Vụ Hồ Duy Hải lại xuất hiện thêm những tình tiết mới khiến cho sự suy đoán về vụ án ngày càng rối ren.
Những sơ suất kỳ lạ đối với vật chứng quan trọng như con dao, cái thớt, chiếc ghế, nay lại thêm một tờ báo cũng biến mất và đặc biệt là có một chiếc xe Novo có mặt tại hiện trường nhưng hồ sơ vụ án không đưa ra nhận định.
Tất cả những vật chứng cực kỳ quan trọng này biến mất cùng lúc, trong khi đó 10 dấu vân tay của Hồ Duy Hải lại không hề xuất hiện trong hiện trường.
Lỗi sơ đẳng đến mức ngớ ngẩn của cơ quan điều tra đang dẫn dắt chúng ta đến suy đoán rằng đây không phải là hành động sơ ý do yếu kém nghiệp vụ mà ngược lại, các chứng cứ này đã bị ai đó cố ý tiêu hủy và đây là một âm mưu xóa dấu vết tội phạm để đem Hồ Duy Hải vào đánh tráo cho một nhân vật khác.
Điều kỳ lạ hơn là tư duy của 17 vị thẩm phán tối cao cũng ở mức độ ngây ngô cùng đẳng cấp với nhóm điều tra viên và các vị Kiểm sát viên Thẩm phán của hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm.
Các bí ẩn của vụ án hầu như đã hé mở đến 95% khi còn một chiếc xe Novo xuất hiện mà không thấy hồ sơ đưa ra kết luận…
Cùng với những ảnh chụp hiện trường của vụ án, thông tin được nhà báo Trương Châu Hữu Danh đưa ra tối 19/5/2020 trên Facebook cá nhân với tựa đề:
CHẤN ĐỘNG: CHIẾC GHẾ ĐẦY MÁU Ở BƯU ĐIỆN CẦU VOI BIẾN MẤT!
Trong vụ án Bưu điện Cầu Voi, con dao và cái thớt đã bị đốt mất, phải ra chợ mua về mô phỏng. Và có một vật chứng cực kỳ quan trọng, là cái ghế dính đầy máu ở chân ghế, đã bị tráo đổi và tang vật thật… biến mất!
Cái ghế bị đánh tráo, suốt 6 năm không ai hay biết. Mãi đến ngày 19/12/2014, bà Lê Thị Nga (Phó Chủ nhiệm ủy ban tư pháp của Quốc hội) kiểm tra, và mới phát hiện có vi phạm nghiêm trọng quy định về thu thập, đánh giá chứng cứ.
Theo báo cáo của bà Nga, ghế trong biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 14/1/2008 mã số HPN2 447052, tem rách góc nhỏ bên phải phía dưới, còn ghế trong biên bản tạm giữ đồ vật ngày 25/3/2008 có tem HPM2 44705; kích thước khác nhau!
Như vậy, mã số chỉ khác chữ N – M, và ghế tạm giữ thiếu số 2, nếu không tinh ý sẽ không phát hiện nổi trong cả ngàn bút lục.
Vậy mà bà Nga lại phát hiện ra!
Và thật kỳ lạ, bản ảnh cái ghế hôm nay đã xuất hiện! Một chân ghế dính đầy máu. Như vậy, cái ghế bị mất và cái ghế xuất hiện trong bản ảnh, đã cho thấy bản án sai, bởi nếu dùng mặt ghế để tấn công nạn nhân thì các hạt cơm phải rơi ra khỏi mặt ghế, và nếu có dính máu thì máu phải dính mặt ghế. Trong khi đó, chân ghế và thanh ngang lại dính máu.
Như vậy, Hồ Duy Hải đã tưởng tượng ra lời khai và khai sai với hiện thực khách quan. Điều này cũng vô lý như lời khai giắt dao vào trước bụng và rượt đuổi tấn công nạn nhân.
Ông Lưu Bình Nhưỡng đã nắm rất nhiều thông tin quan trọng và ông nói vui: “Vụ án này, với các tình tiết mới, không chỉ đủ tái thẩm mà con đủ ninh nhừ thẩm, xử lý các sai phạm”.
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh đưa ra thêm thông tin rằng:“Với cái chân ghế đầy máu, và với tấm thớt đầy máu, cùng lời khai có một chiếc xe Novou đậu tại bưu điện, tôi nghĩ hung thủ đã được xác định rồi.”
“Chiếc Nouvo ở thời điểm năm 2008, ở thôn quê, nếu bạn muốn biết của ai, thì dễ lắm. Bây giờ có lẽ hung thủ nên tự thú thì hơn!
P/S: Các bạn hãy xem tấm ảnh của Báo Công Lý, Hồ Duy Hải cầm chân ghế để thực nghiệm, trong khi hiện trường thật thì chân ghế đầy máu.” ông Danh nói.
Facebook Thắng Thế Lê đưa ra lời bình có tính gợi mở rằng:
“Cái chân ghế đầy máu, mặt và tựa sạch bong, hạt cơm còn dính trên đó – nhưng thực nghiệm hiện trường thì cho thấy Hải “đã làm” ngược lại. Ấy là chưa bàn việc con dao giắt như kia lùa nhau đánh vật thì là thánh chứ không phải người.
Thớt, dao ghế – và nay là cả tờ báo đều bị hủy. Theo một lời khai, hiện trường còn có một chiếc xe Nouvo. Nó có không? Và là của ai? Và vì sao, hiện trường, nội dung bản án lại “phải” rối ren như vậy?”
Nhà báo Trần Đình Thu thì nói huỵch tẹt ra luôn rằng:
“TẤM THỚT ĐẪM MÁU, CHIẾC GHẾ ĐẪM MÁU KẾ BÊN NẠN NHÂN, CÓ THÊM TỜ BÁO ĐANG LĂN LÓC NỮA MÀ NÓI KHÔNG TÌM RA DẤU VÂN TAY HUNG THỦ LÀ NÓI LÁO
Không ai tin là điều tra viên không nghĩ đến việc phải lấy dấu vân tay hung thủ ở tấm thớt, chiếc ghế đẫm máu hay tờ báo nằm lăn lóc bên xác nạn nhân. Mọi sinh viên năm thứ nhất trong trường công an đều biết phải lấy dấu vân tay hung thủ ở mấy chỗ đó mà bảo là các điều tra viên của Long An không biết thì đứa trẻ con nào tin?
Khẳng định: Dấu vân tay đã được lấy nhưng nó đã bị hủy đi, các vật chứng thì bị ngang nhiên cho đốt đi.
Và dấu vân tay đó không phải là của Hồ Duy Hải vì nếu của Hải thì nay mồ Hải đã xanh cỏ lâu rồi. Vậy thôi.”
Viện trưởng Viện KSND tối cao đã gửi báo cáo đến Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải.
Các nội dung chính của bản báo cáo này được tóm tắt như sau:
Báo cáo nhận định, đây là vụ án giết người cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là tử hình, nhưng chứng cứ buộc tội chủ yếu là lời khai của bị cáo và không có chứng cứ vật chất trực tiếp.
Trong khi lời khai của bị cáo không nhất quán và mâu thuẫn với nhau (lúc nhận tội, lúc kêu oan) và mâu thuẫn với các tài liệu chứng cứ khác, nhiều tình tiết chưa được làm rõ và nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình điều tra.
Báo cáo nêu những vấn đề chưa được làm rõ như:
+ Việc mâu thuẫn về việc sử dụng thời gian của Hồ Duy Hải thể hiện Hải không thể có mặt ở bưu điện trước thời điểm nhân chứng Thường đến gọi điện thoại, nội dung này rất quan trọng nên phải hủy án để thực nghiệm điều tra lại;
+ Chưa làm rõ thời điểm chết của 2 nạn nhân để xác định Hồ Duy Hải có phải là hung thủ không, nên cần phải hủy án để trưng cầu giám định thời điểm chết thông qua tài liệu khám nghiệm (thức ăn trong dạ dày và dấu vết hoen tử thi);
+ Chưa làm rõ cơ chế gây ra vết thương trên cơ thể nạn nhân, về con dao mà bị cáo mô tả có khả năng gây ra vết thương đó không;
+Chưa làm rõ được động cơ gây án của đối tượng vì bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết luận về động cơ gây án chưa phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án;
+ Bỏ ngoài hồ sơ nhiều tài liệu quan trọng như lời khai ban đầu của bị cáo, lời khai nhân chứng, thu giữ dấu vân tay…
Viện KSND tối cao cho rằng cần hủy án để bổ sung các tài liệu này vào hồ sơ.
Báo cáo của Viện KSND tối cao cho rằng những vi phạm trên là vi phạm về nội dung do điều tra không đầy đủ và vi phạm về tố tụng, vì vậy đã ảnh hưởng đến giá trị chứng minh của chứng cứ, cần phải điều tra lại để thu thập thêm chứng cứ và khắc phục những thiếu sót, vi phạm nhằm giải quyết vụ án đúng pháp luật.
Đồng thời báo cáo của Viện KSND tối cao cũng nêu thêm, tại phiên tòa giám đốc thẩm, HĐTP TAND tối cao đã kết luận những vi phạm đó chỉ là sai sót về tố tụng và không làm thay đổi bản chất vụ án là trái nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự như: nguyên tắc “suy đoán vô tội“, nguyên tắc “xác định sự thật trong vụ án“, nguyên tắc “tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra“, nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung“.
Những vi phạm nêu trên sẽ tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết các vụ án sau này, đó là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nhưng vẫn kết luận có tội với lập luận có vi phạm nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án.
Ngoài việc khẳng định kháng nghị của Viện KSND tối cao là cần thiết, báo cáo cũng khẳng định kháng nghị này là đúng pháp luật và đúng thẩm quyền. Về quyết định bác đơn ân giảm của Chủ tịch nước, Viện KSND tối cao cho rằng: “Quyết định ân giảm mang tính chất nhân đạo bởi đơn xin ân giảm hình phạt tử hình là quyền của người bị kết án tử hình, là hình phạt nặng nhất kết thúc cuộc đời họ“.
Theo viện, quyền này được trao cho tử tù trong thời điểm bản án tử hình đã có hiệu lực pháp luật. Người bị tử hình có thể xin hoặc không xin ân giảm. Việc Chủ tịch nước quyết định bác hay chấp nhận đơn xin ân giảm không tác động đến tính sai đúng của bản án.
Khi Chủ tịch nước chấp nhận đơn ân giảm không có nghĩa là bản án tử hình sai, mà chỉ là quyết định có tính chất nhân đạo của Chủ tịch nước ân giảm hình phạt, cho tử tù cơ hội sống và hoàn lương. Không có quy định khi có quyết định bác đơn xin ân giảm tử hình thì chấm dứt các thủ tục tố tụng sau này.
Báo cáo của viện trưởng Viện KSND tối cao cũng khẳng định quy định của pháp luật hiện hành không có bất kỳ một điều khoản nào hạn chế quyền kháng nghị giám đốc thẩm của viện trưởng Viện KSND tối cao.
Kháng nghị của Viện KSND tối cao ngày 22-11-2019 căn cứ vào khoản 2 điều 371, điều 173 của Bộ luật tố tụng hình sự về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo đó, việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, kể cả khi người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
Cho nên, kể cả trường hợp bác đơn ân xá, giảm án tử hình của Chủ tịch nước đối với Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, kháng nghị của viện trưởng Viện KSND tối cao theo hướng có lợi cho Hồ Duy Hải có thể được thực hiện bất cứ lúc nào.
Sẽ kiến nghị xem xét lại theo thủ tục đặc biệt
Về việc HĐTP cho rằng sau khi Chủ tịch nước bác đơn ân xá rồi có công văn yêu cầu hoãn thi hành án tử hình của Hồ Duy Hải thì công văn này là công văn hành chính. Báo cáo của Viện KSND tối cao nêu rõ trước khi kháng nghị, viện trưởng Viện KSND tối cao đã có báo cáo xin ý kiến Chủ tịch nước, đề nghị Chủ tịch nước tiếp tục tạm dừng thi hành án tử hình Hồ Duy Hải để xem xét kháng nghị.
Viện cũng đề nghị Văn phòng Chủ tịch nước tiếp tục tham mưu cho Chủ tịch nước giải quyết “Quyết định bác đơn ân giảm của Hồ Duy Hải“, để bảo đảm hiệu lực pháp luật khi viện trưởng Viện KSND tối cao ban hành kháng nghị giám đốc thẩm.
Sau đó, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước nêu: “Đề nghị viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải“.
Do đó, viện trưởng Viện KSND tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm trong trường hợp này là đúng thẩm quyền theo luật định, thể hiện trách nhiệm của viện trưởng Viện KSND tối cao theo chỉ đạo của Chủ tịch nước là xem xét, làm rõ trường hợp của Hồ Duy Hải có bị kết án oan sai không, bảo đảm thận trọng, chắc chắn trước khi kết tội và áp dụng hình phạt tử hình với bị cáo.
Với quan điểm như trên, báo cáo khẳng định viện trưởng Viện KSND tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm kháng nghị và sẽ kiến nghị HĐTP TAND tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm ngày 8-5, theo thủ tục đặc biệt quy định tại điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự.
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)