Trong lúc Chính phủ Nhật Bản đã dành riêng hàng tỷ USD trong một gói kích thích kinh tế lịch sử để khuyến khích các hãng xưởng Nhật rời Trung Quốc thì bên kia Thái Bình Dương, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cùng nhiều cơ quan liên bang khác đang yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên Bang (FCC) hủy giấy phép hoạt động của China Telecom tại Hoa Kỳ.
2,2 tỷ USD là số tiền mà Nhật Bản trích từ gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển quy trình sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn.
Tờ South China Morning Post cho hay, theo kế hoạch được đăng trực tuyến, 220 tỷ yên (2 tỷ USD) sẽ được dùng để giúp các công ty chuyển nhà máy sản xuất về Nhật Bản và 23,5 tỷ yên để giúp các công ty muốn chuyển việc sản xuất sang nước khác.
Hội đồng của chính phủ về đầu tư trong tương lai vào tháng trước đã thảo luận về nhu cầu sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao được chuyển về Nhật Bản và sản xuất các hàng hóa khác được đa dạng hóa khắp Đông Nam Á.
Chuyên gia kinh tế Shinichi Seki thuộc Viện nghiên cứu Nhật Bản cho biết: “Sẽ có một sự chuyển đổi”. Ông tiết lộ thêm rằng một số công ty Nhật Bản sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc để xuất khẩu đang cân nhắc chuyển khỏi nước này. Ông nói : “Có được ngân sách chắc chắn sẽ là động lực lớn. Các công ty, chẳng hạn như các hãng sản xuất xe hơi, đang sản xuất cho thị trường nội địa Trung Quốc, có thể sẽ ở lại”.
Động thái mới của Nhật Bản được cho là sẽ làm nóng các cuộc tranh luận về việc công ty Nhật giảm phụ thuộc trong lĩnh vực sản xuất vào Trung Quốc.
Khi được hỏi về mối quan hệ song phương Trung – Nhật, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết trong một cuộc họp báo hôm 8/4 tại Bắc Kinh: “Chúng tôi đang cố gắng hết sức mình để hồi phục kinh tế. Trong quá trình này, chúng tôi hy vọng là các quốc gia khác cũng sẽ hành động như Trung Quốc và thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm nền kinh tế thế giới và chuỗi cung ứng ít bị ảnh hưởng nhất có thể.’’
Nhật Bản và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn của nhau.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Các công ty Nhật Bản từ lâu đã xây dựng một chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, với nhiều sản phẩm hoàn chỉnh được xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Nhật Bản đã giảm gần một nửa trong tháng 2 do ảnh hưởng của dịch viêm phổi Vũ Hán khiến các nhà máy Trung Quốc phải đóng cửa. Điều này khiến các nhà sản xuất Nhật Bản thiếu các thành phần cần thiết để vận hành quy trình sản xuất.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng là nhà xuất khẩu lớn sang Trung Quốc các mặt hàng như bộ phận và hàng hóa thành phẩm một phần. Một cuộc khảo sát hồi tháng 2 của Tokyo Shoko Research cho thấy 37% trong số hơn 2.600 công ty tham gia khảo sát đang đa dạng hóa mua bán đến những nơi khác ngoài Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán diễn biến ngày càng phức tạp.
Ngay trước đó, khi mà dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán chưa xuất hiện, Nikkei đã tiến hành cuộc khảo sát hồi tháng 9/2019 với khoảng 1.000 quản lý cao cấp các công ty Nhật Bản có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc. Theo đó, 23,9% người trả lời cho biết công ty của họ sẽ thu hẹp hoạt động tại Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc leo thang và mức lương của người lao động Trung Quốc tăng cao.
Trên thực tế, khá nhiều công ty Nhật Bản đã tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu mà họ đã xây dựng trong nhiều năm qua tại Trung Quốc. Vào tháng 7/2019, nhà sản xuất máy chơi game cầm tay Nintendo tìm cách dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Công ty Ricoh đã chuyển sản xuất máy photocopy cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Thái Lan. Công ty Kyocera đang chuyển sản xuất tại Trung Quốc sang Việt Nam. Fast Retailing, công ty sở hữu thương thiệu thời trang Uniqlo, cũng chuyển sản xuất tại Trung Quốc sang Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á.
Thời gian gần đây, mối quan hệ thường xuyên lạnh nhạt giữa Trung Quốc và Nhật Bản dường như có phần ấm lên đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán bùng phát ở Trung Quốc.
Theo dự kiến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản vào đầu tháng tư này. Tuy nhiên, chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo Trung Quốc tới Nhật Bản trong một thập kỷ qua đã bị hoãn lại do đại dịch viêm phổi Vũ Hán và ngày diễn ra chuyến thăm thay thế vẫn chưa được sắp xếp.
Trong thời điểm Trung Quốc phải vật lộn đối phó với dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán bùng phát, Nhật Bản viện trợ ngay cho nước này khẩu trang và đồ bảo hộ. Lô hàng viện trợ từ Nhật còn được gửi kèm theo một đoạn thơ cổ của Trung Quốc để thể hiện thành ý của đất nước mặt trời mọc. Nghĩa cử này của Tokyo đã nhận được lời khen ngợi từ Bắc Kinh.
Tiếp đó, Trung Quốc cũng tuyên bố Avigan, một loại thuốc chống virus do công ty Nhật Bản Fujifilm Holdings sản xuất là một phương pháp điều trị viêm phổi Vũ Hán hiệu quả, mặc dù loại thuốc này vẫn chưa được người Nhật chấp thuận sử dụng điều trị cho dịch bệnh này.
Tuy nhiên, nhiều người Nhật đã đổ lỗi cho Trung Quốc đã có những hành động sai lầm khi dịch mới bùng phát và họ cho rằng tình hình dịch bệnh căng thẳng tại Nhật là do Thủ tướng Abe không ngăn du khách Trung Quốc vào Nhật Bản sớm hơn.
Trong khi đó, các vấn đề khác gây chia rẽ hai nước như tranh chấp các đảo trên Biển Hoa Đông vẫn chưa có được tiếng nói đồng thuận của đôi bên. Các tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục tuần tra quanh các đảo do Nhật Bản quản lý trong suốt đại dịch. Nhật Bản cho biết bốn tàu Trung Quốc hôm 8/4 đã đi vào lãnh hải nước này.
Trong khi đó, hãng tin Reuters tiết lộ Bộ Tư Pháp Mỹ cho biết Mỹ có thể ngăn chặn Công ty Viễn thông China Telecom hoạt động tại thị trường nước này vì các lý do an ninh và pháp lý.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi các cơ quan chủ chốt trong Chính phủ Mỹ gồm các bộ Tư pháp, Quốc phòng, Ngoại giao, An ninh Nội địa, Thương mại và Cơ quan đại diện Thương mại Mỹ khuyến nghị Ủy ban Thông tin liên lạc liên bang Mỹ (FCC) thu hồi hoặc chấm dứt hiệu lực giấy phép cấp cho chi nhánh của China Telecom ở Mỹ.
Đài CNBC của Mỹ tường thuật rằng lý do được các cơ quan Mỹ nêu ra là những “rủi ro an ninh quốc gia không thể chấp nhận được”.
Ông John Demers, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, nói : “An ninh quốc gia và sự an toàn của các dữ kiện riêng tư nhất của chúng ta tùy thuộc vào sự chọn lựa các đối tác đáng tin cậy từ các nước chia sẻ các giá trị của chúng ta cũng như những hoài bão của chúng ta cho nhân loại. Hành động ngày hôm nay chỉ là một bước kế tiếp trong việc bảo đảm an ninh cho của các hệ thống viễn thông của Mỹ.”
Các cơ quan chính phủ Mỹ nói để China Telecom tiếp tục hoạt động sẽ phương hại tới an ninh quốc gia và việc thực thi pháp luật.
Họ cáo buộc China Telecom che đậy sự thực với chính phủ và công chúng Mỹ, và bày tỏ lo ngại về “vai trò của Trung Quốc trong các hoạt động xấu trên mạng nhắm vào Hoa Kỳ’’. Mặt khác cho rằng China Telecom dễ dàng bị Bắc Kinh “khai thác, gây ảnh hưởng và kiểm soát.”
China Telecom được đề cập ở đây là chi nhánh tại Mỹ của công ty viễn thông cùng tên thuộc sở hữu của Trung Quốc.
Tập đoàn China Telecom của nhà nước Trung Quốc là nhà cung cấp dịch vụ mạng di động lớn thứ 2 của Trung Quốc với một hệ thống mạng di động và băng thông rất rộng lớn.
China Telecom – châu Mỹ bán dịch vụ di động cho khách hàng Trung Quốc sinh sống hoặc du lịch ở Hoa Kỳ.
Tập đoàn này được FCC cấp phép hoạt động từ năm 2007 nhưng Bộ Tư pháp Mỹ nói tập đoàn này không tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hiện hành với Bộ.
Nếu khuyến nghị rút giấy phép của China Telecom được chấp thuận, hàng trăm triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ điện thoại di động và internet của China Telecom có thể mất kết nối với Mỹ cũng như kết nối qua Mỹ.
Tuyên bố này được đưa ra khi Mỹ đang trong giai đoạn “xem xét” giấy phép của China Telecom và China Unicom.
Năm ngoái, hai thượng nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu FCC xem xét phê duyệt China Telecom và China Unicom để cho phép hai nhà mạng này hoạt động tại Mỹ.
Tháng 5 năm ngoái, FCC đã bỏ phiếu nhất trí từ chối công ty trực thuộc nhà nước Trung Quốc khác là China Mobile và tuyên bố không cấp quyền cung cấp dịch vụ cho họ tại Mỹ, với lý do lo ngại các rủi ro khi mà chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng nhà mạng này để đưa các hoạt động gián điệp chống lại chính phủ Mỹ.
Lời kêu gọi đòi hủy giấy phép hoạt động của China Telecom là động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump trong cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ với Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực viễn thông.
Trước đó, Hoa Kỳ đã đưa vào danh sách đen tập đoàn sản xuất thiết bị mạng lớn nhất thế giới – Huawei, và hạn chế tập đoàn tiếp cận công nghệ của Mỹ. Mỹ cho rằng Bắc Kinh có thể dùng các thiết bị của Huawei để thu thập tin tức tình báo.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã lập cơ quan liên bộ để đánh giá các nguy cơ an ninh quốc gia từ các công ty viễn thông nước ngoài hoạt động tại thị trường Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối bất kỳ hành động nào của Mỹ nhằm tước bỏ giấy phép của China Telecom cung cấp dịch vụ viễn thông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh Mỹ cần ngừng việc chính trị hóa các vấn đề kinh tế.
Qua đại dịch viêm phổi Vũ Hán, các nước trên thế giới đã nhận ra sự bất an khi dồn về Trung Quốc đầu tư, nó càng rủi ro hơn khi đây là một nhà nước theo thể chế CNCS độc tài và bưng bít thông tin.
Hàng ngàn người Trung Quốc tử vong về dịch bệnh mà đây mới chỉ là con số mà chính quyền Trung Quốc đã giảm bớt đi rất nhiều so với thực tế, gần nửa triệu công ty phải đóng cửa, nền sản xuất bị đình trệ nghiêm trọng và đặc biệt là nền kinh tế thứ 2 thế giới này đã, đang và sẽ phải chứng kiến ‘sự tháo chạy’ của hàng loạt các doanh nghiệp nước ngoài khỏi đây.
Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung không vì dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán mà bị dừng lại, thậm chí còn tiếp tục leo thang.
Đây cũng là một cơ hội tốt để nhà cầm quyền Việt Nam đón nhận các công ty sang đầu tư, nhưng hiệu quả và độ bền của tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng của đất nước sẽ tốt hơn nhiều, khi Hà Nội dũng cảm thực hiện Dân chủ hóa và Tự do cho trên 90 triệu người dân Việt Nam.
Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)