MINH BẠCH GIÁ CẢ DỊCH VỤ CÔNG

Ở Thụy Điển có một dinh thự dành riêng cho Thủ tướng, nhưng hầu như không một thủ tướng nào chịu vào đó ở cả. Họ phần lớn vẫn sống trong căn hộ của mình, và nhiều người hàng ngày vẫn đến cơ quan làm việc bằng tàu điện. 

Ở Hà Lan, Thủ tướng thậm còn hàng ngày đi làm bằng xe đạp, không có xe dẫn đường cũng không có người bảo vệ. Chi phí cho hoạt động điều hành chính phủ ở Thụy Điển và Hà Lan nhờ đó được cắt giảm rất nhiều. Hoạt động điều hành chính phủ, cũng như các hoạt động quản lý nhà nước khác suy cho cùng cũng chỉ là những dịch vụ công. Đây là những dịch vụ cần thiết để bảo đảm công lý, trật tự, pháp luật và thúc đẩy sự phát triển.

Tuy nhiên, đây là những dịch vụ mà giá cả của chúng chủ yếu nằm ngoài quy luật cạnh tranh của thị trường. Về bản chất, giá cả của những dịch vụ công này được quyết định bởi biên chế, tiền lương và chế độ, chính sách. Trong quá trình hội nhập quốc tế, yếu tố biên chế và yếu tố tiền lương đang ngày càng trở nên minh bạch hơn. Và chúng ta đã có cơ hội nhận biết không ít những bất hợp lý rất lớn ở đây. Ví dụ, như số lượng công chức của Việt Nam ta là quá lớn so với nhiều nước trên thế giới hay lương trả cho các công chức, đặc biệt là các công chức mới được tuyển dụng là quá thấp. Riêng yếu tố chế độ, chính sách thì lại đang ít minh bạch hơn rất nhiều. Nhà công vụ là một phần cấu thành thành của yếu tố chế độ, chính sách. Nhà công vụ càng nhiều thì tất nhiên giá cả của các dịch vụ công nói trên càng đắt đỏ. Điều đáng nói hơn, nếu quan chức đã về hưu vẫn còn tiếp tục được ở nhà công vụ, thì những người dân vẫn đang phải tiếp tục chi trả cho những người chẳng còn cung cấp dịch vụ gì cho mình nữa cả. Đây là một thứ chi phí hết sức bất hợp lý mà thị trường sẽ không bao giờ chấp nhận, thế nhưng, rất tiếc, trong lĩnh vực công thì lại rất dễ được cho qua. Lý do, thì như đã nói ở trên, không hề có cạnh tranh trong lĩnh vực công.

Thực ra, không có cạnh tranh không phải là khiếm khuyết duy nhất. Một khiếm khuyết rất đáng lưu tâm khác là: khách hàng không có khả năng mặc cả. Khách hàng của các dịch vụ công tất nhiên là nhân dân. Và nhân dân thường không có cách thức nào để thương lượng về mức chi phí thế nào là hợp lý cho các dịch vụ công. Để bảo đảm một sự công bằng nhất định ở đây, các chế độ, chính sách cho các quan chức nên được đưa ra thảo luận tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân, và phải được Quốc hội và Hội đồng nhân dân phê chuẩn. Thôi thì khách hàng không có điều kiện mặc cả, thì ít nhất những người đại diện cho khách hàng phải làm được điều này.

Cuối cùng, nếu chế độ, chính sách là những chi phí góp phần nâng cao chất lượng của các dịch vụ công, thì có lẽ chi trả thêm cũng là hợp lý. Tuy nhiên, các quan chức cũng cần tìm cách chứng minh cho công chúng thấy rõ đó là những chi phí thật sự hợp lý hay nói như trong dân gian là hoàn toàn “đáng đồng tiền, bát gạo”.

Ts. Nguyễn Sĩ Dũng