Nước Mỹ, dưới sự điều hành của Tổng thống Donald Trump, trong thời khắc chuyển giao nhiệm kỳ, vẫn không ngừng nỗ lực gia tăng sức ép đối với Trung Quốc.
Hạ viện Mỹ hôm 02/12 mới đây đã thông qua đạo luật có thể khiến các công ty Trung Quốc bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ nếu họ không tuân thủ các quy tắc kiểm toán của Hoa Kỳ.
Trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua đạo luật có tên gọi “The Holding Foreign Companies Accountable Act” tạm dịch là “Đạo luật yêu cầu các công ty nước ngoài chịu trách nhiệm” và dự kiến nó sẽ được trình lên Tổng thống Donald Trump để ký thành luật.
Dự luật sẽ áp dụng cho các công ty niêm yết công khai từ bất kỳ quốc gia nào, nhưng dự luật được cho là nhằm trực tiếp và chính yếu vào các công ty Trung Quốc.
Dự luật này có thể cấm các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch Mỹ và huy động vốn từ các nhà đầu tư Mỹ nếu không tuân thủ những quy định về quản lý cũng như tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ.
Đạo luật này cũng sẽ yêu cầu các công ty tiết lộ liệu họ có thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ nước ngoài hay không.
Có ý kiến cho rằng một số đại công ty của Trung Quốc như Alibaba, Tencent, tập đoàn công nghệ Pinduoduo hay tập đoàn dầu khí PetroChin có thể sẽ bị loại khỏi sàn chứng khoán Mỹ nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra.
Tuy nhiên, giới truyền thông nhận định đạo luật này sẽ có ít tác dụng trong ngắn hạn, vì các công ty nước ngoài chỉ bị loại khỏi sàn chứng khoán nếu họ không tuân thủ các cuộc kiểm toán trong ba năm liên tiếp.
Hiệp hội Chứng khoán Hoa Kỳ hoan nghênh việc thông qua dự luật, nhưng đồng thời kêu gọi chính phủ hành động nhanh chóng hơn, bằng cách hủy niêm yết các công ty không tuân thủ vào giữa năm sau.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John Kennedy, một trong những tác giả của dự luật, nói: “Chính sách [hiện giờ] của Mỹ đang cho phép Trung Quốc áp đặt các quy tắc mà các công ty Mỹ phải tuân theo và điều đó thật nguy hiểm. Hôm nay, Hạ viện đã cùng với Thượng viện bác bỏ hiện trạng độc hại này.”
Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung, được Quốc hội thành lập để theo dõi các mối đe dọa an ninh có thể đến từ Trung Quốc, cho biết tính đến tháng 10, đã có 217 công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ.
Một số công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, gồm Alibaba và nhà điều hành KFC Trung Quốc, Yum China, gần đây đã niêm yết thứ cấp tại sàn chứng khoán Hồng Kông.
Trước đó, Chính phủ Hoa Kỳ hôm 02/11 đã ra lệnh cấm nhập khẩu bông gòn từ một công ty mà họ cho rằng sử dụng lao động cưỡng bức những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ (Uighur) bị giam giữ ở tỉnh Tân Cương.
Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) thông báo cấm nhập khẩu sợi bông của Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC) và sản phẩm làm từ nguyên liệu này vì sử dụng lao động cưỡng bức.
Văn phòng Thương mại của CBP đã chỉ đạo ban hành Lệnh hủy bỏ (WRO) đối với các sản phẩm bông do XPCC sản xuất dựa trên thông tin chỉ ra một cách hợp lý việc sử dụng lao động cưỡng bức, bao gồm cả lao động bị kết án.
Nhân viên Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ đã được lệnh bắt giữ các lô hàng có chứa bông gòn và các sản phẩm bông gòn có nguồn gốc từ XPCC.
Quyền Ủy viên CBP Mark A. Morgan tuyên bố trong một văn bản: “Sự lạm dụng lao động cưỡng bức có hệ thống của Trung Quốc ở khu vực Tân Cương sẽ ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.”
Lệnh hủy bỏ áp dụng cho tất cả các sợi bông sản phẩm từ sợi bông do XPCC, các đơn vị trực thuộc và các tổ chức liên kết sản xuất cũng như bất kỳ sản phẩm nào được sản xuất toàn bộ hoặc một phần hoặc có nguồn gốc từ sợi bông đó, chẳng hạn như quần áo, hàng may mặc và hàng dệt may.
Truyền thông quốc tế đánh giá đây là đòn trừng phạt hiểm hóc dành cho Trung Quốc vì những vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương.
Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC) là một tổ chức bán quân sự được báo cáo chiếm gần một phần năm GDP của Tân Cương.
Đây cũng là một trong những nhà sản xuất bông gòn lớn nhất của Trung Quốc. XPCC chiếm đến 30% sản lượng sợi bông của Trung Quốc vào năm 2015.
Lệnh trừng phạt này còn kéo theo nguy cơ ảnh hưởng đến các công ty nước ngoài có sử dụng sản phẩm của XPCC.
Brenda Smith, Trợ lý cục trưởng về Thương mại của CBP cho biết trong khi các lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính nhắm vào cơ cấu tài chính của XPCC, hành động của CBP sẽ buộc các công ty may mặc và các công ty khác nhập khẩu sản phẩm bông vào Mỹ loại bỏ sợi bông do sản xuất XPCC khỏi nhiều lớp trong chuỗi cung ứng của họ.
Việc nhắm đến XPCC diễn ra sau động thái của Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 07 cấm tất cả các giao dịch bằng đồng đô la với thực thể được thành lập vào năm 1954 để bình định vùng viễn tây của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã phải đối mặt với sự lên án của quốc tế vì mạng lưới các trung tâm giam giữ các nhóm thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương.
Trung Quốc đã bác bỏ những lời chỉ trích, nói rằng mục đích của họ là giải quyết nạn đói nghèo và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo ở Tân Cương.
Chưa dừng lại tại đó, trong một diễn biến mới nhất ngày 03/12, giới truyền thông loan tin Tổng thống Donald Trump đã ký lệnh rút ngắn thị thực với đảng viên Trung Quốc cùng gia đình ruột thịt của họ từ 10 năm còn 1 tháng.
Truyền thông quốc tế loan tin chính quyền Trump vừa ban hành quy định mới nhằm hạn chế thời hạn hiệu lực của thị thực du lịch dành cho các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và gia đình ruột thịt của họ.
Cụ thể, thời hạn thị thực du lịch dành cho những người thuộc dạng này sẽ bị rút xuống chỉ còn 1 tháng và 1 lần nhập cảnh, so với trước đây là có thể lên đến 10 năm.
Trước đây, các đảng viên, giống như các công dân Trung Quốc khác, có thể xin thị thực du lịch vào Mỹ với thời hạn lên đến 10 năm.
Về nguyên tắc, sự thay đổi chính sách có thể ảnh hưởng đến việc đi lại của khoảng 270 triệu người – Trung Quốc có khoảng 92 triệu đảng viên Đảng Cộng sản – mặc dù trên thực tế, có thể khó xác định ai là đảng viên, ngoài các quan chức cấp cao.
Tuy nhiên, chính sách mới này vẫn được coi là nhẹ nhàng so với những gì được đề xuất vào trung tuần tháng 07, khi giới chức Mỹ cân nhắc cấm toàn bộ 92 triệu đảng viên Đảng Cộng sản và gia đình của họ nhập cảnh vào Mỹ, đồng thời có thể hủy thị thực của những người đang ở Mỹ, dẫn đến việc trục xuất họ.
Trước đó, ngày 02/10, Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) đã ban hành hướng dẫn thực hiện chính sách, trong đó nêu rõ việc từ chối nhập cảnh cho đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc hay bất kỳ đảng toàn trị nào khác.
Văn bản có đoạn: “Tư cách đảng viên hay quan hệ liên đới với Đảng Cộng sản hay bất cứ đảng toàn trị nào khác là không phù hợp và mâu thuẫn với lời “Tuyên thệ Trung thành khi Nhập tịch” vào Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, trong đó có cam kết ‘ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ’.”
Theo USCIS, văn bản hướng dẫn này là nhằm cập nhật Sổ tay Chính sách Nhập cư hiện tại của cơ quan này “trong việc từ chối nhập cảnh cho các trường hợp là đảng viên hay có quan hệ liên đới với Đảng Cộng sản hay bất cứ đảng toàn trị nào”.
Thông báo của USCIS viết: “Nói chung, trừ khi được miễn trừ, bất kỳ người nào có ý định nhập cư mà là đảng viên hoặc người trực thuộc đảng cộng sản hoặc bất kỳ đảng toàn trị nào khác… dù trong nước hay nước ngoài đều không thể được Hoa Kỳ chấp nhận.”
Phản ứng trước văn bản mới này của USCIS, ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Hoàn cầu Thời báo vốn có lập trường bảo thủ, nói rằng việc Mỹ đề ra hạn chế này sẽ giúp Bắc Kinh ‘giữ được nhiều nhân tài ở Trung Quốc’. Ông viết trên Twitter: “Nhiều tài năng xuất chúng ở Trung Quốc là đảng viên đảng cộng sản.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 30/11 đã phàn nàn về việc công dân Trung Quốc bị chặn tại các sân bay Mỹ và bị hỏi có phải là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc hay không.
Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của cơ quan này khi đó đã phản đối “hành vi khiêu khích chính trị” của Mỹ, cho rằng đây là sự cản trở giao lưu giữa nhân dân với nhân dân, kích động đối đầu ý thức hệ, theo Tân Hoa xã.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi Mỹ ngừng ngay lập tức các hành động sai trái liên quan, ngừng tạo ra các cuộc đối đầu về ý thức hệ và ngừng trấn áp Trung Quốc một cách phi lý. Nếu Mỹ kiên quyết leo thang các hành động khiêu khích, Trung Quốc chắc chắn sẽ có các biện pháp đáp trả.”
Do vậy, việc ban hành quy định mới nhằm hạn chế việc các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và người thân ruột thịt của họ đến Mỹ mới đây được dự đoán là sẽ nhận được phản ứng trả đũa mạnh mẽ của Bắc Kinh.
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Bộ trưởng giao thông Nguyễn Văn Thể và trách nhiệm trong vụ Út ‘trọc’
>>> Liệu Bộ Công An gây có ra tay với gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa?
>>> Bất lực trước nạn tham nhũng ở Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng dẫn Bao Công thời đại mới
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT