Hồng Kông: Thành lũy chống chế độ độc tài Trung Quốc

https://www.youtube.com/watch?v=5p53uLr-WZc

Chiếm trọn trang nhất báo Libération là bức hí họa Tập Cận Bình và Donald Trump, theo hướng người ngược, kẻ xuôi, mỗi người giang tay dạng chân ôm một nửa Trái đất, miệng há thật to ngoạm sâu từng miếng. Bên dưới bức hình là hàng tựa lớn « Hoa Kỳ và Trung Quốc, đó là cuộc chiến lớn ».

Quan hệ giữa hai siêu cường thế giới xuống cấp rõ rệt từ khi Donald Trump nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ, và xung đột song phương vẫn kéo dài, nhất là với cuộc khủng hoảng Covid-19.

Libération số ra ngày 26/05/2020 dành cả trang nhất, bài xã luận và hồ sơ 4 trang cho quan hệ Mỹ – Trung. Trong bài viết « Mỹ và Trung Quốc : Quan hệ ngày càng tệ », Libération nhấn mạnh với các hoạt động tuyên truyền và những cáo buộc nhuốm màu thuyết âm mưu, hai nước hiện giờ coi nhau như kẻ thù.

Bắc Kinh tố cáo là các lực lượng chính trị Mỹ đang đẩy hai nước đến « bờ vực chiến tranh lạnh », còn tại Washington, cả phe Dân Chủ và Cộng Hòa đều không còn coi Trung Quốc là một đối tác « khả nghi » hay đối thủ mà là một kẻ thù cần đánh bại cả về kinh tế, công nghệ, chính trị và địa chính trị.

Trong bài xã luận « Thành lũy », Libération nhắc lại hồi năm 1997, khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, ai cũng biết Bắc Kinh sẽ không ngừng ngầm phá hoại « thành lũy chống chế độ độc tài ». Sau 23 năm, Trung Quốc dường như đang tiến gần đến đích. Với đạo luật về an ninh quốc gia, Bắc Kinh đang có quyết tâm gần như tuyệt đối, nhất là khi căng thẳng với Washington đang ở đỉnh điểm và Bắc Kinh đang cần ghi điểm để chứng tỏ Trung Quốc có quyền năng tối thượng.

Đúng là hình ảnh của Trung Quốc đã bị xấu đi do cách quản lý khủng hoảng khi dịch bệnh mới nổ ra, nhưng theo Libération, Bắc Kinh có thể hy vọng sẽ tận dụng cơ hội không dễ sớm có lại được : Toàn thế giới đang phải đối phó với virus corona, nước Mỹ thì đang trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Bị suy yếu do thảm họa y tế mà ông quản lý kém cỏi, Donald Trump không thể để mình đi nhầm nước cờ. Khi chỉ còn 6 tháng nữa là đến ngày bầu cử mang tính quyết định, nước Mỹ lại đang bị virus corona tàn phá, giả thuyết Washington ra tay cứu nền dân chủ Hồng Kông rất ít khả năng xảy ra.

Tuy nhiên, Libération lưu ý đây là một thử thách không chỉ đối với Hồng Kông. Tinh thần chinh phục của Trung Quốc đang cao hơn bao giờ hết, không chỉ đơn giản là nhắm vào vùng đất nhỏ xíu mà là nhắm vào quyền tự do và nền dân chủ. Và nếu quyền tự do và dân chủ sụp đổ ở Hồng Kông thì điều này cũng có thể sẽ xảy ra ở những nơi khác.

Ảnh: Ngày 08/09/2019 người biểu tình ở Hong Kong kêu gọi Tổng thống Donald Trump cứu giúp khi xuống đường biểu tình gần tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hong Kong.

Cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong nhiều lĩnh vực, từ lãnh thổ tới chính trị và kinh tế.

Libération điểm lại những vấn đề gây mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và Washington, mà tờ báo chơi chữ gọi là những « hồ sơ nóng của cuộc chiến tranh lạnh mới » : Cuộc đọ sức về Hồng Kông, cuộc chiến thương mại, Đài Loan, Biển Đông, Tổ Chức Y Tế Thế Giới và các trại tập trung giam hãm người Hồi Giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Libération cũng giới thiệu bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Nadège Rolland, chuyên gia về chính trị và an ninh châu Á, thuộc Văn phòng quốc gia về nghiên cứu châu Á, có trụ sở tại Seattle và Washington. Nadège Rolland nhìn lại quá trình kéo dài nhiều thập kỷ mà Trung Quốc vươn lên thành cường quốc. Nhà nghiên cứu nhận định « Bắc Kinh đang chơi một trò chơi vô cùng nguy hiểm » và việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ bỏ chính sách tiến từng bước nhỏ vào năm 2017 đã đột ngột chấm dứt những thập niên mù quáng ở phương Tây.

Tại sao Bắc Kinh muốn áp đạo luật bảo vệ an ninh quốc gia tại Hồng Kông ?

Thứ Năm ngày 28/05/2020, Quốc Hội Trung Quốc cho biết sẽ thông qua dự luật nhằm « bảo vệ an ninh quốc gia tại vùng đặc khu hành chính Hồng Kông ». Ý định này của Bắc Kinh đã làm hàng ngàn người dân Hồng Kông phẫn nộ, xuống đường phản đối, bất chấp các biện pháp nghiêm cấm tụ tập để chống dịch Covid-19. Câu hỏi đặt ra : « Vì sao Trung Quốc lại muốn áp đặt luật an ninh với Hồng Kông » vào lúc này ?

Theo giải thích của báo Le Monde trên trang mạng ngày 25/05/2020, đạo luật mà Quốc Hội Trung Quốc sắp thông qua bao gồm 7 điều khoản, trong đó có ba điều quan trọng. Thứ nhất, điều số 2 nêu rõ Trung Quốc « phản đối mạnh mẽ » mọi hành động can thiệp từ các thế lực bên ngoài vào Hồng Kông. Thứ hai là điều số 4, cho phép các cơ quan bảo vệ an ninh quốc gia được thiết lập ở Hồng Kông và mở rộng các hoạt động tại đặc khu. Đây được xem là một trong những « lằn ranh đỏ » cuối cùng cho đến lúc này.

Sau cùng là điều số 6, điều khoản quan trọng nhất. Theo đó, Bắc Kinh được quyền triển khai các điều luật nhằm bảo vệ an ninh quốc gia ở Hồng Kông và « nhằm dự phòng, ngăn chận hay trừng phạt mọi hành vi gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an ninh quốc gia như ly khai, lật đổ chế độ, hay tổ chức hoặc thực hiện các hoạt động khủng bố cũng như là các hoạt động của các thế lực nước ngoài và tiến hành từ bên ngoài nhằm can thiệp vào chuyện nội bộ của Hồng Kông ».

Theo Le Monde, đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh muốn thông qua đạo luật này. Từ năm 2003, chính quyền trung ương Trung Quốc tìm mọi cách muốn Hồng Kông thông qua và thực thi điều luật số 23 trong Luật Cơ Bản – một dạng Hiến Pháp của Hồng Kông – nghiêm cấm « mọi hành động phản bội, ly khai, phản loạn và lật đổ », nhưng ý định của Trung Quốc bất thành vì luôn gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân Hồng Kông.

Đỉnh điểm là các cuộc biểu tình phản đối có quy mô lớn chưa từng có trong hai ngày 9 và 16/06/20219 đã gây bất ngờ cho Bắc Kinh. Làn sóng bất bình kéo dài cho đến khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 mới được tạm ngưng do các biện pháp phong tỏa.

Theo Bắc Kinh, chính sự bất ổn kéo dài tại Hồng Kông từ mùa hè năm 2019 – chứ không phải là những cuộc trấn áp, đã gây thiệt hại cho nền kinh tế đặc khu. Chính quyền Trung Quốc tỏ ra kín tiếng trước thắng lợi của phe ủng hộ dân chủ trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 11/2019 và cảm thấy bất an trước việc phe đối lập thu hút được sự ủng hộ mạnh mẽ của phương Tây. Chủ Nhật 24/5, ngoại trưởng Vương Nghị nhắc lại rằng « không can thiệp là một nguyên tắc cơ bản trong các mối quan hệ quốc tế ».

Tuy nhiên, với nhà nghiên cứu Nadege Rolland, thuộc National Bureau of Asian Research (NBR), các sự kiện ở Hồng Kông và những phản ứng của Bắc Kinh cho thấy rõ sự khác biệt trong quan niệm giữa phương Tây và Trung Quốc về quyền lực và đối lập : « Phương Tây nghĩ rằng khuyến khích dân chủ tự do có thể góp phần kiến tạo hòa bình và thịnh vượng, nhưng đảng Cộng sản Trung Quốc quy cho việc quảng bá trên thế giới cái gọi là “những giá trị phổ quát” là nguồn cội của mọi xung đột và bất ổn trên thế giới ».

Vì thế, ông Vương Nghị khẳng định hôm Chủ Nhật 24/05 : « Trung Quốc và Hoa Kỳ có hai hệ thống xã hội khác nhau và đó là kết quả lựa chọn khác nhau của mỗi dân tộc và chúng phải được tôn trọng ».

Ảnh: ngoại trưởng Trung quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo ngày 24-5

Trước những chỉ trích của phương Tây cho rằng Bắc Kinh đã không tôn trọng tuyên bố chung Anh Quốc – Trung Quốc năm 1984 theo đó Bắc Kinh cam kết để Hồng Kông được hưởng một « mức độ tự trị cao » trong vòng 50 năm, bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần trong quá khứ xem văn bản này như là « một tài liệu lịch sử không còn có giá trị thực tế nữa ».

Chế độ chuyên chế không hợp với tự do cá nhân của người Hồng Kông

Thông tín viên báo Le Monde tại Hồng Kông, Florence de Changy, nhấn mạnh đến nỗi lo sợ của người dân Hồng Kông, nhất là vì hiện giờ không ai biết hệ lụy thực sự của luật an ninh quốc gia mới sẽ là gì. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), lãnh đạo Hồng Kông, người « hoàn toàn ủng hộ » quyết định của Bắc Kinh, phát biểu hôm 23/05 là chính bà cũng không nắm được thông tin chi tiết. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Liệu các tòa án Hồng Kông vẫn có thẩm quyền ? Làm thế nào để đạo luật mới, dường như sẽ tiêu diệt quyền tự do, có thể cùng tồn tại với luật hiện hành ở Hồng Kông và bảo đảm các quyền tự do cá nhân được ghi trong Hiến Pháp Hồng Kông ? Biểu lộ sự phản đối đối với chính phủ có bị coi là một hành động lật đổ hay không ?

Trong bối cảnh đó, thông tín viên báo Le Monde ghi nhận nhiều thanh niên Hồng Kông rất quyết tâm để Hồng Kông được độc lập. Nhiều người hô hào « Hãy kháng cự », « Chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng » hay hô khẩu hiệu trấn an « Họ không thể giết hết chúng ta ! » và khẳng định « Độc lập của Hồng Kông là lối thoát duy nhất ». Đối với giới trẻ, tính chuyên chế của chính quyền Bắc Kinh không thích hợp với tự do cá nhân của người dân Hồng Kông.

Cựu thống đốc Anh nói Trung Quốc đã phản bội Hong Kong.

Trung Quốc đã phản bội người dân Hong Kong vì vậy phương Tây nên thôi nhún nhường Bắc Kinh, theo lời Chris Patten, thống đốc cuối cùng của thuộc địa cũ của Anh.

Bắc Kinh sắp sửa áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên Hong Kong sau một chiến dịch biểu tình đòi dân chủ kéo dài vào năm ngoái tại thành phố này, vốn được hưởng nhiều quyền tự do không được cho phép ở Trung Quốc đại lục.

Người dân Hong Kong đã bị Trung Quốc phản bội,” ông Patten được báo The Times của Anh dẫn lời nói. Ông nói Anh có nghĩa vụ “đạo đức, kinh tế và pháp lí” đứng lên bênh vực Hong Kong.

Ông Patten, giờ 76 tuổi, từng chứng kiến quốc kì của Anh được hạ xuống ở Hong Kong khi thuộc địa này được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997 sau hơn 150 năm cai trị của Anh – áp đặt lên lãnh thổ này sau khi Anh đánh bại Trung Quốc trong cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất.

Quyền tự chủ của Hong Kong được bảo đảm theo thỏa thuận “nhất quốc lưỡng chế” được minh định trong Tuyên bố Chung Trung-Anh năm 1984 do Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher kí kết.

Nhưng việc Trung Quốc định áp đặt luật an ninh có nguy cơ hủy hoại tuyên bố đó, ông Patten nói.

Mỹ đã gọi luật này là “hồi chuông báo tử” đối với quyền tự trị của thành phố và Anh nói họ hết sức lo ngại về luật mà họ nói sẽ làm suy yếu nguyên tắc “nhất quốc lưỡng chế.”

Điều chúng ta đang chứng kiến là một chế độ độc tài mới của Trung Quốc,” ông Patten nói. “Chính phủ Anh nên nói rõ rằng điều chúng ta đang thấy là sự hủy hoại hoàn toàn Tuyên bố Chung.”

Theo bản dự thảo luật an ninh quốc gia dành cho Hong Kong, Trung Quốc có thể sẽ thiết lập các cơ quan an ninh tại đặc khu này “khi cần thiết“.

Trong khi đó, Hãng tin Reuters cho biết các nhà ngoại giao bên ngoài lo sợ việc Bắc Kinh thiết lập các cơ quan như vậy tại Hong Kong có thể sẽ trao cho giới chức an ninh và tình báo của Trung Quốc đại lục các quyền thực thi pháp luật.

Theo báo South China Morning Post, giới phân tích và cả các đại biểu của Hong Kong tại NPC vẫn còn đang thắc mắc làm thế nào mà các cơ quan an ninh quốc gia của chính quyền trung ương và địa phương có thể vận hành chung tại Hong Kong và việc thực thi pháp luật sẽ được tiến hành ra sao, để không gây ra tình trạng bế tắc hoặc một cuộc khủng hoảng do những xung đột giữa luật quốc gia và luật tại Hong Kong.

Bản dự thảo trên sẽ được bỏ phiếu vào cuối kỳ họp NPC ở Bắc Kinh, có thể vào ngày 28-5. Theo báo Nikkei, luật an ninh quốc gia trên có thể có hiệu lực sớm nhất là vào tháng 6 nhưng thời gian chính xác vẫn chưa rõ.

Gần 200 nhân vật chính trị từ khắp nơi trên thế giới ngày thứ Bảy lên án luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh cho Hong Kong, trong đó bao gồm 17 thành viên Quốc hội Hoa Kỳ, vào lúc căng thẳng quốc tế gia tăng về đề xuất thành lập các căn cứ tình báo của chính phủ Trung Quốc ở Hong Kong.

Trong một tuyên bố chung do cựu Thống đốc Hong Kong Christopher Patten và cựu Ngoại trưởng Anh Malcolm Rifkind tổ chức, 186 nhà lãnh đạo trong lĩnh vực luật pháp và chính sách nói các luật được đề xuất là một “cuộc tấn công toàn diện vào quyền tự trị, nền pháp trị và các quyền tự do căn bản của thành phố” và là “sự vi phạm trắng trợn” Tuyên bố Chung Trung-Anh trao trả lại Hong Kong cho Trung Quốc cai trị vào năm 1997.

Nếu cộng đồng quốc tế không thể tin tưởng Bắc Kinh sẽ giữ lời khi nói về Hong Kong, mọi người sẽ ngần ngại tin lời Bắc Kinh về những vấn đề khác,” họ viết.

Luật này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh xấu đi, với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch virus corona.

Các quan chức Mỹ nói rằng luật này của Trung Quốc sẽ bất lợi cho cả nền kinh tế của Hong Kong và Trung Quốc và có thể gây nguy hại cho tư cách đặc biệt của lãnh thổ này trong luật pháp của Mỹ. Dù vậy, Trung Quốc đã bác bỏ chỉ trích của các nước khác là can thiệp vào chuyện nội bộ.

Một số nghị sĩ Cộng hòa đồng đảng của ông Trump – Thượng nghị sĩ Marco Rubio, quyền chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, và Thượng nghị sĩ Ted Cruz – kí tên vào tuyên bố. Những người kí bên Đảng Dân chủ bao gồm Dân biểu Eliot Engel, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, và Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Đặc tuyển Thường trực của Hạ viện Mỹ.

Bốn mươi bốn thành viên của Hạ nghị viện và tám thành viên của Thượng nghị viện Anh cũng kí tuyên bố này, bên cạnh các nhân vật từ khắp Châu Âu, Châu Á, Úc và Bắc Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Washington sẽ phản ứng “rất mạnh” nếu Bắc Kinh xúc tiến luật an ninh này.

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=kLzj8LaGS6E
Vụ Hồ Duy Hải: ai đã cố tình làm sai lệch hồ sơ ?