“Đòn gió” của Trung Quốc ngăn cản Việt Nam kiện về Biển Đông

https://www.youtube.com/watch?v=VIDfvQPBdGI
Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=VIDfvQPBdGI

Trong cuộc phỏng vấn với BBC, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ Việt Nam khẳng định bốn kịch bản Trung Quốc (TQ) có thể làm nếu bị Việt Nam (VN) kiện ra tòa quốc tế do ông Ngô Sỹ Tồn (Wu Shicun), Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc gia Trung Quốc về Biển Đông (NISCSS) công bố mới đây chỉ mang “tính chất hăm dọa, kích động, và không có gì mới” bởi “trong thực tế TQ đã làm những điều này từ lâu”.

Trong kịch bản một, TQ dọa sẽ công bố hệ thống đường cơ sở ở quần đảo Trường Sa của VN mà họ gọi là Nam Sa.

Trên thực tế, TQ đã làm điều này từ 1996, khi họ nối tất cả các điểm ngoài cùng của các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN mà TQ gọi là Tây Sa, để tạo thành đường cơ sở, như là một quốc gia quần đảo. Đây là việc TQ giải thích và áp dụng hoàn toàn sai Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Nhiều học giả đã phân tích về hành động sai trái này. Đặc biệt trong công hàm của phái đoàn thường trực của Việt gửi cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vừa qua cũng khẳng định quan điểm của UNCLOS 1982, quy định rằng không thể nối tất cả các điểm của các thực thể ở ngoài cùng quần đảo Hoàng Sa để biến nó thành một đường cơ sở, như là một quốc gia quần đảo.

Ông Trục cho rằng TQ đang làm tương tự với quần đảo Trường Sa. Sở dĩ họ chưa công bố đường cơ sở ở đây là do bị lên án rất nhiều, cho nên họ đang tính toán. Họ cũng đang tính toán để mở rộng, chiếm đóng thêm một số bãi cạn nằm ngoài quần đảo Trường Sa, gần thềm lục địa đặc quyền kinh tế của VN, Malaysia, Brunei, Indonesia và Philippines.

Đây là việc cố tình giải thích, áp dụng sai công ước để hiện thực hiện yêu sách đường chín đoạn phi pháp. Bây giờ họ chỉ nhắc lại chuyện cũ này, nó không có giá trị gì về mặt luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, ông Trục nhận định đây là kịch bản mà Trung Quốc có khả năng làm được nhất bởi việc công bố đường cơ sở của quần đảo Nam Sa sẽ góp phần thực thi sách lược mà TQ gọi là Tứ Sa, biện minh cho yêu sách đường lưỡi bò phi pháp.

Đối với kịch bản hai, TQ đe dọa đẩy mạnh việc ngăn cấm, đánh đập, giam cầm các ngư dân VN hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Điều này họ cũng làm lâu rồi. Năm nào TQ cũng công bố quyết định cấm đánh bắt cá, năm nào cũng đốt tàu, bắt giam, đánh đập ngư dân VN.

Ảnh: Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tại Hoàng Sa ngày 02/4

Quốc tế cũng đã đánh giá đây là hành động “cướp biển” mang tính chất nhà nước. Và TQ sẽ tiếp tục làm điều này chừng nào họ đạt được tham vọng khống chế, độc chiếm Biển Đông, chứ không cần chờ đến lúc VN kiện.

Tuy nhiên, theo ông Trục, việc TQ ngăn chặn hoạt động bảo vệ, quản lý của các lực lượng của VN trên các thực thể thuộc chủ quyền của VN trong tình hình hiện nay hoàn toàn không phải là việc đơn giản bởi VN đang nỗ lực hợp tác cùng các quốc gia khác để tăng cường sức phòng thủ và sức chiến đấu của mình.

Khi chạm đến lãnh thổ thiêng liêng thì theo truyền thống của người VN “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh“. Dù kiềm chế xung đột, nhưng nếu lãnh thổ bị xâm phạm, thì chắc chắn người VN sẽ cầm súng đứng lên bảo vệ và chiến đấu đến phút cuối cùng. Do đó TQ không dễ dàng làm được điều này.

Đối với kịch bản ba, TQ dọa tăng cường ngăn cản VN quân sự hóa ở Trường Sa. Việc họ nói VN quân sự hóa là hoàn toàn bịa đặt. TQ mới chính là nước đang quân sự hóa trên Biển Đông.

VN có mặt ở đó, trên 21 vị trí trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN, và có các lực lượng quân đội, khoa học kỹ thuật, nhân sự để quản lý và bảo vệ chủ quyền của mình trên các thực thể đó là điều rất bình thường mà VN vẫn làm từ trước đến nay để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

Từ lâu TQ đã uy hiếp VN, thậm chí dùng vũ lực để đánh chiếm, gây ra thảm họa cho người Việt Nam trong lúc đang làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Hoàng Sa, như vụ Gạc Ma.

TQ sẽ tiếp tục các hành động này, nhưng trong bối cảnh hiện nay khi nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng phản đối, TQ sẽ phải cân nhắc ít nhiều trước khi hành động.

Đối với kịch bản thứ tư, TQ dọa triển khai khai thác dầu khí ở Bãi Tư Chính. Trên thực tế TQ đã thực hiện rồi, nhưng mà làm không được.

Ảnh: Nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc ngang nhiên hoạt động ở khu vực bãi Tư Chính

Năm ngoái TQ đưa tàu địa chất Hải Dương vào hoạt động ở Bãi Tư Chính hơn một tháng để thăm dò điều kiện nhằm tiến hành khai thác ở đây.

TQ đã làm việc này nhiều lần và cho tới nay VN vẫn đứng vững ở đó, vẫn tiến hành thăm dò khai thác dầu khí và vẫn bảo vệ được các quyền hợp pháp của mình trong khu vực này.

Trong bối dịch bệnh COVID-19 hiện nay, dù TQ đang tính toán để “đục nước béo cò”, “mượn gió bẻ măng“, nhưng những nước khác trong khu vực, cả kể những nước trước đây mềm mỏng với TQ như Malaysia, Philippines, Indonesia nay cũng có những tiếng nói phản đối mạnh mẽ TQ và ủng hộ lập trường của VN.

Các nước mạnh trên thế giới như Mỹ, EU, Ấn Độ, Nhật Bản đều lên tiếng phản đối TQ và kêu gọi cộng đồng quốc tế thượng tôn pháp luật. Nếu TQ tiếp tục các hành động trắng trợn này thì nhân loại sẽ không để yên. Vì vậy, ông Trục nhấn mạnh dù TQ đe dọa, hung hăng, nhưng có làm được không còn là câu chuyện khác.

Cũng theo ông Trục, tại thời điểm này, Việt Nam chưa nên kiện Trung Quốc về Biển Đông.

Ảnh: Tàu ngầm lớp Kilo 636 của Nga được giao cho Việt Nam

Ông phân tích: “Cái có thể kiện hiện nay là như Philippines đã làm, kiện TQ về việc áp dụng sai công ước UNCLOS 1982. Nhưng nên nhớ rằng dù có phán quyết của tòa án, việc thực thi phán quyết lại không triển khai được do cơ chế thi hành án của các cơ quan tài phán quốc tế hiện nay phải thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà TQ là thành viên thường trực, có quyền phủ quyết.

Nghĩa là, thắng kiện thì được lợi về chính trị, ngoại giao, pháp lý, dư luận, và kết quả thắng đó sẽ trở thành một thực tiễn trong luật pháp quốc tế để người ta căn cứ vào đó đấu tranh để bảo vệ công lý. Nhưng như đã nói, việc thi hành phán quyết trên thực tế là không có. Do đó Việt Nam phải tính. Việc tập hợp ý kiến của các chuyên gia, luật sư, dư luận để cùng nhau có tiếng nói thống nhất là rất cần thiết.”

Vị chuyên gia cho rằng thời điểm nay Việt Nam cần tập hợp thêm dư luận để đấu tranh ngoại giao, tăng cường đoàn kết để duy trì công ước UNCLOS 1982.

Ông nói: “Trước việc TQ bất chấp tất cả để thực hiện các hành vi phi pháp thì trước mắt tự bản thân VN phải đoàn kết, đánh giá bản chất các sự kiện một cách bình tĩnh, khoa học chứ không phải trên cơ sở duy ý chí. Muốn như vậy phải thể hiện rõ ràng lập trường pháp lý của mình để bạn bè quốc tế đồng tình ủng hộ. Tôi nghĩ vừa rồi VN đã làm được một số điều trong các việc này, do đó nhận được sự ủng hộ của nhiều nước trên thế giới.

Tiềm lực quốc phòng của VN ngày càng được cải thiện hơn. VN đủ sức tự vệ trước hành động phi pháp của các nước khác, đặc biệt là TQ.”

Hiện nay, Trung Quốc đang đứng trước muôn vàn khó khăn, bế tắc từ đối nội cho đến đối ngoại.

Trong nước, đại dịch Viêm phổi Vũ Hán đã khiến hàng chục triệu người mất việc ở Trung Quốc, gây áp lực lên mạng lưới phúc lợi xã hội chắp vá và tạo ra thách thức lớn cho Bắc Kinh. Kinh tế giảm 6,8% trong quý đầu tiên và hiện tại là cuộc khủng hoảng thất nghiệp đã bộc lộ những vấn đề sâu sắc trong sự phát triển và phân phối tài sản ở Trung Quốc. Sau bốn thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, nhiều người lao động giờ đây thấy mình phải hoàn toàn tự lo cho bản thân hoặc sống dựa vào tiền tiết kiệm của gia đình. Trong khi đó năm 2020 được dự kiến ​​sẽ là một cột mốc quan trọng, với mục tiêu quốc gia này sẽ trở thành “một xã hội thịnh vượng toàn diện” vào cuối năm, được thể hiện ở quy mô nền kinh tế tăng gấp đôi so với năm 2010, cùng với việc xóa đói giảm nghèo đã được thực hiện thắng lợi. Kế hoạch 2020 của ông Tập đã bị virus Vũ Hán làm cho phá sản, lời hứa của ông trước 1,4 tỷ người dân Trung Quốc sẽ trở thành lời hứa suông và hoàng đế Tập sẽ trở thành kẻ thất hứa.

Chưa kể khu vực phía nam Trung Quốc nhiều ngày liên tiếp mưa lớn gây lũ lụt, 24 tỉnh thành như Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Giang Tây, Quý Châu, Trùng Khánh, v.v, liên tiếp có thông tin về thảm họa, ít nhất 8,512 triệu người bị ảnh hưởng, 138.000 căn nhà bị hư hại. Chính quyền đưa ra cảnh báo, lũ lụt năm nay là trận lụt lớn nhất kể từ năm 1949 đến nay, nhất là lượng mưa lớn ở khu vực thượng du đập Tam Hiệp, sẽ gây ra thách thức nghiêm trọng đối với con đập khổng lồ này.

Thêm vào đó, thủ đô Bắc Kinh lại chứng kiến sự bùng phát dịch bắt đầu từ ngày 11/6 và đến nay đã xuất hiện hơn 200 ca nhiễm mới, đồng thời dịch bệnh cũng lan ra nhiều tỉnh thành khác. Chính quyền Bắc Kinh đã phải thừa nhận tình hình dịch bệnh tại thủ đô gay go và phức tạp, công tác phòng và kiểm soát dịch bệnh đang trong trạng thời điểm quan trọng.

Về đối ngoại, trong khi xung đột biên giới với Ấn Độ ngày một leo thang dẫn đến cuộc đối đầu lớn nhất giữa quân đội hai nước kể từ năm 1967 thì mới đây, Indonesia từ chối đàm phán với Trung Quốc về Biển Đông. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm 18/6 tuyên bố lập trường của nước này là dựa theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc ở Biển Đông nên “không có lý do để đàm phán”. Bà Retno đưa ra tuyên bố này sau khi Trung Quốc ngày 02/6 gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, mời Indonesia đàm phán về cái gọi là “những tuyên bố chồng lấn về các quyền và lợi ích” ở Biển Đông.

Siêu cường thế giới Hoa Kì thì không hề có dấu hiệu xuống thang với Trung Quốc khi mối quan hệ giữa hai nước đang ở mức xấu nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ.

Tại Hội nghị thượng đỉnh dân chủ Copenhagen 2020 được tổ chức trực tuyền ngày 19/6 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tung ra một loạt chỉ trích nhắm vào Trung Quốc. Ông phát biểu: “Quân đội Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng biên giới với Ấn Độ, nền dân chủ đông dân nhất thế giới. Họ đang quân sự hóa Biển Đông và tuyên bố chủ quyền phi pháp tại đó, đe dọa các tuyến đường biển sống còn”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh dân chủ Copenhagen 2020, ông Pompeo cũng cáo buộc Trung Quốc có hành vi “lưu manh” với các nước láng giềng.

Ngoại trưởng Pompeo nói: “Trung Quốc cũng đã nói dối về đại dịch COVID-19 và để cho lây lan ra toàn thế giới. Trong lúc đó, Trung Quốc gây sức ép lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để hỗ trợ chiến dịch che đậy của họ. Hàng trăm ngàn người đã chết và nền kinh tế toàn cầu đã bị phá hủy một phần lớn.”

Tại sự kiện trên, ông Pompeo nhận định: “Châu Âu đang đối mặt với ‘thách thức Trung Quốc’, giống như nước Mỹ và những người bạn ở Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông, châu Á đang đối mặt“.

Nhà lãnh đạo ngoại giao Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc đang “thúc đẩy các thông tin sai lệch và các chiến dịch mạng hiểm độc” nhắm vào chính phủ các nước và để chia rẽ quan hệ giữa Mỹ với châu Âu.

Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Thương mại, bảo vệ khí hậu, Hồng Kông: Trung Quốc bỏ mặc EU – và thậm chí còn đe dọa tại thượng đỉnh trực tuyến EU-Trung Quốc

>>> Việt Nam chuẩn bị khởi kiện Trung Quốc?

>>> Việt Nam – Trung Quốc có thể đàm phán để ‘lấy lại’ Hoàng Sa không?

https://www.youtube.com/watch?v=DFUae9zRkQk
VN– TQ có thể đàm phán để ‘nhận lại’ Hoàng Sa?