Con đường tơ lụa mới kết liễu sự nghiệp chính trị của Tập Cận Bình

https://www.youtube.com/watch?v=ddTPfQAwbY4
Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=ddTPfQAwbY4

Có lẽ vào thời điểm cuối tháng 4/2019 khi hứa hẹn với cộng đồng quốc tế về “những dự án “xanh”, hoàn toàn khả thi về mặt tài chính và sẽ không có tham nhũng” trong sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” (BRI), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không lường trước được rằng một con virus nhỏ xuất hiện tại Vũ Hán mà Bắc Kinh thoạt đầu muốn che giấu nhưng đã hoàn toàn bất lực, lại có thể hủy hoại đại dự án do ông khởi xướng một cách tàn nhẫn đến vậy.

Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều dự án xây dựng với giá trị hàng trăm triệu đô la của cái được gọi là Con đường Tơ lụa Mới của Trung Quốc đã bị dừng lại, nhiều nước tham gia đề án đang phải vật lộn để trả các khoản vay của Bắc Kinh thậm chí đứng trước nguy cơ không có khả năng trả nợ còn bản thân kinh tế Trung Quốc thì đối mặt với suy thoái trầm trọng.

Sau khi đại dịch COVID-19 càn quét khắp các quốc gia trên toàn thế giới, nhiều công trình xây dựng thuộc sáng kiến Vành đai – Con đường đã bị đình chỉ, một số đã bị bỏ hẳn, một số khác mà lợi ích thực thụ đã bị nghi ngờ ngay từ trước khi có dịch, giờ đây đã bị coi là cồng kềnh, tốn kém mà lại vô ích. Nhiều khoản vay đáo hạn sắp lâm vào tình trạng không khả năng thanh toán, và các nước con nợ, bị COVID-19 đánh quỵ, đang tìm cách khất nợ đến hạn.

Khi biên giới các quốc gia bị đóng lại do dịch bệnh COVID-19, chính phủ các nước bắt đầu đóng cửa các ngành kinh tế không thực sự cần thiết, yêu cầu người dân ở nhà, khiến nhiều dự án lớn của BRI bị đóng băng. Những hạn chế về tiếp nhận lao động, nhân công, nguồn cung thiết bị, hàng hóa từ Trung Quốc được xem là những tác nhân chính khiến một loạt các dự án BRI phải dừng hoặc giãn tiến độ tại Pakistan, Campuchia, Indonesia, Myanmar và Malaysia. Rõ ràng trong bối cảnh virus corona chủng mới oanh tạc khắp mọi nơi không phân biệt nước giàu, nước nghèo, nước dân chủ, nước độc tài thì việc bảo vệ sức khỏe người dân được ưu tiên cao hơn so với việc tiếp tục thực thi các dự án hạ tầng. Vào cuối năm ngoái, khi COVID-19 khởi phát tại Vũ Hán, việc Trung Quốc đưa một lượng lớn nhân công trong nước sang làm việc tại các dự án BRI cũng đã gây ra căng thẳng cho nhiều nước, dù Trung Quốc luôn tuyên truyền là đạt được thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc diễn đàn Một vành đai, Một con đường”, Bắc Kinh, ngày 26/4/2019

Vào tháng Hai vừa qua, Ai Cập đã dời lại vô thời hạn công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy bằng than ở Hamrawein do Trung Quốc tài trợ.

Qua tháng 3, đến lượt Bangladesh hủy bỏ kế hoạch xây một nhà máy điện than ở Gazaria.

Đến tháng Tư, Pakistan yêu cầu Trung Quốc nới lỏng thời hạn trả 30 tỷ đô la cho các đề án về năng lượng.

Cùng với đó là nhiều quyết định hủy bỏ dự án được các quốc gia đưa ra kèm theo những lời đả kích cách Trung Quốc cho vay.

Tháng Tư vừa qua, Tổng thống Tanzania John Magufuli tuyên bố sẽ hủy bỏ một đề án xây hải cảng trị giá 10 tỷ đô la ở Bagamoy, với lý do là người tiền nhiệm của ông đã ký kết đề án với những điều kiện mà chỉ có “người say rượu” mới chấp nhận – chủ yếu là việc Trung Quốc sẽ hoàn toàn kiểm soát, sử dụng cảng, với hợp đồng thuê nhượng trong 99 năm.

Trong tháng Năm, các nghị sĩ Nigeria cũng bỏ phiếu thông qua việc rà soát lại toàn bộ các khoản vay từ Trung Quốc cho những đề án mà Trung Quốc tài trợ, trong bối cảnh quan ngại nổi lên chung quanh việc các phần tài trợ này kèm theo những điều khoản không thuận lợi.

Một ví dụ điển hình nhất về nạn nhân của bẫy nợ mà Trung Quốc khởi xướng dưới chiêu bài Con đường Tơ lụa Mới là tháng 12/2017, Sri Lanka đã phải giao quyền kiểm soát cảng Hambantota cho một công ty nhà nước Trung Quốc với thời hạn khai thác, vận hành 99 năm do nước này không thể huy động được khoản vay 1,3 tỉ USD xây tuyến đường huyết mạch chiến lược ra Ấn Độ Dương.

Ảnh: Lãnh đạo các nước dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế BRI lần thứ hai, tháng 4/2019

Báo The Economist nhận định các thiệt hại mà COVID-19 gây ra cho sáng kiến Vành đai – Con đường đã tạo ra nhiều vấn đề cho nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc về mặt kinh tế, ngoại giao và chính trị, vì BRI gắn chặt với uy tín của chủ tịch Tập Cận Bình.

Từ năm 2013, khi sáng kiến này bắt đầu khởi động, Trung Quốc đã cấp phát hay cam kết hàng trăm tỷ đô la tín dụng hay viện trợ để xây dựng hàng loạt nhà máy điện, cảng biển, đường sắt, đường bộ và các cơ sở hạ tầng khác ở châu Phi, châu Mỹ Latinh, Đông Nam Á, Trung Á và châu Âu. Và đến nay, đại dịch khởi phát từ Vũ Hán có nguy cơ gây thua lỗ tài chính cho Trung Quốc vốn đang gặp muôn vàn khó khăn cả từ trong Hoa lục và từ bên ngoài.

Nhiều quốc gia dùng tiền thu được nhờ xuất khẩu hàng hóa để chi cho các đề án Con đường Tơ lụa. Thế nhưng dịch COVID-19 đã làm giảm đáng kể nhu cầu về các hàng hóa này khiến các quốc gia này mất đi nguồn thủ chủ yếu để trả nợ.

Không chỉ dừng lại đó, với nguồn thu đã bị thu hẹp đáng kể do ảnh hưởng của đại dịch, các nước ‘con nợ’ của Trung Quốc còn đang khát tiền để tăng chi nội địa, tái thiết kinh tế. Các chuyên gia còn nhận định đối với Pakistan và Sri Lanka, có lẽ Trung Quốc mất hy vọng thu về được một số khoản nào đó trong năm 2020.

Một nguồn nợ xấu khác đến từ các thỏa thuận cấp tín dụng đổi dầu lửa được Trung Quốc áp dụng và luôn bị Ngân hàng Thế giới chỉ trích là thiếu minh bạch về số tiền vay.

Và đối với những nước ký thỏa thuận kiểu này với Bắc Kinh, trong đó có nhiều nước châu Phi (Angola, Nigeria), « tình hình sẽ còn khó khăn hơn ».

Thứ nhất, do giá dầu sụt giảm nghiêm trọng, nên các nước nợ phải sản xuất nhiều hơn để trả cho Trung Quốc, song lại không đạt đủ chỉ tiêu sản lượng do dịch COVID-19. Thứ hai là do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tạm giảm trong thời gian dịch bệnh.

Vấn đề đối với Trung Quốc là có nên giảm nợ, như một số quốc gia chủ nợ đôi khi làm, hay là vẫn giữ nguyên số nợ và duy trì các dự án trong khuôn khổ BRI càng nhiều càng tốt, bằng cách hoãn lại việc chi trả và kéo dài thời hạn, điều mà Trung Quốc vẫn làm?

Đối với các chuyên gia, dẫu sao thì việc không trả được nợ cho Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi. Và vấn đề đặt ra ở đây là trái với các thành viên Câu Lạc Bộ Paris, tập hợp các quốc gia chủ nợ lớn, không đòi thế chấp khi cho vay để phát triển, thì theo bà Carmen Reinhart, kinh tế trưởng sắp tới đây của Ngân hàng Thế giới, các ngân hàng Trung Quốc lại đòi thế chấp trên khoảng 60% tín dụng mà họ cấp cho các quốc gia đang phát triển.

Trên nguyên tắc một quốc gia chỉ có thể được hoãn nợ khi Trung Quốc giành được quyền kiểm soát một khu mỏ, một cái cảng hay khoản tiền đã thế chấp.

Đấy chính là lý do vì sao các ngân hàng Trung Quốc chỉ muốn đàm phán lại các khoản nợ một cách song phương và kín đáo vì như vậy họ có phương tiện gây áp lực để chọn cách xử lý có lợi cho mình. Tức là các cuộc tái đàm phán về nợ có thể sẽ kèm theo những trao đổi về chính trị.

Tuy nhiên truyền thông quốc tế nhận định cách làm ‘thậm thụt’ này gây nên không ít rủi ro ngoại giao cho Trung Quốc vì đòi lấy tài sản từ những quốc gia vỡ nợ sẽ dẫn đến sự phẫn nộ từ cộng đồng dân cư bản địa mà thiện cảm của họ với Trung Quốc đang ngày càng đi xuống đặc biệt là sau những gì Trung Quốc hành xử dẫn đến sự lây lan của virus trên toàn cầu cũng như những chiến dịch ngoại giao hung hăng ‘chiến binh sói’ của nước này trong thời gian đại dịch.

Theo chuyên gia Scott Morris, thuộc Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Centre for Global Development), một cơ quan tham vấn tại Washington, thì nếu Trung Quốc tịch thu các tài sản mà các quốc gia con nợ đã thế chấp, phản ứng ngược lại sẽ rất nghiêm trọng.

Bộ mặt thật của Trung Quốc sẽ bị lật tẩy. Âm mưu bắt chẹt các nước con nợ và qua đó giành quyền kiểm soát hạ tầng cơ sở phục vụ Trung Quốc trên mặt chiến lược sẽ bị phơi bày. Và hệ lụy của nó sẽ là một hiệu ứng bài Trung trên toàn cầu vượt ngoài tầm kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một cộng đồng đông đảo Hoa Kiều sẽ phải đối mặt với sự nguy hiểm không thể biết trước.

Đối với ông Morris, rất có thể là Bắc Kinh sẽ xử lý một cách thận trọng, và trước khi kinh tế toàn cầu phục hồi lại, chắc chắn số dự án mới trong sáng kiến Một vành đai Một con đường sẽ ít đi. Ông nhận định: “Rất khó mà tưởng tượng được là BRI có thể giữ được mức độ tham vọng trước đây”.

Dự đoán được việc COVID-19 sẽ khiến Trung Quốc phải gánh khối nợ xấu khổng lồ từ hơn 130 nước tham gia sáng kiến Vành đai Con đường, từ trung tuần tháng 3, Mỹ đã nỗ lực can thiệp để hai tổ chức tiền tệ thế giới là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ không trả nợ cho Vành đai – Con đường của Trung Quốc

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hồi tháng 3 cho biết Bộ này đang làm việc với IMF và WB nhằm đạt được sự minh bạch về các khoản nợ mà các nước đã gánh từ sáng kiến Vành đai – Con đường.

Đồng thời, ông Mnuchin khẳng định muốn đảm bảo các khoản tiền của IMF và World Bank không được sử dụng để trả lại Trung Quốc.

Ông Mnuchin nói: “Chúng tôi cho rằng đây là điều rất quan trọng. Chúng tôi chưa bao giờ muốn dùng tiền từ hai tổ chức quốc tế này để trả lại cho Trung Quốc.”

Mỹ lâu nay cáo buộc Vành đai – Con đường là một dạng “bẫy nợ” của Trung Quốc, theo đó các quốc gia tham gia sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng này sẽ mắc nợ chính phủ Trung Quốc.

Sáng kiến Một vành đai một con đường là yếu tố trung tâm trong chính sách ngoại giao của ông Tập Cận Bình, được đưa vào cương lĩnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017, được guồng máy tuyên truyền đồng loạt tán dương. Hoàn Cầu Thời Báo từng tung hô rằng “Hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến đã đạt đến cấp độ phát triển thượng thặng”, còn Nhân Dân Nhật Báo Bắc Kinh thì khẳng định: “Nhất Đới Nhất Lộ sẽ trở thành chất xúc tác cho việc vực dậy kinh tế toàn cầu”. Nếu Con đường Tơ lụa Mới với giá trị hơn 3.800 tỉ đô la của Trung Quốc với những công sức của cả hệ thống chính trị bỏ ra trong suốt 7 năm qua bị phá sản thì liệu ông Tập Cận Bình còn có thể ngồi ở vị trí tối cao hiện nay hay trở thành tội đồ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa?

Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> COVID có thể đã xuất hiện tại Trung Quốc từ lâu trước khi được báo cáo

>>> Chế độ toàn trị Trung Quốc – Mối đe dọa cho Việt Nam và các quốc gia láng giềng

>>> Lo Trung Quốc thâu tóm – Việt Nam chuẩn bị ra luật

https://www.youtube.com/watch?v=BCtlBHnN-Wo
“Mối nguy” đã xuất hiện tại TQ từ lâu trước khi được báo cáo