Việt Nam đang đứng trước nhiều bài toán lớn và hóc búa trong lúc đương đầu và xử lý dịch viêm phổi do virus Covid-19 hay virus corona chủng mới gây ra, trong đó có việc nên chấp nhận việc nối lại tự do đi lại với người Trung Quốc qua các cửa khẩu, biên giới Việt – Trung và có nên cho học sinh, sinh viên trở lại trường hoc hay không.
Về bài toán thứ nhất liên quan quan hệ Việt – Trung, hôm 20/2, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, tại một diễn đàn khu vực về hợp tác ứng phó dịch bệnh tại Vientiane, Lào, đã hối thúc các nước ở Asean, trong đó có Việt Nam, dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh đối với người Trung Quốc qua các cửa khẩu hay biên giới với Trung Quốc.
Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Tuấn, chuyên gia phản biện độc lập về chính sách xã hội và y tế, sức khỏe, bình luận:
“Đứng về phía đề nghị của Trung Quốc, chúng ta thấy xuất phát trên cơ sở để Trung Quốc cố gắng bình thường hóa nỗi lo về tình hình dịch ở Trung Quốc đối với các nước xung quanh, bởi vì nếu như tiếp tục các biện pháp có tính chất ngăn ngừa sự giao thương, thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của Trung Quốc và có thể gây nên những hệ lụy rất là nặng nề thêm khác. Cho nên vấn đề Trung Quốc đề nghị, tôi nghĩ rằng cũng có lý do phù hợp.
“Thế còn về phía Việt Nam chấp nhận hay không, trường hợp này đúng là một bài toán đòi hỏi phải có sự cân nhắc rất là mềm dẻo giữa vấn đề gọi là tính dịch tễ học và khả năng chống dịch của Việt Nam với tình hình thực tế.
“Chúng ta hiện nay còn thiếu thông tin, chưa rõ được số lượng người dân Trung Quốc sang đây là như thế nào. Thứ hai là hệ thống hoạt động hữu hiệu của bộ phận tại các cửa dịch, chúng ta (Việt Nam) làm tốt đến đâu.
“Điểm thứ ba nữa, chúng ta cũng đều biết rằng là dịch bệnh ở Trung Quốc hiện nay chưa kiểm soát xong và tính lây của dịch bệnh này là lây cả trong giai đoạn mà chưa có biểu hiện lâm sàng, tức là trong thời gian ủ bệnh.
“Cho nên việc Việt Nam tổ chức thế nào để giám sát tại các cửa khẩu, đồng thời tiến trình sau đó giám sát được các đối tượng vào ở các vị trí, nếu như cho vào.
“Nếu như không có triệu chứng lâm sàng mà cho vào, thì sau đó tiến trình giám sát mang tính báo cáo với bên y tế về vấn đề tự giám sát các triệu chứng lâm sàng để phát hiện tiếp những trường hợp có nguy có đã nhiễm mà vào Việt Nam, thì tôi cho rằng việc này hoàn toàn trong nội bộ Chính phủ Việt Nam phải cân nhắc.
“Nếu như hệ thống của anh thực sự tốt và kiểm soát được chặt chẽ tất cả các đối tượng vào, thì lúc đó có thể đặt bài toán ra trong vấn đề gọi là xét mối quan hệ với bên Trung Quốc, một nước láng giềng mà tôi cho rằng vẫn còn ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề khác.
“Còn nếu như hệ thống phòng chống dịch của chúng ta (Việt Nam) mà không đảm bảo được các yếu tố đó, thì tôi cho rằng lại trở thành các mối nguy. Tại sao? Bởi vì lúc đó nỗi lo của người dân lại từ trong chính Việt Nam, tức là nỗi lo của xã hội và lại có thể dẫn đến một tình trạng bất lợi khác.
Việc thông thương giữa hai nước cũng đang dần tốt lên, ví dụ một tuần trước Việt Nam vẫn còn giải cứu Thanh Long với giá từ 5-10 ngàn đồng/kg, thì trong vòng vài ngày gần đây thì giá Thanh Long đã tăng trở lại ở một vài cửa khẩu mà Trung Quốc và Việt nam đã thông thương.
Từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng, nhà nghiên cứu Trung Quốc học và quan sát bang giao Việt – Trung bình luận:
“Trong bối cảnh 80 quốc gia đang đóng cửa với công dân Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đều phải đóng cửa biên giới, Trung Quốc đang lâm vào thế bị cô lập , thập diện mai phục, khó khăn nhiều bề, không lạ khi ngoại trưởng Vương Nghị gây sức ép, đề nghị Bộ trưởng Phạm Bình Minh khôi phục hoặc nới rộng tự do đi lại với công dân Trung Quốc, mở đột phá khẩu cho công dân trong nước để giải toả bớt áp lực trong nước và quốc tế.
“Tuy nhiên, nguy cơ xét nghiệm âm tính giả, nguy cơ virus có trong nước tiểu hay các chất thải, ô nhiễm qua đường nước thải hay các con đường mà y tế hiện vẫn chưa khám phá hết.
“Việc các bác sĩ Trung Quốc cũng bị lây nhiễm và tỷ lệ tử vong không nhỏ đặt ra những vấn đề toàn cầu nghiêm trọng hơn rất nhiều so với dịch SARS hay thậm chí cả dịch Ebola, mọi động thái thận trọng trong chính sách đều không thừa, sẽ nhận được sự quan tâm rất lớn từ cả cộng đồng trong nước lẫn quốc tế, các quốc gia liên quan phụ thuộc vào nhau rất nhiều.
“Trung Quốc cũng không thể trách cứ Việt Nam nếu Việt Nam có lựa chọn giống 80 nước còn lại, an toàn của người dân và của nền kinh tế là trên hết sau đó mới tính đến chuyện “đột phá khẩu” hay nghĩa vụ quốc tế.
Mở rộng vấn đề thêm, nhà nghiên cứu này nói: “Đi kèm theo đề nghị này là đề xuất xả nước thuỷ điện để cứu sông Mê Công đang khô hạn nặng ở hạ nguồn, thể hiện hình ảnh “nước lớn có trách nhiệm“.
“Tuy nhiên việc xả nước thuỷ điện này theo đánh giá của chuyên gia không hề có tác dụng trong việc cứu đồng bằng sông Cửu Long đang bị khô hạn, trong khi nguy cơ của việc nới lỏng tự do đi lại cho công dân Trung Quốc không bối cảnh hiện nay mang lại mối nguy hại quá lớn.
“Sức ép của Trung Quốc đối với chính phủ Việt Nam sẽ là rất lớn, tuy nhiên theo tôi chỉ nên nới lỏng về giao thương hàng hoá và vẫn cần áp dụng nghiêm ngặt biện pháp cách ly và hạn chế đối với công dân Trung Quốc vì cơ sở hạ tầng về y tế của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Thời gian vừa rồi khống chế tốt được dịch chủ yếu do chính sách của chính phủ và nỗ lực của toàn dân, hàng triệu gia đình đã phải cho con nghỉ học ở nhà.”
Về bài toán thứ hai là liệu Việt Nam có nên cho học sinh, sinh viên trở lại trường học hay không, Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng, nói:
“Theo tôi tháng 3/2020, các trường Đại học và trường phổ thông chỉ có thể mở lại khi vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và cách ly 14 ngày đến 24 ngày với công dân Trung Quốc và công dân Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác đến từ các tâm dịch.”
“Nếu nhà nước có muốn có các động thái nới lỏng để phục hồi sản xuất, kích cầu các ngành hàng không, du lịch hay có các động thái ” hữu nghị” với Trung Quốc thì nên cho các cháu học sinh cấp I (Tiểu học), cấp II (Phổ thông Cơ sở) nghỉ nốt tháng Ba theo đề xuất ở TP. Hồ Chí Minh để giữ an toàn sức khoẻ tính mạng cho các cháu và đảm bảo sự an tâm cho các gia đình.
“Các cháu học sinh lớp 9, học sinh cấp III (Trung học Phổ thông) và đại học có thể cân nhắc nhập học trong tháng Ba để kịp chương trình.”
“Tôi nghĩ các chính sách ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng và chính sách mở cửa trường học trở lại liên quan mật thiết đến nhau.
“Kinh nghiệm tại Hàn Quốc, Nhật Bản cho thấy chỉ cần một, hai cháu lây nhiễm là sẽ có nguy cơ rất lớn cho việc dịch bệnh bùng phát trở lại, không nên mạo hiểm trong lúc này, chỉ có thể chọn một trong hai, mở cửa trường học hoặc nới lỏng tự do đi lại cho công dân Trung Quốc.
“Theo tôi, không nên cho tất cả trứng vào cùng một giỏ.
“Nhiều cuộc thăm dò ý kiến dư luận vẫn cho thấy khoảng 65% phụ huynh vẫn do dự chưa muốn cho con đến trường vào đầu tháng Ba.
“Để thể hiện tình hữu nghị của Việt Nam, có thể tiếp tục cung cấp khẩu trang, thuốc men, vật tư y tế , kinh nghiệm và phác đồ chữa bệnh, nhưng sức khoẻ tính mạng của các cháu bé và lòng tin, sự ủng hộ đồng lòng của người dân cần đặt cao hơn lợi ích kinh tế và tình hữu nghị quốc tế,” Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng nói.
Việt Nam ứng phó với virus corona thoạt đầu thụ động và khởi động chậm, sau đó lại thái quá không cần thiết, theo nhận định của Bác sĩ – Tiến sĩ Trần Tuấn. Tuy nhiên, ông cho rằng việc thông báo hết dịch với các tỉnh quá 30 ngày không có ca nhiễm mới sẽ có tác dụng giảm căng thẳng xã hội.
Nhận định của ông Trần Tuấn được đưa ra khi Bộ Y tế Việt Nam và UBND tỉnh Khánh Hòa bắt đầu xúc tiến các công việc để chuẩn bị công bố hết dịch Covid-19 tại tỉnh này.
Bộ này nói rằng, đến thời điểm này, quá 30 ngày Khánh Hòa chưa ghi nhận thêm bệnh nhân mới nào bị nhiễm bệnh, tức là tỉnh này đã đủ điều kiện để Khánh Hòa công bố hết dịch.
Trong khi đó, cũng theo thông tin từ Bộ Y tế, nếu trong vòng chưa đầy một tuần nữa, tỉnh Thanh Hóa nếu không ghi nhận thêm bệnh nhân mới, thì cũng sẽ được công nhận hết dịch.
Câu hỏi được đặt ra là dịch Covid-19 là bệnh mới, hiện còn diễn biến phức tạp, vậy việc công bố hết dịch tại Khánh Hòa, nếu có, liệu có quá sớm và sẽ tạo tâm lý chủ quan, lơ là trong việc phòng chống dịch bệnh với người dân và cả các địa phương hay không?
Ông Trần Tuấn cho rằng đây là điều nên làm trong hoàn cảnh hiện nay, nhất là khi trong xã hội đang có điều mà ông cho rằng lo lắng hơi thái quá về dịch Covid-19:
“Với những địa phương có số lây nhiễm thấp, đã qua thời hạn có người nhiễm mới theo quy định, đã đến lúc chúng ta có thể tuyên bố hết dịch ở đó, như một yếu tố trấn an và giảm đi sự lo lắng không cần thiết; đồng thời, tăng sự tự tin của chính quyền trong công tác phòng chống dịch“, ông Tuấn nói.
Trả lời câu hỏi Việt Nam là nước láng giềng, có quan hệ thông thường bằng cả đường bộ, đường biển và hàng không với Trung Quốc, nhưng số ca dương tính phát hiện thấp, trong khi tại Hàn Quốc thì tăng cao. Phải chăng do hệ thống phát hiện dịch của Việt Nam có vấn đề?
Ông Tuấn nói rằng, nguồn lây nhiễm của Việt Nam không chỉ bằng, mà có thể cao hơn so với nước khác trong khu vực. Bởi vậy, nguy cơ và số lượng người nhiễm đến Việt Nam chắc chắn nhiều.
“16 trường hợp chỉ là một phần thôi, con số thực tế sẽ cao hơn. Bởi Covid-19 cũng là một loại virus cúm, triệu chứng có phần giống với những dịch cúm thông thường, nên có nhiều trường hợp chưa biểu hiện lâm sàng, hoặc bị nhẹ và tự qua khỏi, nên người dân không để ý“.
“Ban đầu, phản ứng của Việt Nam chậm và mang tính thụ động. Khi các nước, như Thái Lan, Hàn Quốc đã chặn ngay nguồn vào, tức chấm dứt các chuyến bay xuất phát trực tiếp từ Vũ Hán, thì Việt Nam thời gian đầu chưa làm được như thế. Khi đó, Việt Nam cũng như chưa giám sát và cách ly người từ vùng dịch trở về hay giám sát tại cửa khẩu.”
“Tiếp đó, sau Tết, các lễ hội vẫn được tổ chức; chỉ đến khi mạng xã hội có ý kiến thì mới cho dừng tổ chức lễ hội.
Nhưng sau đó, tình hình lại chuyển sang lo lắng tới mức thái qúa, để rồi ra các quyết định thiếu cơ sở khoa học, như cho học sinh nghỉ học trên toàn quốc, người dân đổ xô đi mua khẩu trang dự trữ… Điều đó là lo lắng thái quá, gây thêm tổn thất không đáng có, khó lường về mặt y tế, kinh tế – xã hội và cả chính trị.”
Hiện nay tại Việt Nam đang có rất nhiều công dân Trung quốc sinh sống và nhập cảnh ngay khi dịch virus corona bùng phát gây chết người hàng loạt ở Vũ Hán, cộng thêm chiến dịch bưng bít thông tin của nhà cầm quyền tại Hà Nội sẽ làm cho mọi việc trở nên khó lường.
Khi giấu người dân, thì Đảng Cộng sản đã đem tính mạng con người ném vào ván cờ chính trị, nhằm kéo dài thời gian tồn tại của thể chế độc tài trên đầu nhân dân.
Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)