Bắc Kinh cho phép cảnh sát biển bắn tàu Việt Nam khi cần

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=ueWXrdF0xTs

Hôm thứ Sáu 22/1, Trung Quốc thông qua một đạo luật, lần đầu tiên công khai cho phép cảnh sát biển Trung Quốc nổ súng vào các tàu nước ngoài, một động thái có thể làm dậy sóng các vùng biển đang trong vòng tranh chấp chung quanh Trung Quốc.

Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, và với nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, trên Biển Đông.

Bắc Kinh đã điều tàu hải cảnh đánh đuổi các tàu đánh cá của các nước khác, và đôi khi đánh chìm những tàu này.

Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, cơ quan lập pháp cao nhất Trung Quốc, thông qua Luật Hải Cảnh hôm 22/1, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết.

Theo bản văn dự thảo luật công bố trước, lực lượng hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng “mọi phương tiện cần thiết” để chặn hoặc tránh các mối đe dọa từ các tàu nước ngoài.

Luật ghi rõ các điều kiện nên sử dụng các loại vũ khí nào, chẳng hạn vũ khí cầm tay, vũ khí gắn trên tàu, hoặc vũ khí từ máy bay, có thể được sử dụng.

Đạo luật cho phép nhân viên hải cảnh phá hủy các cấu trúc do các nước khác xây trên những đảo đá, bãi cạn mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ, đồng thời cho phép hải cảnh Trung Quốc lên tàu và lục soát các tàu nước ngoài đi lại trong các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ.

Đạo luật còn cho phép lực lượng hải cảnh tạo ra các khu cấm tạm thời “khi cần thiết” để chặn các tàu khác, hay nhân sự nước khác xâm nhập.

Trước quan ngại của các nước khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm thứ Sáu nói luật hải cảnh của Trung Quốc “phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Điều khoản đầu tiên của đạo luật giải thích luật này là cần thiết để bảo vệ chủ quyền, an ninh và quyền hàng hải của Trung Quốc.

Luật Cảnh sát Biển được thông qua 7 năm sau khi Trung Quốc sáp nhập nhiều cơ quan thực thi pháp luật dân sự để thành lập Cục Hải cảnh Trung Quốc.

Cục Hải cảnh chính thức trở thành một nhánh của lực lượng quân sự trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc vào năm 2018.

Ảnh: Tàu hải cảnh Trung Quốc

Theo Hãng tin Tân Hoa xã, ông Lật Chiến Thư, ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, nói rằng Luật hải cảnh giúp bảo vệ hiệu quả cái gọi là “các quyền lợi trên biển, an ninh và chủ quyền quốc gia“.

Tuy nhiên, tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc chạy dòng tít: “Trung Quốc thông qua luật hải cảnh, bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Điếu Ngư“. Nhật Bản và Trung Quốc hiện có tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông.

Hãng  Bloomberg ngày 23-1 cho rằng động thái trên của Trung Quốc có thể làm tăng nguy cơ xảy ra “tính toán sai lầm” tại các vùng biển tranh chấp.

Bloomberg lưu ý: “Tàu hải cảnh Trung Quốc thường tiếp xúc gần – đôi khi có các cuộc đối đầu căng thẳng – với các tàu nước ngoài, khi họ khẳng định các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông“.

Hồi tháng 11-2020, khi xuất hiện dự luật hải cảnh trên, Bloomberg từng dẫn bình luận của phó giáo sư Trương Minh Lượng của Đại học Ký Nam ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc: “Đây sẽ là lần đầu tiên hải cảnh Trung Quốc được trao quyền lực một cách rõ ràng theo luật để sử dụng vũ khí ở vùng biển tranh chấp.

Điều này sẽ làm phức tạp tình hình vốn đã căng thẳng ở Biển Đông và có thể bị các nước láng giềng cũng như Mỹ phản đối“.

Theo báo Nikkei Asia, động thái trên của Trung Quốc đặc biệt “gây báo động” với Nhật Bản khi nước này phải đối phó với số vụ xâm nhập ngày càng thường xuyên của tàu Trung Quốc tại vùng nước quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Hơn 1.000 tàu Trung Quốc đã đi vào các vùng nước quanh quần đảo này năm ngoái.

Giới chuyên gia đánh giá dự luật hải cảnh vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua có thể trở thành “cơn đau đầu” đối với chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, theo Hãng tin Kyodo.

Theo Kyodo, Tokyo buộc phải xem xét cẩn thận cách thức xây dựng quan hệ tốt với Bắc Kinh. Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã nói với ông Suga rằng điều 5 của hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật sẽ có hiệu lực bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đồng nghĩa Washington sẽ bảo vệ Tokyo trong trường hợp xảy ra xung đột tại đây.

Nói trước báo giới hôm 22-1, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết nước này sẽ “giám sát” các hoạt động của Trung Quốc “với mức độ quan tâm cao“, đồng thời cho biết Nhật Bản đã liên tục gửi công hàm phản đối các hoạt động của hải cảnh Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội, nhà phân tích Christian Le Miere của công ty tư vấn chiến lược Arcipel ở Anh cho rằng luật hải cảnh của Trung Quốc “đánh vào trái tim” chính sách tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.

Đối với Mỹ, quyền đi lại vô hại của tàu chiến trong lãnh hải là một trong những yếu tố cấu thành quan trọng của nguyên tắc “tự do biển cả” mà Mỹ luôn nhấn mạnh và bảo vệ.

Trung Quốc không công nhận quyền đi lại vô hại của tàu chiến trong lãnh hải của mình. Điều 6, trong Luật lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải năm 1992 của Trung Quốc yêu cầu tàu chiến đi vào lãnh hải của Trung Quốc phải được sự cho phép của Trung Quốc.

Đây là một trong những điểm bất đồng quan trọng giữa Washington và Bắc Kinh tại Biển Đông. Điều này cũng góp phần giải thích tại sao Trung Quốc luôn lên án các hoạt động “tự do hàng hải” (FONOP) của Mỹ quanh các thực thể mà Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mỹ sẽ vẫn tiếp tục các hoạt động FONOP của mình tại Biển Đông. Và sau khi có Luật hải cảnh mới, hải cảnh của Trung Quốc được cụ thể hóa quyền sử dụng vũ lực đối với các tàu của Mỹ khi các tàu này đi lại bất chấp sự phản đối của Trung Quốc trong các vùng biển quanh các thực thể tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Điều này có khả năng sẽ dẫn đến một cuộc đụng độ nghiêm trọng giữa lực lượng quân sự hai bên, làm tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng khi là tâm điểm của một cuộc xung đột trên biển.

Bắc Kinh vốn đã không dùng luật, giờ cũng vậy thôi!

Tiến sĩ Zachary Abuza (giáo sư tại Học viện Chiến tranh quốc gia Mỹ) đưa ra bình luận:

Rõ ràng đây là một phép thử cho Mỹ và các nước. Tôi đoán hành động của Trung Quốc đã được triển khai trong thời gian dài, đặc biệt khi Bắc Kinh hiểu rõ lực lượng cảnh sát biển của mình lợi hại như thế nào, xét tới ý đồ thực thi các tuyên bố chủ quyền của mình trong lúc giữ tình hình dưới ngưỡng chiến tranh.

Trung Quốc đang hành động một cách khiêu khích vì họ đã tính toán rằng họ sẽ không dính trách nhiệm nhiều.

Ảnh: tàu sân bay USS Ronald Reagan đến thăm Đà nẵng hôm 5-3-2020.

Luật của Trung Quốc mới ban hành cũng cho phép dùng vũ lực trục xuất các nước khác khỏi các thực thể mà Bắc Kinh đang tuyên bố chủ quyền. Điều này sẽ lập tức ảnh hưởng tới Việt Nam.

Về mặt luật pháp, Luật hải cảnh của Trung Quốc đã hạ ngưỡng cho phép dùng vũ lực chết chóc, do đó chắc chắn nó có khả năng tạo ra bạo lực nhiều hơn.

Nhưng phần còn lại đều hiểu rõ bản chất Trung Quốc vốn không quan tâm tới pháp quyền.

