Ngày 09/11/1989 đã đi vào lịch sử khi đường biên giới giữa Đông và Tây Berlin, Đông Đức và Tây Đức được mở, dẫn tới bức tường Berlin được dỡ bỏ và chỉ chưa đầy một năm sau, ngày 03/10/1990, nước Đức đã tái thống nhất, trở thành một quốc gia hùng mạnh, có đầy đủ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, sau khi quân đội của Tứ cường là Nga, Mỹ, Anh và Pháp rút đi hoàn toàn năm 1994 theo Hiệp ước 2+4.
Nhưng tại sao Quốc hội CHLB Đức và CHDC Đức lại chọn ngày 03/10 làm Ngày thống nhất, một ngày không đánh dấu một sự kiện lịch sử nào, mà không lấy ngày 09/11, Ngày bức tường Berlin sụp đổ vô cùng ý nghĩa làm Ngày thống nhất?
Phải chăng ngày 03/10/1990 được chọn để người dân Đông Đức không còn cơ hội kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 41 của CHDC Đức chỉ 4 ngày sau đó là ngày 07/10/1990?
Ngày 09/11/1989 là một Ngày lịch sử với sự kiện dỡ bỏ bức tường ngăn cách Đông Tây, mở đường cho việc chấm dứt Chiến tranh Lạnh, nhưng ngày 09/11 cũng được coi là một Ngày định mệnh với nhiều sự kiện vui cũng như buồn trong lịch sử nước Đức.
Cách đây đúng 102 năm, ngày 09/11/1918, Hoàng đế Đức Wilhelm đệ Nhị đã thoái vị và các chính khách Karl Liebknecht và Philipp Scheidemann đã tuyên bố chấm dứt chế độ quân chủ và thành lập một nhà nước cộng hòa, xây dựng một chế độ dân chủ, đó là Cộng hòa Weimar.
Nhưng chỉ 20 năm sau, đêm 09/11/1938, chính quyền Quốc xã của Adolf Hitler đã tiến hành khủng bố những người Do Thái, chúng tàn phá khoảng 7500 cửa hàng và cơ sở của người Do Thái ở Đức, đốt cháy phần lớn trong tổng số 1200 nhà thờ Do Thái, phá hoại các nghĩa trang Do Thái và xông vào cướp bóc nhà ở của những người Do Thái. Theo các nhà sử học, trên 1300 người Do Thái bị giết chết trong những ngày này và hơn 30.000 người bị đưa vào trại tập trung, mở đường cho „Giải pháp số 0“, tức là nhằm tiêu diệt hoàn toàn những người Do Thái.
Chính vì những trang lịch sử được coi là đen tối nhất trong lịch sử Đức thời cận đại mà nước Đức không thể lấy ngày 09/11, ngày bức tường Berlin sụp đổ làm Ngày thống nhất mà ngày này luôn được kỷ niệm, đồng thời nhắc nhở tới những ký ức đau buồn để không bao giờ những hành động man rợ đó được lặp lại trên đất Đức.
Văn Long
Ảnh trích xuất từ video trên mạng Internet