Giấu báo cáo tài chính – Việt Nam khó vay tiền

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=8neb5d43DAg

Báo cáo hàng năm mới nhất của Mỹ về minh bạch tài chính toàn cầu nhận định rằng Việt Nam không có tiến bộ trong việc công khai các nguồn thu của chính phủ hay các thông tin về khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hôm 15/6 cho thấy Việt Nam không nằm trong số 76 trên 141 quốc gia được đánh giá đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về minh bạch tài chính.

Minh bạch tài chính, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc quản lý tài chính công một cách hiệu quả, giúp xây dựng niềm tin thị trường tư nhân và củng cố sự bền vững về kinh tế. Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong báo cáo mới nhất rằng minh bạch tài chính cho công dân biết thu nhập và thu nhập từ thuế của chính phủ được sử dụng như thế nào và do đó nó cung cấp một cửa sổ cho người dân nhìn vào ngân sách của chính phủ cũng như giúp các chính phủ chịu trách nhiệm về việc quản lý của họ.

Theo tiêu chí toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, những nước đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu về minh bạch tài chính là khi chính phủ của họ đưa ra công chúng các tài liệu ngân sách trong một thời gian hợp lý. Những tài liệu này phải hoàn chỉnh và đáng tin cậy.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết dù chính phủ Việt Nam trong thời gian qua cho phép công chúng truy cập đề xuất ngân sách điều hành và ngân sách được thực hiện nhưng chính phủ Hà Nội đã không công bố báo cáo cuối năm trong một khoảng thời gian hợp lý. Thông tin về số nợ của các doanh nhiệp nhà nước không được công khai.

Theo đó, dù chính phủ Việt Nam công khai các tài liệu về các khoản chi tiêu và nguồn thu theo kế hoạch nhưng họ vẫn không minh bạch hoá các tài khoản ngoài ngân sách. Thêm nữa, dù chính phủ Việt Nam dường như tuân theo các điều luật và quy định về trao hợp đồng hoặc giấy phép khai thác tài nguyên thiên nhiên theo quy định nhưng các thông tin cơ bản về việc cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam không phải lúc nào cũng có sẵn công khai.

Ảnh 1: Ngày 2-1-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020

Theo Ngân hàng Thế giới, minh bạch tài chính đặc biệt có một tác động quan trọng ở Việt Nam khi ngành kinh tế công đóng một vai trò tương đối lớn trong nền kinh tế của đất nước. Ngân hàng này đánh giá rằng Việt Nam có những tiến bộ đáng kể so với thập niên 1990 trong việc minh bạch tài chính.

Kết quả khảo sát toàn cầu về Chỉ số công khai ngân sách mở 2019 được đưa ra hồi tháng 5 năm nay cho thấy điểm số công khai, minh bạch ngân sách của Việt Nam đã tăng mạnh so với các kỳ đánh giá trước đó, tăng 23 điểm so với năm 2017.

Thời báo Tài chính cho biết đây là kết quả nỗ lực của Bộ Tài chính trong suốt những năm qua và mục đích của việc công khai, minh bạch ngân sách là nhằm tăng cường sự giám sát của cộng đồng, đảm bảo hiệu quả trong chi tiêu ngân sách cũng như yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách.

Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành đánh giá hàng năm về sự minh bạch tài chính của các chính phủ trên thế giới hiện đang nhận sự trợ giúp tài chính của Hoa Kỳ nhằm giúp đảm bảo rằng các quỹ từ tiền thuế của người dân Mỹ được sử dụng hợp lý và cũng để cung cấp những cơ hội đối thoại với các chính phủ về sự quan trọng của minh bạch tài chính.

Hồi tháng 5, Mỹ công bố viện trợ cho Việt Nam 9,5 triệu USD để chống dịch COVID-19 và một tháng trước đó, Mỹ tài trợ 42 triệu USD để giúp phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam.

Theo đánh giá của Forbes đưa ra hồi tháng 4, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong hơn một thập niên qua, với kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng liên tục ở mức hơn 20% trong ba năm gần đây. Riêng quý I năm nay, Mỹ là đối tác thương mại lớn của Việt Nam với tổng kim ngạch 19,5 tỉ USD, tăng gần 20% trong đó Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ gần 16 tỉ USD, theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan.

Ảnh 2: Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

12 dự án thua lỗ ngành Công Thương âm vốn, nợ trên 58.500 tỷ

Chưa kể đến dự án nghìn tỷ đường sắt Cát Linh Hà Đông nằm ê chề giữa thủ đô chưa có lối thoát, thì 12 dự án thua lỗ ngành công thương được báo chí nêu lên rầm rộ từ năm 2016 đến nay càng ngày càng phát sinh thiệt hại lỗ mỗi dự án hàng ngàn tỷ, vì tỷ lệ lớn là vốn đi vay và hầu như đang đắp chiếu nên phải trả riêng lãi vay mỗi tháng đã hàng trăm tỷ đồng, chưa kể chi phí khấu hao và rỉ sét hư hỏng trang thiết bị do không hoạt động.

Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 Dự án trên là: 43.673,63 tỷ đồng, và sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên: 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%). Trong đó: Vốn chủ sở hữu là: 14.350,04 tỷ đồng, chiếm 22,56%; vốn vay là: 47.451,24 tỷ đồng, chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác. Trong tổng số vốn vay: Vốn vay các ngân hàng trong nước: 41.801,24 tỷ đồng, trong đó vay Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) là: 16.858,63 tỷ đồng và vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là: 6.617,24 tỷ đồng.

Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31 tháng 12 năm 2016 là: 16.126,02 tỷ đồng, trên tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là: 3.985,14 tỷ đồng; Tổng tài sản của 12 nhà máy là: 57.679,02 tỷ đồng; Tổng nợ phải trả là: 55.063,38 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả VDB là: 10.633,43 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là: 4.299,83 tỷ đồng.

7 dự án, doanh nghiệp còn thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động. Có 5/12 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp, vướng mắc EPC với nhiều nội dung được doanh nghiệp đàm phán nhiều lần với đối tác nhưng vẫn không thành công.

Dư nợ của các dự án, doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng lớn, đa số không trả được nợ đúng hạn. Hiện nay, có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án với tổng số dư nợ đến thời điểm 31.12.2019 là 20.938 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ trung dài hạn là 17.169 tỉ đồng, dư nợ ngắn hạn là 3.769 tỉ đồng.

Ảnh 3: Nhiều hạng mục của dự án TISCO đắp chiếu từ năm 2013 đến nay đã và đang hư hỏng nặng

Bế tắc vì không dám kiện nhà thầu Trung Quốc

Trong tổng số 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, 5 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC: Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, Dự án cải tạo – mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, Dự án nhà máy đạm Ninh Bình, Dự án Xây dựng Nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Tất cả các dự án này đều do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm toàn bộ hoặc một phần.

Tranh chấp, vướng mắc chủ yếu tập trung vào các vấn đề: chủ đầu tư và nhà thầu chưa thống nhất trong việc xác định giá trị quyết toán do thay đổi về thông số kỹ thuật, xuất xứ, số lượng thiết bị so với Hợp đồng đã ký và khối lượng phát sinh ngoài nội dung hợp đồng đã ký.

Việc đàm phán giải quyết tranh chấp đến nay vẫn không thành công. Trước tình thế này, báo cáo của Chính phủ cho rằng có 2 giải pháp xử lý được nêu ra.

Một là đưa ra trọng tài hoặc tòa án để phân xử. Hai là chủ đầu tư tự quyết toán đối với trường hợp nhà thầu không thực hiện quyết toán hợp đồng theo quy định hoặc không thực hiện các nội dung công việc để hoàn thành quyết toán.

Thế nhưng, đối với giải pháp đưa ra phân xử thông qua trọng tài hoặc tòa án, các doanh nghiệp đã thuê tư vấn pháp lý, sau khi nghiên cứu hồ sơ, tư vấn đã khuyến cáo việc khởi kiện để xử lý tranh chấp Hợp đồng EPC.

Ảnh 4: Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã bị kỷ luật vì dự án thua lỗ nghìn tỷ TISCO 2

Sau gần 10 năm kể từ ngày khởi công, đường sắt Cát Linh – Hà Đông “đội vốn gấp 3 lần, chậm tiến độ 8 lần và chưa biết bao giờ chạy thật”, báo điện tử VOV đưa dòng tít lớn như vậy.

Tổng thầu dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã đề nghị cần 50 triệu đô la Mỹ để vận hành thử hệ thống và yêu cầu thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao, báo Thanh Niên hôm 1/6 dẫn báo cáo của chính phủ Việt Nam cho biết.

Ban quản lý dự án đường sắt đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải để tìm hướng giải quyết.

Hiện nay, dự án đã giải ngân hơn 14,7 nghìn tỷ đồng trong tổng số trên 15 nghìn tỷ đồng, đạt 81,9%.

Bộ GTVT và Ban Quản lý dự án đã nhiều lần khẳng định Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành 99%. Nhưng báo cáo mới đây cho thấy 1% còn lại là cả một “núi” vấn đề, trong đó có yêu cầu lên tới 1.100 tỉ đồng từ phía Tổng thầu Trung Quốc.

Báo lao động ngày 2-6 nói dự án này là khúc xương 13km, và dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại các nước Trung Đông ông Nguyễn Quang Khai, so sánh Cát Linh – Hà Đông với dự án đường sắt trên cao ở Etiopia dài 31,1km với 39 nhà ga và tốc độ tàu có thể đạt 70 km/giờ; cũng của tổng thầu Trung Quốc!

Theo đó, cũng với tiêu chuẩn tương tự, công nghệ tương tự, nguồn vốn tương tự…với Cát Linh – Hà Đông, nhưng vốn đầu tư dự án đường sắt trên cao ở Etiopia chỉ có 475 triệu USD và hoàn thành sau 38 tháng;

Trong khi Cát Linh- Hà Đông chỉ dài 11km, nhưng vốn 868 triệu [đắt gấp 4 lần] và chưa rõ ngày vận hành. Đại sứ Nguyễn Quang Khai đưa số liệu của Bộ GTVT Ethiopia cho biết, chỉ trong 9 tháng dự án này hoạt động đã tạo ra 13.000 việc làm, đạt lãi 3 triệu USD.

Con số này khi ấy chưa kể 98,35 triệu USD mà Hà Nội sẽ phải bỏ ra để…vận hành. Chưa tính đến 50 triệu USD mà nhà thầu Trung Quốc vừa yêu cầu chúng ta tiếp tục phải chi.

Còn hiệu quả dự án, tháng 12 năm ngoái, Tổng thầu Trung Quốc cho biết dù chưa hoạt động, song toàn bộ các thiết bị điện trong nhà ga, đường ray phải chi phí với 100 triệu mỗi ngày. Chưa kể khoảng 50 tỉ tiền lương và các chi phí khác cho khoảng 2000 cán bộ Trung Quốc và Việt Nam đang làm dự án.

Chưa kể 14,5 tỉ mỗi năm để kích cầu giá vé.

Ảnh 5: đường sắt Cát Linh – Hà Đông sau 10 năm vẫn chưa thể vận hành

Và, chưa hề tính khoản lãi mẹ lãi con phải trả mỗi năm lên tới hơn 600 tỉ đồng.

Ngoặc kép dưới đây là kết luận của Kiểm toán nhà nước: “Khi phân tích kinh tế, chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành chiếm tỉ trọng lớn trong giai đoạn khai thác, dẫn đến kết luận dự án thiếu hiệu quả về mặt kinh tế là thiếu chính xác. Phương án tài chính ngay từ khi lập dự án đã phải bù lỗ nhưng các bên có liên quan chưa đề xuất khai thác hiệu quả…Cụ thể, lưu lượng hành khách do đơn vị tư vấn lập dự án giả định tính toán phân tích cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo của Viện Chiến lược giao thông vận tải.

Kiểm toán kết luận như sau: Phân tích hiệu quả tài chính cho thấy tỉ lệ hoàn vốn nội bộ thấp hơn lãi suất vay, giá trị hiện tài ròng âm. Tỉ số chi phí xét trên góc độ tài chính cho thấy sẽ phải bù lỗ.

Vâng. 552 triệu USD đã tăng lên 891,92 triệu USD (18.792 tỉ). Chậm tiến độ 10 năm. Đang phải trả lãi mối năm 650 tỉ. Đang bị đòi 50 triệu USD, giao tiền ngay. Và biết chắc sẽ lỗ, cứ chạy là lỗ.

Bi kịch của Cát Linh- Hà Đông, vì thế, không chỉ là không biết khi nào mới xong; không biết với hồ sơ an toàn thế này thì ai dám cho nó chạy.  Mà còn là chuyện ngân sách của chúng ta sẽ phải bù lỗ, cũng còn chưa tính sẽ là bao nhiêu mỗi năm nữa.

Nói đó là khúc xương 13km không sai mảy may.

Báo cáo của chính phủ cũng cho biết dự án tại Hà Nội đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên 3/5 hạng mục xây dựng cơ bản chưa đủ điều kiện nghiệm thu, nên toàn bộ hệ thống chưa được bàn giao đưa vào khai thác.

Cụ thể, dự án còn tồn tại một số vướng mắc về thiết bị công nghệ, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống…

Báo cáo của chính phủ nêu rõ do tổng thầu chưa xác định được mốc thời gian hoàn thành các hạng mục trên nên dự án chưa có cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện, dẫn đến gói thầu tư vấn giám sát chưa có cơ sở để cho phép kéo dài trong thời gian tới.

Ảnh 6: Bí thư thành TpHCM Lê Thanh Hải được xem là người “khởi nguồn” cho những sai phạm nghiêm trọng trong dự án khu ĐTM Thủ Thiêm, gây bao oan nghiệt đau khổ cho dân Thủ thiêm suốt 20 năm qua nhưng mới đây chỉ bị kỷ luật cách đi những chức vụ cũ mà ông đã giữ từ nhiều năm trước

Lan Anh từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Việt Nam phải đền cho Repsol 1 tỷ 200 triệu USD ( thông tin tuyệt mật)

>>> Dịch kéo dài – kinh tế Việt Nam nguy ngập

>>> Kiều hối “tan vỡ” – Việt Nam lập lờ

Xuất khẩu “em bán hoa” – ưu việt kinh tế XHCN