Trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán lan rộng trên toàn cầu thậm chí một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã ban bố lệnh giới nghiêm nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, nên đi đâu và làm gì trong mùa dịch có lẽ là câu hỏi mà nhiều người đặt ra nhất trong thời gian này.
Có một nơi để về, đó là nhà bởi nơi đó có những người để yêu thương. Đó là lý do mà phần lớn những du học sinh trên khắp thế giới đổ về nước trong thời điểm dịch bệnh lây lan trên toàn cầu.
Các bậc phụ huynh đang có con du học nước ngoài luôn thường trực mối lo âu lớn khi dịch bệnh đang hoành hành mọi ngóc ngách trên khắp hành tinh này, trong đó Châu Âu, Mỹ và Úc đều đã có nhiều ca nhiễm bệnh và nhất là khi các nước phương Tây có cách xử lý bệnh khác với châu Á.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, ngày 15/3 nhóm “Cộng đồng cha mẹ du học sinh Việt Nam chống viêm phổi Vũ Hán ” trên mạng xã hội Facebook đã ra đời. Chỉ trong chưa đầy một tuần từ ngày lập, nhóm đã thu hút 2.833 cha mẹ tham gia cùng chia sẻ những trăn trở vào thời khắc rất khó khăn này. Đến nay, nhóm đã có hơn 3.500 thành viên.
Rất nhiều câu hỏi được các cha mẹ chia sẻ trên nhóm này như: Cho con về hay ở lại? Liệu về con có an toàn hơn không? Đi về con có bị nhiễm bệnh trên máy bay hay ở sân bay không? Phải làm thế nào đưa các con về khi nhiều hãng hàng không hoãn chuyến bay, nhiều nước cấm transit? Phải làm gì giúp con khi trường đóng cửa ký túc xá mà con muốn ở lại? Ở lại thì ở đâu cho an toàn trong lúc dịch bùng phát?
Trong khi nhiều trường đại học đóng cửa, tổ chức học trực tuyến qua mạng, nhiều du học sinh Việt Nam tại phương Tây đã quyết định về nước trước nỗi lo nhiễm bệnh mà chỉ có một mình ở nước ngoài. Đối với du học sinh mà đa phần các em còn ít tuổi, dịch bệnh thì ở đâu cũng nguy hiểm nhưng nơi nào có bố mẹ, có gia đình thì nơi đó là an toàn nhất.
Giống như nhiều du học sinh Việt Nam, du học sinh Trung Quốc tại Mỹ cũng có tâm lý muốn về nước trong trong bối cảnh số ca nhiễm tại Mỹ đã vượt mốc 100.000 còn Trung Quốc, quê nhà của họ, đã không còn ghi nhận ca nhiễm mới đến từ trong nước.
Bầu không khí khẩn trương còn nóng hơn vì số chuyến bay bị cắt giảm đáng kể. Ngày 24/3, 3.102 trong số 3.800 chuyến bay thương mại đến và đi khỏi Trung Quốc đã bị hủy, theo số liệu từ VariFlight.
Du học sinh Trung Quốc ở Mỹ, con em của những gia đình khá giả, đang thuyết phục phụ huynh chi hàng chục ngàn USD mua chỗ trên các máy bay riêng để trở về nhà, lánh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Các du học sinh Trung Quốc ở Mỹ lúc này cũng đang tìm mọi cách để quay về bất chấp những chuyến bay riêng kéo dài tới 60 giờ đồng hồ, đi kèm nhiều lần quá cảnh trên khắp Thái Bình Dương, lựa chọn gần như duy nhất trong bối cảnh toàn thế giới đang siết chặt biên giới và cấm cửa máy bay thương mại.
Bà Annelies Garcia, giám đốc thương mại của Private Fly, một doanh nghiệp chuyên đặt chỗ các chuyến bay thuê bao trên toàn cầu cho biết : “Các cơ quan giáo dục và nhà trường là những đơn vị đại diện cho các gia đình Trung Quốc liên lạc và tìm cách nhóm lại với nhau để sắp xếp một chuyến bay thuê bao, do thiếu các chuyến bay từ các hãng hàng không“.
Thế nhưng, cơ may cho những chuyến bay như trên đang khép lại rất nhanh, khiến giá cả bị đẩy cao. Công ty Air Charter Service có cung cấp các chuyến bay thuê bao cho hành khách từ Los Angeles (Mỹ) về Thượng Hải trên chiếc Bombardier 6000 với 14 chỗ. Giá của toàn chuyến bay này tầm 325.300 USD, tức khoảng 23.000 USD/chỗ (tương đương 530 triệu đồng).
Một nhóm đối tượng khác cũng có xu hướng về Việt Nam trong thời điểm này là lực lượng xuất khẩu lao động.
Những người Việt Nam ở nước ngoài theo diện xuất khẩu lao động là những người làm việc có thời hạn (thường là theo các hợp đồng 2 hay 3 năm) ở nước sở tại. Sau khi hết hợp đồng, họ sẽ phải về nước. Vì vậy, với họ, Việt Nam vẫn là nhà, là gia đình của họ. Họ không có nhiều liên kết với nước sở tại, đó chỉ đơn thuần là nơi là họ đi làm, kiếm tiền gửi về cho gia đình hay tích lũy vốn cho bản thân, chuẩn bị cho kế hoạch sau này trở về nước.
