Nhà báo Trương Châu Hữu Danh cho biết rằng Ông Lê Ái Dân – vị Kiểm sát viên giữ quyền công tố vụ án Bưu điện Cầu Voi năm 2008 đã rời Long an đi Hà Nội và đến Viện KSND Tối cao để làm việc.
Khả năng là Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã bắt đầu xúc tiến công việc truy tìm thêm những căn cứ cần thiết cho vụ án và ngoài những Điều tra viên chính của vụ án thì ông Lê Ái Dân là một trong những đầu mối quan trọng đã có 13 năm tiếp cận các tình tiết vụ án này.
Xin nói thêm rằng các dấu hiệu của hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án đã lộ ra khắp nơi và rất công khai, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có cơ quan tố tụng nào trả lời rằng có khởi tố tội làm sai lệch hồ sơ vụ án hay không và lý do tại sao không khởi tố, mặc dù yêu cầu này đã được gửi đi từ nhiều năm trước.
Lý giải cho việc ông Lê Ái Dân đi Hà nội, nhà báo Trương Châu Hữu Danh nói: “Vụ án này, ông Dân từng làm sai tè le nên ông là người rõ nhất… sai ở chỗ nào.”
Ông Danh cũng tiết lộ rằng đã có 2/17 vị thẩm phán tối cao đã bí mật hợp tác với ông để cung cấp những nghi vấn chưa được làm sáng tỏ của vụ án Bưu điện Cầu Voi, dù là chỉ 2 trên 17 người nhưng cũng đủ cho chúng ta hy vọng rằng vẫn còn những người tốt và sự lên tiếng mạnh mẽ của công luận đã có thể thức tỉnh lương tâm con người mặc dù đã đưa cánh tay biểu quyết nhưng họ đã biết thành tâm hối cải.
Phát hiện mới nhất cũng do nhà báo Trương Châu Hữu Danh công bố trên Facebook rằng: “NGƯỜI PHÁT HIỆN VỤ ÁN CẦU VOI KHÔNG KÝ TÊN TRONG HỒ SƠ VỤ ÁN!”
Ông Danh cho biết rằng hầu hết những lời khai quan trọng và sớm nhất, của những nhân chứng trực tiếp nhìn thấy, nghe thấy những sự việc liên quan trong khi vụ án xảy ra và vào sáng sớm hôm sau đều bị rút mất hồ sơ ghi lời khai. Chúng ta đã biết những nhân chứng như chị Kim Tuyền (người khai nghe tiếng Ái Ái lúc 20h); anh Long (người sau cùng nhìn thấy Vân còn sống); anh Còi và Trí (hai người cuối cùng nhìn thấy nghi can), đều bị rút lời khai ra khỏi vụ án. Nay thì lòi ra thêm sự việc lời khai của anh Phùng Phụng Hiếu đã không có trong hồ sơ chính thức. Và sau khi xử phúc thẩm y án tử hình Hồ Duy Hải, thì hơn 2 năm sau khi Luật sư kiến nghị nghi vấn thì Viện KSND tối cao mới lấy lời khai của anh Phùng Phụng Hiếu.
Cụ thể là anh Phùng Phụng Hiếu, người đầu tiên phát hiện 2 xác chết nữ nằm trong góc cầu thang vào sáng sớm hôm sau tức ngày 14/1/2008.
Theo anh Hiếu cho biết thì sau khi anh báo Công an sự việc trên thì vài hôm sau Công an tỉnh Long an (PC14) có ghi lời khai của anh, nhưng không yêu cầu anh ký biên bản và cho về. Lý do tại sao lời khai của anh Phùng Phụng Hiếu không có trong hồ sơ nhưng vẫn được rất nhiều báo chí ghi nhận rằng anh là nhân chứng đầu tiên phát hiện ra vụ thảm sát.
Báo Công an nhân dân ngày 15/1/2008 ghi rằng:
“Lúc 7h ngày 14/1/2008, anh Phùng Phụng Hiếu, nhân viên phát hành của Bưu điện huyện Thủ Thừa, như thường ngày mang báo đến giao cho các điểm Bưu điện văn hóa xã.
Khi đến điểm Bưu điện văn hóa số 2 xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa nằm cặp QL1A thuộc địa bàn ấp 5, xã Nhị Thành (khu vực cầu Voi) thì không thấy cửa mở. Gọi mãi nhưng không ai lên tiếng, anh leo cổng rào vào trong đi cặp hông tường đến cửa kính phía sau nhìn vào trong thì phát hiện 2 xác chết nữ nằm trong góc cầu thang.”
Báo Công an còn cho biết: “Đại tá Lê Văn Hữu, Giám đốc Công an tỉnh và Đại tá Phan Chí Thanh – Phó Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ điều tra vụ án”.
