CHỐNG THAM NHŨNG KHÔNG PHẢI LÀ CÔNG CỤ CHIA CHÁC TIỀN THAM NHŨNG

Một xã hội càng tha hóa khi những kẻ nhân danh chống tham nhũng coi công cuộc cấp thiết này như một công cụ chia chác tiền tham nhũng. 

Khi Duy Phong bị bắt, rất nhiều đồng nghiệp ở miền Bắc cho tôi biết những tai tiếng trước đó của anh nhưng tôi vẫn khuyên các bạn trẻ đừng định kiến, cần suy đoán theo hướng vô tội. Và, đây là một diễn tiến không bất ngờ nhưng thật đau lòng.

Cho dù vụ “bắt quả tang nhận tiền tại bàn ăn” có nhiều dấu hiệu là một vụ gài bẫy, tôi vẫn phê phán sự “bất cẩn” của Duy Phong và báo GDVN khi vừa “chống tham nhũng ở Yên Bái” lại có thể quay lại đó mà không cảnh giác. Nếu đúng như Bộ Công an đã thông tin, trong thời điểm đó mà Phong vẫn còn có thể lên Yên Bái “cung cấp thông tin” và yêu cầu Giám đốc sở KHĐT, Vũ Xuân Sáng, đưa 200 triệu, thì đúng như tôi chat với một nhà báo trẻ ở HN, “tôi không đủ kiến thức để hiểu thế hệ nhà báo hiện nay”.

Hành động đưa 200 triệu cho Duy Phong của ông Vũ Xuân Sáng đã đủ yếu tố cấu thành tội đưa hối lộ, nhất là khi CAYB khởi tố Duy phong về tội “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn”. Tuy nhiên, rất có thể Yên Bái sẽ cứu ông Sáng bằng cách coi đó như một kịch bản “làm án” của CAYB [thay vì bắt Duy Phong khi ông Sáng đưa 100 triệu lần hai, CA đã bắt Duy Phong theo kịch bản không có ông Sáng]. Trong trường hợp đó thì phải khởi tố cả ông Thực và ông Sáng theo Điều 20 của BLHS, “xúi dục người khác phạm tội”.

Cả hai tình huống đều đã có án lệ: Vụ án xử nhà báo Hoàng Khương, Tuổi Trẻ 4 năm tù; và vụ phòng PV11, CATP HCM yêu cầu khởi tố nhà báo Nguyễn Hoài Nam, Thanh Niên, khi anh được cho là “bẫy CSGT nhận hối lộ”; PC11 coi hành vi của Hoài Nam, tương tự như hành vi của ông Thực và ông Sáng, là “tạo tình huống thúc đẩy người khác phạm tội”.

Huy Đức