Khi công xưởng nơi họ làm việc ngừng hoạt động theo quy định của chính quyền địa phương thì họ sẽ có tâm lý tranh thủ về nước thăm nhà, thăm người thân thay vì ở lại mà không được đi làm ở nước sở tại, chỉ quanh quẩn trong căn hộ đi thuê.
Đó là một tâm lý thông thường của con người mà lại nhất là ở Việt Nam, nơi mà liên kết gia đình, dòng họ, quê hương bản quán vẫn còn rất khăng khít. Ngay cả ở trong nước, những người lựa chọn đi làm xa quê hương cũng thường đổ về quê vào những dịp cuối tuần, lễ tết. Đó cũng là lý do chính dẫn đến việc giao thông tại các cửa ngõ của các thành phố lớn ùn tắc vào những thời điểm này.
Còn tại Việt Nam, nhiều người với điều kiện cho phép đã lựa chọn giải pháp về quê tránh dịch.
Nhiều người cho rằng ở các thành phố lớn, người người đông đúc, không gian chật chội, ‘kẻ ra người vào’ từ khắp nơi đổ về, nguy cơ lây nhiễm rất cao nhất là với trẻ con, sức đề kháng còn yếu.
Hơn nữa, trường học cũng đóng cửa và tổ chức học trực tuyến cho học sinh.
Vì thế, nhiều người có gia đình ở quê quyết định đưa con rời xa phố thị, xa những tiện nghi nơi đô hội, xa những buổi hò hẹn bạn bè để về quê tránh dịch.
Ở quê, không khí trong lành, dân cư thưa thớt, chỉ có người địa phương sinh sống, qua lại nên nguy cơ bị nhiễm bệnh ít hơn.
Hơn nữa, ở quê, lúa gạo trồng được ; rau cỏ, cây trái có sẵn ; gà vịt nuôi được nên về lương thực, thực phẩm không có gì đáng lo ngại thậm chí đồ ăn ở đây còn an toàn hơn ở thành phố. Với nhiều người, về quê với ông bà là nơi ẩn náu lý tưởng cho con trẻ trong mùa dịch này.
Nhiều người có thể làm việc trực tuyến cũng sẵn sàng về quê, sống chậm tránh dịch trong thời điểm dịch bệnh ngày càng phức tạp.
Không chỉ người Việt muốn về quê mà nhiều nơi trên thế giới cũng chứng kiến người dân rời bỏ phố thị để tìm về không gian thoáng đãng, thiên nhiên trong lành cho những ngày loạn lạc.
Tại Pháp, trước thời điểm lệnh giới nghiêm có hiệu lực kể từ 12h trưa ngày 17/3, kinh đô ánh sáng Paris đã chứng kiến cuộc di tán của người dân thủ đô.
Nhiều người dân Paris đã đổ xô tới các nhà ga tàu trong thành phố và ra đường cao tốc để thoát khỏi thủ đô trước khi lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Mọi người sơ tán tới các vùng nông thôn nơi họ sở hữu ngôi nhà thứ 2 hay về nhà bố mẹ, nhà bạn bè thậm chí là nhà thuê để không phải ở lại trong căn hộ chật chội tại Paris.
Tại Ấn Độ, ngày 21/3, trước thông tin về lệnh giới nghiêm, hàng triệu người dân đã rời các thành phố lớn và ùn ùn đổ về quê.
Ở các ga tàu tại nhiều bang tại Ấn Độ, hàng triệu người dân tập trung đông nghẹt để trở về quê, bất chấp khuyến cáo của nhà chức trách là hạn chế tụ tập nơi đông người và tránh di chuyển không cần thiết.
Trong một diễn biến mới nhất, chính phủ Việt Nam đã ban hành những quy định mới nghiêm ngặt hơn để hạn chế tối đa việc giao lưu, tập trung đông người.
Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán sáng 26/3, Thủ tướng chỉ đạo từ 0h ngày 28/3 (trong một tuần hoặc vài tuần và sẽ xem xét cụ thể sau):
- Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người.
- Đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường, các cơ sở du lịch, tham quan, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các rạp chiếu phim, quán bia hơi, nhà hàng ăn uống…
- Đối với Hà Nội và TP.HCM, kể cả Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, cần thực hiện đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ, trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh, “như thế chúng ta bảo đảm nhu cầu cần thiết cho nhân dân, những dịch vụ không cần thiết trong lúc này thì tạm thời đóng cửa“.
“Hãy ở nhà” đã trở thành câu khẩu hiệu được gửi đi từ khắp mọi nơi trên trái đất, nhân loại đang chung tay trong nỗ lực ngăn chặn đà lây lan khủng khiếp của dịch bênh viêm phổi Vũ Hán. Vậy chúng ta làm gì khi ở nhà ? Bà Giang Hà, công dân Pháp đang sinh sống tại Hà Nội đưa ra lời khuyên bổ ích : Chúng ta kết nối cộng đồng, chúng ta viết, chúng ta phỏng vấn, chúng ta kể chuyện, chúng ta chung tay chống dịch bằng sức của chúng ta. Hãy làm tất cả những điều chúng ta có thể làm được trong mọi hoàn cảnh. Trong cuộc chiến chống dịch bệnh này, không phải là không ai bị bỏ lại, mà đúng hơn là đừng bao giờ tự mình bỏ lại chính mình. Hãy mềm mại và mạnh mẽ như nước.
Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)