Đã 36 ngày trôi qua kể từ khi bản án Giám đốc thẩm của 17/17 vị thẩm phán tối cao được tuyên bố, các nhà báo, các Luật sư và kể cả những chuyên gia Pháp lý trong hệ thống nhà nước cũng tham gia nghiên cứu đóng góp ý kiến, nhằm chứng minh cho 17 vị thẩm phán tối cao thấy rằng bản chất vụ án không những thay đổi mà còn hoàn toàn khác xa với hồ sơ vụ án và kết luận điều tra.
Dư luận đòi hỏi rất cụ thể, một là khởi tố ngay vụ án làm sai lệch hồ sơ mà những thủ phạm trực tiếp chính là các điều tra viên, những người liên quan chính là các kiểm sát viên giữ quyền công tố, rồi đến những người ký các quyết định tố tụng quan trọng.
Xa hơn nữa là kẻ chủ mưu đã nhúng một bàn tay đầy lông lá khắp các khâu điều tra, truy tố, xét xử, cho đến việc tác động vào quyết định không kháng nghị vụ án, cụ thể chính là ông Nguyễn Hòa Bình trong vai trò Viện trưởng VKSND tối cao, sau này lại tiếp tục làm chủ tọa phiên tòa với một phán quyết thách thức dư luận. Câu nhận định gọi là “án lý” cốt yếu trong phán quyết rằng “không làm thay đổi b-ản chất vụ án” chắc chắn sẽ đi vào lịch sử tố tụng Việt nam muôn đời sau, hy vọng rằng trên bia mộ của các vị thẩm phán tối cao này sẽ được nhân dân ban tặng cho cái câu “án lý” ngược ngạo này để nhân dân Việt nam ghi nhớ.
Mạnh dạn hơn, thì dư luận đòi hỏi cần phản thay đổi biện pháp ngăn chặn, tức là trả tự do cho Hồ Duy Hải, hay ít nhất cũng phải di lý Hồ Duy Hải ra khỏi trại giam gớm ghiếc đầy oan trái ở Long An. Vụ án oan tầm cỡ xuyên qua nhiều cấp như vậy đương nhiên có sự đe dọa đến sự an toàn của Hồ Duy Hải và dư luận vẫn đặt câu hỏi là tại sao Luật sư có đủ tư cách bào chữa cho Hồ Duy Hải như LS Trần Hồng Phong lại chưa một lần được gặp thân chủ của mình suốt 12 năm qua. Có lẽ chưa đất nước nào lại có thái độ kỳ quái như Trại giam và VKS ND tỉnh Long An. Luật sư mà khi tiếp cận vụ án lại bị dấu đi các bút lục quan trọng nhất và chưa bao giờ được gặp thân chủ của mình.
Qui định khắt khe đến mức kỳ lạ của Cơ quan tố tụng Long an cho thấy rằng họ đang sợ hãi, một nỗi sợ hãi rất lớn, bởi lẽ không bàn tay nào có thể dơ ra mà che nổi cả bầu trời.
Báo chí chính thống còn thống kê được 7 cái chết bất thường, mà dân gian gọi là đột tử của công chức liên quan vụ án Bưu điện Cầu Voi.
Vụ đột tử vừa mới xảy ra vào đêm ngày 10/6/2020 là của ông Trần Thanh Lâm Phó trưởng Công an xã Nhị Thành, Huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Ông Trần Thanh Lâm chết lúc 22h sau khi đi tuần tra về trụ sở Công an xã, trong khi trước đó hoàn toàn khỏe mạnh. Sau một tiếng động mạnh tại giường ông Lâm, các đồng nghiệp chạy vào bật đèn thì thấy anh còn thở nhưng rất yếu và lịm đi sau vài phút. Ông Lâm mới 38 tuổi rất khỏe mạnh lại chết, thật quá ư kỳ lạ.
Nên nhớ rằng đồn Công an này trực tiếp phụ trách khu vực Bưu điện Cầu Voi, cách đó không xa và là nơi hiểu rõ nhất về địa bàn, con người ở khu vực này, đặc biệt đối với vụ án Hồ Duy Hải thì họ cũng được cơ quan điều tra tham vấn nhiều nhất. Trong vụ án Hồ Duy Hải vào năm 2008, ông Lâm là người phát hiện ra đám tro trong vườn nhà Hồ Duy Hải, dẫn đến cáo buộc Hải đốt chứng cứ phi tang. Sau phát hiện của ông Lâm thì Hồ Duy Hải đã bị bắt khẩn cấp, nhưng sau đó thì kết quả giám định đám tro tàn mà ông Lâm phát hiện không hề chứng minh được điều gì kết tội Hồ Duy Hải.
