Chiều 23 tháng 11 năm 2020, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao có buổi tiếp xúc với cử tri một số quận ở Thành phố Hồ Chí Minh sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Tại buổi tiếp xúc, một vài cử tri cho rằng có một số cán bộ đương chức phạm tội và đề nghị xử lý hình sự, ông Trí cho biết pháp luật không để oan sai nhưng cũng không để lọt tội phạm, tất cả mọi việc phải làm theo pháp luật, nếu không có chứng cứ thì không thể buộc tội.
Trước việc cử tri bức xúc về tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu, phiền hà người dân và đề nghị xử lý một số cán bộ có sai phạm, ông Lê Minh Trí khẳng định, sai ở đâu còn có pháp luật, mình không thể quy kết người ta tội phản quốc như vậy.
Cách nói như thế là đang xúc phạm đến người khác, thậm chí vu khống hoặc lợi dụng tuyên truyền dân chủ để xúc phạm người khác.
Một số người quan tâm tin rằng, ngay tại nghị trường Quốc hội mà ông Lê Minh Trí khẳng định “không có chứng cứ thì không thể buộc tội” là chỉ dấu tốt cho nền tư pháp Việt Nam, rồi đây sẽ tránh được nhiều án oan.
Một số khác lại cho rằng, đó chỉ là cách nói của ông Trí mà thực tế thì khác hẳn.
Với Luật sư Phạm Công Út, cách nói của ông Trí là cách nói chụp mũ người khác khi ông Trí là người có quyền nhưng lại không trả lời được cử tri trong trường hợp này. Vị luật sư này nói thêm:
“Oan hay không thì có ít nhất ba cơ quan tiến hành tố tụng và một vài cơ quan không phải là cơ quan tiến hành tố tụng.
Ông Lê Minh Trí là bên Viện Kiểm sát. Đây là nơi kiểm tra, giám sát toàn bộ các hoạt động về pháp luật trong xã hội. Nhưng đối với bên ủy ban thì hiếm khi nào thấy bên Viện Kiểm sát ra một cái quyết định nào đó về việc xử phạt là sai và phát hiện ngay từ đầu.
Mà chỉ đợi người ta khiếu nại rồi khởi kiện ra tòa bằng một vụ án hành chánh thì Viện Kiểm sát mới tham gia tố tụng. Theo quan sát của tôi thì phát biểu của Viện Kiểm sát có lợi cho phía bên Chính quyền.”
Ông Phạm Công Út nói thêm, hệ thống pháp luật Việt Nam chia làm ba cơ quan. Thứ nhất là cơ quan điều tra tức là bên Bộ Công an, chịu sự quản lý của cơ quan hành pháp (gọi là hành pháp nhưng thực tế VN không có tam quyền phân lập).
Nếu nói theo lý luận thì cơ quan điều tra và tòa án là hai cơ quan độc lập. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là người có vị trí cao trong ngành tòa án.
Mặc dù trên lý thuyết thì bên công an có vị trí thấp hơn Viện Kiểm sát hoặc tòa án nhưng trong thực tế đôi khi họ lại ở vị trí thường trực hoặc là những vị trí then chốt về đảng từ cấp địa phương cho đến cấp trung ương. Do đó, có khi bên công an chỉ đạo ngược lại bên Viện Kiểm sát hoặc tòa án. Đó là thực tiễn.
Luật sư Đặng Trọng Dũng nêu quan điểm của ông:
“Ông Trí nói như vậy không sai nhưng thực tế như thế nào thì ông ta biết điều đó hơn ai hết, thành ra ông ấy né tránh vấn đề một cách ngoạn mục bởi ngôn ngữ tiếng Việt của mình.
Khi ra tòa thì ngôn ngữ tiếng Việt là một thứ tiếng đa nghĩa. Luật sư hiểu khác, điều tra viên hiểu khác, Viện Kiểm sát hiểu khác, thẩm phán hiểu khác.
Nhưng người quyết định lại là thẩm phán. Trong trường hợp này ông Lê Minh Trí là công tố thì ông ấy nói gì làm sao ai có thể đụng đến được nếu ông ấy bảo không có chứng cứ, không có tội.
Thật sự những lời nói của ông Trí ở nghị trường rất quan trọng, mà những người nào làm trong ngành đó, kể cả đại biểu Quốc hội lẫn dân đều hiểu là ông ấy né tránh vấn đề.
Ông ấy lý luận theo cách của ông ấy chứ thực tế sinh động ngoài xã hội không như ông ấy nói.”
Niềm tin của người dân Việt Nam về ngành tư pháp ngày càng đi xuống khi có nhiều vụ án oan được báo chí Nhà nước phanh phui, và được chính Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng xác nhận trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 15 tháng 6 năm 2020.
Có thể kể ra vài vụ điển hình như ông Hàn Đức Long bốn lần bị kết án tử hình dù vô tội. Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án chung thân với tội giết người dù ông liên tục kêu oan. Ông Huỳnh Văn Nén hai lần bị kết án tử hình oan với gần 17 năm ngồi tù oan…
Riêng trường hợp Hồ Duy Hải, trả lời cử tri sáng 24 tháng 11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết vụ án Hồ Duy Hải có oan hay không oan thì đang chờ ý kiến kết luận của các cơ quan có thẩm quyền.
Sau phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng tại nghị trường Quốc hội, ông Lê Văn Cuông, từng là Đại biểu Quốc hội khóa 11 thuộc đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa nói với RFA:
“Nền tư pháp Việt Nam những năm qua có nhiều đổi mới, tức là có Ban chỉ đạo để đổi mới tư pháp. Ban này hoạt động liên tục và có nhiều thay đổi so với trước đây để hội nhập thế giới.
Cho nên trong quá trình thực thi pháp luật, tính dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cũng được mở rộng so với trước đây.
Tuy nhiên, gần đây có một số vụ án chưa được sự đồng thuận của dư luận xã hội, người ta nghi ngờ có sự oan sai và có những ý kiến khác nhau về quan điểm xét xử cho nên nó cũng tạo cho ngành tư pháp bị giảm uy tín và niềm tin nhất định.
Nhưng tôi nghĩ cái niềm tin đối với cải cách tư pháp thời gian qua được nâng lên.”
Theo báo cáo được ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao trình bày trước Quốc hội vào sáng 26 tháng 10 vừa qua, trong năm 2020, ngành Kiểm sát đã huỷ 716 quyết định tạm giữ thiếu căn cứ, trái pháp luật.
Liên quan tới tội danh gọi là ‘tội phản quốc’ mà ông Lê Minh Trí đề cập tại buổi tiếp xúc cử tri, dư luận cho rằng đó là cách ông Lê Minh Trí bảo vệ những người cùng phía với chính quyền, chứ với những người bất đồng chính kiến thì lại khác.
Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defender), tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2020, ít nhất 276 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ khác.
Con số này không bao gồm ông Ngô Hào đang bị đình chỉ thi hành án vì lý do sức khoẻ và hai ông Nguyễn Trung Lĩnh cùng Lê Anh Hùng bị buộc phải vào bệnh viện tâm thần mà không qua xét xử tại toà.
Vào tháng 3 năm nay, sau khi Hoa Kỳ công bố báo cáo toàn diện về tình trạng nhân quyền trên toàn thế giới, trong đó chỉ trích thành tích nhân quyền yếu kém của Việt Nam trong năm 2019, ông Scott Busby, Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao vì Dân chủ, Nhân quyền và Lao Động Hoa Kỳ nói với RFA rằng, phía Hoa Kỳ lo ngại về việc Việt Nam vẫn còn xu hướng bắt giữ người muốn tự do bày tỏ ý kiến của mình như chỉ trích chính phủ.
Phía Hoa Kỳ có kêu gọi Việt Nam hãy trả tự do cho những tù nhân chính trị nhưng chính phủ Việt Nam phần lớn vẫn tuyên bố rằng những trường hợp này đã vi phạm những điều luật của Việt Nam cho nên phải bị kết án.
Ông Scott Busby bày tỏ quan điểm rằng nhiều điều luật của Việt Nam vẫn còn rất mơ hồ và thường được áp dụng một cách tùy tiện.
Phản ứng trước việc công an xâm phạm hoạt động tư pháp chỉ bị án treo!
Cuối tháng 8 năm 2019, cơ quan điều tra Viện kiểm sát Nhân dân tối cao tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Việt Cường về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Ông Cường phạm tội lúc đang là trung tá công an và là điều tra viên Công an Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Khi thụ lý hồ sơ vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy vào năm 2012, điều tra viên Nguyễn Việt Cường tự viết thêm nhiều nội dung có tính chất buộc tội đối với bị can Nguyễn Hồng Ngọc Anh vào các biên bản hỏi cung bị can, làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Để buộc tội bà Anh, ông Cường đã viết thêm vào các biên bản hỏi cung thể hiện bà Anh biết rõ việc nhận tiền giúp người khác mua ma túy. Hậu quả bà Anh bị Tòa án thành phố Tuy Hòa kết án bảy năm tù (mặc dù bản án sơ thẩm sau đó bị cấp phúc thẩm hủy để điều tra lại, sau đó cơ quan điều tra phải đình chỉ).
Tại phiên sơ thẩm diễn ra vào tháng 7 năm 2020, Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Việt Cường 18 tháng tù về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án. Hội đồng Xét xử nhận định hành vi của bị cáo Cường là nguy hiểm, đã gây hậu quả nghiêm trọng.
Bản án sơ thẩm cũng cấm bị cáo Cường làm công việc liên quan đến hoạt động tư pháp trong thời hạn 36 tháng tính từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Ông Nguyễn Việt Cường kháng án. Phiên phúc thẩm diễn ra vào đầu tháng 11 năm 2020 chấp nhận kháng cáo. Cho bị cáo được hưởng án treo, dù tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị giữ nguyên mức án 18 tháng tù giam.
Hội đồng Xét xử lập luận rằng, việc làm của bị cáo Cường thể hiện sự nôn nóng trong quá trình đấu tranh, trấn áp tội phạm, không vì mục đích tiêu cực hay vụ lợi cá nhân. Hình phạt mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên có phần nghiêm khắc, làm mất đi ý nghĩa, mục đích của hình phạt là không chỉ nhằm trừng trị tội phạm mà còn giáo dục họ trở thành người có ích.
Lập luận này không được giới luật sư chấp nhận vì tội làm sai lệch hồ sơ vụ án là một hình thức xâm phạm hoạt động tư pháp.
Luật sư Đặng Trọng Dũng cho rằng, việc ông Nguyễn Việt Cường bị tuyên án đã chứng minh là có hành vi phạm tội, đã bị luật pháp trừng trị, nhưng mức trừng trị không tương xứng với tội phạm của ông ta.
Ông Dũng nói thêm: “Giới luật sư chúng tôi rất hoan nghênh việc truy tố, khởi tố, xét xử và đưa ra một bản án sơ thẩm như vậy.
Thế nhưng phiên phúc thẩm lại cho hưởng án treo. Hưởng án treo tức là cũng có tội nhưng bây giờ nó đã là bản án. Như vậy tính răn đe đối với hành vi này là không tương xứng với hành vi phạm tội của ông ấy.
Phải nói rằng điều này làm cho giới luật sư cũng như người dân rất là bất mãn khi tòa phúc thẩm cho ông ấy hưởng án treo đối với tội gọi là xâm phạm hoạt động tư pháp. Đó là hành vi rất nghiêm trọng.”
Việc một trung tá công an phạm tội làm sai lệch hồ sơ vụ án xâm phạm trực tiếp đến nguyên tắc xác định sự thật của vụ án; dẫn đến làm oan người vô tội, gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mà chỉ bị tù treo khiến người dân mất niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam.
Công luận cho rằng, ngoài những vụ án như Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên cao tốc, vụ án Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại tòa… gây xói mòn lòng tin của người dân vào hệ thống tư pháp, thì những người như ông Nguyễn Việt Cường cũng góp phần làm cho án oan tăng lên.
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp Việt Nam thẩm tra báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về công tác của ngành kiểm sát năm 2019 cho hay, trong năm 2019, đã có 6 trường hợp Viện Kiểm sát Nhân dân truy tố oan dẫn đến tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên vô tội; và 88 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt dẫn đến tòa án nhân dân sơ thẩm phải xét xử về khoản khác trong cùng điều luật hoặc tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh viện kiểm sát nhân dân đã truy tố.
Giữa tháng 6 năm 2020, trong phiên thảo luận tại Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nói rằng, ông nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại của cử tri, trong đó có vị là lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu, nói rằng chưa bao giờ thấy niềm tin vào tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ.
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> 55 Tiến sĩ dùng bằng giả của Đại học Đông Đô là những ai?
>>> Thủ đoạn triệt hạ nhau – Nguyễn Đức Chung phải nộp mình ra sao?
>>> Ông Trọng tung đòn cuối, ai sẽ vào lò?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT