Cuộc đình công của hơn 10 ngàn công nhân công ty Chí Hùng của Đài Loan, chuyên sản xuất giày thể thao xuất khẩu cho hãng Adidas ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cho đến hôm 28 tháng 5 năm 2020 đã kéo dài sang ngày thứ ba.
Theo công nhân cho biết, có ít nhất một công nhân nữ đang mang thai bị dân quân tự vệ chích điện ngất xỉu trong khi xô đẩy và 4 người khác bị công an bắt giữ.
Báo chí trong nước ngay lập tức vu cho công nhân là bị kích động và gây rối, cụ thể tờ Tiền phong ngày 30-5 giựt tít là “Bị kích động, 8000 công nhân đình công” và ghi dòng in đậm là “thay vì đồng cảm với doanh nghiệp trước khó khăn thì hàng nghìn người lao động kéo xuống đường phản đối”. Báo Tiền phong đưa tin theo kiểu hết lòng bảo vệ chủ công ty (người Đài Loan), không một lời bênh vực công nhân VN. Trong khi có hàng chục ngàn công nhân thì họ không hề phỏng vấn bất cứ ai mà chỉ dẫn lời chủ doanh nghiệp nói rằng Công nhân đưa tin không chính xác, gây kích động đồng nghiệp. Họ dọn đường cho hành động bắt bớ chích điện công nhân.
Bản tin trên Facebook Đàm Ngọc Tuyên cho biết “Công Đoàn cơ sở ở Công ty Chí Hùng, do bà Trần Thị Ngọc Hà làm Chủ tịch Công đoàn, đã không đứng về phía người lao động, theo đúng trách nhiệm và chức năng của họ. Mà đã bỏ mặc sự sống chết của hơn 11.000 công nhân, dù rằng tiền lương của công nhân tháng nào cũng bị trừ 1% PHÍ CÔNG.
Như đã nói, chính vì lý do Công đoàn cơ sở đã bỏ mặc công nhân, không đứng ra bảo vệ NLĐ, khi quyền lợi hợp pháp của NLĐ bị xâm hại nghiêm trọng. Vì thế cho nên, cuộc đình công tập thể của công nhân Công ty Chí Hùng mới kéo dài nhiều ngày.
Giải pháp của công ty Chí Hùng, là dùng chính quyền sở tại, mà cụ thể ở đây là lực lượng công an và CSCĐ các loại, để đàn áp công nhân đình công.
Chúng tôi có mặt ở thị xã Tân Uyên để tìm hiểu về câu chuyện này, vào chiều và tối ngày 28/5/2020, thì thấy một bầu không khí như sắp có chiến tranh. Rất nhiều chốn chặn của công an được dựng lên, để khủng bố tinh thần công nhân. Có cả xe chuyên dụng để bắt người, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông đều được vũ trang tận răng.”
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do gọi điện trực tiếp cho Trung tá Hà Tấn Phú, Trưởng Công an thị xã Tân Uyên để hỏi về vụ việc, tuy nhiên ông này từ chối trả lời và đột ngột ngắt máy.”Cái này Công an đang làm, tôi không biết anh là ai để trả lời cái này.”
Một công nhân có mặt tại hiện trường cho biết lý do của cuộc biểu tình này như sau:
“Trong dịch này thì các công ty kế bên người ta cũng nói là nếu không có đơn hàng thì sẽ cho phép công nhân nghỉ.
Nếu nghỉ thì người ta sẽ hỗ trợ cho mỗi người là 170.000 (đồng) mà công ty mình chỉ có có hỗ trợ tháng 6 thôi còn tháng 7 tháng 8 thì công ty kêu là hoãn hợp đồng, không hỗ trợ cho công nhân viên nữa.”
“Cho nên công nhân ở đây cho biết nếu như mà hoãn hợp đồng, không có thông báo người ta không xin được chỗ khác.
Bây giờ ở nhà thì thông báo không biết là bao giờ mới có đơn hàng để đi làm lại.”
Nữ công nhân xin được giấu tên vì lý do an toàn cho biết thêm, công ty có công đoàn tuy nhiên đại diện công đoàn không có động thái nào xuống chỗ đình công để giải thích lý do hay bảo vệ công nhân.
Ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương nói với Đài RFA:
“Tôi đang họp. Bây giờ trưởng các ban với Liên đoàn lao động tỉnh đang phối hợp với Sở lao động và Ủy ban của thị xã Tân Uyên người ta đang giải quyết với công ty ở dưới.
Ở công ty đó có công đoàn mà thì phải có người của Liên đoàn lao động tỉnh xuống chứ, với lại của thị xã Tân Uyên nữa. Tất cả ban ngành người ta có đủ ở dưới, nhé anh.”
Cuối giờ chiều ngày 28 tháng 5, một văn bản thông báo có chữ ký và đóng dấu của Phó Tổng Giám đốc Liu Yu Feng và Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Thị Ngọc Hà của công ty Chí Hùng nêu rõ:
“Hiện tại, Công ty vẫn đang hoạt động sản xuất bình thường, mong toàn thể công nhân viên yên tâm tham gia sản xuất.
Công nhân viên đến Công ty có quẹt thẻ lên xuống ca, bên cạnh đó phải kèm theo danh sách điểm danh CNV có tham gia sản xuất thì mới chấm công tính lương.
Với tình hình chung của đại dịch COVID-19, công ty sẽ cố gắng và nỗ lực tìm đơn hàng để ổn định việc làm cho toàn thể công nhân viên.”
Theo Công đoàn tỉnh Bình Dương, công ty TNHH Chí Hùng nằm ở Khu phố Mỹ Hiệp, Phường Thái Hòa, Thị xã Tân Uyên được thành lập từ tháng 8 năm 2000, chuyên sản xuất và xuất khẩu giày thể thao Adidas với trên 10 ngàn lao động.
Hình ảnh trên video clip cho thấy, lực lượng dân quân tự vệ, mặc áo có chữ “quân sự” phía sau lưng, xuất hiện tại cuộc đình công trong lúc có cáo buộc đã xảy ra đụng độ khiến ít nhất ba công nhân bị chích điện ngất xỉu.
Trao đổi với phóng viên, chị V.T.Ph và Đ.C.V làm việc tại công ty này hơn 10 năm, cho biết: “Cách đây 3 ngày, chúng tôi nghe thông tin công ty sẽ cho công nhân nghỉ tháng 7-8 không trả lương vì không có đơn hàng. Chúng tôi tạm ngưng công việc để phản đối lãnh đạo công ty vì nếu họ cho nghỉ thì phải ra thông báo hẳn hoi. Hiện nay, thông tin nghỉ không trả lương chỉ được các tổ trưởng, trưởng bộ phận thông báo bằng miệng“.
Đứng bên trong cổng công ty, một nữ công nhân đang mang bầu nói: “Tôi mới làm ở đây một năm. Giờ mang bầu mà họ cho nghỉ không lương thì không biết xoay sở thế nào. Tôi đang mang bầu, đi xin việc chỗ khác ai nhận“.
Cùng ngày, phóng viên đã liên lạc với Văn phòng Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương để hỏi về hướng xử lý vụ việc, đại diện văn phòng cho biết: “Lãnh đạo sở đang họp bàn phương án xử nên đề nghị liên hệ lại sau“.
Facebooker, nhà hoạt động Phạm Minh Vũ cho biết trên trang cá nhân rằng nguyên do đình công là Công Ty Giày Da Chí Hùng không còn việc làm tới Tháng Tám nên dự trù cho toàn bộ công nhân nghỉ việc từ giữa Tháng Sáu. Các công nhân bất bình vì chi nhánh 2 của công ty này ở Vũng Tàu được chi trả tiền đủ để công nhân cầm cự tới khi công ty hoạt động lại.
Cùng thời điểm, Facebooker Nam Bình, được cho là công nhân Công Ty Giày Da Chí Hùng, chia sẻ trên mạng xã hội rằng công nhân “cần sự minh bạch, rõ ràng” và họ “là lao động nghèo, không hiểu về luật nên chỉ biết làm theo số đông”.
Ông Phạm Minh Vũ vết trên trang cá nhân: “Sự việc dân sự bình thường, giữa quyền lợi công nhân và chủ doanh nghiệp, hai bên đối thoại chia sẻ lắng nghe nhau là xong. Nhưng, cách làm ăn của các doanh nghiệp ở Việt Nam là thay vì dùng tiền trả cho công nhân đòi quyền lợi thỏa đáng thì họ dùng tiền để trả cho công an, cho chính quyền địa phương để nhờ can thiệp khi công nhân đòi quyền lợi.”
Facebooker này cũng bình luận thêm rằng lực lượng công an “không khác gì bọn bảo kê, khác với xã hội đen thì công an có cấp thẻ ngành và đồng phục.”
Năm ngày trước cuộc đình công tại Công Ty Giày Da Chí Hùng, công luận xôn xao trước tin Công Ty Giày Da Huê Phong ở quận Gò Vấp, Sài Gòn, cho 2,200 công nhân nghỉ việc do gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ông Nguyễn Quang Hưng, trưởng phòng nhân sự Công Ty Huê Phong sau đó giải thích trên báo Tuổi Trẻ rằng doanh nghiệp này “gặp khó khăn ngoài dự tính”.
“Với số công nhân còn lại, chúng tôi vẫn tiếp tục sản xuất để chờ đợi đơn hàng. Hiện nay chúng tôi đang làm đơn hàng cũ, còn những đơn hàng mới thì đối tác chưa trả lời cụ thể. Nếu tình hình cứ tiếp tục như thế này, công ty cũng có kế hoạch cắt giảm thêm khoảng 500 công nhân nữa,” ông Hưng được tờ báo Tuổi Trẻ dẫn lời.
Cũng cần nói thêm, các cuộc đình công sau này tại Việt Nam đã không còn nhiều hiệu ứng trên mạng xã hội. Nguyên do được hiểu là nhà cầm quyền CSVN đã trấn áp, bỏ tù hầu hết các nhà hoạt động công đoàn nổi bật để dập tắt việc truyền thông để bảo vệ quyền lợi của giới công nhân.
