Sự việc ông Nguyễn Văn Đài được trả tự do có liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Đó là bước đầu tiên đáp ứng ngoại giao (đáp ứng yêu cầu của phía Đức), và rốt cuộc sẽ dẫn đến việc thả Trịnh Xuân Thanh ra khỏi tù trước thời hạn. Việt Nam phụ thuộc vào nước Đức. Đầu năm tới 2019, một Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam sẽ bắt đầu có hiệu lực, nhưng chỉ khi nào Cộng hòa Liên bang Đức không thực hiện quyền phủ quyết của mình trong Hội đồng châu Âu.
Trên tờ Frankfurter Allgemeine, một nhật báo tầm vóc liên bang và có uy tín nhất nhì nước Đức, số ra ngày thứ bảy 09/06/2018, có đăng một bài báo với tựa đề „Cho và nhận“ và ngay sau đó là hàng tít phụ „Tại sao Việt Nam muốn thả Trịnh Xuân Thanh trong một vài tháng tới“. Bài báo này đã được nhiều báo chí Đức đồng loạt trích đăng, đặc biệt hãng thông tấn Anh cũng đưa tin dựa vào nội dung bài báo trên. Sau đây là bản dịch bài báo của nhật báo Đức Franfurter Allgemeine:
Quan hệ giữa Đức và Việt Nam đang ở mức thấp kể từ khi xảy ra vụ bắt cóc một doanh nhân và cựu cán bộ Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đưa về Hà Nội hồi mùa hè năm ngoái. Khi đó, Chính phủ Liên bang Đức đã phản ứng bẳng các trục xuất một số nhân viên ngoại giao và đình chỉ “quan hệ đối tác chiến lược” với Việt Nam. Kể từ đó sự im lặng căng thẳng bao trùm trên các kênh công khai của cả hai quốc gia.
Mãi cho đến thứ sáu mới đây, Việt Nam thả nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài ra khỏi tù và cho ông cùng với vợ và nữ cộng sự của ông xuất cảnh sang Đức. Theo những thông tin mà tờ Frankfurter Allgemeine nhận được, sự việc ông Đài được trả tự do có liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Đó là bước đầu tiên đáp ứng ngoại giao (đáp ứng yêu cầu của phía Đức), và rốt cuộc sẽ dẫn đến việc thả Trịnh Xuân Thanh ra khỏi tù trước thời hạn trong vài tháng tới đây.
Việc trả tự do cho Nguyễn Văn Đài trông có vẻ như một cử chỉ nhân đạo. Trong thực tế, nó có một nguyên nhân chính trị sâu xa. Hồi 07/09/2017, ngay sau khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, một thư điện tử -mà tờ Frankfurter Allgemeine có được- đã được gửi thay mặt người đứng đầu Ủy ban Quốc hội và Ủy ban Nội các của Bộ Ngoại giao Đức đến chính quyền của các Bang. “Chúng tôi khuyên quí vị trong những tuần tới nên tránh các sự kiện gặp gỡ Đại sứ quán hoặc Chính phủ Việt Nam, tránh tiếp đón các vị khách cao cấp từ Việt Nam hoặc cử những phái đoàn đi đến Việt Nam“, thư viết như thế.
Vụ bắt cóc này là một “sự vi phạm trắng trợn của luật pháp Đức và quốc tế“. Chính phủ Liên bang dự trù sẽ có những biện pháp kế tiếp „trên bình diện chính trị, kinh tế cũng như viện trợ phát triển“. Theo ngôn ngữ thẳng thắng, điều đó có nghĩa rằng Chính phủ Liên bang sẽ không để yên vấn đề này, vì Hà Nội đã làm quá đáng.
Việt Nam phụ thuộc vào nước Đức. Đầu năm tới 2019, một Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam sẽ bắt đầu có hiệu lực, nhưng chỉ khi nào Cộng hòa Liên bang Đức không thực hiện quyền phủ quyết của mình trong Hội đồng châu Âu (chú thích của người dịch: European Council là cơ quan chính trị cao nhất của Liên minh châu Âu, gồm các nguyên thủ quốc gia của các nước thành viên EU cùng với chủ tịch Ủy ban châu Âu). Phía EU đã lưu ý chính phủ Hà Nội về thực tế này mà không cần nói rõ nó có liên hệ với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Hồi ông Thanh đứng trước tòa án Hà Nội, một đại diện của EU cũng đã đến tham dự với tư cách quan sát viên.
Không phải chỉ có Hiệp định này mà thôi. Đức cũng đã đình chỉ “Quan hệ Đối tác Chiến lược” với Việt Nam, trong đó ngoài các việc khác còn có việc tăng cường quan hệ thương mại. “Cả hai Bên đều coi trọng đối thoại về các nguyên tắc của Nhà nước Pháp quyền và những cách thức thực hiện nó, bao gồm việc thực thi quyền con người trong Nhà nước Pháp quyền“, đó là một câu trong Tuyên bố chung Hà Nội năm 2011 (Việt Nam và Đức – Đối tác chiến lược vì tương lai).
Nội dung câu trên Việt Nam vẫn còn có thể tuân theo sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Việt Nam có lý do cần phải xoa dịu Chính phủ Liên bang Đức. Cơ hội cho việc này thì có đủ. Trong những tháng gần đây, Đại sứ Việt Nam tại Đức đã nhiều lần là khách mời tại Bộ Ngoại giao. Ông đã được tiếp bởi các đại diện cấp cao, một Quốc vụ khanh và một Vụ trưởng có thẩm quyền. Theo nhiều nguồn tin mà tờ báo này nhận được, Hà Nội đã có những nhượng bộ sâu rộng.
Một nhượng bộ là nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Đài, vợ ông và một nữ cộng sự của ông đã được thả ra khỏi tù vào ngày thứ sáu mới đây và được xuất cảnh sang Đức. Còn về nạn nhân bị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Hà Nội cam kết rằng phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh sẽ có sự hiện diện của các quan sát viên quốc tế và Bộ luật Tố tụng Hình sự mới, có hiệu lực từ tháng giêng năm nay, sẽ được áp dụng, trong số những thay đổi của Bộ luật mới, bị cáo không còn đứng trước vành móng ngựa để khai báo, thay vào đó là bục khai báo.
Việc phóng thích Trịnh Xuân Thanh cũng được bàn tới. Hiện ông Thanh đang thụ án tù chung thân vì bị cáo buộc quản lý kinh tế sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian làm giám đốc một công ty nhà nước. Sự nhượng bộ là: Nếu phiên tòa tại Berlin xét xử Nguyễn Hải Long kết thúc vào mùa thu năm nay và sau một thời gian lắng đọng, thì Trịnh Xuân Thanh cùng với con trai sẽ được cho xuất cảnh sang Đức (chú thích của người dịch: Trịnh Xuân Thanh có 4 con, trong đó có 2 con nuôi. Hiện nay vợ Trịnh Xuân Thanh và 3 đứa con, 2 gái 1 trai, đang cư ngụ tại Berlin. Nếu vào đầu năm tới 2019 Trịnh Xuân Thanh cùng với con trai được xuất cảnh sang Đức, thì cả gia đình đầy đủ sinh sống ở Đức). Đúng vào đầu năm tới 2019, thời điểm theo như dự định Hiệp định Thương mại sẽ bắt đầu có hiệu lực. Ngoài ra, còn có việc cải thiện điều kiện giam giữ cho các tù nhân chính trị khác tại Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Đức hôm thứ Sáu hoan nghênh việc trả tự do cho ông Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà, nữ cộng sự của ông với những từ ngữ rõ ràng. Trong cuộc họp báo, một nữ phát ngôn viên nói việc trả tự do này “được coi là một bước nhân đạo đáng chú ý của phía Việt Nam“. Đó là một “tín hiệu tốt cho đối với cộng đồng quốc tế“. Câu đó nghe khác hẳn với nội dung thư điện tử của Bộ Ngoại giao hồi tháng 8 năm 2017 “cân nhắc những biện pháp kế tiếp trên bình diện chính trị, kinh tế và viện trợ phát triển“.
Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Biên dịch)