Trước đây họ đã làm thế, và giờ họ sẽ tái lập điều đó theo những cách khác nhau. Đông Nam Á sẽ lo ngại và phẫn nộ.” Tiến sĩ Zachary Abuza nêu quan điểm.

Rủi ro cho ngư dân Việt Nam

Suốt những năm gần đây, hải cảnh Trung Quốc liên tục có nhiều hoạt động phi pháp ở Biển Đông – dù tuyên bố chủ quyền do Trung Quốc đưa ra đối với vùng biển này đã bị Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ vào năm 2016.

Tuy nhiên, không chỉ phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế, Bắc Kinh còn thường xuyên điều động tàu hải cảnh tiến hành các hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Điển hình, 1 tàu hải cảnh của Trung Quốc đã vô cớ đâm chìm 1 tàu cá Việt Nam đang hoạt động hợp pháp ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa vào đầu năm 2020. Hải cảnh Trung Quốc liên tục hành động như “hung thần” ở Biển Đông.

Lúc chưa được “bảo kê” quyền nổ súng mà như thế! Nên nếu dự luật mới có hiệu lực, thì nguy cơ đặt ra là hải cảnh Trung Quốc có thể dùng vũ khí tấn công tàu cá Việt Nam đang đánh bắt hợp pháp ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.

Bằng cách vũ trang cho tàu hải cảnh và cho phép sử dụng vũ lực, Bắc Kinh đang gia tăng thách thức đối với các bên khác trong vùng biển tranh chấp liên quan Trung Quốc.

Ảnh: chủ tịch TQ Tập Cận Bình tham gia một cuộc tập trận ở Biển Đông

Theo thông lệ bình thường, tàu hải cảnh, tuần duyên phi vũ trang sẽ giải quyết các vấn đề liên quan các tàu phi vũ trang”, PGS Nagy nhận xét và cho rằng các luật mới mà Bắc Kinh đặt ra sẽ thay đổi thông lệ đó và mở đường quân sự hóa tất cả tàu hải cảnh, tuần duyên.

Tương tự, TS Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) nhận định: Cách đây không lâu, Trung Quốc đã sửa đổi luật phòng thủ quốc gia. Luật mới cho phép Bắc Kinh triển khai lực lượng vũ trang ở nước ngoài để bảo vệ điều mà Trung Quốc xem là lợi ích quốc gia.

Giờ đây, Trung Quốc tiếp tục sửa luật để cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ lực trên biển. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang muốn tiến thêm một bước trong việc sử dụng “cơ bắp” để đảm bảo điều mà họ xem là “lợi ích” của Trung Quốc”, ông Collin nói và đặt vấn đề: “Xét trong bối cảnh hiện tại ở Biển Đông và biển Hoa Đông, diễn biến vừa nêu có khả năng gây mất ổn định. Thêm vào đó, khi Bắc Kinh vẫn phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đối với Biển Đông thì việc trao thêm quyền cho hải cảnh Trung Quốc như vậy sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.

Trả lời Thanh Niên, ông Greg Poling, Giám đốc chương trình AMTI – Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), lo ngại luật mới của Trung Quốc về lực lượng hải cảnh của nước này có thể dẫn đến các căng thẳng mới, thậm chí có thể xảy ra bạo lực.

Các quy tắc mới được áp dụng cho vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, nhưng như cách hành xử lâu nay, Bắc Kinh né tránh mô tả chi tiết các vùng biển nào. Nói cách khác, từ đó, các “tàu chấp pháp” của Trung Quốc sẽ được sử dụng vũ khí ở bất cứ khu vực nào, vào bất cứ lúc nào mà họ cho là cần thiết, như ở Biển Đông hay biển Hoa Đông, rồi sau đó lại tự biện minh để hợp thức hóa hành động”, ông Poling đánh giá.

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Twitter khóa tài khoản của Đại sứ Quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ

>>> Vì sao đại hội 13, nội bất xuất ngoại bất nhập?

>>> Chưa chính thức vào tứ trụ, Phạm Minh Chính đã vội ra uy

Nhân sự Đại hội 13: Vẫn còn có băn khoăn về tính minh bạch?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT