Vì sao Trung Quốc vừa tiết lộ – sát thủ tàu sân bay ‘bắn trúng mục tiêu’ trên Biển Đông?

 
Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=TYE1LHWjMoE

Hai tên lửa của “sát thủ tàu sân bay” mà Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bắn trên Biển Đông trong cuộc tập trận hồi tháng 8 đã bay hàng nghìn cây số trúng vào mục tiêu giả định là một con tàu đang di chuyển ở vị trí gần quần đảo Hoàng Sa.

Thông tin vừa được một chuyên gia quân sự, cựu sĩ quan Trung Quốc tiết lộ sau gần 3 tháng diễn ra cuộc tập trận, theo tường thuật của South China Morning Post.

Hai tên lửa đạn đạo DF-26B và DF-21D đã được phóng đi từ tỉnh Thanh Hải ở tây bắc và tỉnh Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc, và theo lời cựu sĩ quan Vương Tương Tuệ, hiện là giáo sư của Đại học Bắc Hàng ở Bắc Kinh, thì 2 tên lửa này đã đã đánh trúng một con tàu đang di chuyển ở phía nam quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng trên thực tế do Trung Quốc kiểm soát.

Ngay sau đó, một tùy viên quân sự Mỹ tại Geneva đã phàn nàn [với chúng tôi] và nói rằng điều này có thể sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu như tên lửa bắn trúng một tàu sân bay Mỹ.

Họ xem đây là sự phô trương lực lượng. Nhưng chúng ta đang làm điều này vì sự khiêu khích của họ”, SMCP dẫn lời cựu đại tá Vương nói.

Tiết lộ của ông Vương đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra thông tin chi tiết về vụ phóng hai tên lửa DF-26B và DF-21D trên Biển Đông hồi tháng 8. Vào thời gian đó, có thông tin cho rằng tên lửa đã bị hỏng và rơi xuống biển.

Cựu đại tá Trung Quốc còn nói thêm rằng các vụ phóng tên lửa là “lời cảnh báo trực tiếp” tới Hoa Kỳ, “yêu cầu nước này không nên có bất kỳ sự mạo hiểm quân sự nào”.

Đề cập của ông Vương được cho là có liên quan đến tuyên bố của Bắc Kinh về việc một máy bay do thám U-2 của Mỹ đi vào vùng cấm bay mà không được phép trong cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật của Trung Quốc ở Biển Bột Hải ngoài khơi bờ biển phía bắc nước này.

Ảnh: Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc được trình diễn trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến thứ hai được tổ chức trước cổng Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 3/9/2015.

Trong thời điểm đó, Hoa Kỳ cũng đang triển khai các tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz trong khu vực.

Ngày 4/7, Hải quân Mỹ cho biết đã triển khai hai nhóm tàu sân bay tấn công, do USS Nimitz và USS Ronald Reagan dẫn đầu, tiến hành các cuộc diễn tập phòng không chiến thuật ở vùng biển tranh chấp “nhằm thúc đẩy vùng nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở“.

Bắc Kinh phản ứng quyết liệt cuộc diễn tập này, gọi đây là hành động khiêu khích, Washington cáo buộc những vụ phóng tên lửa của Trung Quốc là liều lĩnh và gây mất ổn định.

Song Zhongping, một cựu huấn luyện viên của Quân đoàn Pháo binh – tên lửa số 2 PLA cho biết, cuộc thử nghiệm này là bằng chứng cho thấy Trung Quốc có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác tầm xa vào các chiến hạm mặt nước cỡ vừa đến lớn.

Ông nói: “Để đánh trúng một vật thể đang chuyển động không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt là đối với tên lửa đạn đạo, thường tiêu diệt mục tiêu đứng yên. Thử nghiệm thành công cho thấy tên lửa đạn đạo Trung Quốc là một biện pháp răn đe hữu hiệu đối với tàu chiến Mỹ“.

Michael Raska, trợ lý giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết Trung Quốc đang phát triển các hệ thống tác chiến tiên tiến có khả năng phủ bác ưu thế quân sự truyền thống của Mỹ. Ông nói: “Vấn đề quan trọng đối với Mỹ là bằng mọi cách duy trì khả năng răn đe lâu dài, đặc biệt là ở các khu vực tranh chấp, đồng thời giảm thiểu rủi ro xung đột”.

Theo một báo cáo, được Bộ quốc phòng Mỹ công bố vào tháng 9, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trong lĩnh vực phát triển tên lửa và đóng tàu và dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi kho dự trữ đầu đạn hạt nhân trong thập kỷ tới.

PLA hiện có hơn 1.250 tên lửa đạn đạo và hành trình phóng từ mặt đất với phạm vi tấn công đến 5.500km (3.400 dặm).

Ảnh: Chiến đấu cơ và hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và USS Nimitz tập trận ở Biển Đông

Báo cáo nhấn mạnh, hiện nay quân đội Mỹ có chỉ có một loại tên lửa đạn đạo mang đầu đạn thông thường phóng từ mặt đất, có tầm bắn từ 70 km đến 300 km.

Tuy nhiên, theo nhận định của một chuyên gia về Biển Đông, Giáo sư Ngô Vĩnh Long của Đại học Maine, Hoa Kỳ, thì việc tiết lộ thông tin của cựu đại tá Trung Quốc không thể là một “cảnh báo” đối với Mỹ.

Tiết lộ ra là để doạ các nước trong khu vực thôi chứ không phải để doạ Mỹ”, GS. Ngô Vĩnh Long nói với VOA.

Muốn vận động hàng không mẫu hạm thì phải cần thời gian rất lâu và phải có bao nhiêu chiến hạm khác xung quanh. Trung Quốc mới có hai hàng không mẫu hạm gần đây thôi nên không thể so sánh với Mỹ. Mỹ đã có hàng không mẫu hạm từ lâu rồi và họ liên tục sử dụng các hàng không mẫu hạm này”, GS. Ngô Vĩnh Long lý giải thêm.

Theo ông, ngay cả thời điểm cựu quan chức Trung Quốc đưa ra thông tin về tên lửa hàng không mẫu hạm cũng không liên quan đến thời điểm được cho là khá nhạy cảm vào lúc này, khi tại Washington đang diễn ra những chuyển biến về quyền lực.

Họ tiết lộ chuyện đó có thể không phải là vì thấy sự thay đổi quyền lực ở Mỹ, vì dù sao đi nữa thì chính sách của Mỹ ở Biển Đông và trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng vẫn tiếp tục thôi, có thể còn mạnh hơn cả dưới thời của ông Trump nữa”, giáo sư của Đại học Maine nhận định.

Cuộc tập trận đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc trình diễn khả năng tên lửa đạn đạo chống hạm tầm xa thực tế mà được xác nhận, trong khi hiện vẫn chưa rõ nhiều chi tiết như về tàu mục tiêu giả định, cấu tạo, tốc độ di chuyển của nó hay cách quân đội Trung Quốc điều khiển tên lửa bắn tới mục tiêu như thế nào.

Ảnh: Tên lửa đạn đạo DF-26B của Trung quốc trong một cuộc duyệt binh

Reuters tường thuật đánh giá của chính phủ Mỹ cho rằng Trung Quốc đã bắn tổng cộng 4 tên lửa đạn đạo.

Trong một tuyên bố hôm 27/8, Lầu Năm Góc nói: “Bộ Quốc phòng (Hoa Kỳ) lo ngại về quyết định gần đây của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiến hành các cuộc tập trận quân sự, bao gồm cả bắn tên lửa đạn đạo, xung quanh quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông từ ngày 23 – 29/8”.

Theo Lầu Năm Góc, tên lửa DF-21D có tầm bắn tối đa hơn 1.500 km, trong khi DF-26 có thể tấn công các mục tiêu cách xa 2.500 km.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ sẽ thăm Việt Nam trong tuần này

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien sẽ tới thăm Việt Nam trong tuần này, Reuters dẫn lời một giới chức Mỹ và một nguồn tin từ Việt Nam cho biết.

Trong thời gian có mặt tại Việt Nam từ thứ Sáu 20/11 tới Chủ nhật 22/11, ông Robert O’Brien sẽ dự các cuộc họp cấp cao, một giới chức Mỹ không muốn nêu danh tính cho biết. Tòa Bạch Ốc không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Dự kiến chuyến đi của Cố vấn An ninh Quốc gia O’brien diễn ra tiếp theo sau chuyến công du của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới thăm Hà Nội vào tháng trước, một tuần sau khi Việt Nam trả tự do cho công dân Mỹ gốc Việt Michael Nguyễn, người đã bị một tòa án ở Việt Nam tuyên án tù 12 năm về tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền”.

Việt Nam và Hoa Kỳ đã tổ chức nhiều sự kiện đánh dấu 25 năm hai nước bình thường hóa bang giao. Quan hệ giữa hai nước cựu thù giờ đây được coi là nồng ấm, bất chấp những quan tâm về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, một phần nhờ hai nước đều chia sẻ quan tâm chung về cách hành xử ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực.

Ông Robert O’Brien là người có lập trường mạnh mẽ chống Trung Quốc.

Ảnh: Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien bên cạnh Tổng thống Donald Trump

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến do Hội đồng Đại Tây Dương – Atlantic Council tổ chức vào cuối tháng 8 năm nay, ông Robert O’Brien tuyên bố Hoa Kỳ “quyết không lùi bước” và sẽ tiếp tục thách thức các hành động “ngày càng quyết đoán và hung hăng của Trung Quốc” để khẳng định quyền tự do đi lại trên biển và trên không phận Biển Đông,

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ tuyên bố Hoa Kỳ bác bỏ ý đồ của Bắc Kinh “âm mưu sáp nhập một diện tích rộng lớn của Thái Bình Dương”. Dịp này, ông nói Washington áp dụng nguyên tắc “Hòa bình qua Sức mạnh” của Tổng thống Reagan trong các quan hệ với Trung Quốc và Nga, như đã xác định trong Chiến lược An ninh quốc gia và Quốc phòng Hoa Kỳ.

Ông Robert O’Brien chủ trương Hoa Kỳ và các đồng minh, cũng như các nền dân chủ khác, nên hiệp lực và siết chặt các quan hệ an ninh, ngoại giao và kinh tế để đẩy lùi tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Ông cho rằng “Bộ Tứ” gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ là “sáng kiến đáng mừng nhất trong những năm gần đây”.

Trong một cuộc họp thượng đỉnh với các nước Đông Nam Á cuối tuần trước, ông Robert O’Brien tiết lộ ông sẽ sớm đến thăm Việt Nam.

Việt Nam ‘khẳng định chủ quyền’ trước tin TQ cho cảnh sát biển dùng vũ khí

Trước thông tin Trung Quốc đang xem xét dự luật cho phép cảnh sát biển của họ sử dụng vũ khí trong vùng lãnh hải nước này kiểm soát, Bộ Ngoại giao Việt Nam lặp lại tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam luôn ủng hộ giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Dương Hoài Nam nói tại cuộc họp báo ngày 5/11.

Một ngày trước đó, truyền thông Nhật Bản cho hay nếu một dự luật vừa được công bố của cơ quan Quốc hội Trung Quốc được thông qua, Bắc Kinh sẽ cho phép cảnh sát biển sử dụng vũ khí đối với các tàu nước ngoài có các hoạt động bị cho là “bất hợp pháp” và “không tuân lệnh” trong vùng lãnh hải mà Trung Quốc kiểm soát.

Ảnh: Ba chiếc tàu Hải Cảnh Trung Quốc tham gia đâm chìm, uy hiếp và tấn công các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam sáng sớm 2-4-2020.

Do có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, chính phủ Nhật Bản cho biết đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến liên quan đến cảnh sát biển Trung Quốc, và sẽ đáp trả các động thái của Trung Quốc một cách bình tĩnh và kiên quyết.

Giữa bối cảnh đang diễn ra đại dịch trên toàn cầu, nhiều quốc gia đưa ra cảnh báo về những động thái ngày càng lấn tới của Bắc Kinh trong việc khẳng định yêu sách chủ quyền của họ trong những khu vực tranh chấp, bao gồm cả Biển Đông.

Hồi tháng 4, một tàu cá với 8 ngư dân Việt Nam đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm trong khu vực đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền song trên thực tế do Trung Quốc quản lý. Vụ việc khiến nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh về hành động bắt nạt này.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục gây ra những vụ “tai nạn” tương tự đối với ngư dân Việt Nam hoạt động trong vùng biển tranh chấp.

Hôm 4/11, Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong tư cách quốc gia Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020, tổ chức một hội thảo trực tuyến giữa khối 10 quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc về nội dung “đối xử công bằng và nhân đạo với ngư dân” và thúc đẩy đưa vấn đề trở thành “lĩnh vực hợp tác ưu tiên” giữa hai phía.

Đây là hướng mà chúng tôi muốn chuyển thông điệp đến các nước trong khu vực, trong khối ASEAN, tìm cách bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của các ngư dân Việt Nam và các nước hoạt động đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia mình”, báo Người Lao Động dẫn lời Phó phát ngôn viên Dương Hoài Nam nói thêm trong cuộc họp báo.

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Thừa cơ “nước đục thả câu” – Tập liền “tác quái” trên bờ Biển Đông

>>> Liệu có phải là Đảng luôn lắng nghe dân không?

>>> ĐƯỢC HAY MẤT SAU TRANH CÃI?

https://www.youtube.com/watch?v=7PTTyQYFcQw
Hiệp định RCEP tại Việt Nam: Mỹ lùi Trung Quốc tiến

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT