Mỹ đang xúc tiến một hành động chưa từng có suốt nhiều năm nay khi triển khai cùng một lúc ba tàu sân bay tại Biển Philippines tiếp giáp Biển Đông.
Hải quân Mỹ cho biết hai nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz đã bắt đầu thực hiện chiến dịch huấn luyện tác chiến tại Biển Philippines vào hôm Chủ nhật 21/6.
Theo đó, hai nhóm tàu sẽ phối hợp huấn luyện năng lực phòng không, trinh sát biển, tiếp vận, oanh kích tầm xa, phòng thủ trên không và các bài tập khác. Mục tiêu của hoạt động này là nhằm phô trương “năng lực độc nhất vô nhị của Hoa Kỳ trong việc triển khai đồng thời nhiều nhóm tác chiến tàu sân bay” trong thời gian gấp rút.
Chuẩn đô đốc Doug Verissimo, Chỉ huy của Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt (Group 9), phát biểu: “Đây là một cơ hội tuyệt vời để chúng tôi cùng nhau tập luyện trong một kịch bản phức tạp. Khi làm việc cùng nhau trong môi trường này, chúng tôi sẽ cải thiện các kỹ năng chiến thuật của mình và sẵn sàng đối mặt với một khu vực ngày càng nhiều áp lực và trong bối cảnh đại dịch COVID-19.”
Chuẩn đô đốc James Kirk, tư lệnh Nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz (Group 11), nói rằng các chiến dịch phối hợp này “thể hiện sự kiên cường và sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hải quân và là một thông điệp mạnh mẽ thể hiện cam kết đối với an ninh và ổn định khu vực, nhằm bảo vệ các quyền quan trọng, gồm quyền tự do và sử dụng biển một cách hợp pháp vì lợi ích của tất cả các quốc gia”.
Trang tin quốc phòng Task & Purpose cho biết trong cùng thời điểm trên, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan vốn có căn cứ tại thành phố cảng Yokosuka thuộc tỉnh Kanagawa, Nhật Bản cũng thực hiện nhiệm vụ tại Biển Philippines.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã công bố loạt ảnh hoạt động của nhóm tác chiến USS Ronald Reagan tại Biển Philippines, trong đó có bức ảnh chụp một tiêm kích F/A-18E Super Hornet chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay này nhằm góp phần “bảo vệ lợi ích hàng hải chung của các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương“.
Giới chức Mỹ không cho biết chính xác các nhóm tàu này đang hoạt động ở đâu trên Biển Philippines vào hôm Chủ nhật cũng như hành trình tiếp theo sau đó. Tuy nhiên, eo biển Luzon giữa Đài Loan và Philippines được coi là cửa ngỏ vào Biển Đông, khu vực đang có nhiều căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia…
Đây là lần đầu tiên kể từ 2017 hải quân Mỹ điều ba tàu sân bay tới hoạt động gần Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục gia tăng. Lần cuối Mỹ triển khai cùng lúc ba tàu sân bay tới tây Thái Bình Dương vào tháng 11/2017, khi ba tàu sân bay Reagan, Roosevelt và Nimitz tới khu vực giữa lúc căng thẳng Mỹ – Triều leo thang. Ba nhóm tác chiến tàu sân bay diễn tập cùng oanh tạc cơ chiến lược B-1 trong 4 ngày ở vùng biển giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
Giới chuyên gia nhận định động thái này của hải quân Mỹ phát đi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc rằng quân đội Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hiện diện trong khu vực bất chấp COVID-19 đang diễn ra.
Giới quan sát đánh giá việc Mỹ bố trí ba tàu sân bay cùng lúc ở cửa ngõ Biển Đông sẽ khiến Trung Quốc tức giận.
Trước đó, phía Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích khi Mỹ điều ba nhóm tàu sân bay này tới hoạt động tại khu vực Thái Bình Dương.
Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời Chuyên gia hải quân Li Jie ở Bắc Kinh nhận định: “Bằng cách tập trung các tàu sân bay này, Mỹ đang cố gắng chứng minh cho cả khu vực và thậm chí cả thế giới rằng họ vẫn là lực lượng hải quân hùng mạnh nhất, khi họ có thể tiến vào Biển Đông và đe dọa quân đội Trung Quốc trên các đảo Tây Sa và Nam Sa cũng như đưa tàu thuyền đi qua vùng biển gần đó, Mỹ có thể thực hiện chính trị bá quyền của mình.”
Lie Jie cho rằng Trung Quốc có thể đáp trả hoạt động của Mỹ bằng cách tổ chức tập trận hải quân tại Biển Đông, đồng thời nhắc đến một số vũ khí trong biên chế quân đội Trung Quốc có khả năng vô hiệu hóa tàu sân bay như tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26.
Chuyên gia Li Jie cũng nói rằng Trung Quốc có thể đáp trả bằng việc triển khai các cuộc diễn tập hải quân trong vùng biển này cùng lúc với Mỹ.
Theo các nguồn tin quân sự khu vực, Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ lập một nhóm tác chiến tàu sân bay kép gồm hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông cùng đội tàu hộ tống từ 3 hạm đội chính để tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn quanh Đài Loan và ở Biển Đông vào mùa hè này. Hiện Hải quân PLA đang chuẩn bị cho cuộc tập trận này.
Trước đó, hai tàu sân bay nói trên của Trung Quốc đã được triển khai lần đầu tiên vào tháng 5 vừa qua, tại Vịnh Bột Hải ở Hoàng Hải để tiến hành diễn tập khả năng sẵn sàng tác chiến.
Quân đội Mỹ trong những tháng gần đây đã phải vật lộn với dịch COVID-19 khi họ chiến đấu để duy trì sự hiện diện khó khăn ở khu vực Tây Thái Bương, trong khi vừa đảm bảo an ninh cho các đồng minh, vừa ngăn chặn Trung Quốc tận dụng bất kỳ sự sơ hở nào.
Hải quân Mỹ đã hồi phục sau những trường hợp nhiễm COVID-19 được phát hiện trên tàu, bao gồm những ca nhiễm ở trên cả 3 tàu sân bay hiện đang hoạt động ở Biển Philippines, cùng với nhiều tàu bị nhiễm nặng khác.
Hải quân Mỹ đã chọc giận Bắc Kinh khi thường xuyên tiến hành huấn luyện và thực hiện cái gọi là các chiến dịch tự do hàng hải gần một số hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả các đảo nhân tạo, đồng thời khẳng định rằng quyền tự do tiếp cận là rất quan trọng đối với các vùng biển quốc tế.
Trước những chuyến tuần tra của Mỹ, Bắc Kinh thường tuyên bố đã ”trục xuất” tàu Mỹ khỏi vùng Biển Đông gần đây của Trung Quốc nhưng điều này chỉ là bịa đặt.
Ví dụ như hôm 28/4, Trung Quốc cáo buộc tàu chiến USS Barry của Mỹ đã đi vào vùng đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, mà ”không được Trung Quốc cho phép.” Trung Quốc cũng nói họ sau đó đã thiết lập một thủ tục để theo dõi, theo dõi, xác minh, xác định và trục xuất USS Barry ra khỏi Biển Đông.
Nhưng ngay sau đó, một quan chức của Hải quân Hoa kỳ nói rằng USS Barry không hề bị trục xuất như Trung Quốc tuyên bố, và tàu khu trục, được đặt theo tên của “Cha đẻ của Hải quân Mỹ“, đã tuần tra theo đúng kế hoạch mà không gặp phải bất kỳ hành vi không an toàn hoặc không chuyên nghiệp nào từ máy bay hoặc tàu chiến của Trung Quốc.
Hay hôm 28/5, tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times) đã có bản tin nói Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc PLA đã đuổi một chiến hạm Mỹ đi qua vùng nước “của Trung Quốc” ngoài khơi “quần đảo Tây Sa” ở Biển Đông. Trong bản tin trên, Global Times dẫn lời một phát ngôn viên Li Huamin của Bộ Tư lệnh chiến khu Nam Bộ của PLA nói Bộ Tư lệnh chiến khu Nam Bộ đã tổ chức các lực lượng hải quân và không quân bám sát tàu USS Mustin khi tàu này tiến vào Hoàng Sa. Theo lời ông Li, quân đội Trung Quốc đã bám theo và giám sát, nhận diện, cảnh báo và xua đuổi USS Mustin.
Phía Trung Quốc cũng đã từng tường thuật tương tự về những lần đối đầu với tàu USS Montgomery và USS McCampbell nhưng tất cả chỉ là một hình thức tuyên truyền sai sự thật.
Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế giải thích rằng Trung Quốc tuyên bố như thế với mục đích tuyên truyền và cảnh báo các quốc gia khác trong khu vực.
Ông giải thích: “Mỗi khi Hải quân Hoa Kỳ thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, Trung Quốc lại đưa ra loại tuyên bố tương tự là họ đã theo dõi, kiểm soát và ”trục xuất” tàu chiến Hoa Kỳ. Đây hoàn toàn là những lời ngoa ngữ, cường điệu.
Trung Quốc có phương tiện giám sát để xác định khi nào tàu chiến của Hoa Kỳ đi vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố là của riêng họ. Và mỗi lần như thế Trung Quốc thường điều một máy bay để rình rập tàu chiến Mỹ trên biển. Thường thì tàu chiến Hoa Kỳ và nhân sự của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân có liên lạc với nhau trong những lần nghênh chiến đó. Sau khi tàu chiến Hoa Kỳ hoàn thành nhiệm vụ và rời khỏi vùng biển do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, Trung Quốc tuyên bố sẽ họ vừa ”trục xuất” tàu Mỹ.
Trung Quốc đang sử dụng chiến tranh thông tin để cảnh báo các quốc gia trong khu vực là họ sẽ chịu chung số phận này, nếu tàu của họ xâm nhập vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Công bố cường điệu này của Bắc Kinh cũng nhằm vào đối tượng trong nước để chứng minh rằng chế độ Tập Cận Bình đang bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc một cách kiên quyết chống lại chủ nghĩa quân phiệt của Hoa Kỳ.”
Truyền thông Trung Quốc ngày 21/6/2020 trích dẫn báo cáo của một viện nghiên cứu Trung Quốc sắp công bố, dọa rằng gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đi đến chiến tranh nếu Washington tiếp tục khiêu khích Bắc Kinh.
Tờ báo nhà nước Trung Quốc Hoàn Cầu Thời Báo cho biết đây chính là nội dung một bản báo cáo nghiên cứu năm 2020 về sự hiện diện quân sự Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào thời điểm căng thẳng và các hoạt động thù nghịch mà Trung Quốc cho là nhắm vào nước này có xu hướng gia tăng. Theo bản báo cáo sẽ được Viện Nghiên Cứu Nam Hải của Trung Quốc công bố vào ngày 23/6, khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh Mỹ – Trung là rất có thể, do đó cần phải được xử lý và hạn chế.
Báo cáo của Trung Quốc cho rằng kể từ khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng năm 2017, Donald Trump đã khởi động một « cuộc tranh đua giữa các siêu cường », gần như là Chiến Tranh Lạnh.
Theo báo cáo này, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ có đến 375.000 nhân sự hiện diện trong các đơn vị hải quân, quân đội và thủy quân lục chiến. Hơn nữa, với hơn 85.000 quân được triển khai trước đó và một số lượng lớn vũ khí tiên tiến, quân đội Hoa Kỳ đã duy trì một thế thống trị tại châu Á – Thái Bình Dương trong nhiều năm qua.
Báo cáo được Hoàn Cầu Thời Báo nhắc đến còn tố cáo Mỹ tiến hành một loạt các hoạt động nhằm kiềm hãm Trung Quốc nhất là trong các hồ sơ dịch COVID-19, Hồng Kông, Đài Loan, công nghệ cao và quốc phòng. Báo cáo này cho rằng nhiều tầu chiến Mỹ thường xuyên xâm nhập vùng lãnh hải Trung Quốc, tiến hành các chiến dịch quân sự ở Biển Đông và đi xuyên eo biển Đài Loan. Và một trong những hành động được cho là khiêu khích nhất là việc Mỹ cho điều 3 chiếc hàng không mẫu hạm trong khu vực.
Cuối cùng, báo cáo kết luận, do những mối liên hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc với nhiều nước trong khu vực và an ninh quốc gia, tranh chấp và mối quan hệ Trung – Mỹ trở nên trầm trọng có nguy cơ làm gia tăng xác suất xảy ra chiến tranh hay một cuộc xung đột.
Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Tổng thống Donald Trump lại dọa cắt đứt quan hệ với Trung Quốc
>>> Châu Âu “tung đòn” đối phó với Trung Quốc
>>> Trung Quốc “giãy giụa” khi Mỹ gây áp lực tối đa trên Biển Đông