“Dư luận rất dị nghị về việc ông Nguyễn Hòa Bình, người đã quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm với tư cách Viện trưởng VKSND tối cao, nay lại ngồi ghế “Chủ tọa” xét xử kháng nghị giám đốc thẩm.
Vì vậy, có thể (và đã có kết quả chứng minh) mang định kiến tư pháp vào quá trình điều hành, xét xử, quyết định không vô tư, thiếu khách quan, rõ ràng đã vi phạm quy định tại Điều 21 Bộ luật Tố tụng hình sự.” Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã gửi đến Chủ tịch nước đã trình bày như vậy trong thư gửi đến Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội.
Báo cáo của Viện KSND tối cao gửi cho Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh rằng: “Những vi phạm nêu trên sẽ tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết các vụ án sau này, đó là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nhưng vẫn kết luận có tội với lập luận có vi phạm nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án.”
Ông Phúc Tuệ, một Đảng viên ở Hà nội đã gửi đến thoibao.de nêu ra ý kiến của mình như sau:
“Có thể nói rằng với phát ngôn mạnh mẽ của mình trước cử tri TP HCM, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đang chiếm thế “thượng phong” trước ông Chánh án Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Lịch sử tư pháp Việt Nam từ năm 1945 trở lại đây, chưa bao giờ có việc Tòa và Viện công khai đối địch nhau, sử dụng báo chí, mạng xã hội để “xỉ vả” nhau và có thể xem ra như hai cơ quan này không có “Đảng lãnh đạo”.
Vậy tại sao lại có chuyện rất không bình thường này?
Thận trọng xem xét lại thì thấy, Viện KSND Tối cao ra kháng nghị là hoàn toàn đúng luật ( Theo điều 404-Luật Tố tụng Hình sự năm 2015).
Và sự khủng hoảng đến chính từ những sai lầm của ông Nguyễn Hòa Bình.
Vậy ông Bình đã sai những gì?
Thứ nhất, ông Bình đã không chủ động báo cáo Ban Nội Chính T.Ư, không báo cáo lên lãnh đạo Đảng, Chính phủ để tìm một cách xử lý khác, đó là : Tòa và Viện, Công an cùng ngồi với nhau, dưới sự chủ trì của Ban Nội chính để giải quyết vụ án.
Ông Bình đã lộ rõ sự cay cú, muốn ” ăn thua” với ông Trí, và ông quá tự tin về trình độ của các thẩm phán.
Nhưng ông hoàn toàn không để ý thấy rằng : 17 thẩm phán của Hội đồng xét xử Giám đốc thẩm thì 16 người đều là những người chưa từng xử án hình sự.
Vì thế, họ không biết cách phân tích chứng cứ, mà chỉ biết dựa theo những gì đã có trong hồ sơ.
Thứ hai: Chọn thời điểm xử vụ án trước Hội nghị T.Ư 12 và trước kỳ họp quốc hội là việc làm thiếu khôn ngoan bởi chỉ một sai sót nhỏ cũng sẽ trở thành vấn đề “chính trị” và dễ bị suy diễn.
Thứ ba: Ông Bình cho bưng bít thông tin ngay từ đầu, bằng cách chỉ cho báo Công lý được dự, còn báo của Viện KS, Công An, Bộ Tư pháp, Hội Luật sư…đều bị cấm hết. Việc bưng bít thông tin, và chỉ cung cấp thông tin theo hướng có lợi cho mình đã biến phiên tòa trở nên mất dân chủ.
Thứ tư: Khi bị dư luận phản ứng thì một số thẩm phán đã có phát ngôn rất thiếu chuẩn mực, đồng thời, sử dụng một vài báo “thân quen” lên tiếng bảo vệ, nhưng lại không đếm xỉa đến dư luận xã hội. Thậm chí rất dại dột khi chỉ trích Đại biểu Quốc hội.
Và thứ năm: Chọn cách đối đầu với Viện Kiểm sát là một sai lầm “chết người” của ông Bình, bởi lẽ, ông Bình không đủ bình tĩnh để phân tích về pháp luật bản kháng nghị của VKS.
Bây giờ, ông Bình đã tự ngồi vào đống rơm và tự châm lửa đốt mình. Sự nghiệp chính trị của ông rất có thể coi như chấm dứt ở đây. Không ai có thể bầu cho một người bị gần như cả xã hội coi khinh.” Đảng viên Phúc Tuệ đưa ra kết luận.
Nhà báo Vũ Hữu Sự nhận xét rằng: “Xem xét toàn diện quá trình giám đốc thẩm vụ án, tôi nhận thấy ngài PGS-TS, chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình có trình độ tương đương với một sinh viên năm thứ nhất của trường trung cấp pháp lý, loại trường chỉ tồn tại ở nước ta gần 30 năm trước“.
LS Phạm Quốc Bình nhận xét một cách chua chát rằng: “Vụ án này, tất cả đều căn cứ vào con số 0. Không có chứng cứ. Không có tang chứng vật chứng. Tóm lại là không có gì sất! Vậy mà chúng nó 17 đứa, đồng loạt giơ dao chém thằng bé”.
Cử tri và người dân khắp cả nước, trong đó có cả những nhà chuyên môn, nguyên là Thẩm phán TAND tối cao, chuyên gia luật, giáo viên… đều cho rằng, với những chứng cứ và lập luận mang tính chủ quan, áp đặt, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã phán quyết đồng tình với hai bản án bị dư luận phản đối mạnh mẽ hơn chục năm, để dễ dãi kết án tử một con người.
Đặc biệt, dư luận cho rằng, phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội và đã dựa trên tư duy, quan niệm mang tính buộc tội, vấn đề “cấm kỵ” trong lĩnh vực hình sự.
Mặc dù công nhận nhiều sai sót mang tính mấu chốt trong quá trình điều tra, nhưng lại cho rằng sai sót đó “không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án“. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra sự đồng cảm với suy nghĩ của rất nhiều người khác.
Trên facebook cá nhân có 200 ngàn người theo dõi, nhà báo Bạch Hoàn viết rằng: “Cơn bão phẫn nộ, cơn mưa gạch đá, nước bọt và làn sóng căm phẫn của rất nhiều người quan tâm đến thế sự và khát khao công lý đang ném thẳng về phía ông Nguyễn Hoà Bình, chánh án Toà án Nhân dân Tối cao.”
“Ông Bình là nhân vật có sự nghiệp chính trị với dấu ấn đặc biệt là ra quyết định không huỷ bản án sơ thẩm, phúc thẩm đối với Hồ Duy Hải, bằng luận điệu tuy điều tra sai phạm nhưng bản chất vụ án không thay đổi.
Từ chuyện nhà cửa đất đai, tuổi tác, đến những câu nói có vẻ hay mà làm thì như mèo mửa của ông Bình đều đang bị lột truồng rồi phơi bày ra dư luận.
Nhiều ý kiến ngờ vực rằng, có thể có bàn tay này, mưu đồ kia muốn “đánh” ông Nguyễn Hoà Bình. Tôi thực không quan tâm vấn đề ấy. Trong hệ thống chính trị này, tôi hoàn toàn không đặt nặng nhẹ ai lên ai xuống, người đi kẻ ở ra sao. Ai nắm quyền, ai thất thế, tôi vẫn là một phận dân nhỏ bé như tất cả các anh chị và các bạn.
Tuy nhiên, vì còn sống nên ta cần làm gì đó.
Tôi từng là nhà báo. Dù đã rời khỏi hệ thống báo chí nhà nước, thì trong tôi vẫn còn những trăn trở của một người cầm bút. Đó là chưa kể, làm người sao có thể nín câm? Vì lẽ đó, thứ mà tôi luôn theo đuổi chỉ đơn giản là lên tiếng trước bất công và vô lý, cổ vũ cho những cải cách và tiến bộ xã hội.
Nhân sự việc của ông Nguyễn Hoà Bình, tôi muốn nói rằng, tôi sẽ kiên trì viết, kiên trì phê phán và không ngừng đòi hỏi phải tôn trọng các nguyên tắc thực thi pháp luật, phải cải cách tư pháp, phải để công lý thực sự là công lý – đó là mang đến lẽ phải, lẽ công bình.
Đơn giản là vì những gì ông ấy làm đã xâm phạm thô bạo vào những giá trị mà tôi khát khao và xây dựng.
Tôi không phục vụ cho phe nhóm chính trị, nhưng tôi luôn sẵn sàng dùng ngòi bút của mình phục vụ cho các giá trị mà tôi theo đuổi.” Nhà báo Bạch Hoàn đưa ra quan điểm.
Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Thái Vĩnh Thắng, cựu Chủ nhiệm khoa Pháp Luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội, từng tu nghiệp và lấy bằng Thẩm phán của trường Thẩm phán quốc gia Cộng hòa Pháp tại Bordeaux. Ông Thắng đưa ra nhận định trong bài viết mang tựa đề: “Nếu không hủy bản án Giám đốc thẩm Hồ Duy Hải, uy tín của nền tư pháp Việt nam sẽ bị sụp đổ”.
Bản án giám đốc thẩm về vụ án giết người mà bị cáo là Hồ Duy Hải bị buộc tội và bị kết án tử hình cần phải bị hủy bỏ, niềm tin của người dân Việt Nam vào công lý sẽ sụp đổ hoàn toàn nếu bản án này không được hủy bỏ. Bản án này đã gây nên sự bức xúc và phẫn nộ trong xã hội, nhất là những người quan tâm đến công bằng, công lý, hiến pháp, nhà nước pháp quyền và quyền con người. Bản án giám đốc thẩm đã mắc những sai lầm trầm trọng sau đây:
1. Vi phạm nguyên tắc hồi tỵ, theo đó chánh án Nguyễn Hòa Bình không thể tham gia xét xử phiên tòa này vì ông đã từng tham gia vụ án này với tư cách Viện trưởng VKSND tối cao ký quyết định không kháng nghị bản án phúc thẩm.
2. Vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội, khi không có nhân chứng hoặc vật chứng chứng minh Hồ Duy Hải phạm tội thì phải coi như Phạm Duy Hải vô tội.
3. Kết luận sai về sự vi phạm luật tố tụng của cơ quan điều tra mà lại không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án. Pháp luật tố tụng hiện đai của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đều quy định việc điều tra, truy tố, xét xử phải đúng quy định của pháp luật, bất kỳ vi phạm nào trong quá trình điều tra đều dẫn đến phải hủy bỏ kết quả điều tra.
Trong vụ trọng án giết hai mạng người mà tang vật vụ án: dao, thớt không được giữ lại, phải mua lại ở chợ để làm vật tương tự, mẫu máu lấy được ở hiện trường không đem đi xét nghiệm ngay, sau một tháng mới xét nghiệm nên không có kết quả rõ ràng, buộc tội Hồ Duy Hải nhưng dấu vân tay ở hiện trường không trùng với dấu vân tay của Hồ Duy Hải. Kẻ thủ ác thuận tay trái nhưng Hồ Duy Hải thuận tay phải ( tình tiết mới do Luật sư mới phát hiện ra)
4. Vi phạm nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo và không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa.
Trong trường hợp vụ án này, cơ quan điều tra vụ án có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, khả năng sửa án, hủy án là việc mà Tòa án tối cao không thể không nhìn thấy, nhưng lại không triệu tập bị cáo, có triệu tập luật sư nhưng luật sư không được tham gia phần tranh biện. Phải đợi đến khi có đề nghị của đoàn luật sư, luật sư bào chữa mới được gọi lai đến phiên tòa. Như vậy đã không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa.
5. Không tạo điều kiện tốt nhất để đảm bảo nguyên tắc độc lập của thẩm phán.
Chúng ta rất rõ rằng, hình thức thể hiện ý chí của các thẩm phán trong Hội đồng thẩm phán TANDTC sẽ ảnh hưởng đến quyết định của họ. Chỉ có bỏ phiếu kín các thẩm phán mới thể hiện đúng ý nguyện của mình. Việc biểu quyết công khai sẽ buộc các thẩm phán phải nghiêng về ý kiến của Chánh án vì làm trái ý của thủ trưởng sẽ gây cho họ khó khăn trong công việc về sau này. Hơn nữa chúng ta đều biết rằng việc tiến từ biểu quyết công khai đến bỏ phiếu kín là một bước tiến bộ trong chế độ dân chủ. Vì thế các nguyên tắc bầu cử của chúng ta là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Việc loại bỏ hình thức bỏ phiếu kín mà chọn biểu quyết công khai rõ ràng đã hạn chế tính độc lập của thẩm phán.
Những vi phạm và sai lầm trên đây ở cấp giám đốc thẩm của TANDTC rõ ràng là không thể chấp nhận được. Đề nghị Quốc hội cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện chức năng giám sát của mình để khắc phục sai lầm trên đây của Hội đồng thẩm phán TANDTC.
VKSND tối cao đề nghị 6 việc phải làm khi điều tra lại, nhằm tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Tham gia phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, đại diện VKSND tối cao cho biết, căn cứ để Viện trưởng VKSND tối cao quyết định kháng nghị bản án là bởi trong hai bản án còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ: Thời gian xuất hiện của Hồ Duy Hải tại bưu điện Cầu Voi; Khám nghiệm tử thi chưa làm rõ thời gian tử vong của nạn nhân; Về những vật chứng, dao, thớt, ghế được mua về để thay thế là không đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, việc tài liệu tố tụng đưa ra ba con dao không nhất quán về mặt kích thước, thì không thể khẳng định con dao nào là công cụ gây án. Nhận định về mẫu than tro của việc đốt quần áo và dây lưng của Hải còn mơ hồ. Bên cạnh đó, quá trình tố tụng cũng chưa làm rõ việc bưu điện Cầu Voi hôm xảy ra án mạng có bị mất nước hay không; cũng như chưa làm rõ được việc bán tài sản mà Hải lấy của nạn nhân, mới chỉ dựa vào lời khai của Hải.
Cũng theo đại diện VKSND tối cao, có nhiều tình tiết phải chứng minh theo quy định của pháp luật nhưng không được làm rõ: Việc lấy dấu vân tay ở hiện trường phải truy nguyên nhưng chưa được làm rõ, chưa lí giải được vì sao lại có nhiều mẫu dấu vân tay của nhiều người ở hiện trường nhưng lại không có dấu vân tay của Hồ Duy Hải. Cơ quan điều tra chưa làm rõ được cơ chế hình thành vết thương ở trên vùng mặt và đầu của nạn nhân, hai vết thương trên cổ của nạn nhân giống nhau cả về độ sâu và chiều dài của vết cắt. Đồng thời, theo lời khai của nhân chứng thì khu vực bếp ăn có 2 con dao nhưng không được thu giữ, không có trong bản ảnh…
Đại diện VKSND tối cao cũng nhấn mạnh, trong phiên giám đốc thẩm, Chủ tọa và Điều tra viên đều thừa nhận có nhiều vi phạm về tố tụng, như: Vi phạm việc khám nghiệm hiện trường không thu giữ vật chứng; Không truy nguyên dấu vân tay; Không trưng cầu thời điểm chết của nạn nhân; Không đưa biên bản, lời khai không nhận tội của bị cáo vào hồ sơ; các lời khai nhân chứng Đinh Vũ Thường, Nguyễn Văn Nghị, Phùng Phụng Hiếu, Nguyễn Mi Sol. Một số biên bản nhận dạng không có người chứng kiến. Một số biên bản lời khai, hỏi cung của bị cáo không có ký xác nhận; Ghi nhận sai mã số ghế.
Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị có 6 việc phải làm khi điều tra lại. Đó là thực nghiệm lại điều tra hiện trường; xác định dấu vân tay là của ai và các đối tượng tình nghi; trưng cầu giám định thời điểm nạn nhân chết; làm rõ cơ chế gây thương tích; xác định rõ hơn động cơ, mục đích gây án; bổ sung vào hồ sơ vụ án những tài liệu, chứng cứ đang có trong hồ sơ nghiệp vụ của cơ quan điều tra.
VKSND tối cao khẳng định có đủ căn cứ và thấy cần thiết kháng nghị 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm, để làm rõ mâu thuẫn, thiếu sót trong tố tụng. Những vấn đề trên cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm./.
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)