Trước đây đã 6 có cái chết dạng đột tử, khiến cho vụ án vừa mang tính chất tâm linh ma quái, vừa có tính chất bí ẩn theo kiểu những người hiểu rõ nhất các tình tiết bí ẩn của vụ án bị chết để bịt đầu mối như kiểu “giết người diệt khẩu”. Đây là giả thiết dân gian, tuy nhiên chúng ta cần hiểu rằng sự thật của vụ án này chưa được làm sáng tỏ.
6 Người liên quan đến vụ án đã chết… Trước đây, bao gồm:
Người đột tử đầu tiên là Công an viên xã Nhị Thành Huỳnh Văn Minh, ông Minh chính là người đã đốt cái thớt và con dao vật chứng quan trọng của vụ án, bị đột tử năm 2009 khi đang trực đêm tại xã Nhị Thành. Cái chết này rất giống với cái chết mới đây của ông Lâm, Phó trưởng Công an xã Nhị Thành.
Thứ 2 là – Công An viên Nguyễn Thanh Hải chết năm 2010 vì tai nạn giao thông ngay trên đường từ tỉnh lộ vào trụ sở UBND và Công An xã. Tuy là công an nhưng Thanh Hải có vai trò quan trọng trong vụ án là nhân chứng. Tuy nhiên sự xuất hiện của Thanh Hải trong vụ án lại rất bí hiểm.
Thứ 3 là – Trưởng Phòng Cảnh Sát điều tra Phạm Văn Tiến, Phó ban chuyên án đột tử trong trụ sở cơ quan, ngay trong cuộc họp vào năm 2012.
Thứ 4 là – Luật sư Võ Thành Quyết “hai mang” trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải vừa nhận tiền thù lao của thân chủ, nhận cả vai trò… luật sư chỉ định. Ông Quyết từng là Trưởng phòng Điều tra xét hỏi Công An tỉnh Long An trước khi về làm Trưởng Công An huyện Thủ Thừa là sếp cũ của Phạm Văn Tiến, Phó ban chuyên án. Ông Quyết cũng đã chết.
Thứ 5 là – Nhà báo Hoàng Hùng viết bài trên Báo lao động “Câu lưu một nghi can” vào những ngày đầu xảy ra vụ án, đối tượng bị câu lưu là Nguyễn Văn Nghị. Sau đó nhà báo Hoàng Hùng bị vợ là bà Trần Thúy Liễu đốt chết tại nhà vào ngày 19/1/2011.
Thứ 6 là – Kiểm sát viên cao cấp thuộc Viện Kiểm Sát tối cao tại TP.HCM Trần Ngọc Lẫm. Ông là người giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm xử Hồ Duy Hải. Báo đưa tin rằng ông Lẫm từng nói với bà Rưỡi dì của Hải: “đừng trách tôi đứng ra tuyên tử hình Hồ Duy Hải, hãy trách người xúi tôi xử“, câu nói thật đáng suy ngẫm. Theo một người bạn cho biết, ông Lẫm còn khuyên “gia đình hãy theo ông Luật sư Nguyễn Văn Đạt kêu oan đi, ông này giỏi lắm”.
Ông Lẫm bị đột tử năm 2013, do tai biến mạch máu não.
Người có chuyên môn Pháp lý vẫn có thể hiểu rằng án tử hình Hồ Duy Hải vẫn có hiệu lực và căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm chính là nhưng sai sót nghiêm trọng về tố tụng, cụ thể là khâu điều tra. Nay cơ hội thứ nhất đã bị tước đoạt công nhiên bởi 17 vị thẩm phán tối cao và án tử hình lại treo lơ lửng trên đầu Hồ Duy Hải.
Hồ sơ hiện nay các Luật sư gửi đến cho Quốc hội, Chủ tịch nước và các cấp tố tụng tối cao đều nhắm đến thủ tục Tái thẩm, vì có thể xem như khả năng Giám đốc thẩm đã bị bỏ lỡ. Vậy thì giữa Tái thẩm và Giám đốc thẩm có gì khác nhau?
Mặc dù có rất nhiều quy định liên quan đến hai chế định xét xử đặc biệt này, nhưng có thể tóm gọn căn cứ cho tái thẩm là ở ba chữ “tình tiết mới” tức là những sự kiện chưa được phát hiện và xem xét ở các khâu xét xử trước. Trong khi đó ở thủ tục Giám đốc thẩm thì căn cứ cốt yếu chính là vi phạm thủ tục tố tụng, và những vi phạm thủ tục ấy thông thường là khiến cho sự thật bị biến dạng, dù ít hay nhiều cũng có thể làm cho bản án bị thay đổi ở phần nội dung.
Về Pháp lý thì có thể thấy Luật được chia ra là Luật hình thức, tức là qui định thủ tục tố tụng, và Luật nội dung tức là qui định các tình tiết cụ thể phát sinh một hậu quả Pháp lý tức là hình phạt.
