Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 11/3 công bố Báo cáo Nhân quyền Quốc gia năm 2019, lên án tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2019 trên một loạt các lĩnh vực.
“Nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là một nhà nước độc tài được cai trị bởi một đảng duy nhất, Đảng Cộng Sản Việt Nam dẫn đầu bởi Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất vào năm 2016 không tự do và công bằng, dù có sự cạnh tranh một cách hạn chế của các ứng viên được Đảng chọn”, phần mở đầu về Việt Nam của báo cáo viết.
Báo cáo mới của Hoa Kỳ xác định các vi phạm của chính quyền Việt Nam trong các vấn đề bao gồm: bắt cóc, bắt giam người tùy tiện, tra tấn người bị bắt tạm giam, tình trạng đối xử bất công đối với các tù chính trị.
Hạn chế nghiêm trọng nhất ở Việt Nam theo báo cáo chính là hạn chế các quyền tự do bao gồm tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do internet, và tự do tôn giáo. Hoa Kỳ cáo buộc chính quyền Việt Nam đã bắt giữ tùy tiện những người dám lên tiếng chỉ trích chính phủ.
Báo cáo gồm 7 phần bao gồm: tôn trọng con người, tôn trọng các quyền tự do dân sự, bầu cử tự do, tham nhũng và minh bạch, phản ứng của chính phủ Việt Nam với các cáo buộc và điều tra của quốc tế về vi phạm nhân quyền, phân biệt đối xử và buôn người, quyền của người lao động. Trong tất cả các phần này, Việt Nam đều bị chỉ trích có những vi phạm, mức độ nghiêm trọng tùy theo từng phần.
Đối với phần tôn trọng con người, các quyền tự do dân sự, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu lên những trường hợp nạn nhân chết trong đồn công an và vụ blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do bị bắt cóc khi đang xin quy chế tị nạn ở Thái Lan hồi tháng 1 năm 2019.
Blogger Trương Duy Nhất đã bị giam giữ và không được có bất cứ tiếp xúc nào với người thân và luật sư trong nhiều ngày, trái với quy định của pháp luật.
Báo cáo cũng lên án tình hình đối xử với tù nhân nói chung và tù chính trị nói riêng ở Việt Nam.
Tù nhân ở Việt Nam thường phải nhận thức ăn có chất lượng thấp, điều kiện giam giữ chật chội. Thậm chí, có tù nhân không được chăm sóc y tế khi có bệnh.
Giới chức nhà tù cũng không kiểm soát được tình trạng tù nhân đánh tù nhân. Các tù chính trị thường bị chuyển đi các trại giam xa gia đình với các ví dụ điển hình là ông Lê Đình Lượng, Nguyễn Trung Trực. Ngoài ra họ còn bị hạn chế gặp gia đình, người thân.
Đối với các quyền tự do dân sự, báo cáo viết “Hiến pháp và luật cho phép quyền tự do biểu đạt bao gồm tự do báo chí, tuy nhiên, trên thực tế, chính phủ không tôn trọng các quyền này và nhiều luật còn vi phạm quyền tự do biểu đạt.
Chính phủ tiếp tục sử dụng các điều khoản về an ninh mạng và chống bôi nhọ để hạn chế tự do biểu đạt”.
Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam đã hạn chế tự do internet, chặn các website tiếng Việt của Đài Á Châu Tự Do, VOA và BBC. Chính phủ ép các công ty như Google và Facebook phải gỡ các link và video chỉ trích chính phủ.
Báo cáo trích nguồn từ chính phủ Việt Nam hồi tháng 7 năm ngoái cho biết Google đã gỡ gần 6.700 video từ YouTube, Facebook chặn 1.000 đường dẫn, 137 tài khoản nói xấu đảng và chính phủ.
Theo báo cáo, Chính phủ Việt Nam hiện không cho phép các tổ chức nhân quyền trong nước và độc lập được thành lập và hoạt động. Việt Nam cũng không chấp nhận những chỉ trích của các tổ chức hay cá nhân liên quan đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Trong phần cuối cùng nói về quyền của người lao động, báo cáo đề cập đến luật lao động sửa đổi mới đây của Việt Nam, trong đó cho phép người lao động thành lập công đoàn độc lập. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích các điều khoản trong luật đã hạn chế quyền này của người lao động, hạn chế quyền đình công của họ.
Mỗi năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều ra báo cáo nhân quyền về các nước trên thế giới. Việt Nam thường bị Hoa Kỳ lên án về tình trạng đàn áp nhân quyền qua các năm dù chính phủ Hoa Kỳ nhìn nhận Việt Nam có lúc đã có những điều chỉnh nhỏ vì bị chỉ trích nhưng thường không đủ.
Báo cáo mới đây của Bộ Ngoại giao Mỹ trích thống kê từ các tổ chức nhân quyền ước tính đến tháng 11 năm ngoái Việt Nam đã giam giữ khoảng từ 100 đến 260 người vì các lý do chính trị và tôn giáo.
Việt Nam các năm trước đều lên tiếng phản bác các cáo buộc của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền Việt Nam và cho rằng những cáo buộc này là vô căn cứ.
Hồi đầu năm 2020 Bản báo cáo hàng năm của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế Human Right Watch nhận định: các quyền tự do căn bản ở Việt Nam tiếp tục bị đàn áp trong năm 2019.
Năm 2019 là một năm tàn bạo đối với các quyền tự do căn bản ở Việt Nam khi chính quyền kết án tù ít nhất 30 nhà hoạt động và bất đồng chính kiến, theo báo cáo hàng năm của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) 2020 công bố hôm 14/1.
Theo báo cáo mới được công bố, chính quyền Việt Nam đã bỏ tù các nhà hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến chỉ vì họ đã thực hiện các quyền tự do căn bản như tự do biểu đạt, lập hội và tự do tín ngưỡng.
“Nhà nước độc đảng giới hạn một cách nghiêm trọng tất cả các quyền chính trị và dân sự căn bản, cấm bất cứ các hoạt động nào mà Đảng Cộng sản cho là mối đe dọa với độc quyền lãnh đạo. Đặc biệt, các nhà hoạt động và blogger bị giám sát, bị cấm đi lại, bị đánh đập, thẩm vấn, bắt giữ và bị kết án tù nhiều năm”, thông cáo báo chí của HRW hôm 15/1 có đoạn viết.
HRW cũng đồng thời chỉ trích Luật An ninh mạng có hiệu lực bắt đầu từ đầu năm 2019. Theo HRW, luật mới với những điều khoản mù mờ và trải rộng cho phép giới chức có quyền bí mật kiểm duyệt các bày tỏ ý kiến tự do, đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ phải gỡ bỏ các nội dung mà chính quyền cho là không đúng trong vòng 24 giờ đồng hồ kể từ khi nhà cung cấp dịch vụ nhận được yêu cầu từ chính phủ.
Tổ chức theo dõi nhân quyền HRW cũng cho rằng: Việt Nam là nước có nhiều tù nhân chính trị hơn bất kỳ quốc gia nào ở Đông Nam Á.
Liên quan đến việc Tờ trình của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) gửi Liên minh Châu Âu về Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam, HRW đưa ra 5 lĩnh vực ưu tiên liên quan đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam cần được đề cập—1) Những người đang bị tù hoặc tạm giam vì lý do chính trị; 2) Tình trạng đàn áp các quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và đi lại; 3) Ngăn chặn quyền tự do thông tin; Đàn áp quyền tự do tôn giáo; 5) Nạn bạo hành của công an.
Ông Phil Robertson Giám đốc HRW khu vực Châu Á giải thích:
Việt Nam có một lịch sử về đàn áp về nhân quyền. Điều chúng tôi muốn kêu gọi EU là yêu cầu Việt Nam phải cải thiện tình trạng nhân quyền và dùng đó làm điều kiện cải thiện mối quan hệ giữa hai bên.
Chúng tôi liên tục kêu gọi trì hoãn hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam, nhưng đáng tiếc rằng điều đó đã không xảy ra vào tuần vừa rồi khi Nghị viện Châu Âu quyết định phê chuẩn thỏa thuận đó.
Chúng tôi nghĩ rằng những ưu tiên mà chúng tôi đặt ra trong tờ trình đến EU phản ánh thực tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam; Việt Nam giam cầm một số lượng tù nhân chính trị đáng hãi hùng. Trên thực tế, khi nhìn xung quanh khu vực Đông nam Á, thì rõ ràng Việt Nam có nhiều tù nhân chính trị hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Khi nói đến sự đàn áp tự do ngôn luận, điều có thể quán sát thấy là những tấn công trực tuyến nhắm vào các nhà hoạt động, những người tổ chức các cuộc gặp công khai thường bị côn đồ đánh đập. Đó là vấn đề về lập hội và những hạn chế trong việc thành lập các tổ chức nằm ngoài sự kiểm soát của nhà cầm quyền ở Hà Nội.
Khi xem xét luật an ninh mạng thì thấy có sự kiểm soát quyền tự do thông tin. Hơn thế nữa, còn có sự đàn áp quyền tự do tôn giáo. Tất cả những điều này đều là những ưu tiên cần được đề cập và giải quyết.
Và tất nhiên, còn có nạn bạo hành của công an Việt Nam khi chúng ta thấy là họ dùng sử dụng biện pháp tra tấn có hệ thống họ bắt giữ người.
Trong Bộ luật hình sự Việt nam, những điều khoản 109, 116, 117, 118 và 331 đã được sử dụng để giam cầm người dân vì đã biểu tình trong hòa bình, lập hội, có bất đồng chính kiến với chính phủ, và liên quan đến các hoạt động tôn giáo.
Trên thực tế, việc hình sự hóa những vấn đề này rõ ràng đi ngược lại nghĩa vụ của Việt Nam vốn là một quốc gia đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị. Việt Nam tự tuyên bố rằng họ không hề lạm dụng quyền con người, vì những hành động của họ điều dựa theo luật pháp Việt Nam.
Tuy nhiên, theo cơ bản mà nói thì bộ luật Việt Nam không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, vì vậy Việt Nam cần sửa đổi luật lệ để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế đã được thông qua. Hoặc Việt Nam phải hủy bỏ những điều luật ấy, bởi sự tàn nhẫn của nó thì không thể sửa đổi. Những điều luật đó phải được đưa ra khỏi bộ luật hoàn toàn.
Khi từ khắp nơi trên thế giới đều gửi tới nhà cầm quyền tại Hà Nội các tiếng nói chỉ trích về hành động vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam, thì những điều sáo rỗng của ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bộ máy tuyên truyền dành cho người dân ở đây trở nên không còn ý nghĩa.
Mạng lưới Internet toàn cầu với trên 50 triệu tài khoản mạng Xã Hội của người dùng trong nước đã làm sáng tỏ sự thật. Đảng Cộng sản đã không còn phương cách để tiếp tục lừa dối trên 90 triệu người dân Việt Nam.
Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)