Năm nay, Làng trẻ em SOS ở Việt Nam sẽ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập. Trong ba thập kỷ qua đã có 17 Làng trẻ em SOS và hơn 50 cơ sở, chương trình dành cho trẻ em và những gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn được hình thành ở Việt Nam, đó là 12 cơ sở dành cho thiếu niên, 12 trường Hermann-Gmeiner, 16 nhà trẻ, 4 trung tâm dạy nghề, 6 chương trình hỗ trợ gia đình và 1 trung tâm y tế.
Làng trẻ em SOS là một tổ chức độc lập, phi chính phủ hoạt động ở 133 quốc gia. Hình thức pháp lý của Làng trẻ em SOS ở các quốc gia khác nhau, nhưng thông thường là một hội hoặc một quỹ từ thiện. Trong khi ở các nước đang phát triển hoặc mới nổi thì phần lớn là trẻ em mồ côi được sống trong các Làng trẻ em SOS, nhưng ở các nước phát triển, các Làng trẻ em SOS thường chăm sóc các cháu được coi là „mồ côi về mặt xã hội“, tức là cha mẹ các cháu, vì một lý do nào đó không thể hoặc không được nuôi dạy con. Chữ SOS là viết tắt của chữ „Societas Socialis“, có thể hiểu là „Cộng đồng xã hội“. Trụ sở của tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế được đặt tại Innsbruck, Áo. Ông Hermann Gmeiner là người sáng lập Làng trẻ em SOS với ý tưởng tạo nên một gia đình cho những đứa trẻ mồ côi và bị bỏ rơi sau chiến tranh, đã thành lập Hội Làng trẻ em SOS và xây dựng Làng trẻ em SOS đầu tiên tại Umst thuộc Cộng hòa Áo năm 1949.
Năm 1967, ông Helmut Kutin, từng lớn lên trong Làng trẻ em SOS tại Imst, nay là Chủ tịch danh dự của tổ chức này đã sang Việt Nam để xây dựng Làng trẻ em SOS tại Sài Gòn, Làng trẻ em SOS đầu tiên ở ngoài châu Âu, khi đó là Làng trẻ em SOS lớn nhất thế giới. Nhưng vì hậu quả chiến tranh, ông đã phải rời khỏi Việt Nam năm 1976 để rồi 11 năm sau, năm 1987, ông đã thực hiện lời hứa của mình là trở lại Việt Nam để xây dựng Làng trẻ em SOS.
Từ đó tới nay, các Làng trẻ em SOS và các chương trình hỗ trợ trẻ em và gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam đã liên tục phát triển mạnh, hiện nay với 17 Làng trẻ em SOS và hơn 50 chương trình hỗ trợ, Việt Nam đã trở thành một quốc gia trọng điểm và mô hình thành công trong công việc của tổ chức Làng trẻ em SOS tại châu Á.
Văn Long – Thoibao.de (Tổng hợp theo báo chí Áo)