Ông Danh viết: “Anh Phùng Phụng Hiếu – bưu tá phát hiện thi thể 2 nạn nhân tại bưu điện Cầu Voi đã lập tức trèo rào quay ra và báo công an. Anh vừa là bưu tá, vừa là anh bà con của 2 cô gái.
“Thông tin về anh Phùng Phụng Hiếu xuất hiện trên báo chí rất nhiều, nhưng dư luận cứ băn khoăn: Rốt cuộc cánh cổng bưu điện sáng hôm đó mở hay đóng? Có khóa hay không? Vì sao Hồ Duy Hải lại trèo rào ra phía trước lấy xe và hồ sơ vụ án không hề nói Hải sau khi lấy xe thì đóng cổng lại?
Đến hôm nay, tôi đã có bút lục lời khai của anh Hiếu. Nhưng lời khai này được lấy sau khi cả 2 cấp tòa đã tuyên Hải tử hình. Biên bản ghi lời khai lập ngày 26/9/2011, do ông Đỗ Xuân Tựu – Phó Vụ 3 Viện KSND Tối cao thực hiện. Trong khi đó phiên tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình đối với Hồ Duy Hải đã thực hiện vào ngày 28-4-2009. Tức là hơn hai năm sau khi án tử hình có hiệu lực thì Biên bản lấy lời khai của anh Phùng Phụng Hiếu mới được thực hiện.
Anh Hiếu khai, sáng hôm đó cánh cổng khép. Anh phải dừng xe để mở cổng đẩy xe vào sân. Và hồ sơ vụ án cho đến nay, không có chi tiết nào nói Hải sau khi dắt xe để ra ngoài thì quay vào để đóng cổng lại. Vì cánh cổng này có 2 cửa, muốn đóng phải kéo từng bên và phải xuống xe.
Anh Hiếu khai, mấy ngày sau anh được lấy lời khai, nhưng không thấy ai kêu ký vào biên bản và cho về!
Một vụ án chấn động, những lời khai như anh Hiếu (người phát hiện thi thể đầu tiên), chị Kim Tuyền (người khai nghe tiếng Ái Ái lúc 20h); anh Long (người sau cùng nhìn thấy Vân còn sống); anh Còi và Trí (hai người cuối cùng nhìn thấy nghi can), đều bị rút lời khai ra khỏi vụ án.
Lời khai ban đầu rất quan trọng, vì nó được lấy ngay khi vụ án vừa xảy ra. Thế nhưng, lời khai ban đầu của những người rất đáng tin cậy này đều bị rút ra. Mãi đến khi bắt Hồ Duy Hải xong, thì các lời khai khác mới được thực hiện, và có hiện tượng được uốn nắn cho khớp với hiện trường – tuy nhiên rất nhiều lời khai đã được chứng minh mà trớt huớt.
Vì muốn khép tội Hồ Duy Hải cho thật vững chắc, nên các lời khai bất lợi cho việc kết tội đều biến mất.
Trải qua gần 13 năm, những bút lục này lần lượt xuất hiện để làm rõ vụ án.
Xin cảm ơn các anh điều tra viên, kiểm sát viên và 2/17 đã tin tưởng anh em tôi để tất cả chúng ta cùng nhau đi đến nền tư pháp minh bạch.” Nhà báo Trương Châu Hữu Danh kết luận.
Về tình tiết cánh cửa cổng đã khép này, Luật sư Trần Hồng Phong nói rằng ông đã gửi kiến nghị đến cơ quan chức năng để yêu cầu làm rõ, ông kể:
“Khoảng tháng 6/2011, tôi viết Đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, trong đơn, lấy theo thông tin trên báo Thanh Niên, tôi đặt câu hỏi: “theo lời khai, HDH sau khi gây án lấy xe máy chạy về nhà, không hề khai đã KHOÁ CỔNG, thì tại sao sáng hôm sau người bưu tá thấy 2 cánh cổng khoá?”; ngay sau khi nhận đơn, VKSNDTC đã vào xác minh và lấy lời khai anh Phùng Phụng Hiếu như trên.
Tháng 7/2011, tôi cùng chị Loan (tức mẹ Hồ Duy Hải) đi Hà Nội kêu oan cho HDH, khi đó lãnh đạo VKSNDTC có nói với tôi cánh cổng chỉ KHÉP, chứ KHÔNG KHOÁ. Tháng 11/2011 tôi trực tiếp gặp anh Hiếu, anh cho biết cánh cổng KHÉP; và khi vụ án xảy ra CQĐT có mời a lên lấy lời khai nhưng KHÔNG CHO KÝ Biên bản. Trên cơ sở CỔNG KHÉP; từ năm 2012 gia đình HDH và tôi, trong Đơn, đều nêu nghi vấn: HDH không khép, vậy AI LÀ NGƯỜI ĐÃ KHÉP HAI CÁNH CỔNG? Tại phiên toà giám đốc thẩm, và mới nhất ngày 27/5/2020 là Đơn kiến nghị gửi Công an tỉnh Long An, tôi vẫn tiếp tục nêu vấn đề này.”
Đơn trình bày của Luật sư Trần Hồng Phong nói về sự việc này như sau:
“Lầu 1 mở cửa và sáng đèn trong đêm xảy ra án mạng & ai đã ở trên lầu, cúp điện và đóng 2 cánh cổng phía trước?
Từ nhiều năm qua, chúng tôi cũng nêu trong các đơn sự nghi ngờ về việc lầu 1 bưu cục Cầu Voi có dấu hiệu liên quan đến hung thủ gây án. Lý do thể hiện tại những điểm sau:
– Lầu 1 là nơi nạn nhân Hồng và người yêu là Nguyễn Mi Sol ngủ (chung sống như vợ chồng) mỗi khi Mi Sol từ TP.HCM về thăm Hồng. Mi Sol khai hàng tuần đều về bưu cục Cầu Voi vào cuối tuần (đêm 13/1/2008 là Chủ Nhật). Tại bưu cục Cầu Voi ở tầng trệt chỉ có 1 giường ngủ. Như vậy việc trên tầng 1 có thêm chỗ ngủ là điều hoàn toàn hợp lý, vì còn có Vân.
– Ít nhất 2 nhân chứng là anh Nguyễn Văn Thu và chị Lê Thị Thu Hiếu cho biết đêm 13/1/2008 (từ khoảng 20h30 – 22h) có bật đèn trên lầu 1. Lời khai của chị Hiếu cho thấy đêm 13/1/2008 Mi Sol có về bưu cục Cầu Voi (trong khi đó lại không có bản khai hay tài liệu nào khác trong hồ sơ vụ án thể hiện đêm 13/1/2008 Mi Sol làm gì, ở đâu).
– Cửa lên lầu 1 không thể ở trong tình trạng “khóa chết” không ai ra vào được, khi mà bưu cục hoạt động bình thường, bên trong lại có đặt máy móc, thiết bị, điện, bồn nước trên mái nhà, có lan can và bên dưới có người ở. Chính vì vậy, việc khi khám nghiệm hiện trường ngày 14/1/2008 CQĐT không lên lầu 1, mà chỉ ghi đơn giản trong Biên bản là “trên lầu không có dấu cạy phá, bên trên để máy móc thiết bị” là khó chấp nhận được và có thể bỏ lọt dấu hiệu tội phạm. (không lên, sao biết để máy móc thiết bị?).
Thật bất ngờ, là trong bản ảnh chụp hiện trường ngày 14/1/2020 mới xuất hiện, đã cho thấy điều chúng tôi nghi vấn là có cơ sở. Đó là trên lầu 1 đêm 13/1/2008 đã có người, cửa mở.
Cũng liên quan đến tình tiết lầu 1, còn có 2 thông tin quan trọng mà đến nay vẫn chưa được xác minh làm rõ. Đó là:
– Sáng ngày 14/1/2008 khi CQĐT đến khám nghiệm hiện trường thì tại bưu cục CÚP ĐIỆN, nước trong vòi lavabo hết. Ai đã cúp điện trong đêm?
– Theo lời trình bày của anh Phùng Phụng Hiếu (được VKSNDTC xác minh năm 2012), là người đầu tiên ghé vào bưu cục Cầu Voi lúc 7h sáng ngày 14/1/2008 (để giao báo) thì HAI CÁNH CỔNG Ở TRẠNG THÁI KHÉP.
Trong khi đó, Hồ Duy Hải không có lời khai nào về việc đóng cổng bưu cục sau khi gây án. Quá trình thực nghiệm điều tra cũng không hề ghi nhận Hải đã đóng cổng sau khi “gây án” mà chỉ dắt xe máy ra cổng, chạy về nhà. Ai đã đóng 2 cánh cổng bưu cục trong đêm?
Nhà báo Nguyễn Đức tổng hợp 8 dấu hiệu bất thường, khuất tất trong vụ án Hồ Duy Hải như sau:
1. Không lấy lời khai của anh Phùng Phụng Hiếu (nhân viên bưu điện)-người đầu tiên phát hiện ra hiện trường vụ án vào sáng hôm sau.
2.- Đã thu được mẫu máu tại hiện trường vụ án nhưng đã không đưa đi giám định ngay mà để 4 tháng sau đó mới gửi đi giám định do đó mẫu máu bị phân hủy ko giám định được ADN hay dấu vân tay.
3- Về thời điểm Vân đi mua trái cây, có bằng chứng khách quan là camera cây xăng cầu voi và lời khai của hai vợ chồng chị bán trái cây (lấy ngay chát sau khi phát hiện án mạng) nhưng lại căn cứ vào lời khai của Hồ Duy Hải và của nhân chứng Tuyền để xác định thời điểm đó là khoảng 20g30.
4. Về việc phát hiện con dao ở một vị trí bất thường tại hiện trường vụ án nhưng lại cho đem đi tiêu hủy (người được hỏi ý kiến là 1 ông công an huyện và 1 công an xã làm nhiệm vụ bảo vệ hiện trường vụ án, có mặt từ đầu đến cuối quá trình khám nghiệm).
5. Chấp nhận những lời khai vô lý không thể tin được của HDH để kết tội HDH, ví dụ: Khai muốn quan hệ với Hồng nên điều Vân đi mua trái cây, nhưng ko được nên giết cả hai.
6.Khai lúc Vân đi mua trái cây về thì đóng cửa lại (trong khi Hải là khách vẫn ngồi nói chuyện với Hồng bên trong nhà, xe của Hải vẫn để ngoài sân).
7. Khai phải về nhà đổi xe cho Dì Len đi chợ (vào lúc hơn 7 giờ tối) chợ quê nào mở?.
8. Khai dắt dao trước bụng ở vị trí mà ko thể hành động chạy nhảy bê kéo người được. Khi thực nghiệm, điều tra viên phải quấn dao để Hải nhé vào trước hạ bộ… không quấn thì toi chim à.
Còn nhiều vi phạm tố tụng, các dấu hiệu bất thường khác mà kháng nghị của VKSTC đã chỉ ra nhưng tòa giám đốc thẩm không làm rõ…Tôi không nhắc lại.
Với trình độ, sự dày dạn của mình, 17 thành viên hội đồng giám đốc thẩm chắc chắn phải thấy hết các vi phạm tố tụng, bất thường của vụ án.
Nhưng thật bất ngờ, 17 vị lại giơ tay biểu quyết bảo: dù có sai só vi phạm tố tụng nhưng không thay đổi bản chất của vụ án!
Facebook Thắng Thế Lê kể về mẹ của Hồ Duy Hải, bà Nguyễn Thị Loan người đã kiên trì 13 năm đi kêu oan cho con như sau:
Hồ Duy Hải lẽ ra đã chết rồi, nếu Hải – không có người mẹ can trường như vậy. Và cũng cần biết thêm, sau lưng người mẹ ấy là cả một đại gia đình có tình yêu thương con cháu vô bờ bến.
Họ đã bán hết đất đai nhà cửa ngoài lộ để kêu oan cho Hải ngần ấy năm qua.
Bà Loan – có lẽ đã không còn vận hành như một con người. Bà giống cái máy kêu oan hơn. Bà làm gần như mọi điều có thể, dù có những điều bà chỉ lờ mờ hiểu rằng, làm thế chỉ bởi cảm thấy sẽ có thêm hi vọng cứu con mình.
Hải có kêu oan không?
Thiên hạ thì cứ bịa đặt rằng Hải nhận tội. Thực chất Hải kêu oan không chừa cơ hội nào cả. Ban đầu bà Loan và gia đình cũng chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Họ chỉ biết con cháu họ bỗng dưng thành kẻ giết người và nhận án tử.
Nhưng Hải kêu oan. Từ sơ thẩm, phúc thẩm hay là với Luật sư mà Hải đủ tin tưởng.
Hải cũng rất thông minh, khi từng ra toà nói đầy ẩn dụ, rằng “nếu dựa vào bản khai này mà kết tội bị cáo thì bị cáo không oan”. Tức là “nếu – mà – thì”, nghĩa là không khó để hiểu vì sao Hải lại “phải” khai như vậy.
Sau khi được hoãn thi hành án, trở về từ cánh cửa cõi chết, từ ấy đến nay Hải vẫn luôn nói với mẹ và em gái, rằng “mẹ kêu oan cho con lâu vậy”.
Tôi thì đã thực sự tin vào Hải, rằng cậu không có tội. Tất nhiên đó chỉ là linh cảm.
Nhưng cũng đừng nói lí với tôi. Bởi nếu có lí thật thì người ta đã chẳng làm hàng loạt những điều sai trái khủng khiếp như thế để ép chết Hải ngần ấy năm qua.
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Vụ Hồ Duy Hải: Điều tra viên đã dựng một kịch bản tồi tàn như thế nào
>>> Vụ Hồ Duy Hải: điều tra viên cố tình thay đổi hiện trường như thế nào?
>>> Vụ án Hồ Duy Hải: định hướng điều tra sai lệch như thế nào?