Tập Cận Bình chuẩn bị cho chiến tranh tổng lực

https://www.youtube.com/watch?v=Muev1_iNl8I

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ ba 26/5 tuyên bố Trung Quốc sẽ tăng cường các bước chuẩn bị để sẵn sàng chiến đấu trong các cuộc xung đột vũ trang, đồng thời cải thiện khả năng thực hiện các nhiệm vụ quân sự giữa lúc đại dịch corona đang ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh quốc gia.

Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) đưa tin trong phiên họp với phái đoàn thuộc Quân giải phóng Nhân dân và Lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân ngày 26/5 tại kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) (NPC) Trung Quốc đang diễn ra ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu quân đội nước này tăng cường huấn luyện, chuẩn bị cho chiến tranh và xử lý các tình huống phức tạp đúng lúc và hiệu quả.

Ông Tập còn yêu cầu quân đội Trung Quốc bảo vệ cái gọi là chủ quyền quốc gia, an ninh và các lợi ích phát triển cũng như đảm bảo sự ổn định chiến lược tổng thể của nước này.

Ông nói: “Cần phải tìm hiểu cách huấn luyện và chuẩn bị cho chiến tranh vì những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh đã được bình thường hóa… Cần phải tăng cường chuẩn bị cho việc chiến đấu vũ trang, linh hoạt huấn luyện khả năng thực chiến và cải thiện khả năng quân sự của chúng ta để thực hiện các nhiệm vụ quân sự.”

Ông Tập nói đại dịch đã tạo ra những thách thức cho quân đội, nhưng sự kết hợp các lĩnh vực dân sự, quân sự và chính trị của Trung Quốc là một lợi thế trong cuộc khủng hoảng.

Đồng thời, ông Tập đánh giá cao nỗ lực cũng như đóng góp của quân đội Trung Quốc trong việc kiểm soát và phòng ngừa COVID-19.

Ông còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được những mục tiêu và sứ mệnh tăng cường quốc phòng và lực lượng vũ trang cho năm 2020 trong lúc duy trì kiểm soát COVID-19 hiệu quả.

Ảnh: Xi tham gia thảo luận của phái đoàn Hồ Bắc tại phiên họp lập pháp quốc gia thường niên ở Bắc Kinh hôm 24/5/2020

Lời kêu gọi của ông Tập với quân đội được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc mới tuyên bố tăng 6,6% ngân sách quốc phòng bất chấp những khó khăn chồng chất mà nền kinh tế gặp phải do ảnh hưởng của đại dịch.

Thế lực ly khai tại Tân Cương, Tây Tạng, xu hướng độc lập tại Đài Loan, nhưng đứng đầu là nguy cơ xung đột với Mỹ là những lý do giúp quân đội Trung Quốc được tăng ngân sách trong lúc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu giảm rõ rệt trong những năm gần đây và giảm sâu vì COVID-19.

Trả lời RFI, chuyên gia Mathieu Duchâtel (Ma-thiu Đu-sa-ten), Giám đốc Chương trình châu Á, Viện Tư vấn Chính trị Montaigne (Mông-te-nhơ) của Pháp nhận định:

6,6% là mức tăng khá nhanh, kể cả có thấp hơn so với mức tăng chi tiêu chính thức cho quốc phòng Trung Quốc trong 5 năm qua, vẫn dao động trong khoảng trên 7% đến hơn 10%. Như thế có nghĩa là với mức tăng này, ngân sách quân sự của Trung Quốc năm 2020 sẽ là 178 tỷ đô la, nói các khác là đứng thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong vài năm gần đây thường vẫn ở trong khoảng từ 6-7%. Nhưng giờ đây Ngân hàng Thế giới đánh giá mức tăng trưởng của Trung Quốc chỉ dưới 3%, có thể còn tồi tệ hơn nữa. Ở Trung Quốc người ta thực sự cũng có những thắc mắc về vấn đề là lần đầu tiên ở Quốc Hội, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã từ bỏ ấn định chỉ tiêu tăng trưởng của đất nước. Kết quả, đó là không còn có sự tương quan hoàn toàn giữa tăng chi phi quốc phòng và tăng trưởng kinh tế. Đây là điểm mới vì tất cả những năm trước mức tăng ngân sách quốc phòng vẫn nhỉnh hơn một chút so với mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Thông điệp trước đây là công cụ quốc phòng phải đi kèm cho sự trỗi dậy thành cường quốc của Trung Quốc. Nhưng năm nay có khác. Tín hiệu gửi đi là các chương trình hiện đại hóa quân đội không bị ảnh hưởng vì bối cảnh khủng hoảng kinh tế Trung Quốc, các mục tiêu an ninh quốc gia vẫn như vậy. Trung Quốc đang ở trong giai đoạn cạnh tranh rất gay gắt với Hoa Kỳ. Trung Quốc phải chi phí những gì cần để duy trì tính liên tục trong chương trình hiện đại hóa quân đội.”

Trước đó, hôm 23/5, phát biểu trước hàng chục cố vấn kinh tế hàng đầu tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc đang theo đuổi kế hoạch phát triển mới, trong đó “lưu thông trong nước đóng vai trò chủ đạo“.

Ảnh: Kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc khai mạc từ ngày 21/5 vừa qua

Ông Tập nói: “Về tương lai, chúng ta phải coi nhu cầu trong nước là điểm khởi đầu và nền tảng chắc chắn khi chúng ta đẩy nhanh xây dựng hệ thống tiêu thụ nội địa hoàn chỉnh và thúc đẩy mạnh mẽ cải tiến trong khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác.”

Phát biểu của ông Tập cho thấy Bắc Kinh đang tiến tới từ bỏ chiến lược “lưu thông quốc tế lớn” được áp dụng vào những năm 1990, giúp thúc đẩy tăng trưởng và đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới trong những năm qua.

Hu Xingdou, một nhà kinh tế độc lập tại Viện Công nghệ Bắc Kinh nhận định: “Đó là chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất, bao gồm tách rời với Mỹ và thậm chí với toàn bộ thế giới phương Tây.”

Theo ông Tập, Trung Quốc đối mặt với những luồng gió bất lợi từ thế giới bên ngoài, bao gồm suy thoái kinh tế toàn cầu, gián đoạn thương mại và đầu tư quốc tế, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương tràn lan và rủi ro địa chính trị.

Đây là bằng chứng rõ ràng nhất từ trước đến nay về suy tính của lãnh đạo Trung Quốc trước nỗi sợ bị thế giới cô lập giai đoạn hậu COVID-19.

Thời gian này, giới chức Trung Quốc đã bắt đầu soạn thảo kế hoạch phát triển kinh tế, chính trị, xã hội 5 năm lần thứ 14 giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh tới việc đối phó với sự cô lập từ Mỹ.

Theo đó, Trung Quốc dự kiến sẽ dựa nhiều hơn vào nền kinh tế trong nước để giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu trong thế giới hậu virus corona.

Đồng thời, Trung Quốc sẽ thúc đẩy các chính sách để duy trì vai trò trung tâm trong chuỗi cung toàn cầu, đặc biệt là với các nước châu Á và châu Âu, cũng như đối phó với nguy cơ bị cô lập.

Đại dịch COVID-19 đã “ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế, chính trị và an ninh quốc tế,” theo Xie Fuzhan, người đứng đầu Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), tổ chức nghiên cứu chính phủ tại Bắc Kinh có liên quan tới việc hoạch định các chính sách mới.

Mặc dù không trực tiếp nêu tên Mỹ, ông Xie cho biết “một vài quốc gia giàu có” đã cố gắng lảng tránh trách nhiệm và đổ lỗi cho người khác vì những vấn đề của họ và nhấn mạnh rằng “chính sách bảo hộ và đơn phương của họ khiến nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ tan rã.”

Nhà nghiên cứu Trung Quốc tự tin rằng: “Tại Trung Quốc, nhóm người thu nhập trung bình vào khoảng từ 500 đến 700 triệu người, và chỉ riêng nguồn đó thôi cũng đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước trong 5 năm tới.”

Ý tưởng về việc Trung Quốc có thể độc lập phát triển đã được thông qua trong cuộc họp Bộ Chính trị gần đây nhất do Chủ tịch Tập Cận Bình – người có thể lãnh đạo Trung Quốc quá năm 2025 – chủ trì.

Ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ sử dụng “mô hình phát triển mới” bao gồm “cả vòng tròn kinh tế lớn trong nước và quốc tế” thay vì chỉ dựa vào thị trường nước ngoài.

Một mặt, Trung Quốc sẽ không từ bỏ thị trường quốc tế, nhưng mặt khác, Bắc Kinh sẽ ngày càng nghiêng về tăng cường năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa khổng lồ.

Xu hướng này đã được thể hiện rõ trong kế hoạch “Hướng tây” mới được công bố gần đây, theo đó, Trung Quốc sẽ tập trung đầu tư phát triển kinh tế ở các khu vực phía tây đất nước để bù đắp thiệt hại cho các tỉnh phía đông bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Sau hai tháng bị trì hoãn do COVID-19, kỳ họp “lưỡng hội” tức Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc Trung Quốc hàng năm của Trung Quốc đã bắt đầu hôm 21/5 và kéo dài khoảng một tuần trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất trong hàng thập kỷ: nền kinh tế suy giảm, các mục tiêu xã hội và kinh tế mờ nhạt và phản ứng quốc tế dữ dội chống lại Bắc Kinh.

Xuất hiện tại Hội nghị, toàn bộ Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc bao gồm Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hộ Ninh, Triệu Lạc Tế, Hàn Chính cùng nhóm lãnh đạo cao nhất của Chính hiệp đều không đeo khẩu trang, trong khi khoảng 2.000 ủy viên đến từ các tỉnh thành đều đeo khẩu trang.

Diễn biến này gợi nhớ lại ngày 23/2 năm nay Đảng Cộng sản Trung Quốc đã triệu tập “Hội nghị triển khai phòng chống dịch bệnh và công tác phát triển kinh tế – xã hội” với sự tham dự của 170.000 quan chức từ cấp quận/huyện trở lên trên toàn quốc. Thời điểm đó, trong đoạn phim truyền tải qua bản tin của CCTV cho thấy bảy thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ngồi trong một hàng không đeo khẩu trang, giữ khoảng cách giữa mỗi người khoảng hai mét; trong khi hàng chục ủy viên Bộ Chính trị và các quan chức khác ở phía đối diện đều đeo khẩu trang và cầm sổ ghi chép.

Về vấn đề này, nhà bình luận chính trị Trần Phá Không (Chen Pokong) tại Mỹ cho biết, Hội nghị khác thường của Đảng Cộng sản Trung Quốc với 170.000 người cũng cho thấy vấn đề khác thường, đó là những người ở vị trí cấp cao nhất ngồi trên bục không đeo khẩu trang, còn những người ngồi dưới thì phải đeo, tình cảnh gợi cảm giác giống như một loại đặc quyền đặc biệt khác dành cho những kẻ ngồi trên: các người không được phép lây nhiễm cho chúng tôi, còn chúng tôi có thể lây nhiễm cho các người.

Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc vẫn còn diễn biến khó lường, đặc biệt nghiêm trọng ở ba tỉnh là Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh. Những ngày gần đây nhiều trường hợp nhiễm bệnh đã được phát hiện tại thành phố Thư Lan và quận Phong Mãn của thành phố Cát Lâm thuộc tỉnh Cát Lâm, cả hai nơi đã được đưa vào khu vực có nguy cơ cao phải thực hiện phong tỏa. Thành phố Thư Lan tuyên bố “vào trạng thái thời chiến”. Tại Thượng Hải cũng lại phát hiện trường hợp bị nhiễm, trong khi có những thông tin cho rằng nhiều nơi khác có biểu hiện che giấu tình hình dịch bệnh.

Cuộc khủng hoảng dịch bệnh khiến “lưỡng hội”của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị nhiều nhà quan sát cho là “làm màu chính trị”. Chuyên gia truyền thông kỳ cựu Lã Nguyệt (Lu Yue) bình luận trên Apple Daily tại Hồng Kông cho biết, việc nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tổ chức “lưỡng hội” ngay giữa thời khắc khủng hoảng này cho thấy: một là để phô trương, hai là nhằm trấn an người dân.

Lưỡng hội năm nay còn diễn ra trong khi Bắc Kinh đang bị quốc tế phản đối dữ dội vì cách thức xử lý vụ dịch thời gian đầu, khiến nó lây lan toàn thế giới và gây ra cái chết cho hơn 320.000 người.

Trong khi đó, quan hệ với Mỹ đang ở mức thấp nhất chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ bởi một loạt các hồ sơ nóng bỏng: chiến tranh thương mại, cuộc chiến công nghệ, hồ sơ Đài Loan, Hồng Kông… và cả trách nhiệm trong đại dịch COVID-19 của Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết Trung Quốc đang phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh ngày càng cao, đặc biệt là từ Đài Loan.

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gửi lời chúc mừng tới lãnh đạo Đài Loan Thái Văn Anh trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai của bà, cùng với đó là việc Mỹ chấp thuận bán 180 triệu USD ngư lôi cho Đài Loan.

Ông Ngô nói với các phóng viên rằng Trung Quốc phải đối mặt với những rủi ro và thách thức mới trong an ninh quốc gia, bao gồm cả hành động đơn phương của “một số quốc gia”. Những hành động này làm lung lay an ninh quốc tế và leo thang rủi ro địa chính trị. Ông Ngô cũng nhấn mạnh các mối đe dọa an ninh trong nước ngày càng phức tạp.

Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=MpREFs04rRA
Biển Đông: Mỹ quyết hạ Tàu – VN “chờ hưởng”