Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các lực lượng quốc phòng đẩy mạnh việc nghiên cứu, sản xuất và bán vũ khí quân sự cũng như hợp tác với nước ngoài trong các hoạt động này.
Yêu cầu của người đứng đầu chính phủ Việt Nam được đưa ra không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch hồi đầu tháng này lên tiếng cảnh báo về những “diễn biến phức tạp trên Biển Đông” và yêu cầu quân đội “đề cao cảnh giác” để “sẵn sàng chiến đấu” giữa lúc xung khắc giữa Hà Nội và Bắc Kinh trên vùng biển đầy tranh chấp tăng cao trong những tháng gần đây.
Tại hội nghị ban chỉ đạo Nhà nước về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh hôm 3/6 với sự có mặt của ông Lịch và Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Thủ tướng Phúc cho biết Bộ Công an đã bước đầu nghiên cứu, sản xuất được một số chủng loại trang bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác chiến đấu cho lực lượng công an nhân dân, theo cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Ông Phúc được trích lời nói rằng “trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và khu vực” trong những năm tới đây, “nhiệm vụ xây dựng phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh ngày càng nặng nề, đòi hỏi phải có tinh thần đổi mới tư duy và có giải pháp, cách thức thực hiện phù hợp hiệu quả.” Thủ tướng cho rằng cần phải có “đột phá về năng lực nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghiệp quốc phòng, anh ninh.”
Người đứng đầu Chính phủ Hà Nội thúc giục các lực lượng quốc phòng “tăng cường hợp tác” với các đối tác nước ngoài để “cùng nghiên cứu phát triển và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của công nghiệp quốc phòng, anh ninh” của Việt Nam. Ông Phúc còn nêu lên sự cần thiết phải đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm của công nghiệp quốc phòng, an ninh Việt Nam, gồm vũ khí quân sự.
Hồi đầu năm nay, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam cho biết họ tiếp tục chú trọng nghiên cứu khoa học công nghệ, đặc biệt là nghiên cứu các loại vũ khí mới, trong năm 2020, theo Tiền Phong.
Việt Nam đứng thứ 22 trên 138 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới về sức mạnh quân sự, theo đánh giá của Global Firepower.
Theo báo cáo của ICD Research, khả năng sản xuất quốc phòng trong nước của Việt Nam tương đối kém phát triển, do quốc gia Đông Nam Á còn phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị gốc nước ngoài để đáp ứng các nhu cầu quân sự.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Việt Nam bị chi phối lớn bởi các nhà cung cấp thiết bị quốc phòng Nga, nhưng các nhà cung cấp của Mỹ và châu Âu gần đây đã thâm nhập thị trường quốc phòng Việt Nam thông qua việc bán thương mại trực tiếp các hệ thống phòng thủ tiên tiến, theo ICD Research. Hơn nữa, Việt Nam giành ưu tiên cho các thoả thuận giữa chính phủ với chính phủ trong việc mua sắm các hệ thống quốc phòng.
Trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam phát hành năm 2019, chính phủ Hà Nội tiết lộ chi tiêu cho quốc phòng chiếm 2,36% GDP năm 2018, tăng hơn so với mức 2,23% GDP năm 2010.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam yêu cầu ‘đề cao cảnh giác’ trên Biển Đông, ‘sẵn sàng chiến đấu
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch vừa lên tiếng cảnh báo về những “diễn biến phức tạp trên Biển Đông” và yêu cầu quân đội “đề cao cảnh giác” để “sẵn sàng chiến đấu” giữa lúc xung đột giữa Hà Nội và Bắc Kinh trên vùng biển đầy tranh chấp tăng cao trong những tháng gần đây.
Tại hội nghị giao ban tháng 5/2020 của Bộ Quốc phòng tổ chức tại Hà Nội hôm 1/6, Bộ trưởng Lịch được VTV và Quân đội Nhân dân trích lời nói rằng “trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông”, Thường vụ Quân uỷ Trung ương đã báo cáo Bộ Chính trị để “kiến nghị đối sách của ta trong tình hình hiện nay”.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam không chỉ rõ những diễn biến “phức tạp” trên Biển Đông là gì nhưng trong hơn 2 tháng qua, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động khiến Việt Nam lo ngại và làm sự xung đột giữa Hà Nội và Bắc Kinh tăng cao. Các hoạt động này gồm đâm chìm tàu cá Việt Nam, công bố “tên tiêu chuẩn” cho hàng chục đảo đá và thực thể địa lý trên Biển Đông sau khi tuyên bố thành lập “quận Tây Sa” và “quận đảo Nam Sa”, và gần đây nhất là trồng và thu hoạch rau ở Hoàng Sa. Việt Nam đã lên tiếng cũng như trao công hàm phản đối các hành động mà Hà Nội cho là vi phạm chủ quyền Việt Nam và luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
“Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo các đơn vị đề cao cảnh giác cách mạng, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc,” Bộ trưởng Lịch nói tại hội nghị hôm 1/6, và yêu cầu “các đơn vị quán triệt sâu sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.” và “thực hiện điều chỉnh bổ sung một số kế hoạch, mệnh lệnh, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu.”
Vị đại tướng đứng đầu bộ Quốc phòng yêu cầu quân đội Việt Nam “đảm bảo trong bất luận hoàn cảnh nào cũng không để bị động, bất ngờ, sẵn sàng về phương án” để “đảm bảo đấu tranh thắng lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ.”
Lời cảnh báo của Bộ trưởng Lịch được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc bị Mỹ và cộng đồng quốc tế cáo buộc đang thực hiện nhiều hoạt động để tăng cường sự hiện diện của họ trên vùng biển có nhiều tranh chấp trong lúc Việt Nam và các quốc gia có tuyên bố chủ quyền phải bận rộn đối phó với đại dịch virus corona bắt nguồn từ Vũ Hán.
Biển Đông: VN đã biết được ‘ai là bạn thân, ai là đối tác’
Việt Nam đã rút ra nhận thức rõ ràng về ai là ‘bạn’, ‘bạn thân’, ai ‘đến với chúng ta’ trong lúc khó khăn, ai chỉ là ‘đối tác’, qua những gì chứng kiến về an ninh trên Biển Đông, trong lúc diễn ra đại dịch Covid, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói với truyền thông quốc phòng và quân đội nước này.
Thứ trưởng phụ trách đối ngoại quốc phòng của Việt Nam tại Bộ Quốc phòng nói rằng cần phải ‘lên án’ những quốc gia đã lợi dụng thời điểm diễn ra Covid-19 để thúc đẩy những hành động mà ông gọi là ‘phi pháp’, cũng như đẩy mạnh ‘tham vọng’.
Trong một phát biểu gây chú ý hôm 26/4/2020 trên kênh Quốc phòng Việt Nam, trực thuộc Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói:
“Những thách thức ở an ninh khu vực thì nói dù có dịch hay không, thì nó đều tồn tại, nó là thách thức, nhưng nó chưa phải là nguy cơ.
“Điều đáng lên án là những quốc gia nhân cái dịp này đẩy mạnh những hoạt động phi pháp và tham vọng của họ và cái đó tôi cho là không có lợi cho quốc gia đó. Quốc gia nào làm điều đó không có lợi.”
“Trong lúc này, chúng ta không bao giờ quên những nhiệm vụ khác để mà đối phó với các thách thức an ninh, ví dụ bảo vệ chủ quyền chúng ta không thể quên, không thể lơi là. Tàu hải quân của chúng ta, cảnh sát biển của chúng ta không có nghỉ ngày nào cả.”
“Bộ đội ở Trường Sa làm sao mà không để dịch bệnh thôi, chứ không có một đồng chí nào cần phải dừng nhiệm vụ cả.”
Về quan hệ đối ngoại và với quốc tế qua diễn biến an ninh trên Biển Đông trong lúc diễn ra đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Chí Vịnh, người vừa là Ủy viên BCH Trung ương ĐCSVN và Ủy viên thường trực Quân ủy Trung ương QĐND Việt Nam, nói:
“Những lúc như thế này chúng ta sẽ biết ai là bạn, ai là bạn thân thiết, ai là người mà chỉ là đối tác. Những lúc như thế này mới thấy rằng khi đất nước mình gặp khó khăn, thì những ai sẽ đến với chúng ta.
“Thì cái này quan trọng lắm và tôi cho rằng bài học quan trọng nhất đó là dự báo đúng tình hình và hạ quyết tâm sớm.” Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nói.
Hồi đầu năm 2020, Việt Nam cũng mang tên lửa đạn đạo với tầm bắn tới 600 km của mình ra khoe với thế giới để răn đe Trung Quốc khi nước này lăm le độc chiếm Biển Đông.
Đó là lần đầu tiên ra mắt công chúng hệ thống tên lửa đạn đạo Scud được coi là duy nhất và mạnh nhất ở Đông Nam Á, theo truyền thông trong nước.
Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud của Việt Nam được ra mắt tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân vừa qua ở Hà Nội.
Bản tin ra hôm 6/1 của VietNamNet cho biết mặc dù đã có trong biên chế từ lâu song đây là lần đầu tiên hệ thống tên lửa đạn đạo Scud được công khai ra mắt ở Việt Nam hôm 23/12.
Các loại tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud ban đầu được Liên bang Xô Viết phát triển trong thời gian chiến tranh lạnh, theo The National Interest. Sau 6 thập kỷ, các phiên bản của Scud đã được nhân lên trên toàn cầu, hiện diện trong các loại tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên cho tới Iran.
Theo số liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình và Quốc tế Stockhom Việt Nam nhận được một số bệ phóng di động cùng hàng chục quả đạn Scud-B vào năm 1981. Scud được Liên Xô xuất khẩu cho rất nhiều quốc gia đồng minh trên khắp thế giới.
Loại tên lửa này chính gốc có tên R-11 (với phiên bản đầu tiên) và R-17 (sau này đổi thành R-300) Elbrus (phiên bản sau). Tuy nhiên cả thế giới vẫn quen gọi với cái tên Scud do NATO đặt cho loại tên lửa này.
Cũng theo Viện nghiên cứu Stockhom, vào năm 1998 Việt Nam đã mua từ Triều Tiên hàng chục quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hwasong-6 (Hỏa Tinh 6), một phiên bản sao chép dựa trên nguyên mẫu Scud-C, với tầm bắn lên tới 600km.
Không có một loại tên lửa đạn đạo nào xuất hiện nhiều hơn trong các cuộc xung đột ở thế kỷ 20 và 21 như tên lửa R-17 của Liên Xô. Được thế giới biết đến với cái tên Scud, nó đã được sao chép và hiện đại hóa rất nhiều so với phiên bản gốc. Khoảng 3.000 quả tên lửa tầm ngắn này đã được khai hỏa trong các cuộc xung đột trên thế giới ở nửa cuối của thế kỷ trước.
Với sự đơn giản, độ tin cậy cao và chi phí thấp, R-17 đã xuất hiện trong các kho vũ khí của hơn 30 quốc gia và được chế tạo ở khắp nơi theo giấy phép của Nga hoặc sao chép một cách đơn thuần. R-17 được bắn thử nghiệm vào năm 1957 sau 2 năm phát triển nhằm thay thế cho tên lửa hạt nhân chiến thuật thế hệ đầu tiên R-11 của Liên Xô.
Những quả tên lửa này có nguồn gốc từ tên lửa V2 do Phát xít Đức chế tạo – loại tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới với hơn 1.300 quả bắn vào London trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Việc sử dụng nhiên liệu đã được cải thiện cho phép Scud tồn tại hơn 20 năm mà không cần chế độ bảo dưỡng kỹ thuật cao. Điều này cùng với một số sự cải tiến khác cho phép Scud có tầm bắn tối đa là 300km ở biến thể đầu tiên.
Tên lửa này có thể mang theo đầu đạn nổ thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân và có thể phá hủy một mục tiêu trong phạm vi đường kính 600m.
Biến thể mang đầu đạn hạt nhân của nó là một loại vũ khí chủ lực của Lực lượng tên lửa Liên Xô trong khi các tên lửa thông thường truyền thống được xuất khẩu. Từ những năm 1960 và 1980, tên lửa Scud đã được chuyển hoặc viện trợ cho một loạt các đối tác quốc tế của Liên bang Xô Viết. Khoảng 1.000 quả tên lửa này đã được bán cho các nước như Ai Cập, Iraq, Bắc Hàn, Cuba, Libya và Syria. Rất nhiều trong số đó được các nước nhập khẩu tự sản xuất trên cơ sở giấy phép của Liên Xô hoặc sao chép đơn thuần.
Vào tháng 3 năm ngoái, viện nghiên cứu Stockhom đưa ra một phúc trình về các giao dịch vũ khí quốc tế, trong đó nói Việt Nam nằm trong top 10 nước mua nhiều thiết bị quân sự nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, khoảng hơn 80% đơn hàng quân sự của Việt Nam đặt mua của Nga. Việt Nam sử dụng các khoản chi để hiện đại hóa khả năng – đặc biệt là các đội tầu ngầm và chiến hạm.
Kể từ khi Tổng thống Barack Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Hà Nội đã có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Mỹ trị giá tới 94,7 triệu USD, theo một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng năm 2018 nói rằng “chính sách quốc phòng của Việt Nam là để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, hòa bình của đất nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới”.
Số tên lửa Scud phiên bản B và C được coi là một trong những vũ khí uy lực của lực lượng pháo binh Việt Nam hiện nay. Theo báo An Ninh Thủ Đô của Việt Nam, đến thời điểm này, Việt Nam là quân đội đầu tiên và cũng là duy nhất tại khu vực Đông Nam Á có tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud trong biên chế.
Cũng vào tháng 12 vừa qua, Việt Nam lần đầu tiên công khai hệ thống tên lửa phòng không SPYDER, mà báo chí trong nước gọi là ‘sát thủ’, mua từ Israel. Trong vài năm gần đây, truyền thông trong nước và quốc tế đã đưa tin về việc Việt Nam sở hữu tên lửa phòng không SPYDER hiện đại từ Israel nhưng không có bất cứ hình ảnh chính thống nào về các tổ hợp này được công khai.
Việt Nam trong một thập kỷ qua đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng nhằm hiện đại hóa quân đội trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng mở rộng sức mạnh trong khu vực. Dữ liệu của SIPRI cho thấy chi tiêu quốc phòng của Việt Nam tăng từ 1,3 tỷ USD vào năm 2006 lên 5,5 tỷ USD vào năm 2018, với mức tăng hơn 320%.
Viện Nghiên cứu Stockholm hồi tháng 3 năm nay ra phúc trình về các giao dịch vũ khí quốc tế, trong đó nói rằng Việt Nam nằm trong top 10 nước “tậu” nhiều thiết bị quân sự nhất trên thế giới.
Theo viện này, trong giai đoạn từ 2014 tới 2018, số vũ khí nhập khẩu của Việt Nam chiếm 2,9% tổng số bán ra trên toàn cầu, tăng 78% so với mức 1,8% giai đoạn 2009 tới 2013.
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 trong khoảng thời gian gần đây nhất.
Trong số 10 nước nhập khí tài nhiều nhất trên thế giới giai đoạn 2014 tới 2018, một nửa là các quốc gia châu Á và châu Đại Dương gồm Ấn Độ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Nga xuất khẩu 31% sang khu vực này. Tiếp đó là Hoa Kỳ (27%) và Trung Quốc (9%).
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2018 khẳng định rằng Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Hoa Kỳ trị giá tới 94,7 triệu đôla.
Ngoài việc mua thiết bị quân sự trên, quan chức Mỹ nói thêm rằng “Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã cung cấp cho Việt Nam 12 triệu đôla trong chương trình Cung cấp Tài chính Quân sự Nước ngoài (FMF) trong năm tài khóa 2017”.
Lan Anh từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Chế độ toàn trị Trung Quốc – Mối đe dọa cho Việt Nam và các quốc gia láng giềng
>>> Luật sư Mỹ đề nghị tư vấn miễn phí cho Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế