ông đang xây dựng toàn quy tụ các thành phần xôi thịt, vào đảng chăm chăm vì lợi ích, vinh thân phì gia, tham quyền đoạt vị.

Nguyễn Phú Trọng hô hào chỉnh đốn đảng, nhưng càng chỉnh đốn thì càng hư đốn. Quan chức nhũng nhiễu từ trung ương xuống địa phương, ra tận kênh mương ruộng đồng. Nạn quan liêu chưa từng giảm và bất chấp những lời nói của Nguyễn Phú Trọng về đảng viên học tập đạo đức, rèn luyện tư cách. Thực tế, kể từ khi Nguyễn Phú Trọng lên nắm quyền, nhân dân chưa bao giờ dễ thở hơn.

Nguyễn Phú Trọng chưa từng được ghi nhận về thành tựu hay khả năng phát triển đất nước. Ông ta kêu gọi trung thành với chủ thuyết cộng sản, chửi bới những ai không tin vào cộng sản là “thế lực thù địch”, “diễn biến hoà bình”, “suy thoái tư tưởng”. Nhưng rồi cũng chính ông ta ngậm ngùi “không biết đến hết thế kỷ này có xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội hay không”.

Suốt 10 năm qua Nguyễn Phú Trọng liên tục nhắc nhở cần tập trung vào công tác nhân sự. Dù vậy, đến hôm nay ông ta nói không có nhân sự kế cận và rồi lấy lí do đó để ngồi lại làm trường hợp đặc biệt của đặc biệt, chiếm ghế Tổng Bí thư nhiệm kì 3. Nếu không phải ông Trọng tham quyền cố vị thì cần phải xem lại tư duy chiến lược của một người đứng đầu tổ chức đảng. Ông quản lý thế nào mà đảng của ông không có người đủ đức, đủ tài, xứng tầm làm lãnh đạo, để ông già gần 80 tuổi bệnh tật đầy mình, đi đứng không vững phải gánh vác trọng trách chăm lo cho 100 triệu dân đang thời kì dân số vàng?

Ngoài ra, một vấn đề nữa đó là những nhân sự do chính tay Nguyễn Phú Trọng chọn lựa lại liên tục dính kỉ luật hoặc rơi vào vòng lao lý. Thậm chí, sự tệ hại này lại diễn ra ở cấp cao nghiêm ngặt nhất là Trung Ương Đảng và Bộ Chính Trị. Đơn cử như các trường hợp: Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Đức Chung, Tất Thành Cang, Triệu Tài Vinh… Toàn là những người do đích thân Nguyễn Phú Trọng chọn lựa khi còn làm Trưởng Tiểu ban nhân sự tại Đại hội 12.

Ngay cả chiến dịch đốt lò mà Đảng ca ngợi là thành tích chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng càng không làm cho xã hội Việt Nam trong sạch hơn, nó chỉ giúp cái ghế ông ta thêm vững vàng và phe cánh đàn em nắm nhiều trách vụ quan trọng hơn để sau này về hưu rồi, ông vẫn có thể thao túng, buông rèm nhiếp chính như thái thượng hoàng.

Ảnh: Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng lộ rõ dáng đi không vững, tập tễnh ra đón khách trong buổi tiếp người đồng cấp Lào Bounnhang Vorachith trong đoạn clip dài khoảng 30 giây được cho là ghi hình hôm 28/10/2019 tại Hà Nội

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Đảng Cộng sản Việt Nam khủng hoảng lãnh đạo kế cận

>>> Đảo chính tại Myanmar: ‘Cha bắt mẹ’

>>> Nguyễn Phú Trọng để lộ hành động phạm pháp là vô tình hay cố ý?

Trọng trúng „số đỏ“ Tập thời vui ra


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT