Vụ Hồ Duy Hải: Bữa ăn tối “định mệnh” đã xảy ra như thế nào?

Theo dòng sự kiện của vụ án Hồ Duy Hải, các nhà báo và Luật sư đang cố gắng truy tầm những tình tiết quan trọng đã vô tình bị bỏ sót hay cố tình loại ra khỏi hồ sơ vụ án. Một loạt phát hiện mới gần đây đều dẫn đến khả năng ngoại phạm cho Hồ Duy Hải hoặc những nhận định sai lầm cơ bản của điều tra viên dẫn đến chệch hướng điều tra và bỏ sót tội phạm.

Tư duy con người có thể sai lầm, nhưng sai lầm ấy tạo nên những lỗ hổng quá lớn vì các chứng cứ quan trọng bị mất, những lời khai quan trọng bị bỏ qua thậm chí bị diễn tả trái ngược với sự thật để quy kết theo hướng buộc tội Hồ Duy Hải, thay vì lối suy đoán vô tội là nguyên tắc cơ bản được nêu ra trong Luật hình sự.

Đến nay rất nhiều người đang vạch ra cụ thể rằng các lập luận của hồ sơ vụ án buộc tội Hồ Duy Hải hầu như vô giá trị, không có chứng cứ mà cũng không có lời khai nào của nhân chứng đủ giá trị thuyết phục.

Chỉ có lời nhận tội của Hồ Duy Hải kèm với nhiều lần Hải kêu oan và đơn từ chối Luật sư rất khó hiểu. Tuy nhiên liệu có ép cung, có nhục hình xảy ra hay không? Đã 12 năm rồi, nếu như có cũng không thể đưa ra chứng cứ, ngay như Luật sư Trần Hồng Phong suốt 12 năm qua cũng chưa một lần được gặp mặt Hồ Duy Hải mặc dù rất nhiều lần yêu cầu đều bị từ chối.

Qua những tấm ảnh mới nhất vừa được tiết lộ thì nhà báo Trương Châu Hữu Danh đã đưa ra nhận định rằng: “CÓ 3 NGƯỜI ĂN TỐI Ở BƯU ĐIỆN CẦU VOI”

Ông Danh viết như sau:

Hiện trường bếp ăn bưu điện Cầu Voi, nơi 2 thi thể nạn nhân nằm, có một cái dĩa, một tô, 2 chén và một ly (kiểu cafe đá hoặc uống sữa) đã ăn uống xong.

Tôi chú ý, có 3 đôi đũa, nhưng 2 đôi đã sử dụng nằm trên bàn, và một chiếc nằm rơi ở tấm thớt. Như vậy, có khả năng là 3 đôi đũa đã dùng.

Tô này, là tô ăn mỳ, và đã ăn xong, còn nước mì.

Vật dụng lò xô (bếp dầu) văng thanh mấy mảnh, và khoanh đai lò xô nằm dựa vào thau đựng chén cho thấy có khả năng đập bàn làm văng ra.

Hồ sơ thể hiện, khi chị Thu Hiếu về thì bếp đã dọn rửa và chưa nấu nướng (lúc đó 17h). Vậy hiện trường này ăn uống như thế nào? Vì sao có 3 đôi đã ăn và vì sao chỉ có một ly nước ở đây? Ly nước cho khách là ly thấp vẫn nằm ở bàn salon, còn ly này có muỗng nằm trong phải là ly có pha chế (nước cam, cafe, sữa)… Có một vỏ bịch sữa tươi nằm gần tấm thớt, có phải ly này uống sữa không?

Ảnh 1: ảnh chụp hiện trường tại phòng khách Bưu điện Cầu Voi, ngày 14-1-2008 với hai bịch trái cây chưa ăn, một cái ly uống nước và rải rác mấy miếng mút xốp loại dùng để đóng gói

Vậy 2 người ăn 2 chén, tô mì còn lại ai ăn – vì có 3 đôi đũa đã dùng? Ly này ai uống? Hiện trường cho thấy đã ăn xong và dọn sơ.

Thức ăn khi khám nghiệm đã nhuyễn, cho thấy giờ chết phải khá xa sau khi ăn. Vậy các nạn nhân đã ăn khi nào, chết khi nào? Có khả năng hung thủ cùng ăn với một / hoặc cả 2 nạn nhân không?

Vậy? Trong thời gian “Hải đưa tiền Vân đi mua trái cây”, có kịp để nấu ăn hoặc ăn uống không?

Nếu là Hải, thì có đủ thân để ăn uống với 2 nạn nhân không?

Các nút thắt, đang mở dần.

Nên nhớ rằng Nguyễn Mi Sol mới là người vẫn chung sống như vợ chồng với Hồng, rồi đến Nghị và một người thanh niên khác tên là Kỹ sư Trung, ngoài ra còn có 3 thanh niên thợ bạc rồi mới tới Hồ Duy Hải. Mâu thuẫn ái tình đáng kể nhất phải là Mi Sol-Nghị-Kỹ sư Trung, còn Hồng thì khi ấy đang mặc bộ đồ ngủ…

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh đưa ra một số nhận định về xu hướng tung hỏa mù của những kẻ mà ông gọi là “nghiệt ác” như sau:

Trong các vụ án mà chứng cớ buộc tội còn mâu thuẫn, lỏng lẻo, người văn minh, lý trí sẽ suy đoán theo hướng gỡ tội, kẻ tàn độc, nghiệt ác sẽ nghĩ theo hướng buộc tội.

Trong vụ án Bưu điện Cầu Voi, để củng cố (hay câu views, like, share) cho suy đoán buộc tội tàn độc của mình, kẻ nghiệt ác lập lờ tung ra những thông tin vốn sẵn trong kết luận điều tra, cáo trạng, bản án có đầy trên báo chí, tô vẽ cho ly kỳ, hấp dẫn, như là bản thân đã xác minh, kiểm chứng trọn vẹn… để lừa dối đám đông không có thời gian, điều kiện để tìm, kiểm chứng thông tin.

Ảnh 2: Hiện trường bếp ăn bưu điện Cầu Voi, nơi 2 thi thể nạn nhân nằm, có một cái dĩa, một tô, 2 chén và một ly đã ăn uống xong. Có 3 đôi đũa, nhưng 2 đôi đã sử dụng nằm trên bàn, và một chiếc nằm rơi ở tấm thớt.

Trong vụ án Bưu điện Cầu Voi, kẻ nghiệt ác xoáy vào 2 nội dung buộc tội bị án:

1. BỊ ÁN HỒ DUY HẢI NHẬN TỘI, KHÔNG KÊU OAN, XIN GIẢM ÁN.

2. BỊ ÁN HỒ DUY HẢI KHAI RÕ ĐƯỜNG ĐI CỦA TÀI SẢN CƯỚP ĐƯỢC, BÁN Ở ĐÂU, LÚC NÀO,…

Xin thưa, DỐI TRÁ hết!

■ Việc bị án kêu oan hay không, báo chí đã nói rõ: Bị án khai không giết người và kêu oan từ phiên tòa sơ thẩm tới phúc thẩm.

■ Việc bị án có cướp tài sản hay không, cướp cái gì?, xin không kết luận, nhưng cũng xin đưa ra các thông tin như sau:

1. Tang vật thu tại hiện trường chỉ thấy có đôi dép, vàng vòng của nạn nhân…

2. Tang vật thu ở nhà Hồ Duy Hải là trang sức của em gái bị án (đã trả lại cho bà Loan, mẹ bị án).

■ Việc bị án cướp tài sản của hai nạn nhân rồi bán ở đâu, ai xác nhận? Xin không kết luận, nhưng cũng xin thông tin như sau:

1. Chưa có bất cứ thông tin nào về việc chủ tiệm vàng xác nhận mua và tiêu thụ tài sản do Hồ Duy Hải cướp được.

2. Chưa có bất cứ thông tin nào về việc chủ tiệm vàng xác nhận có khách hàng là Hồ Duy Hải (kể cả ảnh và nhận dạng).

3. Tiệm vàng chợ An Đông sầm uất bậc nhất Sài Gòn. Sau gần 70 ngày thì có nhớ được khách không? Thêm nữa, tiệm vàng cũng gần khu vực nhà bà nội và cha ruột Hồ Duy Hải – nơi Hải đăng ký hộ khẩu – tức Hải biết rõ khu vực này.

Ảnh 3: Sơ đồ hiện trường bưu điện Cầu Voi, sau quầy giao dịch là phòng khách nơi đây có bàn salong để 2 bịch trái cây chưa ăn, bên cạnh có két sắt; sau phòng khách đến các tủ che lại cái giường ngủ, sau đó đến cấu thang lên lầu phía dưới có bàn ăn tối nơi để tô chén đũa và xác 2 nạn nhân ở ngay góc cầu thang, phía sau nữa đến nhà tắm có bồn rửa tay và bồn cầu. Hình bên phải chụp bồn rửa ta nghi có dấu tay và ít sợi tóc dính trên lọc rác

Như vậy có nghĩa, những kẻ nghiệt ác có thể không đủ hồ sơ, không có các bản khai đầy đủ của bị án, thông tin diễn tiến phiên tòa, các bút lục,… hoặc có thì chỉ có các tài liệu buộc tội (ít có khả năng này).

Cũng có nghĩa, những kẻ nghiệt ác ngoài nghi vấn truyền thông bất lương, cũng có thể có động cơ câu view, like, share bất chấp luật pháp, đạo đức, tình người.” Nhà báo Trương Châu Hữu Danh đưa ra cảnh báo.

Thông tin mới nhất là NGƯỜI KÝ BÚT LỤC 262 ĐÃ CHẾT!

Có thể thấy rằng qua bút lục 262 thì thời gian gây án chắc chắn phải được dời đi sau 21h đêm, cùng với chi tiết có 3 người ăn tối và thức ăn trong dạ dày đã nhuyễn có thể suy đoán nạn nhân chết phải sau 21h30-22h trở lên.

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh tiết lộ như sau:

Trong vụ án Hồ Duy Hải kêu oan, hồ sơ mô tả sự việc như sau:

Lúc 20h30, Hải đưa tiền cho Vân đi mua trái cây. Khi Vân đi qua bên kia đường mua trái cây ở nhà anh Nguyễn Thanh Long thì Hải giở trò hiếp dâm Hồng. Vì hiếp không được, Hải mới sát hại Hồng, rồi đến Vân…

Tuy nhiên, anh Long trình bày, lúc Vân đi mua trái cây là anh đang bước qua cây xăng đi làm (cách 50m). Công an tỉnh Long An kiểm tra camera thì thấy anh bước vào khung hình camera là 21h1’40“.

Tức là, Vân mua trái cây xong nếu có về đến bưu điện cũng phải 21h5′.

Trong nổ lực tìm kiếm sự thật, chúng tôi đã đến Củ Chi lấy bút lục 262 vào hôm qua. Và hôm nay, chúng tôi đi tìm gặp anh Long.

Thật buồn, anh đã mất năm ngoái, khi mới 47 tuổi!

Anh và vợ, là 2 người cuối cùng nhìn thấy nạn nhân Vân.

Nếu 17 vị Phán quan tôn trọng lời khai của anh Nguyễn Thanh Long, có lẽ vụ án đã khác!

Ảnh 4: đoạn cuối Bút lục quan trọng số 262 đang bị thất lạc khỏi hồ sơ với dấu tích chữ ký của anh Nguyễn Thanh Long, chồng người bán trái cây, đã xác định được lúc 21h:01p thì nữ nhân viên Bưu điện tên Vân mới đến mua trái cây. Tuy nhiên tin vừa mới biết hôm qua thì anh Long đã chết năm ngoái khi ấy mới 47 tuổi

KHÔNG NÊN CHẤM DỨT MẠNG SỐNG CỦA HỒ DUY HẢI TRONG TÌNH TRẠNG CHƯA THẬT RÕ RÀNG NHƯ VẬY! Đó là ý kiến của Luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó giám đốc – Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an TP.HCM.

Sáu năm trước, luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó giám đốc – Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an TP.HCM (giai đoạn 1992 – 1995), từng gọi điện xin Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho lệnh tạm hoãn thi hành án tử hình vào phút 89 đối với Hồ Duy Hải.

Cuộc gọi điện thoại của ông Tư Tạo (tên thường gọi của luật sư Trần Văn Tạo) và lệnh hoãn thi hành án tử với Hồ Duy Hải của Văn phòng Chủ tịch nước đã khiến biết bao người tin tưởng, mong chờ một trang mới mở ra cho vụ án ly kỳ trong lịch sử tư pháp nước nhà.

…Tôi không biết Hồ Duy Hải có oan hay không, nhưng đã không có chứng cứ chứng minh tội phạm, tố tụng sai, mà mang một người đi tử hình, sau này nếu sai, chúng ta không sửa được! Theo quan điểm của tôi, muốn định tội Hồ Duy Hải một cách thuyết phục, bắt buộc phải điều tra lại từ đầu. Phải khắc phục ngay từng sai sót trong tố tụng.

Tôi thấy thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao trả lời báo chí: “Không phải sai phạm tố tụng nào cũng hủy án. Mà chỉ có những sai phạm tố tụng nghiêm trọng, thay đổi bản chất mới hủy án, điều tra lại” – đó là quan điểm Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và cả Chánh án Tòa án tối cao nữa đã thể hiện rõ ràng trước phiên tòa.

Trong đó, chứng cứ phải là cái thật, là khách quan, là trực tiếp gây ra hành vi phạm tội thì mới gọi là chứng cứ trực tiếp, chứng cứ có giá trị thật sự trong vụ án hình sự. Chứng cứ gián tiếp cũng cần thu thập, nhưng đã nói là “gián tiếp” thì giá trị nó nhẹ, nó chưa phản ánh đầy đủ tính chất hành vi. Chứng cứ trực tiếp mới là cái phản ánh đầy đủ tính chất của hành vi.

Cơ quan điều tra ban đầu đã bỏ hết chứng cứ trực tiếp mà vẫn đi đến kết luận và chỉ ra được bản chất vụ án cứ như là chuyện không tưởng!

Ảnh 5: bên trái là ghi nhận các tang vật tại hiện trường và thu giữ khi khám xét nhà Hồ Duy Hải, bên trái là báo cáo xác minh của tiệm vàng An Đông ở quận 5 không xác định được việc bán tài sản quy là Hồ Duy Hải cướp của nạn nhân, nhưng vụ án vẫn nêu ra tội cướp và quy cho Hồ Duy Hải tội này

Và thật kỳ lạ. Sai sót của cơ quan điều tra đã được Tòa án tối cao “dung thứ”!

Bản chất bao giờ cũng gắn liền chứng cứ. Nguyên tắc tố tụng hình sự từ chứng cứ đánh giá bản chất, soi ra bản chất. Không bao giờ từ bản chất sinh chứng cứ được. Tôi làm điều tra cũng soi tố tụng mà làm. Ở vụ án này, tất cả những chứng cứ không thu thập từ đầu mà lại nói về bản chất vụ án, cứ như trò đùa. Nhận định của tôi, đây là sự thất bại, khiến người dân không tin tưởng vào kết quả phiên tòa.

Tôi lo là lo phiên tòa đã khép lại nhưng vụ án chưa kết thúc. Dư chấn của phiên tòa sẽ còn rất rộng, rất lâu. Nhiều người, dĩ nhiên trong đó có tôi chưa phục. Đây không phải câu chuyện một phiên tòa mà là câu chuyện tư pháp.

Người ta trông chờ 17 vị ở hội đồng thảo luận như thế nào, phân vân ra sao, đặt vấn đề gì ra nhưng không thấy. Chỉ nghe Chánh tòa hỏi, Viện Kiểm sát trả lời rồi giơ tay phán quyết. Một phiên tòa được mong đợi, thế mà, chúng ta lại công khai một nền tư pháp lỏng lẻo, thiếu thuyết phục, thậm chí làm mất lòng tin nơi nhân dân…

Ngày trước, việc tôi gọi điện cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để xin hoãn thi hành án tử với Hồ Duy Hải không phải để kêu oan giùm anh ấy mà là nhận ra những sai sót trong tố tụng ở vụ án này. Khi đó, tôi là người giữa đường thấy điều không phải rồi làm vậy thôi.

Nhưng hôm nay, sau nhiều năm suy nghĩ, phân tích thấu đáo về vụ án, dõi theo phán quyết của phiên giám đốc thẩm, thông qua bài báo này, tôi gửi lời xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện vai trò giám sát của mình với vụ án. Có thể, trong thời gian đó, hoãn thi hành án tử hình với Hồ Duy Hải thêm lần nữa. Mọi người đang hy vọng, tôi cũng đang hy vọng xem xét lại vụ án.

Không nên chấm dứt mạng sống của Hồ Duy Hải trong tình trạng chưa thật rõ ràng như vậy!”

Luật sư Trần Văn Tạo đưa ra kết luận.

Ảnh 6: Luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó giám đốc – Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an TP.HCM, người đã trực tiếp gọi điện thoại cho chủ tịch nước Trương Tấn Sang xin hoãn tử hình cho Hồ Duy Hải vào phút cuối

Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)

Vụ Hồ Duy Hải: Những mối tình đan chéo ở Bưu Điện Cầu Voi