Trong số này, các nhà hoạt động Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh được cho là đang tạm lánh tại nước ngoài.
Facebook Phạm Minh Vũ cập nhật tin vào ngày 31-5 rằng:
Đồng Nai- Bình Dương- HCM hôm nay 31-5, 100% lực lượng công an dân quân được báo động trực chiến, động thái này có thể dễ thấy khi ở Saigon ở ngoài trụ sở phường hay quận sẽ có lực lượng chốt chặn ở cổng. Vì ở 3 địa phương này có nhiều khu công nghiệp tập trung.
Nguyên nhân cách đây khoảng nửa tháng trên mạng xã hội có lời kêu gọi xuống đường biểu tình vào ngày hôm nay.
Sự việc Công nhân giày da Chí Hùng Bình Dương đình công mấy hôm nay theo An ninh Đồng Nai cho là ngòi nổ để châm ngòi cho cuộc bạo loạn trong ý đồ kêu gọi biểu tình vừa rồi.
Vì thế Công an Bình Dương đã vào cuộc trấn áp mạnh tay với công nhân đình công, hôm qua có ít nhất thêm 10 người bị bắt. Chẳng ai biết họ bị bắt đưa đi đâu, cũng chẳng ai biết người phụ nữ mang thai đó bây giờ như thế nào rồi?
Chỉ biết báo chí nhà nước cho rằng 8000 công nhân đình công đòi quyền lợi là do bị ”kích động, xúi dục”.
Việc lấp liếm của chính quyền Bình Dương đàn áp công nhân gắn cho họ cái mác bị xúi dục là thể hiện chính quyền côn đồ.
Người lao động luôn cảm thấy bất công thì họ đấu tranh, chính Các- Mác là bậc thầy xúi dục kích động công nhân làm loạn đã từng dạy rằng ”ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh” đó thôi?
Khi xung đột dân sự giữa quyền lợi người lao động và doanh nghiệp thì công an, chính quyền phải đứng về người yếu thế bảo vệ họ mới đúng, thế mà đứng ra bảo kê công ty đàn áp công nhân, bắt bớ đánh đập họ, giờ vu cáo họ bị xúi dục, thế là thế nào?
Bạn Ngô Minh Đạt bình luận: “Nếu những công an, dân phòng này sống ở nước tự do, thì ngay lập tức nó bị còng và bị truy tố về tội giết người, bởi một sản phụ rất cần được bảo vệ dù bất cứ nơi đâu, bất cứ chuyện gì cũng không được đụng đến sản phụ!”
Công an chỉ ra để đảm bảo trật tự thôi. Vấn đề tư tưởng, công an không đủ trình độ, mà cũng không có phận sự, để bảo vệ. Công an hiện nay đang bị ép để đi dẹp biểu tình, một điều rất bất lợi cho những người làm trong nghề này.
Bạn Tô Đang viết: “Tại sao lại có kẻ táng tận lương tâm chích diện vào công nhân mà lại là phụ nữ có chửa. Rồi cũng có ngày kẻ khác sẽ làm như thế với vợ, con gái thậm chí là mẹ nó thôi …”
Vũ Hà Phong sống tại Hà Nội cho rằng: “Rất cần luật về biểu tình để người dân bày tỏ ý chí đúng pháp luật.”
Trần Gia Bảo: “Công nhân đi làm cống hiến cho nhà nước song song với mưu sinh của họ và gia đình. Khi họ gặp nạn sao nhà nước ra tay trấn áp họ để bảo vệ cho bọn doanh nghiệp cướp đi đồng tiền mồ hôi của công nhân?”
Mâu thuẫn ở đây là mâu thuẫn giữa công nhân và giới chủ, không phải là mâu thuẫn giữa công nhân và giới cầm quyền.
Chị Thúy Thúy sống tại Sài Gòn nói: “Nai lưng đóng phí công đoàn đi nhá, ham lợi nhỏ bỏ chuyện lớn vì thiếu hiểu biết mà ra. Đụng chuyện mới thấy rõ hen.”
Công đoàn, thực chất, là một tổ chức mật vụ.
Ông Nguyễn Vũ Hùng sống tại Chad, Trung Phi nói: “Giai cấp công nhân là người làm chủ đất nước? Chỉ là lừa nhau thôi!”
Hoàng Thăng Long sống tại Bình Phước: “Hỏi ai? Hỏi liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương hỏi tổ chức công đoàn khu công nghiệp, hỏi tổ chức công đoàn cơ sở của nhà máy mình đang làm, họ đã làm gì và nghĩ gì khi họ hưởng hai lương mà nhắm mắt làm ngơ trước mồ hôi và nước mắt của người lao động.”
Huỳnh Quốc Tuấn sống tại Sài Gòn: “Tiền các bạn làm ra họ trừ vào nhiều thứ,nhưng khi các bạn gặp bất công thì ai là người đứng ra đấu tranh cho quyền lợi các bạn…”
Bà Nguyễn Kim Chi bình luận rằng: “Bi kịch của chế độ làm thuê với giá nhân công rẻ mạt!”
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Việt Nam: Dân vào “chảo lửa” và nền tư pháp “mù”