Vậy thì Giám đốc thẩm qui định về hình thức, Tái thẩm qui định về nội dung, đó là điểm khác nhau cơ bản nhất giữa hai chế định tối cao và đặc biệt này.
Các tình tiết mới là những sự thật về vụ án mà các cấp xét xử trước đó chưa phát hiện và không biết được để nhận định về vụ án. Và các tình tiết này có khả năng làm thay đổi bản chất vụ án.ề
Cái mới gần đây nhất chính là những căn cứ chứng minh hung thủ thuận tay trái mà Luật sư đã đưa ra.
Các tình tiết về sự biến xảy ra trên lầu 1 của căn nhà Bưu điện Cầu Voi;
về các dấu vân tay trên hiện trường chưa tìm ra đối tượng;
về các dấu dép, dấu giày trên chiếc ghế inox không trùng với cỡ chân của Hồ Duy Hải;
về tờ báo mà hung thủ đánh rơi;
về hình ảnh thực nghiệm hiện trường vô lý đến mức khôi hài.
Đặc biệt nhất là hàng loạt bút lục bị rút ra khỏi hồ sơ, trong đó toàn những bút lục và nhân vật quan trọng cốt yếu đến khả năng truy tìm dấu vết hung thủ và chứng minh sự ngoại phạm của bị cáo Hồ Duy Hải.
Một khi vụ án được kết luận điều tra thì tất cả các tình tiết phải được kết nối với nhau theo một logic thông suốt mang tính chất của một chuỗi nhân quả liên tục hợp lý và tự nhiên. Một kết luận điều tra bị đặt ra hàng loạt câu hỏi nghi vấn thì chắc chắn không thể diễn tả sự thật toàn diện và có khả năng sự thật đã bị làm biến dạng…
Riêng về những sơ sót làm mất vật chứng, làm biến dạng mẫu máu, và cáo trạng diễn tả ngược lại lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường, thì chắc chắn điều tra viên và Kiểm sát viên phải bị khởi tố về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Sự cố tình chậm trễ và giả vờ câm điếc của các cơ quan tố tụng Long an khi không trả lời đơn của gia đình Hồ Duy Hải yêu cầu khởi tố tội làm sai lệch hồ sơ từ nhiều năm trước, chính là hành vi không hành động phạm tội, được qui định tại điều 369 Bộ luật hình sự: “Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”.
Không thể có ai ngây ngô đến mức làm mất hàng loạt chứng cứ quan trọng của vụ án như thế, đây chỉ có thể là thủ đoạn cố ý che dấu sự thật cho hung thủ và đem tính mạng của người vô tội lấp vào.
Chúng ta có thêm hy vọng khi thấy mới đây Kiểm sát viên Lê Ái Dân phải ra Hà nội để trả lời các cấp tối cao. Và những sự thật của vụ án được hé lộ là có sự giúp sức của những người trong cuộc vì những lý do đặc biệt đã không thể lộ danh tính.
Phát hiện mới hôm nay là của nhà báo Trương Châu Hữu Danh về các dấu dép nhỏ bằng cỡ chân phụ nữ, nhưng đặc biệt hơn là dấu giày ở khu vực xác nạn nhân.
Những phát hiện này mở ra hướng điều tra mới là hung thủ có thể là hai người, một nam một nữ. Ý kiến này khá tương đồng với suy đoán của Thạc sỹ Võ Văn Tài, hiện là Giảng viên Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP.HCM về khả năng hung thủ có thêm một phụ nữ giúp sức. Điều này cũng lý giải việc hung thủ không có động cơ hiếp dâm như giả thiết ban đầu đang gán ghép khập khiễng cho Hồ Duy Hải, và động cơ giết người có thể là một nguyên nhân khác hẳn, từ đó sẽ mở ra hướng điều tra mới cho vụ án.
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh mô tả như sau:
“Hiện trường vụ án bưu điện Cầu Voi để lại dấu dép trên mặt ghế, trên sàn nhà. Nghĩa là, hung thủ đã mang đôi dép này khi gây án.”
“Nhưng hồ sơ lại thể hiện, đây là đôi dép của Vân, và đôi dép rất nhỏ (tôi áng chừng size 37). Đế dép dính cơm và bún khô, mặt ghế gây án cũng có cơm và bún khô.
Và bản ảnh thực nghiệm điều tra lại thể hiện, Hồ Duy Hải gây án đi chân không! (Chân Hải size 42, mang vào 37 hơi khó).”
Đây là một phát hiện chứng tỏ ngoại phạm của Hồ Duy Hải, vì cỡ chân 42 so với cỡ chân 37 là sự khác nhau về giới tính con người. Không có kẻ sát nhân nào có chân cỡ 42 xỏ vào dép 37 lại có thể thực hiện giết hai người trong quá nhiều động tác như thế.
“Cũng theo hồ sơ, Hải để dép ở bậc tam cấp phía trước bưu điện, nhưng bản ảnh thực nghiệm điều tra lại cho thấy, Hải mang một đôi dép để trèo qua cổng rồi mới ra phía trước.
Vậy, ai đã mang đôi dép này để gây án?” Nhà báo Hữu Danh đặt câu hỏi.
“Và nếu Hải mang đôi dép để trèo lên cổng, thì đôi dép xốp màu trắng có đường vân trùng khớp vết dép trên mặt ghế là của ai?
Bản ảnh hiện trường thể hiện, cái ghế xếp có phần tựa lưng đè lên ống quần phải của Vân, còn phần nệm xanh đè lên ống quần chân trái.
Chưa rõ tại sao cái ghế lại ngã xuống và nằm ở vị trí này. Trên mặt ghế có dấu dép.
Khi kéo cái ghế ra chụp hình, thì sàn gạch bên dưới mặt nệm lại có một dấu máu, giống như là dấu giày.
Và hình thù cái dấu này, khác với dấu dép.
Cả dấu vết giống dấu giày và dấu dép đều có size nhỏ.”
Như chúng tôi nhận định, thì cái dấu dép, dấu giày nhỏ như thế cho thấy giới tính của hung thủ là nữ, hoặc sẽ là một nam một nữ.
Ở một tình tiết mô tả quá trình tẩu thoát của Hồ Duy Hải, nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết:
“Có vô lý hay không khi Hồ Duy Hải gây án xong thì lau chùi đến mức không còn dấu vết nào, rồi khi đã thoát ra khỏi bưu điện còn cẩn thận xuống xe quay vào đóng cổng!
“Vậy mà mặc áo dính đầy máu lại không khoác áo gió phía ngoài, cứ để vậy nhong nhong chạy ngoài đường. Mà ngộ thiệt ngộ, thay vì đi về đường gần về nhà (vắng người) thì Hải lại đi ngược về hướng thị xã Tân An, sau đó phải đi ngang thị trấn sầm uất Thủ Thừa để đánh cái vòng cho xa rồi mới về nhà.
Tâm lý tội phạm gì kỳ vậy?
Mà về nhà, sao phải qua công đoạn cất xe ở nhà dì ruột là bà Len? Ai mở cửa? Rồi mới về nhà kêu mẹ là bà Loan mở cửa với cái áo đầy máu, phải đi giặt?
Máu đỏ và tanh, bà Loan phải biết chứ? Tại sao không lấy lời khai bà Loan? Nếu tuyên Hải giết người thì phải xử bà Loan tội che giấu tội phạm!
Vô lý hết sức!
P/S: Nếu đi theo đường quốc lộ, từ BĐ Cầu Voi về nhà Hải 3,8km.
Đi theo cáo trạng là 11km!”
“Vụ án bưu điện Cầu Voi, cơ quan tố tụng biến Hồ Duy Hải thành một nhân vật sạch sẽ nhất hành tinh” Trương Châu Hữu Danh viết tiếp.
“- Vào bưu điện, Hải bỏ dép ở bậc tam cấp.
– Cứ mỗi lần gây án xong là Hải đi rửa dao thật sạch, sau đó cẩn thận cất sau tấm bảng.
– Gây án xong, sợ dính máu nên mang đôi dép xốp màu trắng “của Vân” đi khắp nhà. Khi về còn trả dép lại phòng khách.
– Cửa cuốn không khóa, nhưng Hải sợ phiền giấc ngủ của các anh dân phòng nên Hải đi vòng phía sau, rồi leo lên cổng sắt để vòng lên sân trước.
– Lên lấy xe rồi, thay vì bỏ chạy luôn thì Hải đậu xe ngay chốt dân phòng, quay vô đóng cổng (anh Phùng Phụng Hiếu khai cổng đóng nhưng không khóa). Mà với 2 cánh cổng này, Hải đóng sẽ tốn 2 nhịp.
Mà kinh dị nhất là Hải lau sạch dấu vân tay vân chân của Hải, của người khác còn nguyên ở hiện trường. Vết máu và mẫu tóc thu tại hiện trường, cũng không phải của Hải!
Ủa, mà Vân đi mua trái cây về, xe của Hải, dép của Hải còn ngoài sân mà lại bỏ cổng không khóa, rồi kéo cửa cuốn kín mít là sao?
Sao ráp lại, nó cứ sai sai và quá sai luôn!”
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Nguyễn Phú Trọng xây dựng đảng – Giang hồ nổi lên khắp nơi
>>> Hành trình vượt ngục của phạm nhân giết người Triệu Quân Sự
>>> Vụ Hồ Duy Hải: lời khai của nhân chứng đầu tiên cũng bị “biến mất”